Nội san

Nghệ thuật diễn xướng chèo Tầu ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội

21 Tháng Bảy 2014

                                                                                 Trần Vĩnh Khương

 

Trong kho tàng Diễn xướng dân gian Việt Nam, nhiều loại hình đã được những nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóa dân tộc và dư luận trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, ẩn sâu trong những vốn quý báu đó, nhiều loại hình với những giá trị văn hóa và nghệ thuật rất đặc biệt còn chưa được biết đến rộng rãi. Chèo Tầu là một trong những loại hình như thế. Đó là một hình thức diễn xướng chỉ riêng có ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội. Không gian văn hoá, hình thức và nội dung diễn xướng cũng như giá trị văn hoá, nghệ thuật... của Chèo Tầu là những vấn đề rất độc đáo.

Tân Hội là xã nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Tây. Xã Tân Hội hiện nay gồm bốn thôn: Thượng Hội, Thúy Hội, Phan Long và Vĩnh Kỳ. Nằm sát Thăng Long thành và là vùng đất cổ thuộc xứ Đoài cùng nền văn minh châu thổ sông Hồng rực rỡ, Tân Hội có người Việt sinh sống từ rất sớm. Các thôn trong xã có mối quan hệ khăng khít về nguồn gốc, cùng thờ chung một vị Thành hoàng là Văn Dĩ Thành và cả bốn thôn đều tham gia hội hát Chèo Tầu.

1. Nguồn gốc của diễn xướng Chèo Tầu

Hiện nay, vẫn có những hướng giả thuyết về nguồn gốc Chèo Tầu  như sau:

Thứ nhất, thời Hai Bà Trưng chống nhà Hán xâm lược có kéo quân qua tổng Gối cũng như địa phận Tân Hội. Ba quân thuỷ bộ, trên bờ voi ngựa rầm rập, dưới sông tấp nập chiến thuyền. Nhân dân nhớ đến quân tướng của Hai Bà nên những khi được mùa thường hát múa để tưởng niệm.  Chèo Tầu đã ra đời từ đó.

Thứ hai, ngày xưa, Triệu Quang Phục đánh tan giặc ngoại xâm rồi lên làm vua, nhưng Lý Phật Tử không chịu, cũng xưng Vương. Do đó, chiến tranh đã xảy ra và kéo dài trong nhiều năm, gây không biết bao nhiêu đau khổ cho nhân dân. Để chấm dứt cuộc chiến này, Triệu Quang Phục đã viết thư hẹn Lý Phật Tử đến bãi quân thần (nay thuộc Phượng Cát, Hạ Cát, Từ Liêm, Hà Nội). Quân của Lý đi thuyền (tầu) còn quân của Triệu đi voi (tượng) đến điểm hẹn. Chèo Tầu ra đời chính là để diễn đạt cuộc hội quân ấy.

Thứ ba, giả thuyết về nguồn gốc Chèo Tầu liên quan đến Văn Dĩ Thành là một người vốn dòng dõi quan lại triều Trần sinh ra ở vùng Cối Sơn (tổng Gối). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, thông thạo binh thư, kinh sử. Khi lớn lên, ông sang vùng Hạ Lôi, Mê Linh, Vĩnh Phúc dạy học (Nhớ ơn dạy dỗ của Văn Dĩ Thành, hiện nay ở Hạ Lôi vẫn còn đền thờ Ngài). Sau khi nhà Hậu Trần mất, không chịu nổi ách áp bức của giặc Minh, Văn Dĩ Thành đã chiêu binh mộ mã tổ chức nghĩa quân chống giặc xâm lược. Ông được tôn vinh là Nguyên súy Hắc y nhất bộ. Nghĩa quân toàn mặc đồ đen nên gọi là “hắc y”. Với chiến lược quân sự tài tình thể hiện ở “Lục điều kim vọng” (Sáu điều vàng ngọc: "Quân lương đầy đủ - vũ khí sẵn sàng - chủ động đánh giặc - chu toàn bí mật - trên dưới một lòng - giữ vững kỷ cương") do Văn Dĩ Thành soạn thảo để răn dạy quân sĩ, nghĩa quân đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Ông đã hy sinh anh dũng tại chính địa điểm hiện nay của lăng Văn Sơn (tại cánh đồng Cầu Ngói thôn Thượng Hội) vào ngày 12/3 năm Bính Thân (1416) khi bị giặc đánh úp. Nhằm ca ngợi ân đức của Văn Dĩ Thành, nhân dân tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo: Chèo Tầu

