Nội san

Ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Bắc trong giảng dạy thanh nhạc tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

02 Tháng Bảy 2014

                                                                  Hà Thị Lý

 

 

Một trong những cách bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca là đưa dân ca đến mọi tầng lớp, nhất là các em học sinh, để dân ca dần trở thành một thành tố âm nhạc không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Muốn vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên âm nhạc; công tác giới thiệu, định hướng cho đội ngũ ca sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật về âm nhạc cổ truyền nói chung, về dân ca nói riêng cần được đặc biệt chú trọng”.

Đất nước ta vốn có nền vǎn hóa lâu đời. Trong đó, cha ông ta đã tạo dựng được một nền âm nhạc truyền thống có bản sắc riêng, phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại, có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh hội nhập và giao lưu giữa các nền văn hoá, đã diễn ra một thực tế không thể phủ nhận, đó là: âm nhạc dân tộc đang mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem; rất nhiều các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian, các thể loại dân ca truyền thống Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng, mai một; một bộ phận giới trẻ hướng vào âm nhạc thương mại, âm nhạc nước ngoài mà quay lưng với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, đối với dân ca - thể loại âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc, được cho là “hồn cốt” của dân tộc - điều đó lại càng thể hiện rõ nét. Vì vậy, có thể nói rằng, việc giữ gìn những tinh hoa truyền thống của âm nhạc dân tộc, trong đó có dân ca, là việc làm mang tính thời sự và cấp thiết!

Phát biểu về vấn đề này, PGS. TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy dân ca trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông đã cho rằng: “Một trong những cách bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca là đưa dân ca đến mọi tầng lớp, nhất là các em học sinh, để dân ca dần trở thành một thành tố âm nhạc không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Muốn vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên âm nhạc; công tác giới thiệu, định hướng cho đội ngũ ca sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật về âm nhạc cổ truyền nói chung, về dân ca nói riêng cần được đặc biệt chú trọng”.

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo môn Thanh nhạc, giúp việc học tập giảng dạy trong nhà trường gắn với thực tế của đời sống âm nhạc và góp phần giữ gìn những tinh hoa của âm nhạc truyền thống, chúng tôi cho rằng, cần phải có những hành động cụ thể trong việc đổi mới nội dung, đóng góp thêm phần nâng cao phương pháp giảng dạy và xây dựng phong phú thêm giáo trình Thanh nhạc.

1.      Đặc điểm  dân ca Việt Bắc

Nói tới đặc điểm dân ca Việt Bắc, chúng ta cần nhắc tới các đặc điểm sau:

 Thứ nhất là, môi trường tự nhiên và xã hội của dân ca Việt Bắc

Việt Bắc là một vùng phía Bắc Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) bao trùm nhiều tỉnhBắc Bộ. Năm 1956, khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Sau này, khu tự trị được giải thể, danh từ này vẫn tồn tại. Tuy nhiên, ranh giới vùng văn hóa Việt Bắc bao gồm cả phần đồi núi của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh.

Cư dân của vùng Việt Bắc là người Kinh, Dao, Tày, Nùng, H’Mông... Đồng bào Tày, Nùng có nguồn sống chính dựa vào cây lúa, cây ngô, canh tác dưới khe, thung lũng hoặc trên nương, trên đồi. Sau này, đồng bào phát triển sản xuất trồng cam quýt, mía đường, nhiều nghề phụ khác như nghề dệt, dệt thổ cẩm, đan giọ, rèn đúc,… Bản sắc văn hoá của người Tày Nùng chủ yếu bộc lộ ở các hoạ tiết hoa văn trên chất liệu thổ cẩm rất đặc sắc. 

Người H’Mông chiếm phần đông trong các số dân tộc miền núi làm ăn sinh sống trên vùng núi cao, nhà trình tường của người Mông rất độc đáo, nhà có ba gian được sắp xếp như sau: Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ, gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách, gian giữa là gian rộng nhất để thờ tổ tiên đồng thời cũng là nơi tiếp khách ăn uống của gia đình. Bản sắc văn hóa của người H’Mông là họa tiết trên váy áo rực rỡ, mùa xuân ấm áp các chàng trai, cô gái H’Mông tìm đến những đất trống, những khoảng không rộng dưới chân núi để chơi hội.

