Nội san

Dấu ấn làng và làng nghề trong Văn hóa du lịch

06 Tháng Mười Hai 2014

 

                                                                                     

   Dương Thị Thu Hà

 

Văn hóa du lịch được hiểu là hàm lượng văn hóa kết tinh trong hoạt động du lịch. Nó được hiểu là cách ứng xử, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và là dấu ấn đặc sắc của các thành tố văn hóa, các địa chỉ văn hóa trong ngành du lịch. Dấu ấn đặc sắc đó có thể là các di tích, lễ hội, ẩm thực, không gian văn hóa làng và làng nghề…Trong đó, văn hóa làng và làng nghề luôn là địa chỉ đặc biệt hấp dẫn khách du lịch.

Văn hóa làng

 Nói tới làng là nói tới những biểu trưng mang giá trị truyền thống nhất định. Mái đình, cây đa, con đê, giếng nước, sân đình, bãi mía, nương dâu…là những hình ảnh thân thương với mỗi người Việt Nam. Gia phả, hương ước, tập tục là những tri thức dân gian mang nhiều lượng thông tin được sinh ra và bảo lưu tại làng.  Một trong những nét văn hóa không thể thiếu ở các ngôi làng đó là chợ, những phiên chợ đều đặn, tấp nập người mua, kẻ bán:

“Chợ làng một tháng hai phiên

Có cô hàng xén, anh muốn kết duyên cùng làng”.

(Ca dao Việt Nam)

Chợ làng là nơi hội họp công cộng để người dân mua bán, đổi chác. Ngày phiên chợ, người trong làng, người quanh vùng, và có khi cả những người buôn tàu, buôn xe cũng dùng xe, dùng tàu chở hàng hóa tới. Chợ có khi họp ở ngoài trời, trước một cổng làng, trước nơi ra vào một thôn, ấp. Có những người bày hàng bán tại một chỗ, có những người cắp thúng hoặc đội rổ hàng đi bán trong chợ, thường những người này là những hàng quà, bán rong. Chợ làng họp ngoài trời thường chỉ họp buổi sáng cho đến lúc mặt trời lên cao là tan chợ (chợ Mơ). Cũng có nơi, chợ chỉ họp buổi chiều, từ xế chiều trở đi (chợ Hôm). Chợ làng quê Việt Nam trước đây một tháng họp sáu phiên, nghĩa là cách năm ngày chợ mới họp một phiên. Ở vùng cao Tây Bắc còn có chợ phiên không chỉ với mục đích giao thương mà mục đích chính là giao lưu, là món ăn tinh thần của bà con trong bản, là dịp để nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau. Vùng sông nước Nam Bộ lại nổi tiếng với những phiên chợ nổi. Người ta không giao bán các mặt hàng mà giới thiệu các mặt hàng bằng cách treo đồ cần bán ở ngọn sào.

 

Ảnh: Chợ quê ( nguồn: st)

 

Cách đặt tên làng cũng thể hiện văn hóa từng vùng. Ở vùng châu thổ Bắc Bộ, có những làng có một tên Nôm bên cạnh một tên Hán - Việt. Làng Vòng có tên chữ là Dịch Vọng, làng Láng - Yên Lãng, làng Dâu - Phù Lưu, làng Sét - Thanh Liệt, làng Dầm - Phù Khê. Có nhiều tên Nôm có chữ “kẻ” như: Kẻ Noi - Cổ Nhuế, Kẻ Khuốc - Cổ Khúc, Kẻ Chài - Cổ Trai, Kẻ Lôi - Cổ Lôi, Kẻ Hến - Cổ Hiểm…Những làng có tên Nôm chắc chắn xuất hiện sớm từ thời Bắc thuộc trở về trước, do ban đầu bọn thống trị còn thi hành chính sách “cơ mi” (trói buộc lỏng lẻo), chưa có điều kiện nắm đến các làng. Đặt tên Nôm cho làng là một cách để gìn giữ tâm hồn người Việt, bản sắc người Việt, là cách ngầm đối kháng với văn hóa áp đặt của phương Bắc. Tên làng đôi khi gắn với một câu chuyện mang ý nghĩa nhất định, phản ánh đặc điểm tự nhiên của từng vùng, như tên làng của người Việt đôi khi gắn với đầm, ao (đàm - đầm nước): Cói Đàm, Phú Đàm, Cát Đàm, Thanh Đàm, Linh Đàm…; hay trì (ao): Mễ Trì, Thanh Trì…; các làng trồng cói: Hội Phụ, Côi Giống, Lã Cối ghi nhận một thời đã trồng cói và cải tạo đất chua mặn; làng Mía là nơi có nhiều mía kéo mật nổi tiếng; các làng làm muối gắn với chữ diêm: Diêm Điền, Diêm Tỉnh, Diêm Trường, Diêm Phố…Các tên làng đôi khi còn phán ánh những quan hệ xã hội, những sự kiện biến động của lịch sử. Phổ biến là tên các dòng họ đứng ra lập làng như Đặng Xá, Nguyễn Xá, Lê Xá, Lai Xá…

