Nội san

Nâng cao chất lượng dạy học môn đàn phím điện tử tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội

02 Tháng Hai 2015

Trần Thị Bích Thủy

 

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và tình cảm của con người. Trong xã hội hiện nay, âm nhạc là một hoạt động được nhiều tầng lớp hưởng ứng tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các hoạt động biểu diễn, thi tài năng, câu lạc bộ sinh hoạt và dạy học âm nhạc luôn thu hút được sự tham gia không chỉ của thanh niên mà nhiều tầng lớp khác, trong đó phải kể đến các em thiếu nhi.

Xã hội càng phát triển, đời sống tinh thần được nhiều người quan tâm hơn dẫn đến nhu cầu học tập các môn nghệ thuật ngày một cao hơn. Nhiều bậc phụ huynh đều mong muốn đầu tư để con em mình được phát triển một cách toàn diện về chân - thiện - mỹ. Trong số các bộ môn nghệ thuật, âm nhạc là môn học phổ biến và thu hút được sự quan tâm của nhiều người học. Các trung tâm âm nhạc, các nhà văn hóa, các trường âm nhạc…được thành lập và hoạt động để đáp ứng nhu cầu học tập âm nhạc của xã hội.

Tại các thành phố lớn , đặc biệt ở Hà Nội TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều trung tâm âm nhạc phát triển, thu hút số lượng lớn đối tượng tham gia học tập, sinh hoạt từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Trong đó, phải kể tới Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội (CVHTNHN). Đây là đơn vị nổi tiếng có bề dày truyền thống và thu hút nhiều thế hệ thiếu nhi tham gia học âm nhạc.

Việc dạy học âm nhạc nói chung và đàn phím điện tử nói riêng tại CVHTNHN có nhiều sự thay đổi để đáp ứng với nhu cầu đổi mới và phát triển của đất nước về văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập như cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, giáo trình và tài liệu dạy không thống nhất, thiếu tính cập nhật. Ngoài ra phương pháp dạy học của giáo viên khác nhau, trình độ không đồng đều... làm cho mức độ nhận thức của người học chênh lệch, chưa thực sự tốt.

Từ việc tìm hiểu và phân tích về môn học cũng như thực trạng tình hình dạy học môn đàn phím điện tử ở CVHTNHN, chúng tôi thấy cần thiết phải đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn này trên nhiều phương diện.

Thứ nhất: Đổi mới chương trình, tài liệu và hình thức tổ chức dạy học

Hiện nay ở CVHTNHN vẫn chưa có một bộ giáo trình cụ thể thống nhất chung cho các lớp dạy đàn phím điện tử. Nhiều giáo viên vẫn dựa vào một số tài liệu đã nghiên cứu qua quá trình học tập, giảng dạy của cá nhân để soạn ra khung chương trình đào tạo cho học sinh.

Từ thực trạng đó, chúng tôi thấy nếu muốn nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử nói chung cho học sinh tại CVHTNHN cần phải rà soát lại toàn bộ, từ đó bổ sung hoàn thiện nội dung chương trình dạy học.

 

Ảnh: Một giờ học nhạc (nguồn: St)

 

Giáo viên khi lên lớp phải dựa vào chương trình chung đã được quy định để dạy. Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể của các lớp, giáo viên sẽ giao bài phù hợp với từng đối tượng học sinh và có thể bổ sung những bài tập riêng của mình.

Bên cạnh đó, trong chương trình chúng tôi đưa ra phần nội dung cần bổ sung mà các giáo viên thường xem nhẹ, ít hướng dẫn cho người học đó là: giới thiệu về tính năng và cách sử dụng nhạc cụ. Khi chơi tác phẩm, các em phải nắm được nguyên tắc sử dụng, vận hành, phát huy tính năng cây đàn mà mình đã có. Vì vậy, trong chương trình dạy học, giáo viên cần dành nhiều thời gian hơn để giới thiệu cho học sinh về kỹ năng cách sử dụng của mỗi cây đàn.

Thứ hai:  Đổi mới, bổ sung tài liệu dạy học

Ngoài các tài liệu, chương trình đang được sử dụng tại CVHTNHN, trong quá trình lên lớp giáo viên cần bổ sung những tài liệu cần thiết và phù hợp để rèn luyện, nâng cao kỹ năng cho thiếu nhi. Giáo viên có thể bổ sung, thay thế các bài luyện tập kỹ thuật nước ngoài bằng những bài tập kỹ thuật do các nhạc sĩ Việt Nam chuyển soạn.

Ngoài ra, giáo viên cũng cần sưu tập các tác phẩm có hình thức lớn hoặc mang tính chuyên nghiệp, như các tác phẩm chuyển soạn từ giao hưởng, các bài biến tấu…

Bên cạnh đó, giáo viên cần bổ sung thêm một số gam và tài liệu tham khảo về các bài luyện tập cũng như tác phẩm.

Thứ ba: Đổi mới hình thức tổ chức dạy học

Như nhiều bộ môn khác, bộ môn âm nhạc gồm có các nội dung lý thuyết và thực hành. Trong đó, thực hành chiếm phần lớn thời lượng của môn học, đóng vai trò chính yếu, quan trọng. Thông qua thực hành để củng cố lý thuyết, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cho người học.

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy học môn đàn phím điện tử, điều cần thiết là phải xây dựng được những tiêu chí cần thiết, phù hợp đối với việc thực hiện hình thức tổ chức dạy học.

Dạy học theo nhóm:

Chia theo nhóm học sinh theo các trình độ từ trung bình, khá và giỏi. Việc chia như trên giúp người học có điều kiện tiếp xúc, học hỏi lẫn nhau. Điều này tạo nên một môi trường thi đua học tập.