 

Ảnh: Các ca nhi phường Tân Hội (Nguồn: sưu tầm)

 

 2. Lịch sử phát triển của diễn xướng Chèo Tầu

Trong các tài liệu nghiên cứu phần lớn đều thống nhất khẳng định hội hát Chèo Tầu cứ khoảng 20, 25 hoặc 30 năm mới được tổ chức một lần.

Hội xuân mở đúng bao giờ

Hai mươi năm chẵn mà đến giờ đã sang

Các tài liệu nghiên cứu cũng mô tả hội hát Chèo Tầu được mở tưng bừng, liên tục trong 7 ngày, từ ngày 15 đến hết ngày 21 tháng giêng (âm lịch). Đó là khi mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, khoai lúa bội thu, còn không thì không mở. Khi đó, muốn mở hội lại phải chờ cho 25 hoặc 30 năm nữa. Thêm nữa, khi một trong bốn làng (Thượng Hội,  Thuý Hội, Phan Long, Vĩnh Kỳ) không thống nhất thì hội cũng không thể được mở. Vậy cho nên, có khi đến 50, 60 năm hội mới lại được mở lại một lần. Lần mở hội gần đây nhất là vào năm 1922.

Từ năm Nhâm Tuất vua ra

Năm nay Nhâm Tuất tính ra cũng gần

Một trăm hai mươi lần xuân

                        Tổng ta mở hội năm lần vui thay

Do chiến tranh, do các nguyên nhân về xã hội, kinh tế..., đến năm 1998 hội hát Chèo Tầu mới được phục dựng trên cơ sở những căn cứ ít ỏi từ trí nhớ của nhân dân và quá trình nghiên cứu trước đó đã ghi lại được. Ngày nay, cứ 5 năm Tân Hội sẽ tổ chức hội hát Chèo Tầu một lần. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010) vừa qua, Hà Nội đã đưa hội hát Chèo Tầu vào danh mục các lễ hội tổ chức chào mừng.  Đây là sự ghi nhận cũng như là sự động viên to lớn để diễn xướng Chèo Tầu được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, khôi phục và phát triển.

3. Hội hát Chèo Tầu

Hội Chèo Tầu được tổ chức từ ngày 15 (ngày rằm) đến  hết ngày 21 tháng giêng âm lịch. Những năm không mở hội thì dân làng vẫn tổ chức tế lễ ở những ngày này.  Những năm mở hội thì từ tết trung thu của năm trước, dân xã đã tiến hành công việc chuẩn bị: thành lập Ban tổ chức, phân công công việc, tuyển chọn nhân sự, tu sửa lăng miếu, làm đạo cụ (chủ yếu là làm 2 chiếc thuyền – tầu và 2 ông voi – tượng), chuẩn bị xây dựng khu đại dinh (nơi diễn ra hội hát), may sắm trang phục tập luyện hát múa...

 Làm tầu, tượng và khu Đại dinh: Theo lệ, hai làng Vĩnh Kỳ và Phan Long mỗi làng làm một con voi, cốt bằng gỗ hoặc bằng tre đan, cao độ 2m, bên ngoài phất giấy trang trí. Chân voi gắn bánh xe bằng gỗ để di chuyển dễ dàng. Hai làng Thượng Hội và Thúy Hội mỗi làng làm một thuyền rồng bằng gỗ, dài hơn 5m, rộng hơn 2m. Hình dáng thuyền gỗ đầu rồng, đuôi tôm, giữa mỗi tầu đặt một lầu nhỏ, cắm 4 cờ hội. Đầu và cuối tầu cắm lọng để che Chúa tầu. Gần đến ngày mở hội, nhân dân phân công nhau xây dựng một “cung điện” bằng tre, mây, gỗ... tại Lăng Văn Sơn (là địa điểm chính diễn ra Lễ hội Chèo Tầu) để phục vụ cho lễ hội. Công trình này gọi là khu đại dinh gồm có cổng và các đền chính, nhà đại bái, nhà hành lang, nhà thể sát nội, nhà tướng cờ, nhà tướng kiệu. 