Làng nghề

Làng nghề hình thành khi vẫn nằm trong cái làng “dĩ nông vi bản”. Nghề đó phần nhiều đã trở thành truyền thống, tồn tại lâu đời hay mới du nhập qua việc phát triển các đô thị, khoảng chừng trăm năm, nhằm đáp ứng những nhu cầu mới. Ở đấy có một lớp thợ thủ công được tổ chức lại, với một quy chế chặt chẽ, có hay không có tổ sư, nhưng có lễ thức tôn giáo liên quan đến nghề, có những kiêng cữ nhất định, có thợ cả, thợ chính, thợ học việc…sản xuất ra những mặt hàng đặc sắc, có chất lượng, có thị trường rộng rãi, thường phục vụ cho nhu cầu của các thị dân hay gần đây là người nước ngoài. Điều quan trọng nhất là nghề đó cung cấp cho họ nguồn thu nhập chính.

Ranh giới giữa một làng có nghề và làng nghề cũng không thật rõ ràng. Vậy tại sao người thợ thuộc làng có nghề lại không bỏ nghề làm ruộng mà chuyên nghề thủ công, mà ngược lại, họ chỉ làm nghề những ngày nông nhàn? Tại sao họ không tách ra sống riêng biệt rồi tổ chức nhau lại thành một phường hội, một đô thị mà ngược lại họ cứ bám chặt lấy bản làng, với ruộng rẫy? Ở đồng bằng, các làng có nghề cũng vậy. Chúng tồn tại khi thịnh, khi suy. Một số thợ tìm sống trong các đô thị hay lập nghiệp trong Nam, ngoài Bắc, còn ai ở làng thì họ vẫn là nông dân, con trâu đi trước, cái cày theo sau, còn cái nghề danh giá của cha ông, họ chỉ coi như một nghề phụ.

 

Làng nghề thủ công ( Ảnh: minh họa)

 

Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, vào trước thế kỷ XV, Thăng Long đã có các phường nghề: phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đai, mâm, võng, gấm, dù lọng; phường Yên Thái làm giấy; phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa, phường Hà Tân nung đá vôi, phường Hàng Đào nhuộm điều; phường Tạ Nhất làm quạt…phường Thịnh Quang có long nhãn; phường Đường Nhân bán áo diệp y…Ngoài 36 phường ở Hà Nội, các sứ thời Lê sơ có 47 phường nữa. Như vậy, cả nước có 83 phường. Đến sau này, Hà Nội mới gồm có 36 phố phường, lúc đầu là một bộ phận của các làng nghề tập hợp lên đây vừa sản xuất, nhưng chủ yếu là bán các mặt hàng thủ công từ làng nghề sản xuất ra, sau được tổ chức thành phường, có thờ vọng tổ nghề. Ví dụ như nghề đồng (Hàng Đồng) là của dân làng Đại Bái (Bắc Ninh), Cầu Nôm (Hưng Yên); nghề bát (Bát Đàn) là của dân làng Bát Tràng, nghề thêu; làm lọng (Hàng Lọng) là của dân làng Quất Động (Hà Tây cũ), nghề bạc (Hàng Bạc) là của dân làng Châu Khê (Hải Dương); nghề mành (Hàng Mành) là của dân làng Giới Tó (Hà Bắc xưa); nghề quạt (Hàng Quạt) là của dân làng Đào Quạt (Hưng Yên); nghề khảm (Hàng Khay) là của làng Chuôm Ngọ (Hà Tây trước đây)…Ở Huế cũng có trường hợp tương tự. Ở Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định cũng nổi lên như một đô thị, tập hợp những phường thợ, đặc biệt là ở khu buôn bán, công nghệ của người Hoa khá phát đạt.

