Nội san

Dân ca Thanh Hóa trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở Trường Đại học Hồng Đức

21 Tháng Bảy 2014

                                                                Vũ Ngọc Tuấn

   

            Dân ca Thanh Hóa là sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân lao động. Quá trình lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt là mảnh đất màu mỡ để dân ca nảy mầm và phát triển. Dân ca lớn dần theo năm tháng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử để đến hôm nay trở thành niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh.

            Từ xa xưa, dân ca đã là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống và có những tác động không nhỏ đến năng suất lao động của người dân. Những câu hò, điệu hát tình tứ hoặc vui tươi, dí dỏm trong lao động đã giúp cho con người quên đi sự mệt nhọc, vất vả và hăng say hơn trong công việc. Về với dân ca là về với cội nguồn dân tộc. Dân ca là nhịp cầu âm nhạc nối liền quá khứ, hiện tại và trương lai.

 

 

Múa Lăn đèn (Múa đèn Đông Anh)

(Nguồn: Ảnh trong phim tư liệu của Viện Âm nhạc)

 

            Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa là trung tâm đào tạo đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và quản lý cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngành học Mầm non là một trong những ngành đào tạo trọng điểm hiện nay của Nhà trường. Chương trình giảng dạy môn âm nhạc cũng đã đề cập đến một số làn điệu dân ca tiêu biểu cho các tộc người và các vùng miền Việt Nam. Song, nội dung về dân ca Thanh Hóa vẫn chưa được đưa vào các học phần âm nhạc một cách cụ thể và chi tiết. Tuyển chọn đưa dân ca Thanh Hóa vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở Trường đại học Hồng Đức là việc làm cần thiết với những ý nghĩa sau đây:

             Thứ nhất, dân ca góp phần giáo dục trẻ thơ tình cảm đối với quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu về giáo dục âm nhạc và tâm lý học  lứa tuổi mầm non, âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả góp phần tạo nên sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ thơ. Đối với trẻ mầm non, tất cả đều là sự khởi đầu mới mẻ, đầy sức hấp dẫn và lý thú. Trẻ bước đầu được tiếp cận với những tinh hoa văn hóa của nhân loại, trong đó có nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc nói chung và dân ca nói riêng có tác động sâu sắc đối với tâm hồn và giúp trẻ phát triển cảm xúc, thói quen tập trung chú ý và năng lực biểu hiện. Tác giả Phạm Thị Hòa trong cuốn Giáo dục âm nhạc, viết: “Âm nhạc là phương tiện sắc bén để bồi dưỡng tình cảm dân tộc” [1, tr.20]. Những bài dân ca có giai điệu đằm thắm, mượt mà, nội dung miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên, đời sống sinh hoạt và sự cần cù trong lao động sản xuất của người dân Thanh Hóa sẽ mãi là ấn tượng đẹp trong ký ức tuổi thơ. Muốn thực hiện tốt việc đưa dân ca Thanh Hóa đến với đời sống trẻ mầm non, điều quan trọng trước tiên là sinh viên sư phạm mầm non phải được học hát, học thể hiện bài hát và có những hiểu biết nhất định về dân ca Thanh Hóa. Được tiếp xúc với các làn điệu dân ca của quê hương mình ngay từ lứa tuổi mầm non, sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong việc giáo dục trẻ về tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy ở trẻ lòng tự hào dân tộc.

 

Ảnh: Múa Đi cấy - Lớp Mẫu giáo lớn, Trường Mầm non Thực hành- ĐH Hồng Đức

(Nguồn: Ảnh tư liệu do tác giả chụp)

 

            Thứ hai, chương trình giáo dục và đào tạo ở Trường Đại học Hồng Đức là môi trường tốt để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh. Xã hội không ngừng phát triển, xu thế hội nhập đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu âm nhạc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những dòng nhạc ngoại của thời kỳ hội nhập; những ca khúc mang nhiều tác động của yếu tố thị trường đã làm cho nhận thức của giới trẻ hiện nay có những bất cập về thẩm mỹ nghệ thuật, trong đó có thẩm mỹ âm nhạc. Giới trẻ không quan tâm tới những di sản văn hoá của cha ông để lại và xa dần với âm nhạc dân tộc là điều khó tránh khỏi. Gìn giữ, kế thừa và phát triển dân ca Thanh Hóa là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc nhằm phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, văn hóa. Qua đó bồi dưỡng các giá trị văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.

