Nội san

Vai trò của giáo dục âm nhạc đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ

24 Tháng Giêng 2015

                                                                        Trần Thị Thùy

 

“Âm nhạc có vai trò như thế nào đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK)?”. Có lẽ, đây chính là điều mà không ít người Việt Nam còn băn khoăn. Họ cho rằng các biện pháp can thiệp trực tiếp bằng y học hay các biện pháp giáo dục chuyên biệt cho trẻ RLPTK còn chưa mang lại tiến triển nhiều thì việc âm nhạc giúp trẻ tiến bộ thật viển vông. Trong khi thực tế trên thế giới, giáo dục âm nhạc cho trẻ RLPTK không còn là một vấn đề mới mẻ. Ở một số nước như Mỹ, Canada, Israel… đã có cả một đội ngũ các chuyên gia trị liệu âm nhạc cho trẻ, ngoài ra họ cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu về lý luận cũng như thực tiễn ghi nhận vai trò của âm nhạc đối với trẻ RLPTK như: “Music for the child with Autism” của Stephen Shore hay “Why does music help Autism” của Jean Hwang…

Nhà soạn nhạc Robert Schumann đã từng nói: “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người”. Đúng vậy, âm nhạc vượt lên trên ngôn ngữ và có thể chạm tới những khía cạnh sâu thẳm nhất trong con người, để rồi những bản nhạc yêu thích làm hài hòa nhịp đập của trái tim, giải tỏa stress và gọi ra những cảm xúc tích cực cho người nghe. Không thể phủ nhận âm nhạc có ảnh hưởng đến cảm xúc, có những bản nhạc mang lại cảm xúc tích cực, tinh thần thư thái nhưng cũng có những bản nhạc mang lại những cảm xúc tiêu cực cho người nghe. Kết quả của việc nghiên cứu những ảnh hưởng của âm nhạc đối với con người đã được ứng dụng trong thực tế. Âm nhạc đã được đưa vào sử dụng như một liệu pháp chữa trị cho bệnh nhân ở một số bệnh viện trên thế giới như bệnh viện Oberwalliser – Thụy Điển hay Viện thần kinh London. Đó là một số ghi nhận của lĩnh vực Y học về vai trò của âm nhạc đối với con người. Trong lĩnh vực giáo dục, âm nhạc cũng được đánh giá giúp con người phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mỹ. Giáo dục âm nhạc đã được đưa vào chương trình tại hầu hết các trường mầm non ở Việt Nam với mục đích giúp trẻ phát triển toàn diện ngay từ những năm đầu đời. Với một trẻ mầm non bình thường, âm nhạc gắn liền với tâm hồn trẻ, hầu hết trẻ đều có thể ca hát, nhảy múa một cách tự nhiên. Các hoạt động âm nhạc giúp cho trẻ mầm non giúp trẻ phát triển tốt về giao tiếp, thể chất, tương tác…

Đối với trẻ RLPTK, trẻ không hòa nhập được với thế giới bên ngoài bởi bức tường ngăn cách là những khiếm khuyết về tâm, sinh lý được biểu hiện cụ thể là những khiếm khuyết về các kỹ năng giao tiếp, tương tác và hành vi không phù hợp. Việc hình thành nên các kỹ năng cần đến sự hoạt động hiệu quả của các giác quan: thính giác, xúc giác, thị giác để kích thích thần kinh cùng với việc kết hợp ngôn ngữ. Trong khi đó, âm nhạc có thể tác động đến tất cả các giác quan của trẻ một cách tự nhiên qua việc nghe nhạc, sử dụng nhạc cụ, hát, trò chơi âm nhạc… Vì thế, hoàn toàn có thể khẳng định rằng âm nhạc có tác dụng hỗ trợ trong việc phục hồi những kỹ năng khiếm khuyết ở trẻ RLPTK. Điều đặc biệt cần nói đến là âm nhạc là con đường vượt qua ngôn ngữ, là con đường dẫn đến thế giới xúc cảm của trẻ. Việc sử dụng âm nhạc phù hợp sẽ giúp trẻ RLPTK điều hòa được cảm xúc. Từ việc trẻ làm chủ được cảm xúc của bản thân mà các kỹ năng của trẻ được cải thiện. Mặt khác, tuy có những khiếm khuyết về thần kinh, trẻ RLPTK vẫn mang trong mình một tâm hồn trẻ thơ mà vì những khiếm khuyết đó trẻ không thể hiện ra bên ngoài, trẻ vẫn yêu thích ca hát, vui chơi. Vì thế, dùng chính niềm yêu thích đó của trẻ để đi vào thế giới của trẻ từ đó dần dần giúp trẻ tiến bộ là một lựa chọn hữu ích. Ở đây, chúng tôi đưa ra vai trò của âm nhạc trong việc hỗ trợ cải thiện ba khiếm khuyết đặc trưng ở trẻ RLPTK:

