Nội san

Sự dốt nát hí hửng

15 Tháng Tám 2011

 

Phan Cẩm Thượng

 

Ngay từ thời phong kiến, làm tranh giả, thư pháp và đồ cổ giả đã là một nghề kiếm hời. Luật bản quyền chưa có, vua chúa dường như không cấm đoán, thậm chí coi việc xem nghệ thuật, mà phân biệt được chân giả được coi là tài năng, có con mắt tinh đời, như vậy mới xứng đáng là người gìn giữ báu vật. Kẻ làm đồ giả cũng được coi là có tài năng, cũng phần nhiều xuất thân từ đám sưu tập, hoặc do tham tiền, hoặc do ham chơi đồ quá khả năng mà phá sản, đem cái năng khiếu của mình đổi lấy chút bạc vụn trong cái chốn thật giả bất phân. Truyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh có kể về những cú lừa ngoạn mục, kẻ muốn lấy một lấy một cây cổ cầm, đã dụng công luyện cho tiếng đàn của mình mê hồn để dụ kẻ có đồ tự đem đàn đến. Trong Hàn lâm viện của triều đình, có những họa công chuyên chép lại những bức tranh cổ của nhiều triều đại trước để lại, sắp mục nát. Dân gian cũng có những xưởng chuyên sao chép đồ gốm, thư họa, gọi là minh khí, tức là mô hình, đồ mô phỏng, đồ chép lại, bán với giá rẻ, còn ai không biết, thì cứ việc lừa như bán đồ thật. Đồ minh khí ở Việt Nam có ngay từ thời Đông Sơn.

Ngoài đường, trên các phố phường đầy rẫy những cửa hàng chép tranh và bán. Quy định về việc này do những người ít am hiểu về hoạt động nghệ thuật soạn thảo, nên rất lỏng lẻo và không thiếu lổ hổng. Nhiều tác giả, mà đám chép tranh rất thích lại được phép theo quy định này, ví dụ như Tô Ngọc Vân. Nhưng các cửa hàng này chưa tệ bằng các gallery và nhiều sưu tập. Họ chép tranh ít hơn, nhưng kiếm lời nhiều hơn và phá hoại sự phát triển lành mạnh của nghệ thuật thì không ai bằng. Vậy phải xem tranh như thế nào để phân biệt chân giả. Đây không phải công việc có thể chỉ dựa vào mắt thường và kinh nghiệm thuần túy, dù có tinh tường đến mấy. Đối với một danh họa, phương Tây phân biệt ra ba loại tranh: tranh thật do chính hoạ sỹ vẽ, tranh do họa sỹ vẽ phác thảo, hoặc chỉ vẽ một phần, gọi là tranh xưởng họa (artist studio), và cuối cùng là tranh còn tồn nghi. Ba loại này đưa cho chuyên gia và máy tính cùng phân tích để tổng kết ra những đặc điểm của phong cách cá nhân, kỹ thuật hội hoạ riêng biệt. Tìm những chứng từ mua bán và sở hữu. Kết luận cuối cùng vẫn là sự nhậy cảm của một chuyên gia, mà cả đời ông này chỉ nghiên cứu có một hai họa sỹ. Những giám định khảo cổ học về niên đại của vật liệu, vải vẽ, chứng tích ADN nếu có, cũng quan trọng.

Chúng ta đang sống trong thời như vậy, đang ở năm 2004, cũng có một nền hội họa không kém ai, nhưng chẳng hề đếm xỉa đến những phương tiện như trên, và có một hội đồng nghệ thuật mà nếu cho giám định một đồ cổ, một bức tranh chắc chắn là toát mồ hôi hột và ú ớ. Vậy là bạn nếu có mua tranh, thì cứ tự mình quyết định thôi. ở nước ta tác phẩm của danh họa có thể bị làm tranh giả, chủ yếu sáng tác từ năm 1930 đến 1990, nghĩa là trong phạm vi 60 năm qua. Không khó khăn gì để phân biệt những đặc điểm của kỹ thuật và vật liệu trong thời gian đó. Trước 1955, ta không có sơn dầu Nga và Trung Quốc, trước 1980 ta không có sơn dầu Đài Loan và phương Tây nói chung. Những loại sơn dầu này hoàn toàn có những đặc điểm khác nhau về chất và kỹ thuật vẽ. Vải vẽ, giấy vẽ cũng khác. Các loại giấy báo và giấy in trước 1945 và 1955 hoàn toàn khác với giấy vẽ từ năm 1955 cho đến 1980 và từ 1980 đến nay. Nhìn chung phương tiện bây giờ càng ngày càng nhiều và phong phú hơn, nhưng đối với nghệ thuật hội họa thì hình như các vật liệu càng được sản xuất thủ công càng dễ biểu cảm cái đẹp. Trong trường hợp chất liệu sơn mài, mầu sắc bây giờ đa dạng hơn trước rất nhiều, đặc biệt là hệ mầu xanh, nhưng chất lượng sơn ta, vàng, bạc, son đều kém so với thời điểm những năm 60 đổ về trước. Đây là cái mà ta có thể căn cứ để nhận biết những tranh thật giả của Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tư Nghiêm. Thuốc nước và mầu cái thời Nguyễn Phan Chánh cũng đạm bạc hơn về mầu, hòa tan trong nước hơn so với thuốc nước bây giờ, chất lụa mịn màng thớ đều và dầy mà họa sỹ dùng cũng vô cùng khó kiếm. Do đó cũng rất dễ phân biệt về các tranh chép về Nguyễn Phan Chánh hiện nay.