            Đưa dân ca Thanh Hóa vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non là điều kiện tốt để dân ca Thanh Hóa sống mãi và bay xa. Sinh viên được tiếp cận với dân ca, có cơ hội giao lưu học hỏi và trải nghiệm khả năng hoạt động âm nhạc của bản thân. Qua đó, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa trong giao tiếp ứng xử và thị hiếu âm nhạc lành mạnh cho các em.

1. Tiêu chí lựa chọn

            Lựa chọn những thể loại và bài dân ca tiêu biểu, mang đậm nét đặc trưng riêng của Thanh hóa.

            Tiêu chí về nội dung: Lựa chọn những thể loại dân ca có giá trị nội dung sâu sắc; có tính giáo dục cao, dễ hiểu và phù hợp với trình độ của sinh viên.   

            Tiêu chí về âm nhạc: Lựa chọn những bài có cấu trúc đơn giản, hình thức một đoạn nhạc. Giai điệu hay, dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với khả năng âm nhạc của sinh viên. Tiết tấu rõ ràng, không quá phức tạp. Nhịp độ vừa phải. Tầm cữ không quá rộng, trong phạm vi một quãng 8 hoặc có thể quãng 10, 11 là phù hợp với tầm cữ giọng của sinh viên không chuyên âm nhạc.

            Tiêu chí về tính phổ cập: Đối tượng sinh viên rất đa dạng về khả năng âm nhạc. Chính vì vậy, việc lựa chọn những bài dân ca Thanh Hóa đưa vào dạy hát trong chương trình đào tạo chính khóa và ngoại khóa phải đảm bảo tính vừa sức, không quá khó để tất cả sinh viên đều hát được.

2. Các thể loại dân ca được chọn

            Căn cứ vào những tiêu chí vừa nêu trên và quĩ thời gian đào tạo của các học phần âm nhạc. Sau khi tham khảo tài liệu của các nhà nghiên cứu, chúng tôi lựa chọn một số bài/làn điệu thuộc những thể loại: Diễn xướng Múa đèn Đông Anh, hò sông Mã để đưa vào chương trình giảng dạy môn âm nhạc chính khóa đào tạo giáo viên mầm non ở Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa.

             Diễn xướng Múa đèn Đông Anh: Chúng tôi lựa chọn 9 bài ca trong diễn xướng (bài Đi cấy hiện đã có trong chương trình giảng dạy), gồm các bài: Thắp đèn, Luống bông luống đậu, Vãi mạ, Đan lừ, Nhổ mạ, Kéo sợi, Dệt cửi, Xe chỉ vá may, Đi gặt.

             Hò sông Mã có năm chặng với nhiều làn điệu hò khác nhau. Tuy nhiên, theo tiêu chí nêu trên, chúng tôi chỉ lựa chọn một số làn điệu sau đây: Hò đường trường (hò rời bến), Hò xuôi nhịp đôi một, Hò xuôi nhịp đôi hai, Hò cập bến.

            Ngoài những thể loại dân ca đã lựa chọn giảng dạy trong chương trình chính khóa, chúng tôi lựa chọn thêm một số thể loại khác để giới thiệu trong chương trình ngoại khóa, nhằm mục đích giúp sinh viên có điều kiện được tiếp cận với kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú và đặc sắc của quê hương Thanh Hóa. Cụ thể như: Trò diễn Xuân Phả (Chiêm Thành, Hoa Lang, Ai Lao, Ngô Quốc, Tú Huần),  các trò diễn và diễn xướng vùng Đông Sơn (trò Trống Mõ, trò Thủy, trò Thiếp, trò Tiên Cuội), Chèo chải và một số thể loại dân ca như hát Khúc Tĩnh Gia, hò Ghẹo, hát Trống vả...

3. Một số giải pháp đưa dân ca Thanh Hóa vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non

 Giải pháp thứ nhất: Điều chỉnh nội dung các học phần âm nhạc

            Để có thời lượng dành cho dân ca Thanh Hóa, chúng tôi đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung và sắp xếp lại nội dung trong từng học phần âm nhạc. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc không làm ảnh hưởng đến khối lượng kiến thức cơ bản vốn có của các học phần âm nhạc.

