Nội san

Nâng cao chất lượng dạy học môn Chỉ huy dàn dựng hát tập thể cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội

08 Tháng Bảy 2014

                                                            Lê Quốc Vương

 

Trong công tác đào tạo âm nhạc, các hoạt động ca hát tập thể cần được đề cao và là nhiệm vụ quan trng của người giáo viên ở thời đại mới . Nghệ thuật hợp xướng cũng như các hoạt động tập thể khác tạo ra sợi dây gắn kết con người với con người về nhiều mặt, đem đến sự giao lưu, học hỏi, tạo ra động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Nhận thức được điều đó, trong chương trình đào tạo giáo viên phổ thông ở các trường Sư phạm nói chung và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nói riêng, môn "Chỉ huy dàn dựng hát tập thể" đã được đưa vào chương trình đào tạo chung cho sinh viên Sư phạm âm nhạc nhằm nâng cao chất lượng âm nhạc tập thể ở các trường phổ thông và quần chúng xã hội.

             Chỉ huy dàn dựng hát tập thể là môn học mang tính tổng hợp, sáng tạo bao gồm những kiến thức tổng hợp về âm nhạc như hình thức, thể loại âm nhạc, kỹ năng cơ bản trong chuyên môn chỉ huy và dàn dựng tác phẩm hợp xướng và khả năng trình tấu một tác phẩm âm nhạc. Ngoài ra, sinh viên cần được trang bị những kiến thức tổ chức về tâm lý con người, có những kỹ năng và phương pháp, cách thức khi làm việc trước tập thể.

Môn “Chỉ huy dàn dựng hát tập thể” được Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đưa vào chương trình đào tạo đã được nhiều năm và đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, còn tồn tại một số khó khăn trong quá trình dạy học như: sinh viên vẫn còn lúng túng trong quá trình học tập, chưa hiểu rõ và nắm vững các kiến thức có liên quan đến môn học. Sinh viên ra trường sẽ là giáo viên dạy môn âm nhạc cho tập thể ở các trường trung học cơ sở nhưng sau khi học xong môn học này, hầu hết các sinh viên đều không áp dụng đúng nghĩa của môn học đối với công tác dạy hát ở các trường phổ thông.

1. Thực trạng dạy học môn Chỉ huy dàn dựng hát tập thể cho sinh viên ngành sư phạm âm nhạc

Về nội dung chương trình chi tiết, hiện nay môn học sử dụng theo giáo trình Chỉ huy dàn dựng hát tập thể của tác giả Đoàn Phi. Để đạt được mục tiêu môn học, cả giảng viên và sinh viên phải cố gắng rất nhiều trong quá trình dạy học bởi thời lượng chương trình chỉ có 70 tiết. Trong nội dung chương trình, việc phân phối thời gian còn chưa hợp lý. Số tiết cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu là 65 tiết, thực hành luyện tập chỉ 50 tiết, lý thuyết là 20 tiết. Số tiết thực hành luyện tập không đủ để tạo điều kiện cho sinh viên được học hỏi nhiều hơn từ giảng viên. Trong khi đó, số tiết tự nghiên cứu lại có thời lượng nhiều hơn. Nhưng vì môn Chỉ huy dàn dựng hát tập thể còn khá mới mẻ nên sinh viên chưa đủ năng lực để tự học, tự nghiên cứu và thực hành.Thậm chí thời gian này còn tạo điều kiện cho sinh viên sử dụng vào việc không đúng mục đích.

Khi giữ vai trò người chỉ huy dàn dựng, một số sinh viên bộc lộ rõ những lúng túng, hạn chế, cụ thể ở các mặt sau: Động tác kỹ thuật cơ bản của chỉ huy, Hình thức dàn dựng. Sinh viên chưa có tư duy dàn dựng xử lý tác phẩm hợp xướng. Các em thường chỉ huy theo giai điệu chứ không bao quát hết các bè trong hợp xướng. Nghệ thuật hợp xướng là sự hòa hợp của âm thanh, sự đan xen của những tuyến bè, nếu thiếu đi điều đó thì tác phẩm chỉ đơn thuần một ca khúc. Bên cạnh đó, hình thức dàn dựng thường đơn giản, thiếu tính sáng tạo trong việc chọn lựa tác phẩm cũng như đội hình dàn dựng khi hát. Sinh viên cũng tỏ ra lúng túng trong khả năng sử dụng nhạc cụ (keyboard, piano) đối với môn học. Khả năng phối hợp xướng của sinh viên còn hạn chế. Sinh viên thường có những bài viết sơ sài, mắc những lỗi cơ bản, cách nối tiếp hòa thanh hoặc phân phối bè không hợp lý làm mất tính chất của ca khúc.

2. Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn chỉ huy dàn dựng hát tập thể cho sinh viên cao đẳng sư phạm âm nhạc           

Phương pháp học tập theo nhóm và sử dụng phương tiện trực quan

            Do hạn hẹp về quỹ thời gian trong khi mục tiêu môn học đề ra phải đạt được hiệu quả tốt nên chúng tôi nghiên cứu cách dạy và học theo hướng tích cực, chủ động, vừa đảm bảo đúng quy chế đào tạo của nhà trường mà vẫn đạt được những yêu cầu đặc thù của chuyên môn là học theo cả hai hình thức tập thể lớp và nhóm. Với hai hình thức học này cùng kết hợp trong một buổi học (năm tiết học) có thể đảm bảo tính thống nhất về kiến thức chung, đồng thời tận dụng tối đa quỹ thời gian cho phép và phát huy hết năng lực của sinh viên, tạo cơ hội cho tất cả sinh viên được vận dụng ngay những kiến thức lý thuyết vào thực hành.

 

Ảnh: Một tiết mục hợp xướng của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

            Như vậy, biện pháp học tập theo nhóm đối với môn Chỉ huy dàn dựng hát tập thể là sự tổng hợp của phương pháp thảo luận nhóm, trình bày theo nhóm, phương pháp đóng vai. Mục đích của việc học theo nhóm là chia lớp thành nhiều nhóm để học từng bè cụ thể của tác phẩm hợp xướng.Mỗi bè tự dựng tự hát và thay nhau chỉ huy. Với cách học này sẽ phát huy tính chủ động cho sinh viên sau khi được giảng viên hướng dẫn các bài tập cụ thể.

            Trong quá trình dạy học, việc sử dụng các thiết bị âm thanh, hình ảnh, video giới thiệu về tác phẩm giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan về tác phẩm, cách xử lý tác phẩm (tác phong của người chỉ huy, cách tổ chức hợp xướng, cách xử lý kỹ thuật...). Những tác phẩm do các dàn hợp xướng khác nhau biểu diễn mà giảng viên có thể tìm trên internet sẽ tạo thúc đẩy sự chú ý, tập trung và tinh thần học hỏi của sinh viên. Bên cạnh đó, giảng viên có thể mở rộng giới thiệu về các dàn hợp xướng, các tác phẩm hợp xướng, cách dàn dựng các tác phẩm của các nhà chỉ huy nổi tiếng của Việt Nam và thế giới nhằm đưa nghệ thuật hợp xướng đích thực đến với sinh viên.

Ngoài ra, giảng viên có thể sử dụng các phần mềm âm nhạc như: Adobe Audition, Cubase, Encore, Sibilius, Power point... để hỗ trợ trong quá trình trình chiếu bản nhạc, chỉnh sửa âm thanh. Đưa công nghệ, kỹ thuật vào chương trình dạy học là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Vì vậy, giảng viên phải luôn trau dồi những kiến thức về công nghệ mới, tiến hành áp dụng công nghệ vào dạy học để trở thành kỹ năng, kỹ xảo mang lại hiệu quả cao cho giờ học.

Các biện pháp hỗ trợ trong hoạt động dạy học môn học Chỉ huy dàn dựng hát tập thể

            Giảng viên cần phân chia theo đúng tầm cữ giọng của hợp xướng. Tuy nhiên, điều này cần có sự linh hoạt bởi trong một dàn hợp xướng cụ thể, tỉ lệ đều cho các giọng cao và giọng trầm, số lượng nam và nữ là tương đối. Vậy cần sắp xếp sao cho cần bằng các bè trong hợp xướng. Có thể ưu tiên cho cho bè nữ cao(giọng nữ cao thường đảm nhiệm vai trò hát giai điệu) hoặc cho bè trầm bởi đặc điểm giọng hát của người Việt Nam là giọng cao nhiều hơn giọng trầm. Tuy nhiên, cũng tùy vào từng tác phẩm cụ thể để cân đối số lượng người trong các bè.

            Sinh viên hệ Sư phạm Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cần được trang bị những kiến thức về phối và chuyển soạn những ca khúc. Trong chương trình đào tạo của nhà trường không có môn học phối hợp xướng mà chỉ được học phối bè trong môn Hòa thanh. Vì vậy, những kiến thức về phối và chuyển soạn cho hợp xướng kể cả tự sáng tác những tác phẩm cho hợp xướng là nhiệm vụ khá quan trọng với người làm công tác dạy hát tập thể để làm phong phú số lượng tác phẩm hợp xướng ở nước ta.

            Để có kết quả tốt, môn học còn cần trang bị cho sinh viên kiến thức vững vàng về hòa thanh, cấu trúc và hình thức tác phẩm âm nhạc, rèn luyện nâng cao trình độ chơi đàn keyboard và piano. Trong quá trình giảng dạy, cần thiết phải giới thiệu cho sinh viên những tác phẩm hợp xướng cũng như các tác phẩm chuyển soạn phối hợp xướng nổi tiếng và mẫu mực của thế giới. Từ đó học tập và suy luận ra những phương pháp, cách thức trong việc phối, chuyển soạn và sáng tác tác phẩm hợp xướng.

