Tin tức – Sự kiện

Thực tế chuyên môn của học viên Khoa Sau đại học tại khu vực miền Trung

16 Tháng Tư 2015

                                                                                      ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng

                                                                                  Phó Trưởng khoa Sau đại học

 

Trong hệ thống chương trình đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hiện nay, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ các chuyên ngành Văn hóa nghệ thuật là mảng đào tạo được nhà trường đặc biệt quan tâm. Với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong ngành Văn hóa nghệ thuật; Giảng viên giảng dạy âm nhạc các bậc học và đáp ứng nhu cầu  học tập và nghiên cứu của lực lượng tham gia hoạt động và công tác tại ngành Văn hóa nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật trong cả nước. Trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Lý luận & Phương pháp dạy học Âm nhạc và chuyên ngành Quản lý văn hóa  của nhà trường có chuyên đề “ Thực tế chuyên môn” tại các Di sản văn hóa, các thiết chế văn hóa, lễ hội, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và các cơ sở đào tạo đại học uy tín trên cả nước.

Vừa qua từ ngày 30/3 đến 4/4/2015 khoa Sau đại học Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tổ chức chuyên đề “ Thực tế chuyên môn” cho 181 học viên chuyên ngành Lý luận & Phương pháp dạy học Âm nhạc Khóa IV và chuyên ngành Quản lý văn hóa khóa II của nhà trường tại khu vực miền Trung; Trung Nam bộ (Huế - Đà Nẵng - Hội An - Quảng Trị).

Nội dung thực tế chuyên môn được lĩnh hội qua các chương trình: Tìm hiểu lịch sử, văn hóa cố đô Huế; Phố cổ Hội An; tìm hiểu giá trị kiến trúc và lịch sử của văn hóa Chăm Pa và đặc biệt các học viên đã được giao lưu, học tập tại Học viện Âm nhạc Huế và Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.

 Chiều ngày 31/3/2015 đoàn thực tế của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã được Ban lãnh đạo Học viện Âm nhạc Huế do TS. Nguyễn Việt Đức giám đốc; PGS.TS. Tạ Quang Đông Phó giám đốc cùng các cán bộ chủ chốt của nhà trường đón tiếp nồng hậu. Hai bên đã trao đổi về chương trình đào tạo, những định hướng phát triển của nhà trường và hợp tác đào taọ trong thời gian tới.

 

 

GS.TSKH. Phạm Lê Hòa trao quà lưu niệm cho TS. Nguyễn Việt Đức (Giám đốc học viện Âm nhạc Huế)

 

Đặc biệt chương trình giao lưu giữa các học viên của hai trường với những tiết mục mang tính chuyên nghiệp cao đã khẳng định được thành công trong công tác đào tạo nghệ thuật của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và Học viện Âm nhạc Huế. Trong không gian tràn ngập những giai điệu âm nhạc của  thể loại mang tính bác học như: Aria “Non piu andrai” trích trong nhạc kịch “Đám cưới Figaro” của nhạc sĩ W.Mozart do giảng viên Đoàn Quốc Duy - Dàn nhạc Dây của học viện âm nhạc Huế trình diễn; “Hà Nội niềm tin hi vọng” của Nhạc sĩ Phan Nhân; “ Bài ca hi vọng” của nhạc sĩ Văn Kí.. do các học viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW biểu diễn,.... Chương trình càng đặc sắc hơn với những âm thanh réo rắt, nhịp nhàng, âm sắc đặc trưng của nhạc cụ truyền thống. Qua những tiết mục trình diễn nhạc cụ này, Khoa Di sản Học viện Âm nhạc Huế nơi đào tạo và bảo tồn và phát huy Nhã nhạc cung đình Huế - một trong những di sản phi vật thể của nhân loại, đã giúp cho học viên hiểu và thẩm thấu hơn nghệ thuật âm nhạc truyền thống, một trong những vấn đề sẽ được làm tài liệu để nghiên cứu và đưa vào báo cáo của môn học.

