Nội san

Đưa hát Trống quân vào giờ học ngoại khóa ở một số trường THCS thuộc huyện Khoái Châu - Hưng Yên

28 Tháng Giêng 2015

                                                                                       Nguyễn Thị Nga

 

Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở các loại hình nghệ thuật nói chung mà cả nền âm nhạc cổ truyền nói riêng, trong đó có hát Trống quân Dạ Trạch - Hưng Yên. Đây là một loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu của huyện Khoái Châu, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Là loại hình nghệ thuật dân gian nên việc tiếp nhận của cả người hát và người nghe còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ thêm yêu và gắn bó là cốt lõi để gìn giữ và phát huy môn nghệ thuật này.

 Hát Trống quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh châu thổ và trung du Bắc Bộ. Ngoài hát Trống quân còn có một số loại hình âm nhạc dân gian phổ biến ở miền Bắc như hát Quan họ (Bắc Ninh), hát Ghẹo (Phú Thọ), hát Dô (Hà Tây), hát Then (Cao Bằng)... Đa số có đề tài chung về cuộc sống con người, tình yêu quê hương đất nước, đời sống tâm linh, lao động sản xuất… Hát Trống quân cũng đã có một thời kì phát triển rực rỡ - điển hình là hát Trống quân Hưng Yên và hát Trống quân Vĩnh Phúc. Đây được xem là hai khu vực có truyền thống lâu đời về văn hóa, lề lối hát Trống quân. Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở các loại hình nghệ thuật nói chung mà cả nền âm nhạc cổ truyền nói riêng, trong đó có hát Trống quân Dạ Trạch - Hưng Yên.

Hát Trống quân là thể loại dân ca đối đáp, thi tài đua trí với nội dung trao đổi những câu giao duyên tình tứ, những nhận biết và kinh nghiệm sống giữa nam nữ trung niên, thanh niên trong xã hội nông nghiệp với văn minh lúa nước.

Cho tới nay, chưa có công trình khoa học nào khẳng định chính xác hát Trống quân có từ bao giờ. Nhưng ở vùng Dạ Trạch - huyện Khoái Châu, người ta vẫn lưu truyền một câu chuyện, đại ý rằng: Vào đời vua Hùng thứ III, công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có cuộc duyên kỳ ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Đôi vợ chồng không môn đăng hộ đối ấy đã cùng nhân dân cải tạo cả vùng lau sậy bạt ngàn, những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung đã dạy dân cách trồng lúa nước, ươm tơ, dệt vải - đặc biệt là còn dạy cả điệu hát Trống quân nữa. Từ đó, thể loại hát Trống quân đã được nhân dân tại đây lưu truyền và gìn giữ phát triển cho tới tận ngày nay.

 

Ảnh: Hát Trống quân  ( Nguồn: st)

 

Tìm hiểu về sự ra đời của Trống quân cho đến nay có nhiều giả thuyết, nhưng có hai giả thuyết phổ biến hơn là:

          Hát Trống quân xuất hiện từ thời nhà Trần, nửa sau thế kỷ XIII: Vào thời kỳ chống quân Nguyên xâm lược, binh sĩ ta khi nghỉ ngơi đã ngồi thành hai hàng đối nhau, mỗi bên có một cái trống và mỗi câu hát đối đáp nhau đều gõ trống làm nhịp. Lối hát này sau đó được lưu truyền trong dân gian.

 Hát Trống quân xuất hiện từ khi vua Quang Trung dẫn quân thần tốc ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh, cuối thế kỷ XVIII: Khi đó, vua bày ra một trò chơi: Cho một bên quân lính giả làm gái và ra những câu hát đối, một bên là các chàng lính hát đối đáp. Mỗi câu hát có tiếng trống đánh điểm nhịp, lúc nghỉ cũng như lúc hành quân. Trống quân là đọc chệch của từ “trung quân”. Trung quân là điệu hát giải trí của đội Trung Quân, được tuyển chọn ở Nghệ Tĩnh trong cuộc hành quân ra Bắc diệt Thanh của vua Quang Trung.

Hát Trống quân Dạ Trạch là một loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu của huyện Khoái Châu, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Là loại hình nghệ thuật dân gian nên việc tiếp nhận của cả người hát và người nghe còn nhiều khó khăn nên việc tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ thêm yêu và gắn bó là cốt lõi để gìn giữ và phát huy môn nghệ thuật này.

  Bởi vậy, việc kế thừa những giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật dân gian này cho các thế hệ trẻ là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, giúp các em tiếp cận gần hơn và có ý thức học hỏi, kế thừa những nét văn hóa truyền thống vốn có của địa phương.

Trong nhà trường phổ thông, ngoài việc học trên lớp theo chương trình đã quy định, học sinh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động tập thể. Trong đó, hoạt động ngoại khóa luôn mang đến cho học sinh tinh thần thoải mái sau những giờ học căng thẳng, góp phần xây dựng cho các em một tâm hồn trong sáng, lành mạnh, đồng thời tạo điều kiện cho các em được giao lưu học hỏi, hiểu biết và thông cảm với nhau hơn. Trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường có thể sẽ có chương trình ngoại khóa tập trung vào lĩnh vực âm nhạc, cũng có thể là ngoại khóa về các chuyên môn khác, nhưng cho dù là ở nội dung nào thì trong các chương trình đó luôn đan xen các hoạt động văn hóa văn nghệ.

Ngoài ra, chương trình ngoại khóa còn định hướng cho giáo viên âm nhạc những hoạt động phù hợp, đúng chuyên môn. Vì vậy, bước đầu sẽ có những khó khăn, nhưng sau đó khi đã trở thành nề nếp thì các hoạt động đó sẽ là động lực để phát triển khả năng của các em. Do đó, khi triển khai các nội dung hoạt động chúng ta cần tận dụng những điều kiện thuận lợi cho phép, đồng thời kết hợp với các đoàn thể, phụ huynh học sinh hiểu được ý nghĩa của việc làm.

Để hoạt động ngoại khóa đạt được hiệu quả, các nhà giáo dục cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác hoạt động ngoại khóa và thực hiện theo các nguyên tắc sau:

Một là, Tính tự nguyện khi tham gia hoạt động: Hoạt động ngoại khóa nên đảm bảo tiêu chí này trước tiên, tránh sự gò ép đối với học sinh. Hình thức tổ chức hoạt động phải phù hợp với hứng thú và năng khiếu của học sinh. Giáo viên tổ chức hoạt động này có thể khuyến khích hoặc kết hợp với các chi hội, chi đội và các bậc phụ huynh để các em có thể tham gia một cách tích cực, phát triển năng khiếu và khả năng sáng tạo của mình. Vì vậy, khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa cần lựa chọn đối tượng học sinh phù hợp.

Hai là, Hoạt động ngoại khóa phải dựa trên cơ sở đặc điểm lứa tuổi của học sinh: Để đảm bảo nguyên tắc này, giáo viên tổ chức các hoạt động phải tùy thuộc vào sự chuyển đổi giai đoạn lứa tuổi để các em có những hình thức tổ chức hoạt động sao cho phù hợp với khả năng lứa tuổi và hứng thú, năng khiếu của các em.

Ba là, Kết hợp sự hướng dẫn của giáo viên với những sáng kiến và tính độc lập của học sinh: Ở tuổi học sinh THCS, các em đã hình thành tính tích cực cao và muốn tham gia vào các hoạt động của nhà trường, xã hội. Vì vậy, đòi hỏi người giáo viên phải phát huy được tính độc lập, tích cực của các em. Tạo điều kiện giúp đỡ và chỉ dẫn để các em tham gia, phát huy tính sáng tạo, thể hiện khả năng âm nhạc của mình.

Giáo viên âm nhạc không chỉ đào tạo cho học sinh theo chương trình chính khóa mà còn phải quan tâm đến các hình thức hoạt động ngoại khóa để tạo nên sự sinh động, phong phú cho chương trình ngoại khóa và khơi gợi sự sáng tạo, ham học hỏi ở các em. Hơn thế nữa, hoạt động ngoại khóa giúp các em hình thành thẩm mỹ âm nhạc, biết rung động trước cái đẹp trong âm nhạc và có kiến thức về âm nhạc chân chính. Hoạt động ngoại khóa cũng là môi trường tốt để giáo viên đưa ra những bài học về giáo dục lòng yêu nước, tinh yêu thương con người, biết trân trọng những giá trị đạo đức cũng như tinh thần tự hào dân tộc.

Trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường có thể là chương trình ngoại khóa tập trung vào lĩnh vực âm nhạc, cũng có thể là ngoại khóa ở các môn khác nhưng dù là ở nội dung nào thì trong các chương trình đó luôn có các hoạt động văn hóa văn nghệ. Nhiều em đã bộc lộ năng khiếu nổi trội của mình trong các hoạt động, nhiều giọng ca học đường được phát hiện và bồi dưỡng kịp thời. Các hội thi, hoạt động được tổ chức định kỳ hàng năm tạo sự hứng khởi, các buổi nói chuyện âm nhạc và giao lưu với nghệ sĩ cũng đã để lại cho các em những ấn tượng, trau dồi thêm cho mình thêm nhiều kiến thức.

Đối với hai trường THCS ( trường THCS Dạ Trạch và trường THCS Thị trấn Khoái Châu), để đưa nghệ thuật hát Trống quân Dạ Trạch vào hoạt động ngoại khóa, tác giả đề ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, bồi dưỡng giáo viên âm nhạc

Trong các trường THCS nói chung, giáo viên âm nhạc có vai trò quan trọng trong các hoạt động dạy học trên lớp cũng như hoạt động ngoại khóa. Vì thế, để đưa hát Trống quân vào giờ học ngoại khóa, để học sinh có thể biết hát Trống quân thì đội ngũ giáo viên dạy nhạc trong các trường THCS phải được đào tạo và bồi dưỡng trước tiên. Phòng Giáo dục huyện kết hợp với Sở GD& ĐT, Sở Văn hóa để đề ra các chương trình dạy hát Trống quân cho đội ngũ giáo viên, mời những nhóm nghệ nhân tới dạy hát và những động tác minh họa trong khi hát cho giáo viên hiểu và nắm rõ một số động tác đó. Trong quá trình dạy hát Trống quân cho giáo viên, cần chú ý những chủ đề phù hợp với học sinh để giáo viên về truyền dạy lại cho các em, cách đặt lời mới trên giai điệu của những bài Trống quân cổ. Bởi vì, chính đội ngũ giáo viên này sẽ là một trong những cầu nối để giúp học sinh tiếp cận với nghệ thuật hát Trống quân truyền thống một cách nhanh và dễ dàng nhất.

Ngoài  đào tạo những giáo viên âm nhạc để dạy hát Trống quân, chúng ta có thể khuyến khích cả những giáo viên bộ môn khác để họ cùng tham gia vào công tác đào tạo.

Thứ hai, thành lập câu lạc bộ hát Trống quân

Mục tiêu của việc thành lập câu lạc bộ là tập hợp những em có năng khiếu và yêu thích ca hát, biểu diễn âm nhạc để từ đó những thành viên này sẽ dạy lại cho các bạn trong lớp mình. Việc thành lập câu lạc bộ có thể đáp ứng được niềm hứng thú, năng khiếu đặc biệt là phát triển khả năng âm nhạc của các em, mở rộng kiến thức vầ âm nhạc.

Sinh hoạt câu lạc bộ phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình chung của nhà trường, trình độ của học sinh. Ngoài ra cần có sự phối hợp với các cán bộ văn hóa, nghệ nhân đã và đang hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương, thu hút họ vào việc tổ chức giáo dục âm nhạc cho học sinh. Điều này sẽ lôi cuốn học sinh và các lực lượng quần chúng vào việc sinh hoạt mang tính chất “học mà chơi, chơi mà học”. Nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ nên gắn liền với các chủ điểm của từng tháng, như vậy sẽ đảm bảo được tính thống nhất trong chương trình sinh hoạt ngoại khóa.

 Lịch sinh hoạt của câu lạc bộ là mỗi tuần 1 lần, mỗi buổi thời gian khoảng 60 - 90 phút và cứ 2 buổi câu lạc bộ sinh hoạt thì sẽ có 1 buổi để các em tự luyện tập, cuối giờ giáo viên sẽ nhận xét và đánh giá kết quả cũng như ưu khuyết điểm của từng nhóm.

Thứ ba, dạy hát Trống quân cho học sinh

Để đưa hát Trống quân vào giờ học ngoại khóa thông qua hoạt động dạy hát, chúng ta nên chọn một số bài hát Trống quân có thể truyền dạy cho học sinh với các tiêu chí như:

- Đảm bảo tính hợp lý, vừa sức giúp các em có thể tiếp thu bài nhanh, thuộc bài ngay trên lớp. Hơn hết, thông qua dạy hát dân ca để giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mĩ cho học sinh.

-  Chọn những bài dân ca thể hiện tình cảm trong sáng nói về tình yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, yêu lao động, bạn bè... Những bài dân ca đó phải có tính giáo dục cao đối với học sinh.