 Giải pháp thứ hai: Đưa dân ca Thanh Hóa vào các học phần âm nhạc

            Đưa vào nội dung Lý thuyết âm nhạc cơ bản: Ứng dụng các bài dân ca Thanh Hóa làm ví dụ khi giới thiệu về quãng, tiết tấu, nhịp, dấu luyến, âm tô điểm, điệu thức năm âm...          

            Đưa vào nội dung Ký, xướng âm: Lựa chọn những bài hoặc trích những câu nhạc đơn giản, phù hợp với khả năng âm nhạc của sinh viên để bổ sung vào phần bài tập xướng âm ghép lời như các bài: Đan lừ, Nhổ mạ, Dệt cửi, Đi gặt (diễn xướng Múa đèn Đông Anh).

 Đưa vào nội dung Phương pháp học đàn phím điện tử: Yêu cầu đối với sinh viên sư phạm mầm non về nội dung học đàn phím điện tử là luyện tập các bài kỹ thuật cơ bản để có thể đệm cho giai điệu những bài hát trong chương trình giáo dục âm nhạc mầm non. Xuất phát từ yêu cầu trên, chúng tôi chuyển soạn một số bài dân ca đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc để bổ sung vào phần bài tập thực hành đàn phím điện tử, giúp sinh viên nhanh chóng thuộc bài và luyện tập đạt hiệu quả cao.

Đưa vào nội dung Học hát dân ca: Giới thiệu sơ lược về dân ca Thanh Hóa như: Môi trường tự nhiên, xã hội, các thể loại dân ca Thanh Hóa và một số nét đặc trưng tiêu biểu. Học hát các bài trong diễn xướng Múa đèn Đông Anh và hò sông Mã đã lựa chọn. Trong nội dung này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới phương pháp dạy hát dân ca như các bước tiến hành, phương pháp và biện pháp thực hiện một cách cụ thể, chi tiết.

 Giải pháp thứ ba: Xây dựng chương trình hoạt động ngoại khóa

Hoạt động ngoại khóa có khả năng thu hút được nhiều sinh viên tham gia. Hoạt động này không những góp phần đáng kể hỗ trợ cho việc dạy học chính khóa, mà còn tạo được không khí lành mạnh, giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về văn hóa Việt Nam và truyền thống dân tộc. Tham gia các hoạt động ngoại khoá, sinh viên có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của văn hóa truyền thống địa phương, có ý thức bảo tồn và phát huy vốn quí về âm nhạc dân gian, gìn giữ nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam. Từ các hoạt động này, sinh viên sẽ tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động nghiệp vụ sư phạm, giúp các em sau khi tốt nghiệp biết vận dụng tổ chức tốt các hoạt động âm nhạc chính khóa và ngoại khóa trong trường mầm non, nơi các em công tác.

Chúng tôi đã tiến hành xây dựng chương trình hoạt động ngoại khoá như: Câu lạc bộ dân ca Thanh Hóa;  Nói chuyện chuyên đề về dân ca Thanh Hóa;  Giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ;  Thi tìm hiểu và hát dân ca Thanh Hóa.

Dân ca Thanh Hóa rất đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Nhiều thể loại dân ca tiêu biểu được cả nước biết đến như: Hò sông Mã, diễn xướng Múa đèn Đông Anh... đã thể hiện rõ nét hình ảnh về cuộc sống, lao động và tinh thần của người dân Thanh Hóa. Dân ca cũng là nơi mà người dân Thanh Hóa gửi gắm những tâm tư, tình cảm và ước mơ trong sáng hướng tới một tương lai tươi đẹp. Đưa dân ca Thanh Hóa vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở Trường Đại học Hồng Đức không chỉ nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về âm nhạc dân gian và dân ca Thanh Hóa mà còn trang bị cho sinh viên một số bài dân ca đặc trưng, phù hợp với khả năng âm nhạc để các em làm hành trang trên bước đường công tác sau này./.

           

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phạm Thị Hòa (2005), Giáo dục Âm nhạc, tập 2, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

2. Nguyễn Liên (2012), Âm nhạc Múa đèn Đông Anh, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3. Trần Thị Liên (1997), Trò diễn dân gian vùng Đông Sơn, Nxb Văn hóa    thông tin, Hà Nội.

4. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Nhóm Lam Sơn (1965), Dân ca Thanh Hóa, Nxb Văn học, Hà Nội.

6. Trần Hoàng Tiến (2001), Đặc trưng Hò sông Mã, Luận văn Thạc sĩ.