Các làng nghề đứng chân được ở các thị trấn, thị xã, thành phố cũng gọi là phố nghề. Những phố nghề này có điểm khác các làng nghề là vừa sản xuất, vừa mua bán (công thương), lại tách dần khỏi nông nghiệp nhưng chưa tách khỏi làng quê. Đây là bộ phận tiêu biểu nhất của làng nghề, nhưng cũng bấp bênh vì phụ thuộc vào những biến cố, lên xuống của các đô thị và sự cạnh tranh với các hàng ngoại nhập.

Những làng nghề cũng được tổ chức lại một cách đa dạng. Có làng sản xuất ra một sản phẩm chính, sau được hỗ trợ bởi các làng xung quanh bằng việc thực hiện các công đoạn khác nhau do từng làng phụ trách. Có làng có nhiều nghề tiêu biểu như làng Triều Khúc có hơn chục nghề khác nhau; có nhiều làng trong vùng lại làm một nghề như làng La Khê vốn xưa một thời thuộc tổng La, phủ Hoài Đức nay thành 7 làng “Bẩy làng La, Ba làng Mỗ”. Bẩy làng La là La Khê, Văn La, La Cả, La Tinh, La Dương, La Phù và Ỷ La. Riêng làng La Khê lại có bốn thôn Đông, Tây, Nam, Bắc nổi tiếng với câu ca được truyền tụng “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy, vui thì vui vậy chẳng tày Rã La”.

Như vậy, nghề thủ công ở nước ta rất đa dạng nhưng manh mún, khó có thể định được tiêu chuẩn thế nào là một người thợ, một nghề vì luôn gắn liền và bị chi phối bởi đời sống nông nghiệp, thậm chí khó tách được nghề nào là nông, là ngư, là công.

Nghề thủ công phát triển mạnh ở vùng trung tâm, các đô thị, các cửa biển, ít phát triển ở miền ngoại vi. Theo dòng thời gian, nghề thủ công có nhiều thay đổi, một số nghề mất đi nhưng số đông nghề mới xuất hiện, nhất là trong vòng trăm năm nay dưới ảnh hưởng của xã hội công nghiệp hóa. Nghề thủ công luôn giữ màu sắc dân tộc, tộc người, địa phương.

Những giá trị văn hóa mà làng và làng nghề bảo lưu đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc, là bảo tàng sống động để du khách được nhìn, nghe, tiếp xúc và thẩm nhận những giá trị văn hóa độc đáo của người Việt. Qua đó, du khách không chỉ được biết về phong tục, tập quán, lối sống của từng địa phương mà còn có thể tự tay tạo ra những sản phẩm độc đáo của làng nghề, chọn cho mình những món đồ lưu niệm có ý nghĩa của làng nghề. Có lẽ bởi thế mà những ngôi làng cổ, những làng nghề truyền thống như Đường Lâm, Bát Tràng, Quất Động,…luôn là điểm dừng chân đặc biệt hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước hiện nay. /.                                                             

 

                                                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Phạm Đức Dương, Bức tranh ngôn ngữ - văn hóa tộc người ở Việt Nam                   Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2007.

2.Vũ Ngọc Khánh, Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Thanh Niên, năm 2001.                             3. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb văn học nghệ thuật, năm 2002

           4.Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, năm 2000.

          5.Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, năm 1998.

          6. Đặng Nghiêm Vạn, Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Nxb Giáo dục, năm 2007

          7.Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, năm 2006.

          8.Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Giáo dục, năm 2006.