Tin tức – Sự kiện

Hội thảo “Tổ chức giáo dục các loại hình nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh Trung học cơ sở”

18 Tháng Mười Một 2014

BBT

 

            Ngày 17/11, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, mã số: B2013-36-26: “Tổ chức giáo dục các loại hình nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh Trung học cơ sở”.

 

Khán giả tham dự chương trình Hội thảo

 

            Tham dự chương trình về phía khách mời có đại diện các thầy cô giáo và học sinh tới từ các trường THCS Phong Châu - Thái Bình, THCS Phục Lễ - Hải Phòng, THCS Tiên Cát - Phú Thọ, THCS Ban Mai - Thành phố Hà Nội. Về phía Nhà trường có Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể cán bộ, giảng viên khoa: Sư phạm Mỹ thuật, Mỹ thuật cơ sở, Sư phạm Âm nhạc, Thanh nhạc, Nhạc cụ.

 

PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường, chủ nhiệm đề tài báo cáo tổng quan đề tài nghiên cứu khoa học

 

            Tại Hội thảo, PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường, chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tổng quan việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổ chức giáo dục các loại hình nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh Trung học cơ sở”. PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa đã nêu rõ các lý do chọn đề tài, tình hình nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, đối tượng - phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và những đóng góp của đề tài cũng như bố cục của đề tài nghiên cứu khoa học. Trong các nội dung đó, chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh tới mục đích nghiên cứu của đề tài là nhằm giữ gìn và phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh Trung học cơ sở, góp phần vào việc bảo lưu truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

 

TS. Đào Đăng Phượng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, thành viên đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học hoàn thành sau 02 năm

 

            Báo cáo kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, TS. Đào Đăng Phượng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, thành viên đề tài đã giới thiệu một cách khái quát tới khán giả về chương trình giáo dục nghệ thuật tại trường Trung học cơ sở ở nước ta hiện nay. Nội dung dạy học các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam còn khá ít. Chương trình học mới chỉ dừng lại ở mức dạy cho học sinh hát được một số bài dân ca, với số lượng không nhiều. Hơn nữa, ở các thể loại khác như: hát Chèo, Tuồng, Ca trù,...; một số dòng tranh dân gian: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Khắc, tranh Khảm sành sứ,... học sinh cũng chỉ biết đến và thể hiện thông qua các câu chuyện âm nhạc hay mỹ thuật cũng hết sức sơ lược.

            Trong đề tài nghiên cứu khoa học, TS. Đào Đăng Phượng đặc biệt đề cấp tới một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả học tập và mở rộng vốn kiến thức cho học sinh THCS về các loại hình nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ như: thành lập câu lạc bộ nghệ thuật dân gian (âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu), tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức trò chơi dân gian, tổ chức thi hát dân ca, vẽ tranh dân gian, thăm quan bảo tàng, các di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật dân gian của địa phương,....Kết thúc báo cáo, TS. Đào Đăng Phượng đã giới thiệu tới khán giả một số hình ảnh trong đợt triển khai thí điểm đề tài ở trường THCS.

            Hội thảo nghiên cứu khoa học lần này đã chỉ rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động ngoại khóa đối với chương trình “giáo dục các loại hình nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh Trung học cơ sở”. Qua đề tài nghiên cứu khoa học trên, chủ nhiệm đề tài và các thành viên mong muốn loại hình nghệ thuật này sẽ được đưa vào giảng dạy nhiều hơn tại các chương trình học chính khóa cũng như ngoại khóa ở trường Trung học cơ sở để bảo lưu và phát triển những nét văn hóa truyền thống vốn có mà ông cha ta đã xây dựng, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhóm thực hiện đề tài:

1.    NGƯT.PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa – Chủ nhiệm đề tài

2.    NGƯT.PGS.TS. Phạm Trọng Toàn – Thành viên đề tài

3.    TS. Đào Đăng Phượng – Thành viên đề tài

4.    TS. Trịnh Hoài Thu – Thành viên đề tài

5.    TS. Nguyễn Thị Tố Mai -  Thành viên đề tài

6.    TS. Nguyễn Thị Hà Hoa – Thành viên đề tài

7.    ThS. Nguyễn Quang Hải - Thành viên đề tài

8.    ThS. Nguyễn Thị May - Thành viên đề tài

9.    NCS.ThS. Ngô Thị Hòa Bình - Thành viên đề tài

10.  ThS.Trịnh Thị Thanh - Thành viên đề tài

11.   CN. Bùi Ngọc Hưng - Thành viên đề tài

 

Một số hình ảnh của chương trình:

 

Tiết mục Chèo (trích đoạn Lý trưởng – Mẹ mõ) do học sinh THCS Phong Châu, Thái Bình biểu diễn

 

Tiết mục Hát Đúm do học sinh THCS Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng biểu diễn

 

Múa trống quân đồng bằng Bắc Bộ do học sinh THCS Ban Mai, Hà Nội biểu diễn

 

Ca khúc “Làng quan họ quê tôi” tốp ca học sinh trường THCS Ban Mai, Hà Nội biểu diễn

Một vài hình ảnh do học sinh THCS thực hiện trong hoạt động ngoại khóa