Nội san

Thị hiếu âm nhạc của sinh viên đại học tại Thành phố Hà Nội hiện nay

18 Tháng Bảy 2014

                                                                     Nguyễn Minh Hạnh

 

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Loài người đã sử dụng âm nhạc như một phương tiện để làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Âm nhạc không đơn thuần chỉ mang tính giải trí mà còn có chức năng giáo dục và nhận thức, giúp con người phát triển toàn diện về mọi mặt đức - trí - thể - mỹ.

Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới. Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, nền kinh tế và văn hóa của đất nước ngày càng phát triển. Do đó, nhu cầu vui chơi giải trí của con người cũng ngày càng đa dạng và phong phú. Âm nhạc cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Đời sống âm nhạc nước ta hiện nay ảnh hưởng đa dạng tới sự phát triển của nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội…Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đối tượng sinh viên vì thị hiếu của họ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của âm nhạc nước nhà trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.

Sự tiếp cận giao lưu văn hoá quốc tế rộng rãi đã ảnh hưởng đến việc hình thành thị hiếu âm nhạc của sinh viên. Thông qua sự tiếp cận này, sinh viên có điều kiện hơn trong việc thưởng thức cái hay, cái đẹp của các nền văn hóa trên thế giới. Từ đó, thị hiếu nghệ thuật nói chung và thị hiếu âm nhạc nói riêng được phát triển một cách đa dạng và phong phú. Họ có những sở thích khác nhau, có những hiện tượng đáng mừng và cũng không thiếu những hiện tượng đáng lo ngại, không lành mạnh, trái với truyền thống dân tộc. Chính những thị hiếu sai lệch đó đã dẫn đến sự suy thoái đạo đức và lối sống trong một bộ phận sinh viên. Là người công tác trong ngôi trường đào tạo nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng, đây là vấn đề khiến chúng tôi quan tâm, suy nghĩ để tìm phương thức, nâng cao thị hiếu âm nhạc của sinh viên. Chúng tôi đã tiến hành điều tra, phỏng vấn, chọn mẫu theo phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên một số sinh viên tại 3 trường đại học: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ngôi trường đào tạo sư phạm nghệ thuật là Trường Đại học Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương. Bằng những điều tra cụ thể, chúng tôi đã hệ thống và khái quát thị hiếu hưởng thụ âm nhạc của sinh viên trong thời điểm hiện nay.

Kết quả điều tra xã hội một lần nữa khẳng định trong các loại hình nghệ thuật, âm nhạc luôn được sinh viên ưa thích và lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, mỗi thể loại âm nhạc lại chiếm lĩnh mối quan tâm của từng loại đối tượng nhất định. Thể loại hấp dẫn thu hút được nhiều đối tượng sinh viên nhất vẫn là nhạc trẻ, mặc dù mỗi người có một cách nghe và thời gian nghe khác nhau như: phục vụ nhu cầu giải trí, giảm stress sau những giờ học căng thẳng; bắt kịp xu hướng hiện tại…và với nhiều lý do khác nhau như: dễ nghe, phù hợp với lứa tuổi, phong cách; phù hợp với tâm lý, tình cảm của sinh viên. Do đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, việc lựa chọn nhạc trẻ là đối tượng mong muốn được thỏa mãn nhất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của sinh viên hiện nay. Với giai điệu, lời ca dễ hát, dễ nhớ lại được đăng tải rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng sự phong phú đa dạng của nó nên nhạc trẻ trở thành đối tượng thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của sinh viên hiện nay là điều dễ hiểu.

