Nội san

Giải pháp khắc phục phương ngữ cho học sinh trong việc học môn Âm nhạc tại trường THCS Phụng Châu – Chương Mỹ- Hà Nội

04 Tháng Bảy 2014

Lê Vân Trang

 

Âm nhạc là môn học cần thiết để giáo dục con người phát triển toàn diện. Môn học làm cân đối nội dung học tập, góp phần bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, nhân cách của học sinh; tạo cho nhà trường không khí vui tươi, lành mạnh; giúp các em tăng thêm lòng yêu lớp, yêu trường, say sưa học tập, yêu quê hương đất nước, yêu cha mẹ, bạn bè và hăng say hòa mình vào tập thể.

Lâu nay, việc dạy học hát trong nhà trường THCS là vấn đề rất được giáo viên âm nhạc quan tâm. Bên cạnh việc dạy nhạc lý - tập đọc nhạc, âm nhạc thường thức, thì vị trí của phân môn học hát là quan trọng nhất. Trong giờ học hát, khi được tiếp xúc với âm nhạc có lời, có cảm xúc, có nội dung cụ thể về sự vật, hiện tượng, được diễn tả bằng âm nhạc và ngôn ngữ văn học, sẽ giúp các em phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp. Bên cạnh đó, khi học hát, các em sẽ được nghe, được thực hành âm nhạc, từ đó phát triển năng lực cảm thụ và thẩm mỹ âm nhạc ở mức độ cần thiết theo mục tiêu chung của môn học. Để phát huy được tác dụng và ý nghĩa của giờ học hát, đòi hỏi phải có sự phối hợp và tương tác của nhiều yếu tố khác nhau. Hiện tượng hát ngọng n/l và vấn đề sửa ngọng cho học sinh trong trường học quả là vấn đề phức tạp, vì nó mang tính xã hội ở nhiều địa phương thuộc phương ngữ Bắc Bộ. Xuất phát từ quan điểm văn hóa ngôn ngữ và giáo dục ngôn ngữ, thiết nghĩ chúng ta cần có nhận thức sâu sắc hơn và thái độ nghiêm túc hơn đối với hiện tượng đặc biệt này.

Qua quan sát việc dạy học âm nhạc ở bậc trung học cơ sở tại trường Trung học cơ sở Phụng Châu trên địa bàn huyện Chương Mỹ, chúng tôi nhận thấy, một trong những khó khăn của giáo viên khi dạy học môn âm nhạc với nội dung xử lý một bài hát, đảm bảo yêu cầu về nghệ thuật đó chính là vấn đề đặc trưng giọng địa phương. Điều này đã gây khó khăn trong khi thể hiện một bài hát của học sinh hiện nay. Tiến hành ghi âm trực tiếp giọng hát của học sinh khi thể hiện một bài hát, theo phản ảnh của giáo viên, chúng tôi nhận thấy thực tế một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn giữ những đặc trưng của giọng địa phương trong khi thể hiện. Điều đó đã có ảnh hưởng không nhỏ tới sự thể hiện nghệ thuật cũng như cảm xúc, ý nghĩa, chủ đề chuyển tải trong một tác phẩm, đôi khi tạo nên những ấn tượng không thoải mái từ phía người nghe.

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc của học sinh trường THCS Phụng Châu ( Nguồn: Sưu tầm)

 

Hiện tượng hát ngọng n/l của học sinh trường Trung học cơ sở Phụng Châu có thể có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như do bản thân hệ thống (tiếng địa phương), do xã hội…. Có thể nêu ra đây một số nguyên nhân chủ yếu đó là:

Do ảnh hưởng của môi trường giao tiếp. Một bộ phận lớn người dân Phụng Châu bị ảnh hưởng bao đời nay của lối phát âm địa phương. Ngay từ lúc còn nhỏ khi tiếp xúc với ông bà, cha mẹ, thậm chí  khi đến trường tiếp xúc với thầy cô giáo mỗi người đều hình thành ngôn ngữ. Những gì chúng ta nghe thấy đôi khi chưa thật đúng với những gì chúng ta học được do nhiều thầy cô, bạn bè, người thân trong gia đình vẫn còn ngọng. Bởi vậy chúng ta khó mà phát âm chuẩn n/l.