 

Tiết mục ‘ Cảm xúc Tây Nguyên"

Dàn nhạc Dân tộc khoa Di sản - Học viện Âm nhạc Huế

 

Tốp ca Nam Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với tác phẩm “Hà Nội niềm tin và hi vọng” của Nhạc sĩ Phan Nhân

 

Aria “ Non piu andrai” trích trong nhạc kịch “Đám cưới Figaro” của nhạc sĩ W.Mozart do giảng viên Đoàn Quốc Duy và Dàn nhạc dây của Học viện Âm nhạc Huế.

 

Chia tay với học viện Âm nhạc Huế chiều ngày 1/4/2015 đoàn có mặt tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Trong cái nắng đầu mùa và những cơn gió mặn mòi của sóng biển Mỹ khê, một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh đưa đến, đoàn chúng tôi được đón tiếp với những chiếc bắt tay ấm áp, nụ cười thân tình của các cán bộ giảng viên Trường Đại học ngoại ngữ. Chủ tọa là TS. Nguyễn Hữu Phúc - Hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu sơ lược về nhà trường và mong muốn cho sự phát triển giao lưu giữa hai nhà trường. Tại buổi làm việc GS.TSKH Phạm Lê Hòa phát biểu cảm ơn sâu sắc về sự đón tiếp và tổ chức buổi giao lưu long trọng cho học viên và sinh viên hai trường. GS.TSKH Phạm Lê Hòa và TS. Nguyễn Hữu Phúc đều tin tưởng trên cơ sở những điểm chung của nhà trường, mối quan hệ giữa hai trường sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

 

Gặp mặt các lãnh đạo giữa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Đà Nẵng

 

Trong buổi giao lưu, Trường Đại học Đà Nẵng đã đem đến một chương trình giao lưu nghệ thuật tươi mới, sôi nổi của tuổi trẻ. Đan xen những tiết mục sôi động  như “Gần lắm Trường Sa” của Nhạc sĩ Huỳnh Phước Long, “ Love me like you do” do nhóm nhảy của Trường ĐH Ngoại ngữ trình bày là những tiết mục hát giao duyên đằm thắm, tình tứ, đậm nét truyền thống của làn điệu quan họ Băc Ninh như “Khách đến chơi nhà”, “Nhớ mãi khôn nguôi”... của các học viên chuyên ngành Quản lí văn hóa của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã đem đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc phong phú, thân tình, gần gũi về tình hữu nghị và hợp tác.

 

 

Các tiết mục dân ca quan họ của học viên Khóa 2 chuyên ngành QLVH

 

Tiết mục "Gánh Hàng Rong" cùng ban nhạc Acoustic – học viên Khóa 4

chuyên ngành Lý luận và Phương pháp Dạy học Âm nhạc

 

Tiết mục nhảy Flashmob của sinh viên Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Đà Nẵng

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa và cán bộ Khoa Sau đại học, học viên Trường ĐHSP NTTW chụp ảnh kỉ niệm cùng TS. Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Đà Nẵng

 

Ngoài những buổi giao lưu nghệ thuật đặc sắc với Học viện Âm nhạc Huế và Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, đoàn thực tế còn được thăm quan, điền dã tại Bảo tàng Chăm nơi mang đậm những giá trị về kiến trúc và lịch sử của văn hóa Chămpa; Khu làng nghề chạm khắc đá Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An một trong những di sản văn hóa còn bảo tồn nguyên vẹn với kiến trúc và sinh hoạt độc đáo..

Trong hành trình về miền Trung và Nam trung bộ, đoàn thực tế chuyên môn đã thu thập, lĩnh hội, thẩm thấu và học hỏi được những kinh nghiệm trong tổ chức, quản lí chương trình nghệ thuật, bổ sung thêm những kiến thức sâu rộng về văn hóa nghệ thuật, làm hành trang cho việc học tập và nghiên cứu của mình.