Nội san

Giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thông qua việc tổ chức các hoạt động của đoàn TNCS Hồ Chí Minh

19 Tháng Tám 2011

ThS. Đỗ Ánh Tuyết

Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên

 

            Giáo dục thẩm mỹ là nội dung quan trọng trong hệ thống giáo dục hiện nay, góp phần tích cực trong việc hình thành nhân cách, nâng cao khiếu thẩm mỹ cho con người. Ngoài ra, giáo dục thẩm mỹ còn giúp mỗi cá nhân có khả năng nhận ra và đánh giá đúng về vai trò của cái đẹp cũng như hành động theo những quy luật của cái đẹp. Chính những điều đó sẽ mở ra cho mọi người nói chung, thế hệ trẻ (cụ thể là thanh niên, học sinh) nói riêng khả năng chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn, đặc biệt là sáng tạo cái đẹp trên cơ sở các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

            Trong việc giáo dục năng lực thẩm mỹ, hình thành và hoàn thiện nhân cách của sinh viên, nhà trường giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Bởi đây là nơi các em được thụ hưởng nền giáo dục một cách hệ thống, hoàn chỉnh và toàn diện nhất. Từ giảng đường trường ĐHSP Nghệ thuật TW – cơ sở giáo dục đầu ngành về đào tạo giáo viên nghệ thuật trong cả nước – lớp lớp đoàn viên sinh viên đã được giáo dục, rèn luyện, trở thành những thầy cô giáo “vừa hồng vừa chuyên”, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển văn hoá - giáo dục của nước nhà.

            Lênin từng khẳng định rằng, giáo dục là “phạm trù vĩnh hằng”- tồn tại mãi mãi cùng loài người, thế hệ trước phải truyền cho thế hệ sau các kinh nghiệm lịch sử - xã hội, tạo nên sự tiến hóa không ngừng của loài người. trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo trong việc tổ chức nhiều chương trình hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Liên hoan ca múa nhạc, triển lãm tranh, câu lạc bộ Hip-hop, dance sport, thời trang, tư vấn tâm lý… Đây thực sự là những sân chơi bổ ích, lành mạnh, thu hút được sự quan tâm và tham gia đông đảo, nhiệt tình của sinh viên. Chính điều đó đã góp phần quan trọng trong giáo dục và định hướng năng lực cảm thụ các giá trị thẩm mỹ cho sinh viên nhà trường.

            1. Lấy đối tượng sinh viên làm trung tâm của hoạt động giáo dục thẩm mỹ.

            Việc nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm đặc trưng của sinh viên, phát huy tính chủ động, tích cực của các em trong suốt quá trình giáo dục. Các hoạt động của Đoàn thanh niên phải giúp sinh viên hình thành được những giá trị, những chuẩn mực thẩm mỹ cao đẹp phù hợp với lý tưởng sống, đồng thời kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện của những tư tưởng, lối sống không lành mạnh. Để đạt được những kết quả đó, trong từng hoạt động, Đoàn thanh niên nhà trường luôn trao quyền tự chủ cho sinh viên trong mọi việc, từ sáng tạo, đề xuất cho đến hiện thực hóa các ý tưởng, triển khai các hoạt động… Lãnh đạo Đoàn thanh niên luôn tin tưởng vào năng lực của các đoàn viên sinh viên, sẵn sàng tham vấn, hỗ trợ khi cần thiết. Đoàn thanh niên luôn giữ vai trò kiểm tra, giám sát, điều khiển các quá trình triển khai hoạt động của sinh viên, còn sinh viên thì chủ động triển khai các hoạt động dưới sự hỗ trợ của lãnh đạo Đoàn trường. Như vậy, việc lấy đối tượng sinh viên là trung tâm đã tác động tích cực đến kết quả cũng như chất lượng của các hoạt động mang tính giáo dục thẩm mỹ của trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

            Giáo dục thẩm mỹ đúng đắn và lành mạnh cho sinh viên trong nhà trường luôn hướng tới mục đích làm cho mỗi cá nhân phát triển hài hoà, toàn diện về nhân cách, chuẩn bị cho họ một bệ đỡ về mặt tinh thần, phát huy năng lực cá nhân, trang bị hành trang cho học tập, lao động, sáng tạo và cống hiến sau này. Nhận thấy rõ tầm quan trọng đó nên hàng năm, Đoàn thanh niên trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn duy trì đều đặn các hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên nhà trường.

            2. Giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên là tập trung vào giáo dục khát vọng sáng tạo cái đẹp thông qua tổ chức các hoạt động.

