Nội san

Đàn Keyboard trong chương trình đào tạo sinh viên khoa Sư phạm âm nhạc - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội

07 Tháng Bảy 2014

                                                                        Hà Trọng Kiều

                                                                                    

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng nhiều hơn tới việc cải cách chương trình, nội dung đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở tất cả các ngành học, trong đó có ngành Sư Phạm Âm nhạc. Bộ môn Âm nhạc được giảng dạy ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) ngày càng nhận được thêm nhiều sự quan tâm và đòi hỏi từ phía phụ huynh học sinh với mong muốn con em họ được nhà trường đạo tạo toàn diện về tất cả các mặt: Đức dục – Trí dục – Thể dục – Thẩm mỹ.

Hiện nay, trình độ của giáo viên dạy môn Âm nhạc tại bậc Tiểu học và THCS còn nhiều hạn chế. Hầu hết, các giáo viên chưa đủ tự tin, chưa có khả năng trực tiếp sử dụng một loại nhạc cụ để đệm hát cho học sinh thường xuyên, hoặc trực tiếp tham gia dựng các chương trình văn nghệ đoàn đội phục vụ cho các hoạt động văn thể mỹ của nhà trường. Giáo viên âm nhạc chỉ đóng vai trò tổ chức chương trình văn nghệ, phát hiện và bồi dưỡng hạt nhân phong trào. Khi có các hoạt động giao lưu văn nghệ quan trọng giữa các trường, giữa các ban ngành, nhà trường vẫn phải đầu tư kinh phí cho việc thuê dàn dựng chương trình. Điều này làm giảm đi tính hiệu quả trong công giác giảng dạy bộ môn Âm nhạc tại trường học, đồng thời chưa khai thác được triệt để nguồn nhân lực, làm lãng phí nguồn đào tạo giáo viên. Đứng trước thực tế đó, chúng tôi đã lựa chọn đề tài "đàn Keyboard trong chương trình đào tạo sinh viên khoa sư phạm âm nhạc- Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội" và đưa ra những đề xuất rất cụ thể trong việc đánh giá cao tính ưu việt của cây đàn Keyboard với khả năng tối ưu hoá công tác giảng dạy bộ môn Âm nhạc trong nhà trường.

Như chúng ta đã biết, trong chương trình đào tạo hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, các môn học thuộc khối kiến thức Lý thuyết chuyên ngành Sư Phạm Âm nhạc gói gọn trong 6 học trình Lý thuyết âm nhạc cơ bản, 6 học trình Hoà âm ứng dụng và phối bè, 6 học trình trong Hình thức và thể loại âm nhạc, 5 học trình cho Lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam, 2 học trình cho Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, 7 học trình cho Phương pháp dạy học âm nhạc. Các môn học thuộc khối kiến thức thực hành âm nhạc gói gọn trong 6 học trình cho Hát, 6 học trình cho thực tập Nhạc cụ, 18 học trình Ghi nhạc, 4 học trình Chỉ huy và dàn dựng hát tập thể, 2 học trình cho Hát dân ca, 4 học trình Múa, 4 học trình Phương pháp dàn dựng chương trình tổng hợp, chỉ có 4 học trình cho Đệm đàn. Như vậy, thời gian thực hành với một nhạc cụ và đi đến việc sử dụng thành thạo cho ứng dụng đệm hát so với thời gian đào tạo các kiến thức âm nhạc cơ bản theo yêu cầu chung của ngành Sư phạm là tương đối ít , dẫn đến tình trạng các giáo viên bộ môn Âm nhạc ở các trường Tiểu học và THCS chưa đủ tự tin chơi tốt một loại nhạc cụ là việc dễ hiểu. Đứng trước thực tế này, việc lựa chọn cây đàn Keyboard làm nhạc cụ thực hành cho các sinh viên Sư phạm Âm nhạc là một giải pháp tối ưu. Cây đàn Keyboard với những tính năng của nó đang ngày càng trở nên quan trọng và có khả năng ứng dụng tối ưu trong nhiều hoàn cảnh, nó được coi là một phương tiện vô cùng thuận lợi, hữu ích cho các giáo viên âm nhạc ở bậc Tiểu học và THCS.

