Nội san

Đưa đồng dao vào chương trình giáo dục âm nhạc tại Khoa Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây - Hà Nội

02 Tháng Bảy 2014

 

 

                                                                          Hoàng văn Xuân

 

Chi chi chành chành

   Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế...”

Khi nghe những câu đồng dao trên, hầu hết trong chúng ta ai cũng hồi tưởng về một thời ấu thơ rất hồn nhiên và ngây thơ. Tuy nhiên ngày nay, cùng với sự phát triển hối hả của cuộc sống, liệu thế hệ trẻ thơ có được hát và chơi những trò chơi Đồng dao hay không ? chúng có được sống với chính sự hồn nhiên vốn có của mình ? Điều đó đã khiến những bậc làm cha làm mẹ và đặc biệt là đội ngũ cán bộ đang thực hiện công tác giáo dục Mầm non, đào tạo đội ngũ giáo sinh Mầm non phải quan tâm.

 

Ảnh:  Giờ thực nghiệm âm nhạc tại trường Mầm non Tân Triều- Hà Nội

 

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề đào tạo giáo viên Mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hà Tây, nơi đào tạo những cô giáo mầm non trong tương lai. Nhưng hiện nay, trong chương trình đào tạo tại khoa Mầm non chưa có nội dung đưa các bài hát và trò chơi đồng dao vào chương trình giảng dạy. Vì vậy, việc đưa đồng dao vào chương trình đào tạo nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên mầm non những kiến thức về Đồng dao, đồng thời góp phần giáo dục, phát triển toàn diện nhân cách trẻ.

Đồng dao và trò chơi Đồng dao rất phong phú và đa dạng, nên chúng tôi sẽ lựa chọn các bài hát Đồng dao và trò chơi Đồng dao có nội dung phù hợp với độ tuổi mầm non, phù hợp với chủ đề và mục tiêu giáo dục ở trường mầm non, đó là các chủ đề về bản thân, gia đình, thế giới động vật, thế giới thực vật, các hiện tượng tự nhiên, quê hương, Đảng - Bác Hồ, tết, mùa xuân, trường mầm non. Vì vậy, theo chúng tôi, muốn xây dựng chương trình, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với các điều kiện dạy và học của giáo sinh, đáp ứng được mục tiêu của chương trình đào tạo phải dựa trên một số tiêu chí và các giải pháp cụ thể.

1. Các tiêu chí

Tiêu chí thứ nhất: Lựa chọn nội dung dễ hát, dễ chơi

            Trong các thể loại Đồng dao thì các bài Đồng dao luôn chứa đựng những hình tượng sinh động, phong phú, những bài Đồng dao theo kết cấu chuỗi, có nội dung của từng sự vật, sự việc riêng lẻ. Đây là những nội dung giúp trẻ nhận biết và khám phá thế giới xung quanh theo các chủ đề giáo dục ở trường mầm non, phù hợp với lứa tuổi mầm non. Các bài Đồng dao dễ hát, dễ nhớ, có nội dung ca từ có giá trị thẩm mĩ cao, biểu hiện cái đẹp trong thiên nhiên và cuộc sống. Các bài hát, các trò chơi Đồng dao có bố cục ngắn gọn, rõ ràng, không quá dài để phù hợp với thời gian lên lớp, phù hợp với từng độ tuổi, có ý nghĩa giáo dục cao.