 Thứ hai là, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc

         Hát Then

Hát Then là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm văn học, âm nhạc, hội họa, múa, trò diễn… có từ lâu đời, được quần chúng yêu thích. Then giữ một vị trí quan trọng trong di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai dân tộc Tày, Nùng, làm nên nét chủ đạo của bản sắc văn hóa vùng Việt Bắc và một số địa phương khác (Mấy vấn đề về Then Việt Bắc- Nxb VHDT năm 1978).

   

           Ảnh: Một tiết mục biểu diễn hát Then (Nguồn: Sưu tầm)

        

            Hát Sli

Hát Sli là một làn điệu dân ca đặc trưng của người Nùng. Sli có nghĩa là thơ, là những bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt hay thất ngôn trường thiên có độ dài ngắn khác nhau, các chữ cuối của câu chẵn hợp vần với chữ cuối của câu đầu, giai điệu chậm, nhẹ nhàng, mượt mà, đậm chất trữ tình, đem lại cảm giác dịu dàng, mát mẻ cho người nghe...( Mông Ký  Slay - Báo cáo chuyên đề, 2012).

 Hát Lượn

Nói đến văn hóa Tày, phải nói đến hát Lượn - loại hình dân ca trữ tình của người Tày. Lượn đã và đang tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Tày nói riêng và nhân dân các dân tộc vùng Đông Bắc nói chung. Theo sử sách và truyền lời của các nghệ nhân, Lượn được sáng tác theo kiểu truyền khẩu là chính, trong bối cảnh đời sống kinh tế chậm phát triển, vật chất thiếu thốn, chủ yếu là tự cung tự cấp, sản xuất nông nghiệp trông chờ vào thiên nhiên. Lượn ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của cộng đồng.

2. Các thể loại  âm nhạc cổ truyền của dân ca Việt Bắc

 Hát ru con

Vd: Bài Ứ noọng nòn ( Hát ru - Dân tộc Tày ) Ghi âm : Nông Thị Nhình

 

 

Hát đồng dao

Hát đồng dao của trẻ em vùng Việt Bắc thường gắn với các sinh hoạt dân gian, trong một bối cảnh không gian tự nhiên và xã hội cụ thể. Có những bài mang tính ngẫu hứng bắt nguồn từ việc quan sát thế giới xung quanh, ví như bài hát đồng dao Tày:

Trời ơi mưa lớn

Muỗm xoài nhiều quả

Chuối xanh đầy quả

Nhà dưới bắt cá

Nhà trên thổi cơm

Mưa khắp đồi nương…

Hát đồng dao Việt Bắc mang lời ca gắn bó con người với thiên nhiên, phản ánh thế giới nội tâm, đôi mắt của trẻ nhỏ khi cảm nhận về cuộc sống. Phần giai điệu thường hồn nhiên, sôi nổi, dễ thuộc, dễ nhớ. 

  Hát giao duyên

Những bài dân ca giao duyên Tày, Nùng có thể gặp trên đường, trường, trên nương đồi nhưng phổ biến nhất là những buổi chợ phiên. Từng đôi, từng nhóm trai gái gặp nhau qua mấy câu chào hỏi, đối đáp sau mới hát. Hình thức hát rất linh hoạt: có thể nam hát trước hoặc nữ hát trước, bên này hỏi thì bên kia đáp. Ban đầu những bài giao duyên thường là những câu đối đáp thông thường để mở đầu câu chuyện, sau đó mới là những câu hát đố nhằm thử tài văn chương, trí thông minh của nhau. Từ đó, nam nữ yêu mến nhau qua câu hát, qua ánh mắt, nụ cười, nảy sinh tình cảm hòa hợp, gắn bó. 

    Hát cúng lễ

     Mo then là nghệ thuật diễn xướng dân gian, ra đời trong không gian xã hội nguyên thuỷ. Mo then vùng Việt Bắc là nguồn gốc ra đời các loại hình nghệ thuật dân tộc nhưng nhìn chung, cho đến nay, chúng chưa hòa nhập được vào nhịp sống âm nhạc đương đại. Riêng ở một số bài hát then Tày, Nùng được đặt lời mới, hát ngợi ca quê hương, Đảng, Bác, anh bộ đội…

Ví dụ: Bài “Lạng Sơn quê noọng” (Then cải biên Văn Quan Lạng Sơn). Tác giả: Linh Văn Noọng.

