Tin tức – Sự kiện

Người hát xẩm cuối cùng về với đất trời

05 Tháng Ba 2013

Tin nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời lan ra khiến những người say mê âm nhạc dân gian không mấy bất ngờ, vì bà ốm nặng đã gần 2 tháng nay; nhưng khoảng trống mà bà để lại thì không thể bù đắp được.

 

 

Nghệ sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Mai Tuyết Hoa - một trong những học trò của bà - chia sẻ: “Chẳng lời nào nói hết sự hụt hẫng của tôi. Biết bà ốm đã lâu, biết quy luật sinh tử, nhưng vẫn cứ hy vọng. Giờ thì chẳng bao giờ được nghe giọng thật của bà nữa rồi”. Sát Tết Quý Tỵ, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng các đồng nghiệp về thăm bà. Chị đàn, hát để bà nghe điệu xẩm “Thập ân” - Mười công ơn của cha mẹ. Mọi khi, bà vẫn hát theo, gõ phách theo, cứ nghe xẩm là bà thấy khỏe hẳn ra, nhưng lần này thì bà cụ chẳng biết gì nữa - chị Hoa kể. Nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời lúc 12h30 ngày 3.3.2013 tại quê nhà ở xã Yên Phong, tỉnh Ninh Bình. Một đời hát xẩm, bà được tôn vinh là báu vật của loại hình diễn xướng dân gian này.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa theo học bà Hà Thị Cầu từ năm 1998. Về nhà bà không biết bao lần để học từng điệu xẩm, từng ngón đàn, chị thương mến, khâm phục cách hát, cách sống của bà mà theo chị là “đầy chất xẩm”: Vừa châm biếm, dí dỏm, vừa hồn nhiên, lạc quan. “Làm sao quên được những lúc hai thầy trò đàn, hát với nhau, rồi bà trêu đùa, cấu véo, mắng yêu tôi. Bà cụ hay hỏi: “Có mang rượu về cho tao không?”. Nhưng thương nhất là lần tôi xuống làm phim tài liệu về bà. Mấy ngày quay xong, có lần bà nắm lấy tay tôi bảo: Bu khổ quá con ạ. Phận hát xẩm theo bà cụ long đong đến tận bây giờ”.

Mặc dù bà Hà Thị Cầu được phong tặng nhiều danh hiệu như Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ Ưu tú, bằng khen, giải thưởng treo đầy nhà, nhưng bà không có đồng lương nào hay “chế độ” nào cả, cũng chả có đất cấy - chị Hoa cho biết. Các nghệ sĩ, các học trò đến với bà chỉ biếu bà được chút chút gọi là. Bà sống với gia đình người con gái, cuộc sống rất vất vả. Sinh ra trong một gia đình 3 đời hát xẩm, bà Cầu theo bố mẹ đi khắp chợ cùng quê hát xẩm từ bé. Ngôi nhà nhỏ bà đang ở cũng do hai vợ chồng bà đi hát xẩm mãi mới mua được. Nghiệp hát xẩm như vận vào cuộc đời, cho đến lúc về già, vốn liếng của bà chỉ giàu về ngón đàn, giọng hát. 

Một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian khác - nhạc sĩ Khương Cường - cũng từng về ở nhà bà Hà Thị Cầu một thời gian để học hỏi, ghi âm các làn điệu xẩm của bà. “Cái khí chất của bà thật đặc biệt. Giọng hát, tiếng nhị của bà rất cuốn hút, sống động, tự nhiên, bà hát không phải để được hoan hô, mà hát như giãi bày tấm lòng” - nhạc sĩ Khương Cường tâm sự. “Cả đời đi hát xẩm, có lẽ đã tiếp xúc nhiều người nên bà cụ rất tinh tế, nhạy cảm, tinh tế từ cách nói chuyện, bông đùa, gặp ai là bà biết ngay phải nói chuyện với họ thế nào”. Bà cụ là cả một kho tàng các điệu xẩm. Có những làn điệu mà nhạc sĩ Khương Cường chỉ thấy duy nhất có bà hát, chẳng hạn như điệu “Dứa dại không gai” mà bà đã truyền dạy cho anh. 

Nhưng những làn điệu xẩm của bà Hà Thị Cầu không chỉ là giai điệu để ghi âm, mà đó là cả cuộc đời hát rong của bà. Ký âm thì được, nhưng đàn, hát cho ra chất thì khó - cả nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nghệ sĩ Khương Cường đều chia sẻ. Bà không biết chữ, mà mọi cái nôm na kẻ chợ, cái ai oán buồn tủi hay thoáng vui của một đời người đều được bà dẫn dụ lòng người bằng những điệu xẩm. 

Xẩm không còn thích hợp với đời sống ngày nay, chất giọng, tiếng đàn như của nghệ nhân Hà Thị Cầu là độc nhất vô nhị. Chỉ có một điều an ủi - đúng như mong ước của bà - xẩm sẽ không mất đi khi những học trò của bà - cả các nghệ sĩ và cả người làng - vẫn còn hát xẩm.
                                                                                                                               Theo laodong.com.vn