Tiêu chí thứ hai: Lựa chọn đảm bảo tính hấp dẫn, hào hứng

            Nói đến tuổi thơ là nói đến sự vui chơi, ca hát, các cháu hát trong lúc chơi, chơi trong lúc hát, các bài hát Đồng dao là các bài hát vui nhộn, những câu hát có vần điệu, tiết tấu nhịp nhàng, dễ nhớ dễ thuộc, hấp dẫn, có nội dung phù hợp, giúp trẻ vừa vui chơi giải trí vừa học hỏi và phát triển mở mang trí tuệ. Trò chơi Đồng dao phải hấp dẫn trẻ, lôi cuốn trẻ để trẻ hào hứng, hứng thú trong giờ học âm nhạc, sự hấp dẫn là một trong những tiêu chí quan trọng cuốn hút trẻ tới với trò chơi, tới với âm nhạc. Từ sự hấp dẫn và hào hứng trong quá trình “học mà chơi, chơi mà học” trẻ sẽ tiếp thu được những kiến thức mới, những cách giải quyết vấn đề nảy sinh cũng như việc phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm.

Tiêu chí thứ ba: Lựa chọn nội dung theo chủ đề giáo dục tại trường mầm non

            Giáo dục lứa tuổi mần non là một việc làm rất quan trọng. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, chúng ta phải xây dựng kế hoạch, chủ đề cụ thể để lựa chọn các hình thức giáo dục khoa học mang lại hiệu quả cao nhất. Trong kho tàng những bài Đồng dao và trò chơi trẻ em, có rất nhiều các bài hát, trò chơi Đồng dao phù hợp với các nội dung theo chủ đề: Bản thân; Gia đình; Thế giới động vật; Thế giới thực vật; Các hiện tượng tự nhiên, xã hội. Khi khai thác và ứng dụng thể loại, trò chơi Đồng dao sẽ giúp cho việc cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục một cách tích cực và  hiệu quả hơn.

Tiêu chí thứ tư: Lựa chọn những bài Đồng dao, trò chơi Đồng dao phát huy tính sáng tạo, chủ động của trẻ

Đồng dao được các cháu hát trong lúc tổ chức chơi các trò chơi, không những cung cấp cho trẻ những kiến thức về thế giới xung quanh ta, về tự nhiên, về con người và xã hội mà qua các bài Đồng dao, trò chơi Đồng dao “Trẻ em hát, trẻ em chơi”, các em được rèn luyện về trí tuệ, thân thể, các giác quan, hưng phấn về tinh thần, và là chất xúc tác cho các em nhận biết về sáng tạo trong cuộc sống; rèn luyện cho các em tính chủ động trong xử lý tình huống, hợp tác, tương tác với bạn bè, đoàn kết giúp đỡ nhau, có lòng khiêm tốn, trung thực và khoan dung. Đặc biệt giúp trẻ các kỹ năng nhận biết, kỹ năng quan sát; phát triển khả năng hiểu biết và mở mang trí tuệ “Hát chơi mà học thật, học làm người”.

2. Các giải pháp cụ thể đưa Đồng dao vào chương trình giảng dạy

            Căn cứ vào bốn tiêu chí trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp đưa Đồng dao vào chương trình giảng dạy tại khoa Mầm non trường CĐSP Hà Tây.

Thứ nhất là,  đưa Đồng dao vào học phần Thực hành ca hát mầm non

            Qua trực trạng việc dạy và học chương trình thực hành ca hát mầm non tại khoa mầm non Trường CĐSP Hà Tây chúng tôi nhận thấy, thời lượng chương trình học phần Thực hành ca hát mầm non hai tín chỉ, trong đó số giờ lý thuyết là 10 tiết, số giờ thực hành là 20 tiết. Nên việc bổ sung Đồng dao vào học phần Thực hành ca hát mầm non, thêm một tín chỉ dựa theo các tiêu chí trên, nhằm đáp ứng về thời lượng và nội dung chương trình giảng dạy cho giáo sinh.

  

Ảnh:Giờ thực hành hoạt động âm nhạc ở khoa Mầm non- Trường CĐSP Hà Tây

 

Thứ hai là, xây dựng chương trình chi tiết học phần thực hành ca hát mầm non

Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu: “Đưa Đồng dao vào chương trình giáo dục âm nhạc dạy tại khoa mầm non trường CĐSP Hà Tây”, chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu và tiến hành đưa Đồng dao vào chương trình học cho giáo sinh ở học phần thực hành ca hát mầm non.