            Ngày nay, nghệ thuật hát hợp xướng phát triển phong phú và ngày càng phổ thông hơn với nhiều sự thay đổi mới mẻ được bổ sung bằng những phong cách biểu diễn mới kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật. Hợp xướng được sắp xếp rất linh hoạt gắn với không gian, hoàn cảnh. Những phong cách mới đó rất phù hợp với giới trẻ hiện nay, tạo ra những làn sóng mới về hợp xướng có tác động trực tiếp tới sự thích thú của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, nếu không hiểu một cách đúng đắn về nghệ thuật hợp xướng thì người dàn dựng chỉ huy thường bị sa vào sự lạm dụng múa, nhảy trong hát hợp xướng và hội diễn quần chúng. Nó làm ảnh hướng đến sự thể hiện về âm nhạc của hát hợp xướng bởi đích đến cuối cùng của hát hợp xướng đó là chất lượng của âm thanh. Sự lạm dụng múa, nhảy phụ họa sẽ làm cho khán giả phần lớn chỉ tập trung vào hình ảnh, đôi khi nó làm ảnh hưởng đến vai trò, sự thể hiện của âm nhạc. Lúc đó âm nhạc và hợp xướng trở thành thứ yếu nó sẽ nghiệp dư hóa tính chất âm nhạc và hợp xướng. Điều này hiện tại phát triển mạnh và quá tải trong các hội diễn văn nghệ quần chúng nghiệp dư. Nó hạn chế sự phát triển của tính chuyên nghiệp và chất lượng trong biểu diễn âm nhạc và hát hợp xướng.

Một điểm quan trọng nữa đó là cách tiếp cận của sinh viên với môn học. Với môn học này, giảng viên, sinh viên cần tìm tòi, học tập tích cực, nghiên cứu những phương pháp, phương tiện, tài liệu tốt nhất phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Việc nghiên cứu và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn hát tập thể hợp xướng là hết sức cần thiết, đồng thời là trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục nghệ thuật.

Qua tình hình thực tế tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, chúng tôi đã đưa ra một số biện pháp nêu trên nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Chỉ huy dàn dựng hát tập thể. Những nội dung này được xây dựng dựa trên việc tìm hiểu về Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nên có thể nói phù hợp với đối tượng, tình hình nhà trường. Những ý kiến trên đây hy vọng góp phần thiết thực trong công tác dạy học môn Chỉ huy dàn dựng hát tập tể tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường có ngành đào tạo SPAN nói chung./.

                                                                         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Nguyễn Bách (2008), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Trẻ.

2.      Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp giảng dạy âm nhạc, Nxb Giáo dục

3.      Minh Cầm (1980), Chỉ huy hợp xướng, Nxb Văn hóa.

4.      Nguyễn Thị Nhung (1988), Hình thức âm nhạc, Nxb Âm nhạc.

5.      Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nxb Âm nhạc – nhạc viện Hà Nội.

6.      Đoàn Phi (2005), Chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb Đại học Sư phạm.

7.      Tri Văn Vinh, Ca trưởng người chỉ huy hợp xướng, Nxb Tp. HCM.

8.      Phạm Viết Vượng (2000), Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, Nxb Giáo dục.

9.      Minh Cầm - Đỗ Mạnh Thường (1982), Hướng dẫn hát tập thể, Nxb Kim Đồng.

10.  Huy Du - Nguyễn Hoàng Thông, 150 ca khúc dùng trong sinh hoạt tập thể.

11.  Lê Thế Hào - Nguyễn Thiết, Phương pháp dàn dựng tác phẩm âm nhạc, trường CĐSP Nhạc – Họa Trung ương.

12.  Vũ tự Lân - Lê Thế Hào (2000), Phương pháp hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb Giáo dục.

13.  Hoàng Long - Hoàng Lân (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm.

14.  Trịnh Hoài Thu - Nguyễn Tố Mai - Nguyễn Hải Phượng (2011) Phương pháp dạy ký – xướng âm trong đào tạo giáo viên âm nhạc phổ thông, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

15.  Nguyễn Minh Toàn - Nguyễn Hoành Thông (2001), Âm nhạc và phương pháp dạy học tập I, II, Nxb Giáo dục.

16.  Phạm Thanh Vân - Nguyễn Hoàng Thông(2003), Đọc – ghi nhạc, Nxb Đại học sư phạm.

17.   Nguyễn Xinh - Thế Vinh - Nguyễn Thị Nhung (1987), Trích giảng âm nhạc thế giới (phần châu Âu), tập II, Nhạc viện Hà Nội.