- Chọn những bài dân ca có cấu trúc ngắn gọn, ít luyến láy, giai điệu dễ hát, dễ thuộc, tiết tấu rõ ràng, âm vực không quá rộng, ít có quãng nhảy xa.

Mỗi học kỳ, chúng tôi sẽ dạy cho khối 6 là 2 bài, khối 7 là 2 bài, khối 8 là 2 bài, khối 9 là 1 bài (riêng khối 9 do chuẩn bị thi tốt nghiệp THCS và thi lên THPT nên chúng tôi chỉ dạy hát vào học kỳ I). Việc lựa chọn cho từng khối lớp học các bài hát Trống quân khác nhau đảm bảo tính vừa sức đối với từng độ tuổi, ngày càng nâng cao theo sự phát triển tâm sinh lý, trí tuệ, tư duy của học sinh ; đồng thời tạo ra sự phong phú, đa dạng cho nội dung sinh hoạt  ngoại khóa.

Thứ tư, tổ chức cho học sinh nghe, xem biểu diễn và tìm hiểu hát Trống quân

Việc tổ chức xem biểu diễn Trống quân nên được diễn ra vào giờ sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề Tìm hiểu văn hóa địa phương, như vậy nội dung của buổi sinh hoạt sẽ thống nhất về nội dung cũng như hình thức, tránh được sự khiên cưỡng, gò bó thì mục đích của hoạt động sẽ dễ dàng đạt được.

Khâu chuẩn bị cho buổi xem biểu diễn cũng cần được chú ý, khách mời là các nhóm nghệ nhân cũng cần có sự chọn lọc rõ ràng, bởi có nhiều nhóm nghệ nhân không hát theo cách hát cổ nữa mà có sự cách tân trong cách hát cũng như biểu diễn. Vì thế, tùy vào mục đích của buổi biểu diễn mà nhà trường nên có sự chuẩn bị về mặt nội dung để học sinh dễ dàng hiểu được ý nghĩa của hoạt động. Hoặc cũng với buổi sinh hoạt ngoại khóa đó, nhà trường có thể mời hai nhóm nghệ nhân hát Trống quân với hai lối hát khác nhau (theo lối hát truyền thống và lối hát có sự đổi mới cách tân) để học sinh có sự so sánh giữa cái cũ và cái mới. Như vậy, các em sẽ nhận ra được việc kế thừa những giá trị truyền thống và việc cách tân có ý thức là một việc làm rất khó khăn, cần có sự nhận thức đúng đắn của mỗi cá nhân thì giá trị văn hóa truyền thống sẽ không bị mai một.

Thứ năm, tổ chức thi hát Trống quân cho học sinh

 Để thực hiện tốt hình thức này thì ban tổ chức cần phải có kế hoạch cụ thể để giáo viên chủ nhiệm và các em học sinh nắm bắt và hiểu rõ. Ngoài những tiết mục hát múa theo chủ đề, ban tổ chức yêu cầu mỗi lớp phải có ít nhất một tiết mục văn nghệ hát Trống quân. Các em có thể hát lời theo bản gốc của điệu hát Trống quân hoặc cũng có thể hát lời mới do các nhạc sĩ đặt lời hoặc các em tự đặt lời.

Hình thức để hát Trống quân là hát theo nhóm, mỗi nhóm gồm 5 đôi (5 nam và 5 nữ). Vì thế, mỗi lớp sẽ thành lập một nhóm hát Trống quân, có kế hoạch luyện tập, giáo viên âm nhạc tham gia góp ý để các em có thể dàn dựng được những tiết mục hay và sáng tạo.

Đưa hát Trống quân Dạ Trạch vào chương trình ngoại khóa tại một số trường THCS thuộc huyện Khoái Châu là một hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục và văn hóa, nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị nghệ thuật của hình thức sinh hoạt văn hóa này đối với học sinh khối THCS nói riêng, với người dân nơi đây nói chung. Từ đó, góp phần vào việc giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức cho học sinh, hình thành văn hóa - thẩm mĩ âm nhạc và cũng là phương tiện phát triển con người mới hiện nay.

 

                                                   Tài liệu tham khảo

1.  Lê Hòa (2000), Hát Trống quân nơi đền Hóa Dạ Trạch, Kỷ yếu Hội thảo Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Sở VHNT Hưng Yên.

2. Bùi Trọng Hiền (1998), Hát Trống quân ở Dạ Trạch, Báo cáo khoa học, Viện nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật, Hà Nội.

3. Trần Việt Ngữ (2002), Hát Trống quân, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội