Tin tức – Sự kiện

Nghẹt thở tại một bệnh viện đầu ngành

27 Tháng Tám 2012
Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn được biết đến là một trong những BV đầu ngành của thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, nơi đây đang trong thảm cảnh quá tải bệnh nhân (BN) trong khi cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, cần được nâng cấp, cải tạo.

Nghẹt thở tại một bệnh viện đầu ngành

Quá tải, bệnh nhân nằm la liệt ngoài hành lang. Ảnh: D.Hải

5 người trên 1 giường bệnh

Khoa Điều trị Nội 1, BVĐK Xanh Pôn có 40 giường bệnh (GB), nhưng BN lúc nào cũng đông đúc, có ngày cao điểm lên đến 80-90 người. Tại buồng số 4 chỉ kê 6 giường, nhưng có tới 22 BN điều trị các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, tim mạch... nằm, ngồi la liệt.

BS Trần Minh Hằng – Trưởng khoa Điều trị Nội 1 – cho biết: “Tình trạng quá tải lên đến 100% nên khoa phải tận dụng kê GB mọi ngóc ngách cho BN nằm, thậm chí có GB phải “tải” 5 người. Giường ngoài hành lang chưa đủ, khoa phải kê thêm giường điều trị cho BN tại phòng trực của nhân viên. Những BN nào có dấu hiệu hồi phục tốt là chúng tôi phải luân chuyển ngay để tiếp nhận BN khác. Buồng phòng quá đông đúc, y tá tiêm phải để xe tiêm ở ngoài mới len chân vào chăm sóc cho BN được”.

Bác Nguyễn Thị Liền (85 tuổi, trú tại phố Nguyễn Thái Học) than thở: “Mỗi tháng tôi phải vào viện điều trị khoảng 10 ngày, lần nào cũng phải nằm ghép 3, ghép 4, ngột ngạt lắm. Chúng tôi “ngồi viện” chứ đâu phải nằm viện, khổ vô cùng”.

Khoa Xương cũng trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, ngày nắng thì nóng nực, ngày mưa dột nát. Nhiều BN nằm điều trị dài ngày phản ánh tình trạng thường phải lấy chậu hứng nước mưa để nước khỏi tràn vào phòng bệnh, nhất là trong cơn bão số 5 vừa qua. Phòng hậu phẫu, phòng rửa dụng cụ, phòng vệ sinh... lúc nào cũng ẩm mốc, mọc rêu xanh.

Điều dưỡng viên Đỗ Thu Hạnh cho biết: “Khoa Xương có 45 GB, nhưng ngày đông có tới 95 BN, nên đành phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang chứ không thể đuổi BN đi được. Cơ sở vật chất xập xệ không đảm bảo điều kiện vô trùng, khiến nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng rất cao – nhất là các BN sau mổ, BN chờ mổ, cấp cứu...”.

ThS Ngô Thị Thanh Hải – Phó Trưởng khoa Nội 2 thì không khỏi lo lắng: “Vào mùa dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy... BN khốn khổ vô cùng vì cơ sở vật chất hạn hẹp lại xuống cấp, chắp vá chỗ này chưa được đã lở loét chỗ kia. Chỉ có cải tạo, sửa sang lại cơ sở vật chất cho BV mới có thể đáp ứng việc chữa trị tốt nhất cho người bệnh”.

BN Tô Thị Châu (An Dương, quận Tây Hồ) nói: “Nhà cửa ở đây quá cũ kỹ, dột nát, bong tróc từng mảng khiến cả BN và bác sĩ vừa điều trị vừa lo sợ rơi vào đầu. Nếu được cải tạo, BN chúng tôi cũng bớt khổ, bác sĩ có thể yên tâm chữa bệnh”.

Sẽ tiếp tục cải tạo trong tháng 8

Theo thống kê, mỗi ngày BVĐK Xanh Pôn tiếp nhận khám - chữa bệnh cho khoảng 1.200 lượt người bệnh, trong đó có trên 100 BN phải nhập viện điều trị nội trú, nên tình trạng quá tải BV xảy ra hằng ngày. Thêm vào đó là cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng – nhất là khu nhà B của các khoa: Xương, Tiết niệu, Nội 1, Giải phẫu bệnh lý, Phục hồi chức năng, Xét nghiệm và khu nhà D gồm khoa Nội 2, khoa Dược, Đông y...

Đây là 2 khu nhà được xây theo kiến trúc kiểu Pháp, dùng kết cấu tường chịu lực, trần vôi rơm, mái lợp ngói đỏ, hiện đã nứt vỡ rất nhiều, vữa trát bị mục và ẩm gây hiện tượng bong tróc, lên rêu. Đặc biệt, các trần vôi rơm thường xuyên bị dột thấm, rụng xuống. Hệ thống xà gồ, cầu phong, litô gỗ kết hợp ngói lợp cũng đã xuống cấp, có thể đổ ụp bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho BN.

Trước thực trạng đó, TS Nguyễn Khắc Hiền - GĐ Sở Y tế HN - cho biết: Sở Y tế đã trình TP.Hà Nội dự án cải tạo, sửa chữa, tu bổ lại BVĐK Xanh Pôn và được UBND thành phố phê duyệt. Trong tháng 8 này, BVĐK Xanh Pôn sẽ tiếp tục được cải tạo sau hơn 1 năm tạm dừng thi công nhằm tạo cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi để việc đón tiếp BN thuận lợi hơn.

Các hạng mục được cải tạo gồm: Khu nhà A1, khu nhà B; sân hè, cây xanh, cổng, hàng rào, hệ thống cung cấp khí y tế, hệ thống thông tin liên lạc và tầng lửng nhà A3. Các hạng mục xây mới là nhà điều trị nội khoa, sau khi điều chỉnh giữ lại hiện trạng phần đầu hồi của nhà 2 tầng khoa nội cũ (phần có cây thập tự trên nóc mái) thành khối sảnh của nhà nội khoa xây mới 4 tầng, đảm bảo hài hòa về kiến trúc.

Nội dung cải tạo chủ yếu là trần, mái sàn, cửa, nội thất, khu vệ sinh, điện, cấp thoát nước... Về các hạng mục xây mới như nhà điều trị nội khoa 4 tầng, và 1 tầng hầm; nhà cầu 2 tầng nối từ khu điều trị nội khoa sang khu nhà A1, B, D... nhằm đảm bảo hoạt động của BV.

                                                                                                                                                                                 Theo laodong.com.vn