            Vì vậy, ở phạm vi nghiên cứu của đề tài này, chúng tôi mạnh dạn đưa và ứng dụng cơ sở lí luận và phương pháp tổ chức dạy các bài hát Đồng dao vào chương trình học hát, nhằm làm phong phú thêm nội dung chương trình dạy và học của hệ đào tạo giáo viên mầm non. Nâng cao chất lượng đào tạo của bộ môn trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non, bộ môn âm nhạc nói chung và học phần “Thực hành ca hát mầm non” nói riêng, có vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non, nó đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dạy và giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non, bởi vì trong các hoạt động của trẻ khi thực hiện dạy môn âm nhạc ở trường mầm non thì môn ca hát là hoạt động chủ yếu. Giáo sinh sau này ra trường hát được các thể loại bài hát, thực hành thành thạo các hoạt động âm nhạc sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ dạy các cháu mầm non.

            Việc thực hiện tốt công tác giảng dạy, học tập môn thực hành ca hát mầm non nói chung, đưa Đồng dao vào chương trình là việc làm cần thiết và quan trọng trong công tác đào tạo giáo viên Mầm non.  

            Với số lượng, nội dung kiến thức được xây dựng trong 2 tín chỉ với 10 tiết lý thuyết và 20 tiết thực hành đó: Phần kĩ thuật dạy hát, các khái niệm về ca hát mầm non, các thể loại, hành khúc, trữ tình, nhanh vui, dí dỏm, các bài hát dân ca, các ca khúc cô hát trẻ nghe trong chương trình đào tạo, nay bổ sung đưa các bài Đồng dao được lựa chọn cụ thể theo các tiêu chí đã xác định ở phần trên vào chương trình đào tạo dạy cho giáo sinh khoa Mầm non trường CĐSP Hà Tây, nhằm đáp ứng được mục tiêu đào tạo giáo viên mầm non  hiện nay, nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc ở trường mầm non, thiết thực đưa đến cho các cháu mầm non một nội dung mới, giá trị mới, đáp ứng được giá trị to lớn là giáo dục âm nhạc cổ truyền, giáo dục các cháu mầm non về “Đức, trí, thể, mĩ”, góp phần phát triển toàn diện nhân cách trẻ.

            Với thời lượng đưa Đồng dao vào chương trình là 01 tín chỉ (15 tiết), thời gian thực hành được chia cho phần học các bài hát Đồng dao dân gian và các bài hát được phổ nhạc đã phần nào đáp ứng được cho giáo sinh nắm bắt thể loại Đồng dao, học hát các bài hát Đồng dao cho trẻ mầm non. Thực hành học các bài Đồng dao theo chủ đề giáo dục tại trường mầm non, phát huy khả năng sáng tạo, tìm tòi các bài Đồng dao phù hợp với trẻ mầm non cho giáo sinh, để sau này ra trường giáo sinh biết sưu tầm, lựa chọn, đưa vào dạy cho các cháu Mầm non theo chủ đề giáo dục, để các cháu được học và vui chơi trong không gian, thời gian trẻ học ở trường mầm non. Lưu giữ ở trẻ những khúc hát, những trò chơi dân gian, tạo ấn tượng đối với các cháu, các cháu sẽ ghi nhớ và lưu giữ trong suốt cuộc đời.