Họa sỹ có thể vẽ một mạch, có thể vẽ đứt đoạn. Nhưng tình cảm và bút pháp của họ trên một bức tranh thường nhất quán, cách hoà trộn mầu, cách đan mầu là một thách thức đối với người chép tranh. Do vậy, kẻ chép thường dùng sơn mới để tạo ra những hoà sắc không thể pha được bằng sơn cũ (tính cả sự thay đổi theo thời gian), dùng cách vẽ ngược, như chỗ để thừa ra thì lại vẽ nổi lên trên, nét đan xuống dưới trước thì lại vẽ sau. Bút pháp tạo hình với tỉ lệ của bức họa cũng là một đặc điểm nữa. Ví dụ Bùi Xuân Phái thường vẽ tranh khổ nhỏ, vẽ nhiều mầu bằng một bút duy nhất. Trong diện tích nhỏ xích lô có thể to bằng gần bằng cái nhà, người đứng có thể bằng nửa cột đèn. Nhưng khi kẻ chép tranh phóng to lên, tỉ lệ đó lại không hợp lý. Và họ không thể dùng một bút vẽ cả bức tranh như ông Phái.

Nét vẽ là một quá trình đào luyện và biểu cảm của trí tuệ. Học vấn đến đâu thì nét vẽ có học vấn đến đó. Không dễ gì bắt trước được những nét loạc quạc của Nguyễn Tư Nghiêm. Bố cục, không gian giữa bản chính và bức chép về cơ bản là giống nhau, nhưng họa sỹ thường dùng những nét phá và hòa sắc để làm mất tính cân đối hoặc lấy lại sự hài hòa cho bức họa. Đây cũng là đặc điểm những người chép tranh thường mắc lỗi. Gần đây, nhiều sưu tập dùng ký họa của họa sỹ chuyển thể sang chất liệu sơn dầu, sơn mài, nhưng so với ký họa thì đờ đẫn lắm, và mầu sắc thì thường phải bịa cho hao hao giống phong cách của họa sỹ. Họ còn dùng ảnh để phóng ra những chân dung tự họa, và những chân dung người cùng thời của họa sỹ. Nhưng đặc điểm của thấu kính máy ảnh thì vật gì gần thì thường to và nổi, vật ở xa thì thường bị méo và nhỏ cho nên một mặt người chép theo ảnh thì thường thiếu sọ và đầu như cắm vào cổ. Vậy mà sự dốt nát rất hí hửng khi lừa được vài ông Tây bà đầm lắm đô la. Bức hoạ sau vài chục năm là khô hết chất dầu bên trong. Đặt tay lên bề mặt bức họa, ngửi chất sơn, thấy khô hoàn toàn và không còn mùi, là bức tranh đã vẽ lâu, và cái sự cũ này đã bao nhiêu lâu còn tùy thuộc vào cách cảm nhận. Cũng như vậy dù có dùng phương tiện gì, cách phân tích khoa học nào, cũng không thể thay thế cho sự nhậy cảm. Xem bức tranh, cũng như đứng trước một con người, họ thành thật hay giả dối, không phải khó khăn gì ta mới biết. Và tại sao có tiền cứ phải chạy theo những người nổi tiếng đã chết, điều đó nói rằng ta kém cỏi, không tin vào con mắt của mình. Tại sao không để tiền mua tranh các hoạ sỹ trẻ đương thời vừa rẻ hơn, vừa đảm bảo là tranh thật. Tuy khó nhận biết, nhưng cái đẹp đương thời là cái đẹp sống động. Đối với nghệ sỹ nghĩ đến họ lúc đang sống là tốt nhất./.

 

 2004