            Cảm thụ thẩm mỹ xét cho cùng là hoạt động tâm lý đặc thù của con người, là quá trình chuyển hóa những nội dung mang ý nghĩa xã hội từ khách thể vào ý thức thẩm mỹ của chủ thể nhằm mang lại khoái cảm thẩm mỹ; qua đó kích thích khả năng thưởng thức và sáng tạo thẩm mỹ cho chủ thể. Trong trường học, giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên là tập trung vào giáo dục khát vọng sáng tạo cái đẹp, hoàn thiện về nhân cách, tạo ra các chuẩn mực nhằm định hướng các giá trị của cuộc sống. Nó sẽ được hiện thực hoá bằng các hoạt động như: Liên hoan ca múa nhạc, chợ quê sinh viên, lễ hội hóa trang, hội thi vẽ tranh, triển lãm tranh, thực hiện các cuộc vận động “Tuổi trẻ Trường Đại  học Sư phạm Nghệ thuật TW học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng văn hóa học đường và văn minh công sở”, “Xây dựng văn minh, kỷ cương Ký túc xá”,… Chúng ta có thể kể tới một số hoạt động thú vị trong số đó như:

 

a. Chợ quê sinh viên.

 

Gian hàng chợ quê – K3B Sư phạm Mỹ thuật

 

            Đến với chợ quê, sinh viên không chỉ được mua bán mà còn là nơi tiếp xúc, giao lưu, vui chơi, đáp ứng những nhu cầu mang tính văn hóa: đi chợ, dạo chợ, ngắm các sắc màu hàng hóa, thưởng thức những món ăn quen mà lạ, cảm nhận cái náo nhiệt rất đặc trưng chỉ nơi này mới có, và còn là nơi để gặp gỡ hẹn hò của những đôi lứa yêu nhau.

            Nhằm làm phong phú hoạt động tinh thần của sinh viên, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tổ chức Chợ ẩm thực sinh viên với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các bạn sinh viên trong toàn trường. Hoạt động này có sự đóng góp của nhiều mặt hàng khá đa dạng từ nhiều làng quê như: bánh trôi, bánh chay đậm đà, bánh dầy Quán Gánh dẻo thơm, khoai lang nướng nức một góc chợ bên hồ, đâu đó hương ngan ngát của nồi nước chà xanh, vị béo ngậy của đĩa ngô chiên, hay hương thơm rất đặc trưng của mẻ ngô nướng vẫn còn vương mùi khói. Không chỉ thể hiện sự khéo léo, nữ công gia chánh qua các món ăn, các bạn sinh viên còn cho thấy sự sáng tạo qua những mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo (như chuông gió, đồ lưu niệm…), khả năng viết thư pháp, ký họa. Tất cả đã làm bừng lên không khí ẩm thực của phiên chợ quê sinh viên trong lòng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Nếu ghé qua chợ quê sinh viên một lần, chúng ta mới thực sự cảm nhận được hết sự đa dạng, hài hòa, thể hiện óc sáng tạo và khiếu thẩm mỹ của sinh viên trong việc trang trí gian hàng cho đến rực rỡ sắc màu trong các món ăn. Bởi vậy mà nhiều người đã phải trầm trồ “chỉ muốn ngắm mãi mà không lỡ ăn” các tác phẩm nghệ thuật ẩm thực trong chợ quê sinh viên đó.

b. Triển lãm tranh sinh viên.

            Thẩm mỹ là khả năng của con người được thực tiễn xã hội rèn luyện trong việc đánh giá bằng cảm xúc những tính chất thẩm mỹ khác nhau về cái đẹp. Thẩm mỹ tốt nghĩa là khả năng thưởng thức cái đẹp một cách chân chính, là nhu cầu tiếp thu và tạo ra cái đẹp trong lao động, trong sinh hoạt, trong ứng xử và cả trong nghệ thuật. Với sinh viên nghệ thuật, việc cảm thụ cái đẹp được thể hiện trong từng nét vẽ để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.

            Hàng năm, Đoàn thanh niên luôn phát động hội thi vẽ tranh sinh viên. Sau mỗi cuộc thi, triển lãm tranh sinh viên được thực hiện đã khiến cho sinh viên thêm yêu nghề, yêu những giờ học miệt mài bên giá vẽ. Triển lãm tranh của sinh viên luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên nhà trường. Điều đó tạo nên một sức đoàn kết, một sự ủng hộ mạnh mẽ cho đoàn viên sinh viên vững tin vào những thành tích và cố gắng của mình.