Thứ ba là, đưa bài hát Đồng dao phù hợp vào chương trình

            Trong chương trình giáo dục âm nhạc tại khoa mầm non dành 15 tiết thực hành hát Đồng dao, với thời lượng không nhiều, chúng tôi lựa chọn các bài hát Đồng dao theo các tiêu chí, đảm bảo nội dung giáo dục cho trẻ, phù hợp với các chủ đề giáo dục ở trường mầm non như sau: Bài hát Đồng dao theo chủ đề về bản thân: Chú Cuội, Cái Bống;  Bài hát Đồng dao theo chủ đề gia đình: Bà còng đi chợ , Mau mau tỉnh dậy ,Tiếng con chim ri; Bài hát Đồng dao theo chủ đề thế giới động vật (các con vật): Con cua mà có hai càng, Mèo trèo cây cau, Con gà cục tác lá chanh;  Bài hát Đồng dao theo chủ đề thế giới thực vật: Lúa ngô là cô đậu lành, Trồng đậu trồng cà; Bài hát Đồng dao theo chủ đề các hiện tượng tự nhiên, xã hội: Lạy trời mưa xuống, Trời mưa trời gió; Bài hát Đồng dao theo chủ đề quê hương, đất nước: Quả địa cầu có bốn đại dương, Con diều.

Thứ tư là, đưa Đồng dao vào học phần, Phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non

            Học phần phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc là một bộ môn quan trong trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non. Đây là học phần cung cấp cho giáo sinh những kiến thức cơ bản về phương pháp tổ chức dạy các hoạt động âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non, trang bị cho giáo sinh một số phương pháp, biện pháp và hình thức tổ chức cho trẻ hoạt động âm nhạc ở trường mầm non. Học phần này có tổng số tín chỉ là 3, trong đó 30 tiết lý thuyết và 15 tiết thực hành.

            Qua thực trạng tìm hiểu và trực tiếp giảng dạy bộ môn, Phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc, căn cứ vào mục tiêu của môn học, chúng tôi nhận thấy, khi dạy cho giáo sinh học phần này, ngoài việc truyền dạy cho giáo sinh các phương pháp học âm nhạc cho trẻ mầm non, giáo sinh nắm vững các phương pháp, biết vận dụng thực tế hoạt động âm nhạc vào giảng dạy cho các cháu mầm non; hát được các bài hát cô hát trẻ nghe như các làn điệu dân ca, hát ru, các ca khúc phù hợp cho trẻ, các kiến thức về múa và vận động theo nhạc, các dạng trò chơi  âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non. Đây là các hoạt động chính của bộ môn giáo dục âm nhạc ở trường mầm non. Việc tổ chức các hoạt động âm nhạc như: ca hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc cho trẻ. Trong khuôn khổ đề tài này, chúng tôi muốn đề cập đến nội dung Tổ chức cho trẻ chơi trò chơi âm nhạc. Trò chơi âm nhạc là một hoạt động tích cực trong giờ học âm nhạc của các cháu mầm non, tạo cho trẻ hứng thú, hứng khởi, vui vẻ và tích cực hoạt động, sáng tạo trong sự nhận thức của trẻ. Đây là điều các giáo sinh cần nắm vững đặc điểm này khi dạy cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc. Trong thực tế thì các trò chơi âm nhạc không phong phú, còn mang tính dập khuôn với các trò chơi với hát, trò chơi với âm thanh, âm nhạc, hoặc trò chơi phát triển tai nghe, phát triển trí tuệ của trẻ còn hạn chế và chưa phong phú. Khi tìm hiểu và nghiên cứu về Đồng dao, các trò chơi Đồng dao của trẻ thời thơ ấu, chúng tôi nghĩ rằng nên đưa các trò chơi Đồng dao của trẻ vào chương trình dạy cho giáo sinh Sư phạm mầm non với đối tượng là giáo sinh khoa Mầm non trường CĐSP Hà Tây, nhằm đáp ứng phong phú thêm, tác dụng trực tiếp với trẻ trong thời gian trẻ học ở trường mầm non. Trẻ được “Học mà chơi, chơi mà học”.

            Quá trình tìm hiểu và giảng dạy học phần này, với thời lượng cho phần tổ chức dạy trẻ trò chơi âm nhạc ở trường mầm non, các dạng trò chơi âm nhạc, thông qua phần này đưa một số trò chơi Đồng dao, trò chơi dân gian vào dạy cho giáo sinh khoa mầm non, để sau này khi ra trường thực hiện dạy cho các cháu mầm non, đó là nguồn tri thức dân gian, nó phản ánh về cuộc sống con người và nó chứa đựng nội dung giáo dục cao, tạo hiệu ứng tốt cho trẻ trong giờ học âm nhạc cũng như phát triển trẻ những hoạt động tích cực.

Thứ năm là, đưa trò chơi dân gian, trò chơi Đồng dao vào phần tổ chức dạy trò chơi âm nhạc dạy cho giáo sinh

            Trong cấu chúc giờ học âm nhạc của trẻ mầm non các độ tuổi mẫu giáo, thì trò chơi âm nhạc là phần dạng kết hợp thời gian tổ chức cho trẻ chơi trò chơi, thường từ 5 - 7 phút nên khi tổ chức cho trẻ chơi người dạy phải lựa chọn những bài hát, những trò chơi âm nhạc phù hợp với đối tượng, đảm bảo thời gian dạy và học trên lớp.

            Với kế hoạch, thời lượng của chương trình, chúng tôi lựa chọn một số các trò chơi Đồng dao, đưa vào chương trình để tổ chức các hoạt động âm nhạc như sau:

            Trò chơi Đồng dao được lựa chọn phù hợp dành cho các cháu lứa tuổi mầm non, đặc biệt là các cháu mẫu giáo lớn 5 - 6 tuổi. Các trò chơi: Nu na nu nống; Kéo cưa lừa xẻ; Lộn cầu vồng; Ô nô, ô nốc; Dung dăng dung dẻ...

Với sức cuốn hút mạnh mẽ của Đồng dao bởi lời ca trong sáng giản dị, mộc mạc, nội dung của Đồng dao như một thế giới muôn màu của trẻ thơ, Đồng dao có sức cuốn hút mạnh mẽ với trẻ thơ, đem đến cho trẻ niềm vui và những hiểu biết về thế giới xung quanh. Cả một kho tàng các bài hát Đồng dao, trò chơi Đồng dao phong phú chính là phương tiện để giáo dục trẻ về “đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất”. Với định hướng đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo, ngành mầm non cần phải phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo của giáo sinh. Một trong những đổi mới rõ nét của chương trình là lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực tự giác, chủ động sáng tạo của người học. Điều này đòi hỏi nơi đào tạo phải xây dựng mục tiêu, nội dung các học phần, nâng cao chất lượng nghề nghiệp. Việc triển khai xây dựng chương trình, bổ sung những khiếm khuyết, hạn chế được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển chương trình, phải thực hiện từng bước phù hợp với việc tổ chức đào tạo./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bộ giáo dục đào tạo (2011), Chương trình giáo dục mầm non Nxb Giáo dục Việt Nam.

2.      Nguyễn Nghĩa Dân (2005), Đồng dao Việt Nam, Nxb VHTT.

3.              Đào Ngọc Dung (2004), Tuyển tập Đồng dao, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

4.      Hoàng Công Dụng (2005), Âm nhạc và Múa, Nxb giáo dục.

5.              Huy Hà (1992), Trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

6.      Bùi Trọng Hiền (2011), Hát ru - Đồng dao, (luận bàn).

7.              Phạm Thị Hòa (2005) Giáo dục Âm nhạc, tập 1, tập 2, Nxb ĐHSP Hà Nội.

8.      Trần Thị Lai Hồng (2007), Đồng dao Trò chơi trẻ con, (Bình luận).

9.      Lê Thu Hương - Trần Thị Ngọc Trâm - Lê Thị Ánh Tuyết, (Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình GDMN từ 0-6 tuổi).

10.  Nguyễn Phúc Linh chủ biên (2002), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam và đời sống của nó trong xã hội đương đại, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Âm nhạc Việt Nam.