Sinh viên thành phố hay những vùng kinh tế phát triển thích các thể loại Pop của nước ngoài nhiều hơn sinh viên sống tại vùng nông thôn bởi lẽ, sinh viên sống tại thành phố có đời sống vật chất cao hơn, sớm có điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ và phương tiện thông tin hiện đại. Do vậy, với vốn ngoại ngữ được trang bị từ những năm ở trường trung học phổ thông thì sự hiểu biết của các em đối với nhạc nước ngoài nhiều hơn. Ngược lại, sinh viên đến từ vùng nông thôn đặc biệt là các bạn nữ thích nghe nhạc dân tộc (chủ yếu là dân ca quan họ Bắc Ninh) hơn là sinh viên thành phố.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên yêu thích nhạc cách mạng, nhạc cổ điển, và nhạc dân tộc không cao. Lý do để sinh viên ít nghe nhạc cổ điển và nhạc dân tộc bởi thiếu kiến thức về âm nhạc . Đối tượng nghe nhạc cổ điển và nhạc dân tộc chủ yếu tập trung vào sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bởi lẽ đây là ngôi trường đặc thù đào tạo về nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nó riêng, đây là những thể loại âm nhạc phục vụ chính cho nhiệm vụ học tập của các em. Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn sâu cũng chỉ ra rằng, các bạn thường nghe thể loại này chủ yếu nhằm mục đích phục vụ học tập nhưng để lựa chọn thể loại nhạc thường xuyên nghe, phục vụ nhu cầu giải trí hằng ngày thì sinh viên của trường cũng vẫn lựa chọn thể loại nhạc trẻ. Dòng nhạc cách mạng chỉ được sinh viên ba trường lựa chọn nghe vào những dịp kỷ niệm, những buổi diễn văn nghệ…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó chính là sự phát triển nhảy vọt của công nghệ thông tin cùng với xu thế toàn cầu hóa, những sản phẩm kém chất lượng, ca từ sáo rỗng được tung ra khắp nơi trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Việc nghe đi nghe lại nhiều lần thành quen thuộc góp phần làm tổn hại đến năng lực cảm thụ thẩm mỹ và thị hiếu, sinh viên sẽ mất dần khả năng lĩnh hội cái đẹp. Bên cạnh đó lại thiếu vắng sự phân tích, bình luận của các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc, những nhà phê bình nghệ thuật. Môi trường giáo dục âm nhạc nước ta còn nhiều bất cập. Đào tạo âm nhạc trong nhà trường không đủ sức thẩm thấu đến các em, chương trình chủ yếu dạy lý thuyết, ít giờ thực hành và sinh hoạt ngoại khóa nên không thu hút được các em và không giúp các em có được nền căn bản để biết cách cảm thụ vẻ đẹp âm nhạc, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Bởi vậy, dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên dù đã được học các kiến thức âm nhạc cơ bản ở phổ thông nhưng vẫn không thuộc được mặt nốt nhạc, hay có những kiến thức cơ bản về âm nhạc… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, thẩm mỹ trong âm nhạc.

Để góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho sinh viên, ngay chính nhà trường nơi các em theo học cần có những giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên tiếp thu có chọn lọc những thể loại âm nhạc lành mạnh. Chúng tôi mạnh dạn đưa ra những giải pháp sau:

1. Tăng cường cho sinh viên xem biểu diễn ca nhạc

   Nhà trường nên tổ chức các buổi biểu diễn ca nhạc miễn phí hay liên kết, kêu gọi nhà tài trợ để tổ chức những buổi biểu diễn ca nhạc chất lượng nghệ thuật cao với giá vé ưu đãi cho sinh viên.

   Đặc biệt cần chú ý tới việc thường xuyên tổ chức, đưa các chương trình ca nhạc truyền thống Việt Nam vào trường học nhằm giới thiệu đến đông đảo các bạn sinh viên những nét âm nhạc đặc sắc và sự đa dạng trong văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam, khơi dậy những cảm xúc trong sáng, lành mạnh, mang tính dân tộc.

Với thể loại âm nhạc thính phòng đòi hỏi phải được trình diễn ở nhà hát lớn hay những địa điểm đáp ứng yêu cầu chất lượng cho buổi biểu diễn, nhà trường cần thường xuyên quan tâm tìm nguồn tài trợ phát vé mời tham dự miễn phí tới sinh viên.

     2. Tổ chức cho sinh viên ca hát

            Xây dựng hướng dẫn nội dung biểu diễn ca hát phù hợp với chủ đề, tránh những thói quen hát những bài theo phong trào đang thịnh hành có ảnh hưởng không tốt tới thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên. Chương trình phải được kiểm duyệt, khắc phục những điều còn chưa hoàn thiện về mặt nghệ thuật, tác phong, trang phục, đạo cụ…để buổi biểu diễn đạt kết quả cao.

            Kết cấu chương trình cần được phối hợp một cách linh hoạt. Nội dung chương trình cần có sự đối thoại, ngôn ngữ gần gũi với cuộc sống đời thường, và có khách mời giao lưu với khán giả để chương trình có sự tương tác.

 

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

            Ngoài ra để một chương trình thành công cần có sự hướng dẫn thực hành biểu diễn ca hát phù hợp: trang phục biểu diễn phải phù hợp với tiết mục, tránh lạm dụng quá nhiều đạo cụ gây phản cảm, múa minh họa phải phù hợp với nội dung, tiết tấu và giai điệu bài hát.