 Tuyển chọn nhân sự và tập luyện: Thượng Hội và Thuý Hội chọn hai bà Chúa tầu trên 29 tuổi có đạo đức, tư cách tốt được mọi người dân tin mến và tất nhiên là phải múa hay, hát giỏi. Hai làng cũng phải chọn ra cho mỗi thuyền một cái tầu (người gõ sênh giữ nhịp khi hát) và 10 con tầu (người vừa giả chèo thuyền vừa hát) là gái thanh tân, tuổi từ 13 đến 16, có thanh có sắc.  Phan Long và Vĩnh Kỳ mỗi làng tuyển chọn lấy hai quản tượng (là nữ đóng giả trai) cũng có độ tuổi từ 13 đến 16, có thanh, có sắc. Nhân sự sau khi được tuyển chọn đã tích cực tập luyện hát múa từ dịp tháng 8 âm lịch của năm trước dưới sự truyền dạy của các nghệ nhân để chuẩn bị cho hội hát.

Sau khi đã chuẩn bị chu tất, đến ngày mở Hội (rằm tháng giêng), dân làng tổ chức rước kiệu từ Miếu Voi Phục ra khu Đại dinh ở lăng Văn Sơn. Cũng gần như các đám rước ở các lễ hội khác, đám rước ở đây cũng có khênh kiệu, có người cầm cờ, lọng, trống chiêng, nhạc bát âm... rất là long trọng và náo nức, rầm rộ.

Đám rước đi vòng qua cổng làng đến khu đại dinh. Sau khi “yên vị” và ổn định, làm các thủ tục lễ trình ở bàn thờ trong đền chính. Tiếp theo thì tầu, tượng và các chủ tế hát mở đầu bằng những bài lễ trình, dâng hương, dâng rượu để ra mắt.

                                     Lễ trước long trì

Xin chúc vua lế trước long trì

Chúng con là nữ ca nhi vào trình

Hách hách minh minh

Sau đó là các màn hát của tầu - tượng và các phần hát mang nặng ý “hội”. Lề lối trình tự như trên được lặp lại trong suốt 7 ngày mở hội nhưng các bài hát có thay đổi cho từng ngày của riêng từng làng – tạo sự thu hút, mới mẻ cho hội hát Chèo Tầu.

Song song với hội hát, các trò hội dân gian như: chơi cờ, nấu cơm thi... cũng được xen kẽ tổ chức để tăng phần vui tươi, hoan hỷ.

4. Diễn xướng Chèo Tầu

Lề lối, quy định, thứ tự hát như trên căn cứ tương ứng với cách gọi hay sự truyền dạy của các cụ về lễ nhạc và hội nhạc của Chèo Tầu như sau: Đệ nhất tuần ca khúc gồm các bài trình; Đệ nhị tuần ca khúc: Phần hát xướng họa giữa tầu và tượng rồi chuyển sang hát bỏ bộ; Đệ tam tuần ca khúc: Phần của Quản tượng hát chúc; Hát đối đáp tầu tượng: Đây coi như trung tâm của Hội hát.

Chèo Tầu có ba hình thức hát: hát khấn, hát xô và hát bỏ bộ. Mỗi hình thức là một cách hát khác nhau. Tuy nhiên, diễn xướng Chèo Tầu là một chuỗi những câu hát cho nên việc phân chia này chỉ mang tính tương đối.

Hát khấn: Gọi như thế để phân biệt với "khấn" hay "đọc" bởi ở hình thức này nhạc điệu đã được thể hiện rõ nét. Hình thức hát này thường đựợc thể hiện sau bài hát thờ (lễ trình) dùng để dâng hương, dâng rượu…

 

 

Hát xô: Là hình thức được nhân dân xem là quan trọng nhất của diễn xướng Chèo Tầu. Hình thức hát xô của Chèo Tầu có bài bản khá nhiều (bài bản ở đây là những bài văn vần, thể lục bát, có số lượng có khi từ 4 đến 70 câu. Bài hát xô Chèo Tầu gồm hai phần: Phần hát và phần xô. Phần hát là do cái tầu hát tương tự như lĩnh xướng. Phần xô là do các con tầu hát gồm hai vế: Vế đầu nhắc lại câu cuối của câu hát cái tầu vừa hát xong. Vế sau gọi là câu xô, các con tầu hát đệm theo "khoan khoan hò khoan ..." 