Thứ nhất, Âm nhạc giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp

Ở các cá nhân RLPTK, khiếm khuyết về kỹ năng giao tiếp lại là một khiếm khuyết đặc trưng khiến trẻ luôn sống trong một thế giới riêng. Trong bài viết “Tại sao âm nhạc trợ giúp tự kỷ”, tác giả Neha Khetrapal của Đại học Bielfeld, Đức đã đưa ra các nghiên cứu và khẳng định : “Âm nhạc là một sự lựa chọn hiệu quả nâng cao khả năng giao tiếp ở những người mắc chứng tự kỷ”.

Trước hết, âm nhạc tăng cường kỹ năng giao tiếp cho trẻ qua việc khuyến khích trẻ sử dụng ngôn ngữ nói: Trẻ mắc chứng tự kỷ có thể học được những từ giao tiếp mới dễ dàng hơn qua việc được nghe và hát đi, hát lại một bài hát hơn là học để bắt chước nói một cách bình thường. Ngoài ra, để trẻ phát âm cần dạy trẻ sử dụng môi, lưỡi, hàm, hơi thở, việc dạy trẻ sử dụng một chiếc kèn thổi hoàn toàn phù hợp cho mục đích này.

Các hoạt động âm nhạc còn có ý nghĩa tích cực đối với việc sử dụng ngôn ngữ không lời cho trẻ. Nếu trẻ được tham gia vào các hoạt động âm nhạc thường xuyên, các trò chơi âm nhạc mà trẻ yêu thích sẽ giúp trẻ thêm mạnh dạn thực hiện các hoạt động, thể hiện bản thân trẻ trước mọi người. Trẻ có thể xử lý được cảm xúc thông qua âm nhạc; từ đó, hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục khác, dần dần trẻ thụ động có thể mạnh dạn hơn thể hiện bản thân mình, trẻ tăng động có thể sử dụng hành động hợp lý thay cho lời nói để thể hiện nhu cầu.

Tham gia vào các hoạt động âm nhạc giúp trẻ luyện tập kỹ năng luân phiên, chú ý, bắt chước, khởi đầu, duy trì hoạt động.

         Thứ hai, Âm nhạc giúp trẻ tăng khả năng tương tác với môi trường xung quanh

Việc giáo dục,cải thiện kỹ năng tương tác xã hội được thực hiện thông qua việc cho trẻ tham gia vào các trò chơi: đóng vai, tham gia vào các tình huống trong xã hội như mua sắm, nhận biết môi trường xung quanh...hướng đến mục tiêu trẻ có thể xây dựng được mối quan hệ với mọi người và có cách cư xử phù hợp trong các tình huống.

 Tham gia vào các hoạt động âm nhạc tạo thêm cơ hội để trẻ tương tác với các bạn, trẻ sẽ bắt đầu có sự tương tác với nhau trong dòng chảy của âm nhạc khi được hướng dẫn cùng cầm vào một chiếc vòng và kết hợp để truyền chiếc vòng chuyển động theo nhịp điệu của bản nhạc. Ngoài ra, nhịp trống rộn ràng, âm thanh của xúc xắc cùng với nhịp điệu sôi động của một bài hát giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và cùng nối đuôi nhau hành quân theo nhịp một cách tự nhiên.

Tham gia vào các hoạt động âm nhạc giúp một số trẻ không chủ động trong các tình huống và có thể nói trẻ nhút nhát có cơ hội thể hiện bản thân mình. Hơn nữa, hoạt động âm nhạc có sử dụng các nhạc cụ trẻ yêu thích là động lực để trẻ hợp tác với các bạn.

Thứ ba, Âm nhạc giúp cải thiện hành vi

Giáo dục can thiệp hành vi cho trẻ RLPTK hướng đến mục tiêu giúp trẻ giảm những hành vi tiêu cực, không phù hợp và giúp trẻ duy trì, thể hiện hành vi theo đúng mục đích. Âm nhạc được sử dụng phù hợp có tác động tích cực để hỗ trợ, điều chỉnh hành vi cho trẻ. Âm nhạc có thể lôi cuốn điều chỉnh cảm xúc của con người, cảm xúc chính là nguyên nhân dẫn đến hành vi tốt hay xấu. Với trẻ RLPTK, âm nhạc được sử dụng phù hợp với sở thích của trẻ có thể giúp trẻ nguôi cơn giận, ngăn chặn hành vi tiêu cực sẽ nảy sinh ở trẻ.

Các hoạt động âm nhạc giúp trẻ giảm bớt những hành vi định hình. Âm thanh của các loại nhạc cụ được tạo ra khi trẻ được hướng dẫn sử dụng đúng cách kết hợp với các bài hát quen thuộc giúp cho trẻ cảm thấy thích thú, cuốn trẻ vào hoạt động phù hợp.

Biết được vai trò của âm nhạc đối với sự phát triển của trẻ RLPTK là vậy nên cần có kế hoạch đưa âm nhạc vào chương trình giáo dục cho trẻ tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt. Các hoạt động âm nhạc có thể tổ chức cho trẻ RLPTK bao gồm: Nghe nhạc, hát cùng trẻ, trò chơi âm nhạc và dạy trẻ tiếp xúc với nhạc cụ. Cần áp dụng âm nhạc vào các môn học khác để tăng cường hứng thú và nâng cao chất lượng các môn học khác của trẻ như: Tạo hình, ngôn ngữ, vận động, tự phục vụ. Để âm nhạc mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ phải cần đến những biện pháp phù hợp, kế hoạch giáo dục cho từng cá nhân, từng nhóm trẻ; có một kho tài liệu các bài hát riêng bằng tiếng Việt, phù hợp bởi trẻ RLPTK mang trong mình những khiếm khuyết về các kỹ năng giao tiếp, tương tác và hành vi nên không thể áp dụng hoàn toàn các bài hát và những hoạt động như trẻ mầm non bình thường; bồi dưỡng thêm về kiến thức âm nhạc cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, cha mẹ cần dành thời gian vui chơi, ca hát với trẻ, luôn tạo không khí gia đình vui vẻ, yêu thương.

Sau ba tháng chúng tôi tiến hành thực nghiệm các biện pháp giáo dục tại trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ RLPTK, kết quả đã cho thấy âm nhạc thực sự mang lại sự phát triển khác biệt cho nhóm trẻ thực nghiệm. Âm nhạc mang lại sự phát triển tốt hơn ở những trẻ yêu thích âm nhạc. Trẻ có mức độ phát triển các kỹ năng kém nhưng yêu thích âm nhac, trẻ có thể hợp tác tốt trong các hoạt động âm nhạc vì thế âm nhac mang lại lợi ích tốt cho trẻ. Âm nhạc mang đến sự phát triển cho mỗi trẻ là khác nhau, có trẻ tiến bộ vượt bậc, có trẻ khó có thể nhận thấy sự tiến bộ; vì thế, không thể kỳ vọng âm nhạc sẽ mang lại hiệu quả tốt cho sự phát triển các kỹ năng của tất cả trẻ. Để âm nhạc mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ RLPTK không thể thiếu sự kiên nhẫn và tình yêu thương của các giáo viên.

Gợi mở ra một vấn đề không còn mới đối với thế giới nhưng khá mới mẻ với Việt Nam, chúng tôi hy vọng giáo dục âm nhạc cho trẻ RLPTK sẽ được quan tâm hơn nữa, thực sự trở thành một phần trong lĩnh vực giáo dục cho trẻ RLPTK và là một hướng đi phần nào giúp trẻ RLPTK ở Việt Nam có thể bước ra khỏi thế giới riêng để hòa nhập với cộng đồng.