Cần phải có sự kiểm duyệt các màn múa phụ họa, không coi đó chỉ là yếu tố phụ dẫn đến tâm lý đại khái, qua loa, hời hợt, dễ dãi trong việc dàn dựng và biểu diễn. Nếu múa phụ họa trở thành thảm họa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và nhận thức của sinh viên bởi người nghe không chỉ được thưởng thức âm nhạc bằng thính giác mà còn bằng cả thị giác.

Bên cạnh đó, việc mời chuyên gia nói chuyện các chuyên đề về âm nhạc cổ điển, âm nhạc cổ truyền dân tộc và các thể loại nhạc lành mạnh khác nên là một việc làm cần thiết. Thông qua buổi nói chuyện, sinh viên không chỉ được mở rộng sự hiểu biết, nắm được những kiến thức căn bản, tìm hiểu, cung cấp thêm nhiều thông tin, kiến thức hay những nghiên cứu mới về thể loại âm nhạc đó mà còn được trao đổi, giao lưu bằng những câu hỏi thể hiện sự quan tâm, trăn trở của mình đối với nghệ thuật âm nhạc. Qua đó, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn về kiến thức âm nhạc, từ đó các bạn có thể tìm đến với loại hình nghệ thuật này mà không gặp trở ngại là thiếu kiến thức. Một khi đã có kiến thức cơ bản, sinh viên sẽ tự sàng lọc thông tin, chủ động tiếp cận và lĩnh hội những cái hay, cái đẹp.

            Nội dung các buổi chuyên đề góp phần hướng định hướng để các dòng âm nhạc phát triển cân đối không quá thiên lệch như hiện nay. Sinh viên phải được thường xuyên tiếp cận với âm nhạc dân tộc và âm nhạc thính phòng để các dòng âm nhạc không loại trừ nhau mà bổ sung hoàn thiện cho nhau.

Các buổi chuyên đề âm nhạc cần phải được tổ chức định kỳ, thường xuyên như: gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa âm nhạc dân tộc truyền thống, hay giới thiệu các tác phẩm âm nhạc hàn lâm cần với sự diễn giải từ thấp đến cao bằng nhiều hình thức khác nhau.

3.Tổ chức các buổi seminar, các diễn đàn về văn hóa, trong đó có âm nhạc

            Thông qua các buổi hội thảo, diễn đàn về văn hóa, các diễn giả sẽ trình bày tham luận, nêu ý kiến, suy nghĩ của cá nhân mình về những vấn đề văn hóa đang tồn tại, tranh cãi hay tập trung vào các ý kiến vào các điểm như: bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền trong đào tạo và giáo dục cho sinh viên, khôi phục và truyền dạy vốn âm nhạc cổ truyền của cha ông đang có nguy cơ mai một hay những vấn đề về việc không phải là giới thiệu đến đông đảo sinh viên các thể loại âm nhạc mà quan trọng là tạo cho sinh viên có một thói quen và nhu cầu thưởng thức những thể loại âm nhạc có giá trị nghệ thuật. Đây là điều mà xã hội chúng ta chưa quan tâm đúng mức

            Tổ chức những buổi hội thảo, diễn đàn văn hóa sẽ thẩm định và định hướng dư luận xã hội, hướng dẫn bồi dưỡng hình thành những giá trị thẩm mỹ mới đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của sinh viên, giáo dục đạo đức văn hóa, lối sống trong học đường cũng như trong đời sống, định hướng thị hiếu văn hóa, tăng cường giáo dục tính thẩm mỹ.

4. Xây dựng câu lạc bộ âm nhạc

            Nhà trường nên đầu tư kinh phí cho việc thành lập các câu lạc bộ dạy học âm nhạc ngoài giờ như nhạc cụ, xướng âm, hát, tìm hiểu lịch sử âm nhạc… nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về âm nhạc.

            Việc tổ chức các câu lạc bộ âm nhạc không chỉ đơn giản là để biết về môn học đó mà còn để nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật mà chủ yếu ở đây là trình độ cảm thụ âm nhạc, sức sáng tạo, khả năng nhận thức tinh tế và có chiều sâu.

            Khi tổ chức các câu lạc bộ âm nhạc, điều quan trọng không phải là sinh viên học được bao nhiêu kỹ năng, bao nhiêu kiến thức lý luận âm nhạc mà là để sinh viên có được những kỹ năng cơ bản để thích nghi với mọi môi trường âm nhạc, tiếp cận có chọn lựa, hiểu thế nào là thẩm mỹ âm nhạc, thể hiện nét đẹp trong hành vi.

            5. Nâng cao vai trò và trình độ âm nhạc của cán bộ Đoàn/cán bộ chuyên trách Văn - Thể - Mỹ trong trường Đại học

Các cán bộ Đoàn phụ trách văn nghệ cần được tạo điều kiện để đi học nâng cao vốn kiến thức văn hóa và nghiệp vụ về  âm nhạc, rèn luyện khả năng làm việc độc lập cũng như học tập kỹ năng làm việc theo nhóm.

Bản thân các cán bộ Đoàn cũng cần có sự nỗ lực trau dồi kiến thức bằng những hình thức học nghiệp vụ, học hỏi các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc.

Khi xây dựng một chương trình ca nhạc, các cán bộ chuyên trách phải xác định được đối tượng mà chương trình sẽ hướng tới. Thông qua khảo sát, điều tra, trao đổi trực tiếp…các cán bộ Đoàn/cán bộ chuyên trách cần hiểu đúng tâm lý, tình cảm, nhu cầu nghe nhạc của sinh viên hiện nay. Trong quá trình khảo sát nếu phát hiện những biểu hiện lệch lạc trong thị hiếu thì cán bộ Đoàn cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức âm nhạc, cập nhật những thông tin chính xác, có sự hướng dẫn, giới thiệu để bồi dưỡng nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho sinh viên.

            6.Tăng cường hoạt động truyền thông, thông tin của nhà trường

            Xây dựng website nhà trường thực sự chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức. Cần phải có sự “chuyên môn hóa” về từng mảng thông tin. Đối với mảng âm nhạc, cần phải có cán bộ có chuyên môn phụ trách, nắm bắt kịp thời những vấn đề đang tồn tại trong thị hiếu thưởng thức âm nhạc để có những hoạt động phù hợp.

Tránh công bố, truyền bá một số ấn phẩm nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận sinh viên. Không đăng tải, quảng bá một số sản phẩm chất lượng kém gây ra phản cảm thẩm mỹ trong công chúng tiếp nhận.

Chuyên trang chuyên mục văn nghệ phải chú ý coi trọng công tác biên tập, công bố tác phẩm phê bình nghệ thuật có giá trị thẩm định và định hướng dư luận cho xã hội trước những vấn đề nghệ thuật đang còn tranh cãi. Hướng dẫn trong việc bồi dưỡng, hình thành những giá trị thẩm mỹ mới đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của sinh viên.

Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ qua hệ thống truyền thông thông tin của nhà trường không thể mang tính giáo khoa, hàn lâm, truyền giảng mà nên được thông tin dưới nhiều hình thức sáng tạo, sinh động, cuốn hút sinh viên. Những hình thức phóng sự, đối thoại, sân khấu hóa trò chơi giải trí…cần được phát huy sáng tạo, phong phú, thiết thực.

Cần có những chuyên mục, chuyên đề âm nhạc, chuyên trang dài hơi bổ trợ, kế tiếp nhau một cách toàn diện, hệ thống, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn và được đưa lên website, tập san, tạp chí của nhà trường…

Cần có những hình thức sinh động phản ánh những khía cạnh, những biểu hiện của đời sống âm nhạc trong xã hội. Thông qua đó, nhận thức về văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên được nâng lên. Họ tự rút ra những mặt tốt, tự phê phán những mặt chưa tốt ảnh hưởng đến lối sống, nhận thức của sinh viên.

Các phương tiện thông tin của nhà trường tập trung phê phán, phân tích, tìm nguyên nhân của những cá nhân, tập thể có những biểu hiện không lành mạnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày xung quanh ta.

Tăng cường bồi dưỡng và phát huy vai trò của các cán bộ lãnh đạo, biên tập văn nghệ để nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền văn hóa; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, nhà lý luận, phê bình để đẩy mạnh hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động lý luận phê bình.

7. Tăng cường vai trò của thư viện trường

            Tăng cường phát triển vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu giải trí, nhu cầu tinh thần của sinh viên như đầu tư các loại sách báo về âm nhạc cho thư viện nhà trường để sinh viên có điều kiện tìm hiểu thêm về chuyên ngành này.           

            Có chính sách đặt mua dài hạn nhiều loại sách, báo, đĩa hình, tranh ảnh, tạp chí văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, làm giàu vốn sách báo về kiến thức âm nhạc, sách nâng cao thị hiếu thưởng thức về âm nhạc, định hướng thẩm mỹ và những ấn phẩm khác liên quan đến nâng cao nhận thức của sinh viên trong việc giữ gìn và bảo tồn âm nhạc truyền thống của dân tộc.