 

 

 Hát bỏ bộ trong diễn xướng Chèo Tầu có thể tách ra độc lập mang nội dung hoàn chỉnh. Hình thức này nghiêng về nội dung hơn. Những bài hát trong hình thức này thường ngắn gọn, nội dung lời ca, âm nhạc tương đối hoàn chỉnh, được hình thành độc lập bài này so với bài kia chứ không phải có một sợi dây nội dung hay có sự liên kết. Đây là hình thức hát phong phú nhất, giàu tính nghệ thuật nhất, được nhân dân hội đám ưa thích nhất, hào hứng nhất.

            Âm nhạc Chèo Tầu ngoài việc chứa đựng những đặc trưng của dân ca cổ người Việt với những nét phóng khoáng, mộc mạc, mềm mại, tinh tế và duyên dáng thì nó còn tiếp thu, giao thoa và cộng hưởng cùng các loại dân ca khác (như: Chèo, Quan họ, hát Xoan, hát Ca trù, hát Xẩm, hát Trống quân…) để làm chất liệu cho mình.  Nội dung trong Chèo Tầu ngoài mảng ca ngợi công đức các vị Thánh, các vị Anh hùng dân tộc… còn có các nội dung khác rất phong phú, phản ánh muôn mặt cuộc sống người dân. Vai trò và hình ảnh người phụ nữ trong việc tổ chức, tham gia cũng như trong nội dung ca hát của Chèo Tầu cùng với những giá trị văn học của diễn xướng này là rất đáng trân trọng.

            Ngoài ý nghĩa về lịch sử, văn hóa… đặc trưng riêng có cùng những giá trị nghệ thuật độc đáo của diễn xướng Chèo Tầu là những di sản quý giá trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc chúng ta. Diễn xướng Chèo Tầu xứng đáng để chúng ta nghiên cứu, bảo tồn, phát huy mà trong đó việc giới thiệu nó trong các chương trình giảng dạy chuyên nghiệp là rất cần thiết.

             

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.

Tuấn Giang (2006), Giá trị nghệ thuật của diễn xướng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin

2.

Hà Thị Hoa, 2010, Đôi điều suy nghĩ về âm nhạc cổ truyền trong đào tạo hiện nay; Tham luận Hội thảo Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống; Website trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

3.

Phạm Lê Hòa (2007), Âm nhạc cổ truyền trong sự phát triển cùng thời đại, Website trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

4.

Phạm Lê Hòa, Âm nhạc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa, Viện Âm nhạc.

5.

Trần Bảo Hưng, Nguyễn Đăng Hoè (1978), Hát Dô, Hát chèo tầu, Nxb Ti Văn hoá thông tin Hà Sơn Bình.

6.

Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, 1997, Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam, Nxb VHTT.

7.

Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt nam, Nxb Âm nhạc

8.

Nhiều tác giả (2001), Dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc

9.

Nguyễn Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.

10.

Đặng Thị Lan (2012), Tài liệu giảng dạy môn Hát dân ca, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

11.

Trần Hoàng Tiến (2009), Diễn xướng dân ca – Phương thức trao truyền dân gian trong bối cảnh hiện nay, Website trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

12.

Phạm Trọng Toàn (2012), Nguồn gốc của hát Chèo Tầu, Tạp chí văn hóa Nghệ thuật, (334).

13.

Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao (1986), Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, Nxb Văn hóa, Hà Nội

14.

Hồ Bá Thâm (2003), Bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Văn hóa – Thông tin

15.

Ngô Đức Thịnh chủ biên (2000), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.356

16.

Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội.

17.

Lê Trung Vũ (1992), Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

18.

Trần Quốc Vượng, chủ biên (1997), cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia