Nội san

Những yếu tố để một ca khúc đến với trái tim tuổi thơ

15 Tháng Tám 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

 

ThS. Nguyễn Thị Hải

                             Khoa Sư phạm Âm nhạc-Mỹ Thuật,

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 Ca khúc viết cho thiếu nhi hiện nay trong thời kỳ đổi mới rất cần có sự thay đổi về chất lượng sáng tác để đáp ứng và phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của các em. Nhiều nhạc sĩ vẫn gắn bó, tâm huyết với tuổi thơ, vẫn miệt mài sáng tác, nhưng hình như người lớn chúng ta chưa quan tâm đến tâm sinh lý, nhu cầu giải trí và đời sống tinh thần của trẻ em trong “thời đại công nghệ”.

Đời sống văn hóa tinh thần của các em ngày nay rất phong phú và và có nhiều lựa chọn, việc giải trí của các em ngày nay cũng đã khác xưa rất nhiều. Xa rồi cái thời các em phải chấp nhận thầy cô dạy một bài hát nào đó, áp đặt các em học một bài hát nào đó, dù không thích cũng vẫn phải học. Giờ đây nhu cầu thưởng thức âm nhạc của các em cũng có nhiều thay đổi, các em có nhiều lựa chọn và biết đánh giá một ca khúc hay và không hay. Nền công nghiệp kỹ thuật số đã đồng hành cùng với nhu cầu thưởng thức âm nhạc của thiếu nhi, nào là máy tính, máy nghe nhạc, Internet... Chỉ cần vài cái nhấp chuột các em đã tiếp cận với rất nhiều thể loại ca nhạc khác nhau. Các em đã quen được nghe, được xem và thưởng thức những bài hát, những tác phẩm âm nhạc có nghệ thuật cao của trong và ngoài nước. Các bài hát đó được đầu tư về âm thanh, phối khí, dàn dựng công phu, có chất lượng. Điều đó cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc tiếp nhận và thưởng thức những ca khúc mới cho tuổi học trò. Một ca khúc đến được với trái tim trẻ thơ ngày nay không đơn giản chút nào. Làm thế nào để ca khúc được sống, tồn tại trong lòng các em. Đó là điều mà nhiều người làm âm nhạc trăn trở.

 Vậy để một ca khúc viết cho thiếu nhi trong thời đại ngày nay được các em yêu thích cần phải có những yếu tố nào? Với tư cách là một giáo viên đã có nhiều năm giảng dạy âm nhạc tại trường THCS và nay, tôi đang giảng dạy tại khoa sư phạm âm nhạc mỹ thuật trường ĐHSP Hà Nội, phần nào tôi cũng hiểu một chút về tâm lý tuổi học trò. Nói lên những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của các em, gửi lời nhắn nhủ của các em thiếu nhi đến với các nhạc sĩ sáng tác bài hát cho tuổi thơ rằng: hãy mang đến cho các em những giai điệu đẹp nhất, mới lạ, độc đáo và ấn tượng nhất. Một ca khúc các em mong chờ là ca khúc phải có âm nhạc hay, nó mang cảm xúc, hơi thở của thời đại, phù hợp với lứa tuổi và nói lên được tâm tư tình cảm của các em. Ca khúc đó cần được gần gũi với những gì trong sáng nhất, thuộc về tuổi thơ. Trong từng giai điệu lời ca hãy thể hiện là tâm hồn của chính các em, với tất cả những hồn nhiên, ngây thơ, vụng dại. Ca khúc đó phải được thể hiện phù hợp với tư duy, nhận thức và ngôn ngữ của chính các em.

 

Ảnh minh họa (st)

 

 Người lớn chúng ta không nên áp đặt các em vào những bài ca có giai điệu đều đều thiếu ấn tượng. Các em rất cần, rất mong đợi những ca khúc hay, sự sắp xếp lời ca không nhất thiết phải theo một trật tự logic nào đó, các em càng không thích hát kiểu hô khẩu hiệu như: em yêu mái trường, em kính mến thầy cô, em biết ơn cha mẹ, em quyết tâm chăm học, rèn luyện... mà đôi khi lời ca càng gần gũi bao nhiêu, giản dị bao nhiêu lại càng được các em thích thú, đón nhận. Tuổi thơ thích trong sáng với kiểu hát hồn nhiên như : “Chạy theo tiếng ve, từng cơn mưa về, hạt mưa long lanh trên lá tiếng ve bay đầy trong gió…” (Trịnh Công Sơn), những lời ca đẹp, âu yếm, mang sắc màu tuổi thơ như: “… ơi sơn ca, hỡi sơn ca, em cũng gọi được như sơn ca, gọi ánh trăng vàng, gọi nắng xuân sang bằng tiếng hát mê say tuổi thơ…” (Đỗ Hòa An) hoặc những câu hát tràn đầy cảm xúc, yêu thương như: “…Nhớ khi mùa thu tới lá rơi sân trường, nhớ mưa chiều trong mắt bâng khuâng mùa thu,…” (Cao Minh Khanh). Chỉ cần một giai điệu đẹp vang lên, một lời ca của trái tim nồng nàn yêu thương, hồn nhiên trong trẻo là các em đã tìm thấy chính tuổi thơ của mình với biết bao kỷ niệm tươi đẹp trong từng câu hát.

 Ngoài yếu tố âm nhạc hay, lời ca đẹp thì một yếu tố nữa rất quan trọng để một ca khúc được đến với trái tim tuổi thơ đó là công việc quảng bá ca khúc, công việc của nhạc sĩ phối khí, dàn dựng. Muốn ca khúc đến được với đông đảo học sinh, được các em lựa chọn trong các chương trình văn nghệ thì ca khúc đó phải được đầu tư về phần âm nhạc, có nhạc nền sẵn và hay. Bởi chúng ta biết cái khó nhất của các thầy cô dạy âm nhạc trong các trường tiểu học và THCS là làm nhạc đệm cho các bài hát, rất ít giáo viên có khả năng làm nhạc cho các bài hát. Chính vì thiếu phần nhạc nền hay mà nhiều ca khúc có chất lượng tốt vẫn chưa được khai thác, nó chỉ tồn tại trên giấy, chưa được phổ biến đến với tuổi thơ.

Năm 2008 Bộ giáo dục và Hội Nhạc sĩ Việt Nam có phát động cuộc thi “Sáng tác ca khúc cho nhà trường” đã có hơn 500 tác giả tham gia với hơn 900 ca khúc dự thi. Điều đó chứng tỏ ca khúc cho nhà trường được rất nhiều người quan tâm. Có nhiều ca khúc hay, chất lượng tốt nhưng hiện vẫn đang nằm trên giấy mà chưa được phổ biến rộng rãi. Thời đại công nghệ, muốn bài hát được phổ biến đến với các em thì công việc giới thiệu các ca khúc cần được truyền thông theo nhiều kênh như: băng đĩa, truyền hình, phát thanh, Internet… việc quảng bá, giới thiệu ca khúc mới còn rất hạn chế.

Một ca khúc có giai điệu hay, lời ca đẹp, mang nhiều cảm xúc âm nhạc cho tuổi thơ, được quảng bá tốt kết hợp với cách dàn dựng, phối khí hoà âm có chất lượng, chắc chắn ca khúc đó sẽ được các em đón nhận và nó sẽ đến được với đông đảo tuổi thơ trên khắp đất nước.

            Trên đây là một vài suy nghĩ của cá nhân tôi với tư cách một giáo viên giảng dạy âm nhạc về “Những yếu tố để một ca khúc đến với trái tim tuổi thơ”. Chúc cho các nhạc sĩ, những người làm công tác âm nhạc, giảng dạy âm nhạc đã và đang tâm huyết với tuổi thơ sẽ cho ra đời nhiều hơn nữa các bài hát hay, những ca khúc mới góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của tuổi thơ Việt Nam./.