            Thư viện trường nên tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia trong ngành âm nhạc, phối hợp với thư viện các trường âm nhạc để mua thêm sách phù hợp.

            Cải tiến hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ thư viện phục vụ lĩnh vực âm nhạc, giới thiệu sách cho sinh viên nên đơn giản hóa đến mức dễ hiểu nhất có thể, để họ nhận dạng sách dễ dàng.

            Thông qua phương tiện thông tin của nhà trường như trang thông tin điện tử, gửi danh mục sách về âm nhạc nhằm thu hút sinh viên đọc sách và mua sách.

            8. Đề xuất đưa môn Âm nhạc đại cương vào giờ học chính khóa trong các trường đại học, cao đẳng.

            Đề xuất đưa môn Âm nhạc đại cương vào giờ học chính khóa cho sinh viên đại học và có giáo viên chuyên dạy về âm nhạc phụ trách nhằm mục đích trang bị những kiến thức cơ bản nhất về âm nhạc, tạo hành trang cho sinh viên trong việc phân tích, đánh giá, tiếp thu có chọn lọc những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật. Cung cấp cho sinh viên một số kiến thức phổ thông về âm nhạc, rèn luyện cách quan sát, khả năng tìm tòi sáng tạo, giúp các em nhận thức cái đẹp, cái đúng đắn theo tinh thần dân tộc, biết tạo ra cái đẹp, thưởng thức cái đẹp, giúp sinh viên phát triển hài hòa cân đối, hỗ trợ học tốt các môn học khác.

            Môn Âm nhạc đại cương sẽ tập trung vào những nội dung chính như: Lý thuyết âm nhạc cơ bản, xướng âm, hình thức và thể loại âm nhạc, thường thức âm nhạc.

Với những nội dung trên, môn học đã trang bị cho sinh viên những tri thức căn bản thuộc lĩnh vực âm nhạc để sinh viên chủ động áp dụng những kiến thức đã học vào đánh giá thẩm định các tác phẩm âm nhạc, biết chọn những tác phẩm phù hợp, có giá trị nghệ thuật.

Để hướng cho sinh viên tìm hiểu và yêu thích những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao của âm nhạc Việt Nam và phương tây, trước mắt nhà trường cần có bộ giáo trình hoàn chỉnh, nhanh chóng hình thành một hệ thống giảng dạy khoa học đúng với những đặc điểm của nó bởi nếu được đào tạo, được học nghe nhạc…chúng ta sẽ có những người nghe biết đánh giá đúng, am hiểu nghệ thuật âm nhạc.

            9.  Vai trò của các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật và thông tin

            Sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, các chuyên gia trong việc phân tích, phản ánh về lĩnh vực này góp phần quan trọng để tác động, cải thiện hành vi và định hình gu thẩm mỹ theo một chuẩn mực chung nhất định.

            Đối với các cơ quan quản lý văn hóa, cần tăng cường thanh tra các dịch vụ Internet, băng đĩa nhạc tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh để sinh viên lĩnh hội những thị hiếu tốt.

            Các cơ quan quản lý về âm nhạc nên có những buổi giới thiệu các tác phẩm âm nhạc, thể loại âm nhạc tới các trường đại học thông qua các buổi giao lưu giữa nhạc sĩ, ca sĩ, các nhà lý luận phê bình âm nhạc

            Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch đem các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển đến các trường đại hoc, góp phần đưa môn nghệ thuật hàn lâm này tới đông đảo các bạn trẻ hơn.

            Cần có sự đầu tư chiều sâu vào những tác phẩm hay với giá trị nghệ thuật cao, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho những tài năng có cống hiến xuất sắc, tạo điều kiện cho họ trưởng thành và cống hiến.

            Tập trung cải tiến quy trình, cơ chế duyệt tác phẩm thông qua các tiêu chí cụ thể và khả thi và có sự thống nhất trên cả nước.

            Cần đưa ra chính sách để quản lý tốt các hoạt động sáng tác, biểu diễn, phổ biến tác phẩm.

            Việc giáo dục, định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho sinh viên hiện nay là quan trọng và cần thiết. Chỉ có trên cơ sở tạo cho sinh viên có được thị hiếu thưởng thức âm nhạc đúng đắn, lành mạnh mới góp phần nâng cao nhận thức, trình độ thẩm mỹ, phát triển toàn diện con người, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.