Keyboard – (đàn phím/nhạc cụ điện tử) là một trong những kết tinh của những bước tiến nhảy vọt trong công nghệ kỹ thuật số. Với keyboard, các thầy cô bộ môn âm nhạc có trong tay cả một dàn nhạc, và một công cụ thiết thực nhằm truyền tải tốt những kiến thức âm nhạc căn bản tới học sinh. Học sinh dễ dàng được nghe và làm quen với cao độ chuẩn (nhờ đặc tính chuẩn âm của cây đàn), có thể học cách phân biệt tiếng của nhiều loại nhạc cụ khác nhau, có kiến thức sâu hơn về các thể loại nhạc đa dạng trên thế giới nhờ vào tính năng tiếp nhận các file âm nhạc từ bên ngoài thong qua cổng đọc midi, hoặc phần dữ liệu hoà âm phối khí, các dữ liệu liên quan đến tiết tấu đã cài đặt sẵn trong cây đàn. Giờ học nhạc của các em sẽ trở nên hiệu quả hơn, và các thầy cô cũng dễ dàng truyền đạt những kiến thức âm nhạc căn bản của mình. Ngoài ra, cây đàn Keyboard đem lại các ứng dụng thiết thực và hữu hiệu (bao gồm cả việc tiết kiệm chi phí) trong các hoạt động dàn dựng, thực hiện, biểu diễn các tiết mục văn nghệ trong các hoạt động sinh hoạt văn thể mỹ, hay hoạt động ngoại khoá của nhà trường. Keyboard giữ vai trò quan trọng trong phong trào sinh hoạt âm nhạc hiện đại.

Những điểm còn hạn chế trong việc dạy và học môn đàn Keyboard, chủ yếu do các yếu tố như thời lượng thực hành với cây đàn còn quá ít ỏi, một sinh viên chỉ được học 0,5 tiết/tuần, nội dung chương trình còn kém đa dạng, phong phú, chưa thu hút được sinh viên, chưa có giáo trình giảng dạy cụ thể, cô đọng (hiện giảng dạy bằng nhiều nguồn tài liệu khác nhau), áp dụng phương pháp dạy học chung cho cả nhóm học với những sinh viên có trình độ năng lực khác nhau, giảng viên chưa chú trọng tính thực tiễn của cây đàn – nhất là ứng dụng trong việc đệm hát và một thực tế cho thấy, ở mỗi trường Tiểu học hay THCS đều có ít nhất một cây đàn Keyboard nhưng những cây đàn này lại rất ít được sử dụng. Phần vì giáo viên nhạc chưa đề cao việc ứng dụng của cây đàn trong các tiết học, phần vì giáo viên chưa tự tin và thành thạo trong việc sử dụng, chia sẻ nhạc cụ. Vì vậy, việc cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy đàn Keyboard nhằm nâng cao kỹ năng cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc – trường CĐSP Hà Nội là một việc làm rất cần thiết. Với môn đàn Keyboard, tác giả mạnh dạn đưa ra những ý kiến nhằm sửa đổi nội dung chương trình trong thời lượng đào tạo của môn học. Là môn học mang tính thực hành cao, trên thực tế công tác, sinh viên cần sử dụng nhiều đến khả năng đệm đàn. Vì vậy, nội dung chương trình cần đề cập nhiều đến đệm hát và đưa ra những phương pháp cụ thể mang tính gợi mở để các em có thể tự trau dồi kiến thức của mình trong khi ngồi trên ghế nhà trường và sau khi ra trường, khi thực tiễn với công tác giảng dạy bộ môn Âm nhạc tại bậc Tiểu học và THCS.

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc ở trường THCS ( Nguồn: sưu tầm)

 

 Với thời lượng một tuần mỗi sinh viên chỉ được học 0,5 tiết nhạc cụ, giảng viên cần linh động để cả 10 sinh viên trong buổi học đó có thể tham gia học cùng một lúc (thông thường một buổi học là 5 tiết và có 10 sinh viên). Những kiến thức cụ thể được đề xuất trong nội dung giảng dạy bộ môn Keyboard trong đề tài nghiên cứu này đưa ra không nhằm hoặc hướng đến riêng một sinh viên cụ thể nào mà hướng đến tất cả các sinh viên nhằm để phát huy hiệu quả tối đa thời lượng giảng dạy, và bám sát mục tiêu sinh viên có thể sử dụng tốt cây đàn Keyboard trong các hoạt động giảng dạy, dàn dựng văn nghệ. Khi ra trường, sinh viên nhất thiết phải đạt được chuẩn nghề nghiệp của người giáo viên với trình độ chuyên môn và nghiệp vụ ứng dụng âm nhạc trong đời sống giáo dục thực tiễn.