 

 

3. Âm hưởng của dân ca Việt Bắc trong ca khúc mới

Dân ca Việt Bắc có cả một hệ thống làn điệu phong phú như làn điệu Lượn, làn điệu Sli, làn điệu Then, làn điệu Mo, làn điệu Phong Slư, làn điệu quan làng, làn điệu đồng dao... Mỗi làn điệu dân ca lại mang một màu sắc riêng gắn với bản sắc tộc người và vùng miền cư trú. Ví như dân ca người Tày với làn điệu Then, Phong Slư, Lượn Slương, Lượn hai, Lượn quan làng... thường mang màu sắc trữ tình đầm ấm, nhẹ nhàng. Dân ca người Nùng với làn điệu Sli, Then... gắn với lối hát hai giọng, khi đi đồng âm, khi tách quãng hai thường âm vang, bay bổng, khỏe khoắn... Dân ca Việt Bắc gồm nhiều thể loại, nhiều hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian độc đáo như Sli, Lượn gắn với các lễ hội dân gian như hội lồng tồng, hội lượn hai; những cuộc Then mang tính chất tín ngưỡng của người Tày, Nùng, H’Mông...  Đây thực sự là những sinh hoạt âm nhạc dân gian độc đáo góp vào kho tàng nghệ thuật âm nhạc dân gian của dân tộc.

Những ca khúc mang âm hưởng dân gian Việt Bắc là những ca khúc mới do các nhạc sĩ sáng tác dựa trên chất liệu dân ca Việt Bắc về ca từ, hình ảnh, lối so sánh ví von…; về thang âm, điệu thức, giai điệu... Qua đó, người nhạc sĩ có thể đưa vào ca khúc của mình vẻ đẹp, sự độc đáo, phong phú của những bài dân ca Việt Bắc trên nhiều phương diện. Những ca khúc này giúp người nghe hình dung được đời sống vật chất và tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng, văn hóa và nghệ thuật… của người dân Việt Bắc; cảm nhận được bản sắc của âm nhạc dân gian vùng Việt Bắc. Một số ca khúc tiêu biểu như: Điệu Then Tò Mạy, Huyền thoại Pác Pó,  Xứ Lạng quê em...

Những ca khúc mang âm hưởng dân ca thường dễ đi vào lòng người nghe do mang đậm nét của âm nhạc truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Những bài hát này đã góp phần làm đời sống âm nhạc của chúng ta thêm phong phú và độc đáo.

Tìm hiểu về thực trạng giảng dạy của giảng viên và thực trạng học tập của sinh viên tại khoa Thanh nhạc trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung, chất lượng của đội ngũ giảng viên được đánh giá tốt, nhất là các mặt như khả năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Sinh viên của khoa hầu hết đều yêu thích nghệ thuật Thanh nhạc, có mong muốn phát triển nghề nghiệp gắn với chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, mặt bằng trình độ và khả năng nhận thức của các sinh viên có nhiều khác biệt. Đặc biệt, việc sinh viên ở mỗi vùng miền lại nói - hát theo những cách phát âm khác nhau khiến cho việc thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân gian nói chung và âm hưởng dân gian Việt Bắc nói riêng của các em gặp nhiều khó khăn.

Do đó, cần nghiên cứu để tìm ra những giải pháp tích cực, hiệu quả để khắc phục những khó khăn, thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy đối với những ca khúc mang âm hưởng dân gian Việt Bắc tại khoa Thanh nhạc Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Dương Viết Á, Vấn đề ca từ trong Âm nhạc, tạp chí văn hóa nghệ thuật, 1977.

2.      Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, H.1994.

3.      Vi Hồng Nhân, Dân ca Nùng - nguồn suối mát lành trong tâm hồn dân tộc, Văn hóa các dân tộc thiểu số từ một góc nhìn, Nxb VHDT, 2004.

4.      Nông Thị Nhình, Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn, Nxb VH, 2000.

5.      Nông Thị Nhình, Nét chung và riêng của âm nhạc trong diễn xướng Then Tày Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, H.2004.

6.      Hoàng Páo, Then báo công, Xb 1999.

7.      Hoàng Văn Páo, Sở VHTT Lạng Sơn, Hát Lượn Tày Lạng Sơn, Nxb VHDT năm 2003.

8.      Hoàng Quyết, Văn hóa truyền thống Tày, Nùng,  Nxb VHDT,1993.

9.      Chu Văn Tấn, Tiến lên xây dựng một nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc (Vấn đề văn nghệ Việt Bắc, tập I), Nxb Dân tộc, 1961.

10.  Then Bách Điểu, Nxb VHDT, 1994.