Do ý thức rèn luyện. Giao tiếp trong môi trường mà phát âm không chuẩn n/l thì cũng không bị chê cười nên đa số học sinh Trường Trung học Cơ sở Phụng Châu đều chưa có ý thức quyết tâm trong việc rèn luyện sửa ngọng. Việc góp ý, giúp đỡ bạn bè, người thân sửa ngọng đôi khi còn bị xem là thiếu tế nhị, thiếu lịch sự. Vì vậy, chưa tạo được được sự đồng thuận trong vấn đề sửa ngọng. Do đó, cần xây dựng môi trường giao tiếp chuẩn mực ở cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Ở lứa tuổi học trò khi ngôn ngữ của học sinh đã ổn định, việc thay đổi tập quán phát âm để phân biệt n/l, không phải đơn giản ngày một ngày hai có thể thực hiện được. Trái lại, đó là một quá trình trau dồi giáo dục thường xuyên, kiên trì trong những năm tháng học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy một vấn đề đặt ra và cần được giải đáp là cách sửa ngọng n/l cho học sinh trong Trường Trung học Cơ sở Phụng Châu như thế nào cho nó hiệu quả?

Hạn chế lớn nhất của học sinh Trường THCS Phụng Châu là hiện tượng hát ngọng phụ âm n/l. Bên cạnh đó là thói quen thụ động trong quá trình học tập giờ học âm nhạc cụ thể là phân môn học hát, các em chưa chủ động tìm hiểu bài, mà chỉ trông chờ giáo viên lên lớp hát và hát theo. Đối với các ký hiệu âm nhạc ghi trên bài hát thì học sinh ít nhớ và tỏ ra lúng túng. Năng lực cảm thụ âm nhạc của các em học sinh còn rất hạn chế vốn hiểu biết về phân môn học hát trong chương trình, trong giờ học hát có nhiều em bước đầu còn e thẹn, rụt rè không chủ động xây dựng bài. Bởi vậy giáo viên phải nhẹ nhàng bằng tình cảm và sự trìu mến của mình để uốn nắn các em. Đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học, từng bước áp dụng phương pháp tiên tiến và phương pháp hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học của học sinh là những vấn đề rất cần thiết để khắc phục tình trạng nói trên.

Trong thời gian qua, việc triển khai đổi mới phương pháp dạy học âm nhạc nói chung và dạy học hát nói riêng đã được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, môn âm nhạc với những đặc thù và có nhiều sự khác biệt, nên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, đây cũng chính là những trăn trở và băn khoăn của chúng tôi.

Từ thực trạng nói trên, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp cụ thể, phù hợp với thầy và trò nhằm góp phần cải tiến nội dung, phương pháp, phương tiện của bộ môn âm nhạc nói chung và phân môn học hát nói riêng. Các vấn đề được đề cập tới là:

Thứ nhất, về kỹ năng – năng lực chuyên môn của giáo viên. Chúng tôi chú ý vào nâng cao những kỹ năng cần có như: vận dụng có sáng tạo vào các phương pháp dạy học, tự  học, sử dụng công nghệ thông tin, năng lực truyền đạt,  giải quyết vấn đề và ra quyết định…để giáo viên tự tin khi lên lớp.

Thứ hai, về phương pháp – phương tiện dạy học. Chúng tôi đã đưa ra cách luyện tập phụ âm n/l để giáo viên sửa sai cho học sinh trong quá trình dạy học.

Từ đó chúng tôi xây dựng và biên soạn giáo án thực nghiệm và đã áp dụng vào tiết học, kết quả thu được rất khả thi. Cụ thể, sau quá trình áp dụng giáo án mẫu đã đưa ra, chúng tôi nhận thấy quá trình học tập môn âm nhạc của học sinh có một số chuyển biến sau:

Về nội dung

Qua những điều chỉnh về nội dung và cách dạy đã được đồng ý của tổ bộ môn khi xây dựng giáo án mẫu.

Sau tiết dạy theo nội dung đã điều chỉnh, về phía giáo viên dạy đều thấy hợp lý và logic. Về phía học sinh do phương pháp phát huy được tính chủ động của các em nên các em thấy hứng thú hơn khi học.

Về người học

Các em học sinh có tinh thần và thái độ tích cực hơn đối với môn học. Qua đó, kết quả đạt được thông qua bài kiểm tra âm nhạc đã được cải thiện rõ rệt. Việc học âm nhạc hiện nay không còn theo lối truyền thống giáo viên là người chủ động mà với phương pháp dạy mới, các em học sinh được tham gia tích cực và chủ động trong quá trình học. Đặc biệt học sinh còn được tai nghe, mắt thấy qua việc ứng dụng các phương tiện dạy học trực quan như công nghệ thông tin vào từng tiết học. Người học cũng không phải học thuộc lòng mỗi khi kiểm tra, mà hiểu được bản chất của kiến thức âm nhạc. Như vậy sẽ giúp học sinh ghi nhớ lâu hơn, dễ dàng áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành.

Về người dạy

Tiết học hiệu quả, sinh động, giúp giáo viên yêu môn học hơn, tích cực tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp dạy học mới để ứng dụng vào giảng dạy một cách có hiệu quả. Giáo viên thay vì chủ yếu dùng lời để truyền đạt kiến thức thì có nhiều lựa chọn hơn trong việc đem kiến thức mới đến với học sinh qua trò chơi, qua phương tiện trực quan, hay sự trình bày tác phẩm trực tiếp của học sinh bằng giọng hát hoặc nhạc cụ.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động đó giúp cho học sinh củng cố một số kiến thức, kỹ năng đã học trong nội khóa, đồng thời tạo môi trường âm nhạc để các em có khả năng về lĩnh vực này, phát huy những năng lực sẵn có, góp phần vào việc xây dựng phong trào văn hóa – văn nghệ của trường. Hoạt động đó làm phong phú đời sống văn hóa của các em, đồng thời có ảnh hưởng tốt đến tinh thần của thầy và trò toàn trường THCS Phụng Châu.

Trong những năm qua, cải cách giáo dục âm nhạc luôn được đề cao vì Âm nhạc là môn học cần thiết để giáo dục con người phát triển toàn diện. Môn học làm cân đối nội dung học tập, góp phần bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, nhân cách của học sinh; tạo cho nhà trường không khí vui tươi, lành mạnh để các em tăng thêm lòng yêu lớp, yêu trường, say sưa học tập, yêu quê hương đất nước, yêu cha mẹ, bạn bè, hăng say hòa mình vào tập thể.

Ở môi trường học đường, âm nhạc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa cơ sở. Đảng và nhà nước ta rất quan tâm và đề ra nhiệm vụ quan trọng để toàn Đảng toàn dân nhận thức đúng đắn và cùng thực hiện một cách có hiệu quả nhất đó là Văn hóa là nền tảng xã hội mà âm nhạc cũng chính là văn hóa. Môn âm nhạc ở trường phổ thông có vị trí rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Âm nhạc là tấm gương phản ánh trung thực đời sống xã hội loài người. Do đó, dạy học Âm nhạc trong trường THCS là việc làm mang tính cấp thiết, không thể thiếu, bởi yêu cầu phát triển toàn diện con người Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Âm nhạc không chỉ là bài dạy và học trên lớp mà mục đích cao nhất là hướng tới sự phát triển toàn diện về Trí - Đức - Thể - Mỹ./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.       Dương Viết Á (2006), Theo dòng âm thanh cái đẹp cải cách, Nhạc viện Hà Nội, Trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội.

2.               Phan Trần Bảng (2009), Phương pháp giảng dạy âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.       Hoàng Thị Châu (2004), Phương ngữ học Tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

4.       Thiết kế phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa, Tạp chí Giáo dục 2004 (số 102).

5.       Phạm Tuyên (1999), âm nhạc với trẻ em, Nxb âm nhạc.