Dạy học cá nhân:

Với cách dạy học cho từng cá nhân, giáo viên căn cứ vào sự nhận thức, trình độ từng em để giao bài và có cách dạy phù hợp. Nhờ phương pháp này, giáo viên sẽ hướng dẫn cụ thể được cho thiếu nhi về cách tập bài, cách trình bày khi chơi một tác phẩm. Từ đó, những chỗ khó, học sinh có thể tự làm và tạo ra hứng thú trong học tập giúp kết quả cao hơn.  

Thứ tư: Đổi mới các phương pháp dạy học

Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá

Trong thực tế, khi các em tập bài độc lập ở nhà sẽ không tránh khỏi những sai sót. Vì vậy, giáo viên sẽ kiểm tra bài về nhà của học sinh từ đó giúp các em phát hiện ra những chỗ sai để khắc phục. Ngoài ra, trong khoảng thời gian học trên lớp, giáo viên cũng có thể cho học sinh kiểm tra bài lẫn nhau để tạo không khí sôi động trong lớp và làm cho các em hứng thú khi học.

Kết hợp, giới thiệu thêm kiến thức âm nhạc khi dạy đàn

Thực hành luyện tập kết hợp với bổ trợ: trong mỗi một tác phẩm âm nhạc đều được hình thành và mang những yếu tố của các môn học: lý thuyết âm nhạc, ký xướng âm, hoà thanh... Chính vì vậy, khi dạy học, ngoài việc giúp học sinh hoàn thành một tác phẩm âm nhạc về kỹ thuật một cách chính xác thì giáo viên nên kết hợp giới thiệu thêm kiến thức âm nhạc của các môn như lý thuyết âm nhạc, hòa thanh… vào bài học để các em hiểu và vỡ bài nhanh hơn.

Với kiến thức vốn có của mình, giáo viên nên phát huy tính chủ động hướng dẫn cho học sinh tư duy tìm ra và làm chủ được kiến thức, qua đó các em sẽ có ý thức tự phân tích, tìm hiểu về tác phẩm cũng như rèn luyện nắm bắt kỹ thuật tác phẩm mà mình được học.

Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà

Tình trạng học sinh chỉ tập đàn ở trên lớp sau đó về nhà rất ít tập diễn ra khá thường xuyên. Vì vậy, việc giáo viên hướng dẫn học sinh tự tập ở nhà sao cho hiệu quả, hợp lý, vừa sức, không ảnh hưởng tới thời gian học tập văn hóa của các em là rất quan trọng.

Theo chúng tôi, sau mỗi tiết học, giảng viên cần giao bài cho học sinh tuỳ theo khả năng và điều kiện học của từng người để các em có thể tự tập mà không gây chán nản, mất hứng thú học đàn. Trước khi lên lớp các em phải chuẩn bị trước các hợp âm tay trái, học thuộc vòng hòa thanh để tiết học trên lớp hiệu quả hơn.

Tổ chức biểu diễn cho thiếu nhi

Với mục tiêu tạo một sân chơi lành mạnh, hình thành các kỹ năng cơ bản và cần thiết cho môn đàn phím điện tử. Thực tế cho thấy, hoạt động này thường được hưởng ứng rất cao, chúng ta nên tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo cho các em một sân chơi thiết thực. Từ đó, các em sẽ rất hào hứng, mạnh dạn, tự tin tham gia vào các hoạt động âm nhạc, thích biểu diễn và say mê với âm nhạc.

Tổ chức báo cáo hàng kỳ: biểu diễn báo cáo là một hoạt động nhằm tổng kết lại những thành tựu đạt được của học sinh trong kỳ học. Ít nhất,nên tổ chức biểu diễn báo cáo vào cuối của một năm học, một học kỳ.

Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng

Bên cạnh các biện pháp dạy học tích cực, cần có các biện pháp rèn luyện kỹ năng như: chạy gam, luyện ngón, cách chọn âm sắc nhạc cụ (voice/tone), cách chọn style, luyện tập với phần đệm tự động… Việc rèn luyện các kỹ năng này sẽ giúp học sinh thực sự chủ động trong khi biểu diễn, nhất là với các tác phẩm độc tấu dài.

Như vậy, để đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học không thể là việc làm đơn lẻ của mỗi cá nhân giáo viên và người học, mà còn cần thiết cả sự góp sức của cả tập thể, những chính sách của cấp quản lý. Để làm thực hiện được điều này tôi xin có những đề xuất cụ thể như sau:

Về phía cơ sở đào tạo, CVHTNHN cần xây dựng lại cách thức quản lý, chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy một cách quy củ; thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng như tình hình thực hiện việc dạy học ở các lớp.

Đối với giáo viên, không nên áp dụng duy nhất một phương pháp dạy học mà cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều phương pháp, biện pháp với nhau như dạy học lý thuyết kết hợp với thực hành, dạy học cá nhân kết hợp với dạy học theo nhóm, tổ chức kết hợp các hoạt động dạy học với các hoạt động biểu diễn, vui chơi nhằm khuyến khích các em tham gia tích cực hơn nữa. Qua đó, rèn cho các em sự tự tin để tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường, lớp và địa phương.

Với những nhóm giải pháp cụ thể đã đề cập trên đây, chúng tôi mong muốn bổ sung cho việc dạy và học đàn phím điện tử những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với thực tiễn và quy mô đào tạo âm nhạc tại CVHTNHN. Như vậy hoạt động đào tạo nghệ thuật nói chung và bộ môn đàn phím điện tử nói riêng tại CVHTNHN mới ngày một tiến bộ và thu được những kết quả tốt đẹp, xứng đáng là “địa chỉ đỏ” tin cậy trong hoạt động đào tạo bồi dưỡng âm nhạc cho thiếu nhi Thủ đô.