Trong môn đàn Keyboard, cả giảng viên và sinh viên (những giáo viên âm nhạc tương lai) đều cần liên tục cập nhật công nghệ qua các trang Web (như Youtube, How to learn Keyboard…), với tư duy cởi mở trong việc tiếp nhận thông tin đa chiều để có cái nhìn đúng đắn và mới mẻ, những phát triển về thị hiếu thẩm mỹ và âm nhạc. Nội dung này tiếp nối gợi ý thêm nhiều không gian thực hành âm nhạc cởi mở hơn, tiện ích hơn trong công tác giảng dạy bộ môn Keyboard cho sinh viên Sư phạm âm nhạc, và trong các hoạt động giao lưu ngoại khoá của nhà trường. Bên cạnh đó, Giảng viên phải là người giữ vai trò chủ đạo trong dạy học. Để có một đội ngũ giảng viên giỏi, Ban lãnh đạo trường CĐSP Hà Nội nên thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên. Là người thầy của những người thầy, người giảng viên sư phạm cần nắm rõ những nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, thực hiện tốt các cuộc vận động "Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm", “mỗi thầy cô giáo đều cần phấn đấu và rèn luyện để trở thành tấm gương sáng cho sinh viên noi theo”.

Các cấp lãnh đạo cần tiếp tục đầu tư cho các giảng viên đi học nâng cao để có một đội ngũ giảng viên giảng dạy có chất lượng cao về chuyên môn, có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Bản thân các giảng viên cũng phải có ý thức tự nâng cao bằng những kinh nghiệm giảng dạy và sự tìm tòi, học hỏi để ngày càng vững vàng về chuyên môn.

Hiện nay, giáo trình và tài liệu giảng dạy môn đàn Keyboard của trường CĐSP Hà Nội còn có những vấn đề chưa phủ hợp để đảm bảo cho việc dạy và học đạt được kết quả tốt. Nói chung, giáo trình và tài liệu còn thiếu nhiều và chưa đồng bộ. Từ thực tế này, thiết nghĩ nhà trường cần bổ sung kịp thời các giáo trình, tài liệu phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy. Ngoài những giáo trình qui định, giảng viên nên có sự tương tác với sinh viên, trao đổi và tìm hiểu sở thích của các em, hướng dẫn các em luyện tập những tác phẩm mới do bản thân các em sưu tầm được nhưng vẫn phù hợp với chương trình đạo tạo. Việc làm này sẽ gây được hứng thú học tập cho sinh viên.

Khi tổ chức biên soạn giáo trình cần tham khảo những giáo trình, tài liệu của những trường nghệ thuật khác như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trường ĐHSP Nghệ thuật TW... Tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đưa ra những kiến thức vừa đủ, phù hợp với khả năng của sinh viên và mục đích đào tạo của nhà trường.