 

PGS.TSKH.Phạm Lê Hoà (Hiệu trưởng) và Ths Trần Đình Tuấn (Phó Hiệu trưởng) khai mạc Triển lãm tranh sinh viên

 

            Triển lãm tranh sinh viên luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Hy vọng triển lãm tranh của đoàn viên sinh viên sẽ ngày càng có thêm nhiều những tác phẩm đẹp hơn nữa, sáng tạo và thăng hoa hơn nữa.

c. Lễ hội hóa trang

            Nghệ thuật nào cũng có ba chức năng cơ bản là phản ánh đời sống hiện thực, giáo dục tư tưởng và gây cảm hứng thẩm mỹ cho chủ thể. Nghệ thuật chân chính có tác động mạnh mẽ đến tình cảm con người, đến tư tưởng và hoài bão, tiếp thêm cho họ sức mạnh phi thường vượt qua những thử thách cam go.

                                     Tiết mục đoạt giải nhất "Vũ hội của quỷ", lớp K4A TKTT

            Giới trẻ ngày nay thích tìm hiểu những thứ mới lạ, bởi dường như chỉ những thứ đó mới kích thích được sự nhiệt tình cũng như sức sáng tạo của họ. Chính vì thế, lễ hội hóa trang sẽ là nơi chắp cánh cho các ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của sinh viên Trường Nghệ thuật TW bay cao. Lễ hội hóa trang là sự kiện thường niên của Đoàn TNCSHCM nhà trường đã tạo ra một một sân chơi lành mạnh, tích cực, bổ ích cho sinh viên. Tại đây, các em có cơ hội thể hiện, vận dụng những kiến thức thời trang, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật... vào những trang phục sáng tạo của mình.

            Nếu trang phục dưới bàn tay thiết kế của các sinh viên ngành Thiết kế thời trang (Khoa VH-NT) phá cách và táo bạo đến bất ngờ thì sinh viên chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật lại tận dụng thế mạnh của mình trong cách kết hợp màu sắc. Mỗi bộ trang phục của sinh viên mỹ thuật gửi đến một thông điệp về sắc màu, về thế giới của những gam màu bổ trợ, hỗn hợp, về thế giới tự nhiên và cả thế giới lãng mạn của những chàng hoạ sỹ đa cảm…

             Góp phần vào sự phong phú đầy phong cách của đêm hội hóa trang chính không thể không nhắc tới những thiết kê mang đậm “chất” của sinh viên chuyên ngành sư phạm âm nhạc. Các em đã đem đến một chất mới lạ với sự cảm nhận thời trang qua âm nhạc V.A. Mozart, L.V. Beethoven..., qua những thời kỳ âm nhạc với những bộ trang phục lạ mắt, những nốt nhạc nhảy múa thần kỳ và trên tất cả là sự say mê sáng tạo pha trộn giữa âm nhạc, hội hoạ, thiết kế để thăng hoa.

            Trên đây là các hoạt động thường niên được Đoàn thanh niên nhà trường chức. Để đạt được hiệu quả cao trong các hoạt động đó, Ban Chấp hành Đoàn trường đã kêu gọi được sự đồng lòng của toàn thể đoàn viên thanh niên, cán bộ, sinh viên trong trường. Những hoạt động đã được tổ chức chu đáo, quy mô, tạo sức thu hút với chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao, một lần nữa đã chứng minh sức sống và hiệu quả từ sự sáng tạo đa dạng, phong phú, từ tinh thần tình nguyện vươn lên trong học tập, rèn luyện chuyên môn của sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Đó phải chăng chính là tinh thần “truyền lửa”, ngọn lửa của sự hăng say, tận tậm, nhiệt huyết của Đoàn TNCS HCM đã thắp sáng, lưu giữ qua nhiều thế hệ và phát triển tới hôm nay?

Với tư cách là thành viên trong mái nhà chung của Đoàn trường, sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tình nguyện vượt qua mọi khó khăn, tiếp lửa truyền thống, phát huy sức trẻ, phấn đấu hết mình trong học tập, rèn luyện để tiếp tục xây dựng Đoàn Thanh niên nói riêng, trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói chung, phát triển toàn diện, trở thành những đoàn viên sinh viên vững vàng về chính trị - tư tưởng, gương mẫu về đạo đức - tác phong, tiên tiến về chuyên môn, nghiệp vụ, luôn có thị hiếu thẩm mỹ trong sáng./.

           

--------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. GS. Phạm Minh Hạc, Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.

2. Emily A.Schultz và Robert H.Lavenda, Nhân học – Một quan điểm về tình tình trạng nhân sinh, Người dịch Phan Ngọc Chiến và Hồ Liên Biện, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2001.

3. LX.Vưgotxki, Tâm lý học nghệ thuật, NXB Khoa học xã hội, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1995.

4. Lê Hữu Ái - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Đinh Đức Hiền  - Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, Bàn thêm về nội dung và hình thức giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên hiện nay, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 5(40), 2010.