Sự kiện

NGUYỄN MAY - NỮ HỌA SĨ VÀ TÌNH YÊU NGHỀ DẠY HỌC!

21 Tháng Mười 2021

 

  Minh Đan

“Tôi yêu thích Mỹ thuật từ những năm học phổ thông. Vào đại học tôi học sáng tác chuyên ngành Đồ hoạ tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp xin về giảng dạy tại Trường CĐSP Nhạc hoạ TW năm 1998, nay là Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Cuộc sống thêm ý nghĩa khi tôi xác định gắn bó với Nhà trường, cũng từ môi trường Sư phạm đã giúp tôi trưởng thành theo năm tháng. Học Nghệ thuật đã khó nhưng dạy nghệ thuật tôi thấy còn khó hơn! Bởi dạy sao cho người học có kiến thức, có cái nhìn và biết tạo cho cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn! Làm sao để mình luôn yêu nghề sáng tạo, luôn làm chủ công việc nghề giáo mình đã chọn! Cuộc sống bộn bề bao lo toan... Nhưng chính khó khăn, vất vả đã giúp chúng tôi phát triển”.

ThS. Nguyễn Thị May bên sinh  viên khi kết thúc giờ hoc chuyên môn

        Đó là những lời bộc bạch tâm tình của ThS. Nguyễn Thị May - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Tốt nghiệp đại học ngành Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nữ họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Thị May tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Hội hoạ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghệ thuật, bố đẻ là họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện - một họa sĩ tài năng, nổi tiếng với những tác phẩm tranh khắc độc đáo, giàu tố chất tạo hình mang phẩm chất dân tộc. Tự hào là người con Kinh Bắc, biết bao lo toan bộn bề cuộc sống, vừa vẹn tròn việc nhà với chức năng làm vợ, làm mẹ, chị còn phải quản lý khoa Sư phạm Mỹ thuật với bao trọng trách trên vai nhưng với tình yêu nghệ thuật cháy bỏng chị đã vẽ không ngừng nghỉ, truyền cảm hứng đam mê nghệ thuật cho lớp lớp thế hệ học trò của mình ở ngôi trường Sư phạm Nghệ thuật TW. NUAE tự hào vì những cống hiến của các thầy cô khoa Sư phạm Mỹ thuật trong đó có tên tuổi của chị. Suốt từ những năm còn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho đến nay, nữ họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Thị May đã tham dự khá nhiều triển lãm mỹ thuật và đạt nhiều giải thưởng sáng tác:

- “Hướng thiện 1” - Sơn mài; Triển lãm Việt Nam ASSAN Philip Moris năm 1998.

- “Đôi bạn” - Khắc gỗ màu; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1995 - 2000; Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm.

- “Hướng thiện” - Sơn mài; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1995 - 2000, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

- “Hướng thiện 22” - Sơn mài; Triển lãm  Tranh sơn mài Việt Nam năm 2011 tại Bắc Kinh - Trung Quốc năm 2000, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Tháng giêng” - Sơn mài; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2000 - 2005, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Mùa vàng” - Sơn mài; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2000 - 2005, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Hội mùa” - Sơn mài; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 - 2010, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Tháng Giêng trên đất Thăng Long” - Sơn mài; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 - 2010, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

-  “Hội tháng Giêng” Sơn mài, Triển lãm  Tranh sơn mài Việt Nam năm 2011 tại Bắc Kinh - Trung Quốc năm 2011; Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Trong điệu dân ca” - Khắc gỗ màu;  “ Mùa vàng” - Khắc gỗ màu, Triển lãm  tranh Đồ họa ASEAN 2012, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Sắc màu vùng cao” - Sơn dầu; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010- 2015

Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Vui bốn mùa”- Sơn mài, Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Vienice-Italia

Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “ Vui bốn mùa”- Sơn mài, “ Tháng Giêng trong tôi”- Sơn mài; Triển lãm tranh sơn mài và SPTCMN truyền thống Việt Nam tại Marseille - Cộng hòa Pháp 2014, Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

- “Hướng thiện” - Sơn mài, Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2015 - 2020,

Bộ VHTT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

Vui bốn mùa”, tranh sơn mài (2007)

Khuôn khổ 80x180, tác giả Nguyễn Thị May

Nguồn. Trần Văn Đức

Với góc nhìn của một người làm báo, khi viết đôi dòng về chị, tôi chợt nhận thấy chị không chỉ là một họa sĩ gắn bó với nghệ thuật, yêu nghệ thuật mà còn yêu da diết nghề dạy học, bên cạnh đó cũng thể hiện khá rõ năng lực nghiên cứu khoa học, quản lý chuyên môn, đào tạo và năng lực quản lý nhân lực ngành Mỹ thuật: Họa sĩ, Thạc sỹ Nguyễn Thị May đảm nhiệm nhiều công việc chuyên môn song ở chị luôn toát lên sự gần gũi với nụ cười duyên dáng.

Họa sĩ Nguyễn Thị May với tác phẩm nghệ thuật

Nguồn. Hoàng Đức Dũng

Tham gia hội đồng chuyên môn, hội đồng khoa học: Cấp Bộ, cấp trường, cấp khoa; Tham gia hội đồng đánh giá, góp ý chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Chủ biên và tác giả của một số đề tài khoa học các cấp; Chủ biên và tác giả bộ sách giáo khoa môn Mỹ thuật cấp 2 và cấp 3 theo Chương trình phổ thông 2018; Tham gia hội đồng chấm thi Giáo viên giỏi hàng năm do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Là Chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo cấp khoa; Xây dựng chương trình đào tạo Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Mỹ thuật Mầm non, Đại học Hội họa. Trực tiếp tham gia xây dựng chương trình Bồi dưỡng giáo viên Mỹ thuật phổ thông đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018… Lĩnh vực nào chị cũng hoàn thành xuất sắc.

Sự nghiệp trong cuộc sống của người phụ nữ không hề đơn giản, nó gắn liền với công việc gia đình, chức năng làm mẹ. Đó là một sự nghiệp lớn lao, khó khăn và đầy hạnh phúc. Song những quan tâm, chia sẻ trong các tác phẩm nghệ thuật cũng như bằng công việc dạy học thường nhật với sự phản hồi tích cực từ phía đồng nghiệp và các thế hệ học trò cho thấy sự lựa chọn nghề nghiệp của chị đầy yêu thương, trìu mến về cuộc đời. Đâu đó trong sắc thu êm nhẹ, dịu mát thoảng chút gió hanh heo, chợt nhớ câu nói của Audrey Hepbum “Những cô gái hạnh phúc luôn là những cô gái đẹp nhất”. Nghề họa sĩ, nghề giáo cứ như vậy nhẹ nhàng đi vào đời thường như chính vẻ đẹp của chị: không ồn ào, khoa trương song rất đỗi cao quý và hạnh phúc!