Việc biên soạn những giáo trình hướng dẫn sử dụng đàn Keyboard để đệm hát là vô cùng cấp thiết bởi trong thực tế dạy học ở trường phổ thông hay trong các hoạt động văn nghệ quần chúng hiện nay, hầu hết những giáo viên nữ đều rất hạn chế về kỹ năng đệm đàn. Trong thời gian, qua môn đàn Keyboard chủ yếu được dạy theo giáo trình của nhạc sỹ Xuân Tứ. Nội dung của giáo trình này gồm có: Các bài luyện ngón, các bài kỹ thuật, Etude, gam và một số tác phẩm do nhạc sỹ biên soạn. Nói chung, giáo trình này đã cung cấp những kiến thức sơ đẳng về cây đàn Keyboard. Tuy nhiên, giáo trình này lại rất hạn chế về các kiến thức đệm hát, các kiến thức về những tính năng của cây đàn là những điều vô cùng quan trọng và cần thiết đối với người sử dụng đàn Keyboard. Bởi vậy, khi dạy đệm hát, giảng viên chỉ dựa vào kinh nghiệm đệm của bản thân để hướng dẫn sinh viên, việc tiếp thu của sinh viên cũng bị hạn chế rất nhiều do không có tài liệu học tập. Điều này chính là một trong những lí do hầu hết sinh viên khi ra trường đều chưa làm chủ được một cách thực sự cây đàn Keyboard và là một điểm yếu trong công tác đào tạo cần được khắc phục ngay cho những sinh viên Sư phạm Âm nhạc hiện tại. Trong chương trình học tập môn đàn Keyboard, ngoài những kiến thức cơ bản về kỹ thuật ngón, kỹ năng sử dụng đàn còn phải chú ý đến năng lực đệm đàn thành thạo. Khi biên soạn giáo trình hướng dẫn sử dụng đàn Keyboard để đệm hát, vừa phải chú ý tới những nội dung cung cấp các kiến thức chung về phương pháp đệm, vừa phải có những nội dung hướng dẫn người học khai thác và sử dụng tốt các tính năng của các loại đàn Keyboard phổ biến hiện nay. Tất cả các nội dung cần được biên soạn có trình tự, theo bài bản cụ thể, từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo tính khoa học phù hợp với đặc thù của bộ môn.

   Thực tế cho thấy không chỉ ở các trường phổ thông, mà ở các trường Cao đẳng, Đại học chuyên nghiệp hiện nay phương pháp dạy học theo lối truyền thống vẫn là phổ biến. Vấn đề cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học đang trong thời kỳ quá độ. Việc cập nhật phương pháp mới - phương pháp tích hợp trong việc dạy và học các môn nghệ thuật ở các trường Sư phạm vẫn đang là vấn đề nóng hổi, đòi hỏi cần phải có một quá trình đổi mới và hoàn thiện.

Tóm lại, trong đào tạo giáo viên âm nhạc tại trường CĐSP Hà Nội nói riêng, các trường sư phạm nói chung thì chất lượng đào tạo là một kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó cần nhấn mạnh tính khoa học và tính thực tiễn cao, cũng như việc nâng cao phương pháp giảng dạy và nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị không gian môi trường đào tạo. Những yếu tố đã được nghiên cứu không nằm ngoài mục tiêu bám sát nội dung đào tạo do các cấp ban ngành quản lý đã đề ra, hơn thế, đây chính là những đề xuất mang tính thực tiễn cao, và hoàn toàn có thể áp dụng trong công tác giảng dạy, góp phần cải thiện chất lượng đào tạo sinh viên Sư phạm âm nhạc, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội./.

 

 

                                          TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Nguyễn Hạnh (1999), Thực hành Keyboard 1, Nxb Thanh Niên.

2.              Phạm Tú Hương (2003), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm..

3.      Phạm Minh Khang (2001), Hòa thanh, Nhạc viện Hà Nội.

4.      Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục.

5.      Nguyễn Thị Nhung (1990), Hình thức âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội.

6.      Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội.

7. Nguyễn Tố Như (2004), Hình thức biến tấu trong sáng tác của một số nhạc sĩ Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật học.

8. Ngô Ngọc Thắng (2006), Lý thuyết và thực hành trên đàn Keyboard, Tập1, 2, 3, 4, Nxb Âm nhạc.

9. Xuân Tứ (2004), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử, Nxb Đại học Sư phạm.

10.   Lê Vũ (1996), Độc tấu trên đàn Keyboard - Keyboard, Nxb Trẻ.

11.  Tuấn Khương – Xuân Oánh, Tuyển tập những bài hát có phần đệm đàn Keyboard sử dụng trong các trường Tiểu học.

12.  A.Vakhrameev (1993), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Âm nhạc.

13.   Đubôpxki (I), Epxêep (X), Xpasôbin (I), Xôcôlôp (V), SGK Hòa âm (tập I, II), Nxb Mỹ thuật và Âm nhạc.

14.   Grigoriep (X), Muyle (T), 1997, Sách học phức điệu (tập I, II) , Nhạc viện Hà Nội.

15.   Marin Gôlêminôp, Những vấn đề của nghệ thuật phối dàn nhạc, Nxb Mỹ thuật và Âm nhạc.

16.   King Palmer (2004), Tự học Piano và Keyboards, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.