Nội san

Rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng cho thiếu nhi tại Cung Thiếu nhi Thành phố Hà Nội

30 Tháng Năm 2015

Nguyễn Thị Loan

 

Cung Thiếu nhi Thành phố (TP) Hà Nội có chức năng và nhiệm vụ là trung tâm tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện toàn diện trên các lĩnh vực ngoài nhà trường nhằm phát huy mọi khả năng sáng tạo của thiếu nhi Thủ đô. Một trong những hình thức hoạt động mang tính bề nổi, có tác dụng cao đó là học tập và biểu diễn hợp xướng. Dàn hợp xướng (DHX) thiếu nhi được duy trì tổ chức và phát triển trên diện rộng với kế hoạch chặt chẽ, luôn có các hoạt động biểu diễn dự liên hoan, giao lưu nghệ thuật trong nước, quốc tế. Qua các cuộc thi, các buổi giao lưu với DHX của các nước bạn chúng tôi nhận thấy tính chuyên nghiệp trong biểu diễn hợp xướng của DHX Cung Thiếu nhi TP Hà Nội chưa cao, cần phải rèn luyện và học hỏi rất nhiều. Vì vậy, việc tìm ra phương pháp rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng cho thiếu nhi tại Cung Thiếu nhi TP Hà Nội với mục đích nhằm nâng cao chất lượng biểu diễn là việc làm cần thiết.

Để rèn luyện kĩ năng hợp xướng có nhiều bước. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các bước cơ bản

  1. Khởi động

kết hợp trò chơi vào đầu mỗi buổi học hợp xướng chắc chắn sẽ giúp các em yêu thích, say mê và hào hứng.

Ví dụ 1: Giáo viên hướng dẫn sẽ cho cả lớp chơi trò "truyền bóng ảo". Cô và các bạn sẽ tạo ra những âm thanh cao - thấp, lên - xuống, được ví như quả bóng.Trái bóng tưởng tượng được truyền từ tay người này đến tay người kia. Từng thành viên phải huy động cao nhất khả năng phán đoán để hình dung được đường bay của quả bóng và đón bóng đúng điểm rơi. Cứ mỗi lần như thế, miệng các em lại phải biểu lộ những thanh âm cao thấp nhằm tương xứng và diễn tả được đường bay của trái bóng...

Đây là trò chơi kết nối mang tính tập thể và cũng là một trong số rất nhiều những bài tập khởi động nhằm truyền hưng phấn cho học sinh trước buổi học và quan trọng nhất là vừa tạo hình được giai điệu bằng âm thanh trong tưởng tượng của các em, vừa giúp các em luyện thanh, nâng cao khả năng cảm nhận, biết lắng nghe, tính kết nối tập thể giữa các em nhỏ. Và đây cũng chính là yếu tố tiên quyết để xây dựng nên một DHX thiếu nhi chuyên nghiệp.

Ví dụ 2: Trò chơi: "Xướng âm kết hợp với các dấu hiệu tay". Chia hợp xướng thành hai nhóm, một nhóm hát nốt Đồ và Son, nhóm kia hát các nốt còn lại kết hợp với các động tác khác.

DO = Dậm chân; SOL = Búng tay;  FA = Vỗ vai; MI = Vỗ tay; RE = Tay chạm mũi.

 

Ví dụ 3: Khởi động bằng bài hát “LULALAY” vui nhộn kết hợp vũ đạo

Phiên bản 1:

Câu 1: Vỗ 2 tay vào 2 đầu gối            

Câu 3: Vỗ 2 tay vào 2 đầu gối         

Câu 2: Vỗ 2 tay vào đầu gối trái           

Câu 4: Vỗ 2 tay vào đầu gối phải    

Phiên bản 2:

Câu 1: Đặt tay phải lên mũi, lắc đầu  

Câu 3: Tay trái đặt lên vai phải

Câu 2: Đặt tay trái lên mũi, lắc đầu    

Câu 4: Tay phải đặt lên vai trái

Phiên bản 3:

Câu 1: Mở rộng tay trái                       

Câu 3: Vỗ tay

Câu 2: Mở rộng tay phải

Câu 4: Vỗ tay

Rung môi: mục đích để tạo âm ban đầu với hơi thở ổn định và hàm thư giãn. Rung môi có ích vào lúc đầu giai đoạn khởi động một phần vì lúc này giọng yếu và giúp loại bỏ ức chế trước khi hát.Tập làm đều đều, đừng chán nản nếu lúc đầu không thể làm cho môi rung đều.

            Khởi động lướt: kết hợp lướt giúp tạo thoải mái cho thanh quản và rung môi, nhờ đó mà khởi động có kết quả.

               Ví dụ 4: Bài tập nguyên âm thay đổi luân phiên giúp hợp xướng hình thành nguyên âm hiệu quả, phối hợp bộ phận cấu tạo âm để cải thiện tính linh hoạt.

  Bài tập đọc một nốt

               Bài tập đọc hai nốt

2. Rèn luyện hơi thở

Ảnh: Liên hoan hợp xướng Những bài ca dâng Đảng - Tiết mục biểu diễn của Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

Sử dụng hơi thở trong ca hát là một kĩ năng cơ bản quyết định nhiều đến chất lượng thể hiện tác phẩm, tạo ra các giọng đồng đều, nhiều giọng hát mà thể hiện như một giọng hát.Muốn có được cao độ chuẩn trong kỹ năng hát hợp xướng thì việc đầu tiên là rèn luyện kỹ năng xử lý hơi thở tức là kỹ thuật lấy hơi và đẩy hơi. Trong khi hát, hai hoạt động này đều có ý nghĩa quan trọng và tác động qua lại với nhau: lấy hơi tốt sẽ tạo cơ sở tốt cho việc đẩy hơi. Ngược lại đẩy hơi tốt tức là sử dụng tốt khối lượng hơi hít vào, làm cho hơi thở hoàn thành tốt chức năng của nó.

Để khắc phục và đặt hiệu quả cao trong việc xử lý hơi thở, chúng tôi đã đề ra một số bài tập trong việc xử lý hơi thở của các em như sau:

Khi lấy hơi thở phải nhẹ nhàng như nuốt không khí, không phát ra tiếng động, ghìm hơi trong 1, 2 giây.Cố gắng lấy hơi nhanh, nếu lấy hơi chậm sẽ ảnh hưởng tới tiết tấu câu hát, nên lấy hơi nhanh bằng mũi và một phần bằng miệng. Khi lấy hơi môi hơi hé mở (không ngậm lại) tự nhiên hơi thở hít vào sẽ qua cả mũi và miệng .

Khi đẩy hơi trên cơ sở hơi thở được ghìm lại, tập phát ra âm thanh với phụ âm, dần dần đưa hơi thở theo âm thanh đó phát ra đều đặn, không giật cục, nhưng không quá nhỏ. Chú ý kéo dài trạng thái ghìm nén hơi thở càng lâu càng tốt ở khoảng phần bụng giáp ngực.

Bài tập hơi thở và âm thanh cần áp dụng trước khi luyện thanh cho hợp xướng. Yêu cầu có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên chuyên môn, làm mẫu trực tiếp cho các em chứ không diễn tả suông bằng lời và bắt các em làm theo.

Ví dụ 5: Bài tập về cách giữ hơi và mở khẩu hình

Ở bài tập này, mỗi nốt cần lấy hơi thở sâu, nhấn vào từng nốt và lấy hơi đều đặn theo chỉ huy, các nốt hát ra cần đầy đặn, đồng đều về phát âm cũng như lực độ.

            Những bài tập về mở rộng âm khu, người chỉ huy cần cho giai điệu dần đi lên hoặc đi xuống nửa cung. Để việc luyện tập như vậy được liên tục theo nhịp, đòi hỏi các thành viên trong dàn hợp xướng trong quá trình học phải luyện tập được những bài tập được dịch theo nửa cung. Cứ như vậy trong một quá trình, tầm cữ giọng của các em sẽ có sự phát triển đáng kể.

3. Luyện thanh kết hợp vận động cơ thể

Luyện thanh cho dàn hợp xướng trước khi hát là rất quan trọng và cần thiết để giúp người hát khởi động giọng hát. Cũng giống như cách luyện thanh cho đơn ca, cách luyện thanh trong hợp xướng cần có những bài luyện thanh để luyện tập về hơi thở, mở rộng âm khu và sắc thái. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa luyện thanh cho đơn ca và luyện thanh cho hợp xướng đó là luyện thanh cho hợp xướng cần có sự thống nhất về âm thanh, hơi thở, màu sắc của tất cả các giọng khác nhau trở thành một thể thống nhất. Phương pháp luyện thanh kết hợp vận động cơ thể đem đến sự thoải mái, vui vẻ mà vẫn rất hiệu quả cho các em trong dàn hợp xướng thiếu nhi.

Đứng thoải mái, hai chân rộng bằng vai, luyện thanh theo các mẫu cơ bản, đồng thời kết hợp các động tác đơn giản sau:

Ví dụ 8:

          Ví dụ 9:

Ví dụ 10:

4. Xử lý cao độ

Xử lý cao độ trong các bài hợp xướng, nhìn chung các em đã xử lý rất chính xác, khả năng xử lý rất tốt, lại có em được tham gia hợp xướng nhà thờ từ nhỏ, đó là lý do yếu tố này được các em nắm bắt rất nhanh nhạy và chính xác.

            Tuy nhiên, ở lứa tuổi các em, việc phô trương giọng hát rất thường xuyên xảy ra, dẫn đến các em hát quá to, không xử lý được âm thanh và không nghe được các bè khác, điều này cần phải khắc phục dần dần, cũng có em không tập trung nền thường bị nhầm lẫn bè. Chính vì thế giáo viên cần chỉnh cho các em ngay từ ngày đầu luyện tập, nếu không các em rất dễ mắc lỗi trong khi hát, và lâu dài sẽ khó sửa.

             Ví dụ 11: Giáo viên sử dụng đàn piano và cho nghe mẫu âm trước sau đó học sinh sẽ tái hiện. Giáo viên đánh nhịp theo nhịp 2/4 và đếm 1, 2.

Vào phách tiếp theo, bắt đầu phát âm, miệng ngậm lại, bằng nguyên âm “mũi”, âm thanh nối liền nhau.

Ví dụ 12: Và mở rộng thêm về âm vực

            Nếu cho hát bằng giọng đầu thì trẻ em ở lứa tuổi 9 hay 10 tuổi lên được tới Mi 4 và Sol 4. Cũng có một số em lúc đầu không lên được như thế, nhưng hãy thử nghiệm bằng cách cho các em hát lại một bài hát đã học nhưng giọng điệu cao hơn (chú ý phải hát giọng đều là giả thanh) giáo viên sẽ thấy phần đông các em ở lứa tuổi 9, 10 có thể lên tới La 4, còn như học sinh nữ có thể lên tới Đô 5.

Một số mẫu luyện thanh mở rộng âm vực, yêu cầu hát ở tốc độ nhanh.

Ví dụ 13: Mẫu luyện thanh mở rộng âm vực đi xuống

            Ví dụ 14: Mẫu luyện thanh mở rộng âm vực đi lên

5. Xử lý sắc thái

Một hợp xướng hát tốt, hát hay chính là một nhờ một phần lớn trong quá trình xử lý sắc thái.Hình thức hợp xướng có thể mạnh có thể hát từ cực nhẹ (ppp) đến cực mạnh (fff) mà các hình thức biểu diễn thanh nhạc khác khó mà đạt được. Để đặt được yêu cầu đó cần chú ý mấy điểm sau đây khi luyện tập:

- Hơi thở phải sâu, đều đặn, liên tục, không tốn hơi ồ ạt, đội ngột. Miệng mở rộng phía trong, hàm ếch mềm hơi nhếch lên, hàm dưới buông lỏng.

- Chuyển từ to sang nhỏ dần, âm thanh phải đểu đặn, không bị gãy tiếng hoặc âm thanh đang to, nhỏ hẳn đi. Phải nén hơi thở tốt nếu không âm thanh sẽ bị gãy khúc.

- Trước khi tập một bài hát hợp xướng, giáo viên cần tìm hiểu nội dung của bài tập, không để việc hát to, nhỏ theo ý thích của các em.

Mặt khác, cần có những mẫu luyện cách biến đổi sắc thái nhằm rèn luyện khả năng làm chủ được âm thanh phát ra theo yêu cầu của chỉ huy. Khi hát nhẹ hay khi hát mạnh hợp xướng có thể thay đổi đều nhau (tránh việc người này hát mạnh hay nhẹ hơn người kia). Đây là đặc điểm riêng của nghệ thuật hát hợp xướng. Dưới đây  là bài tập luyện thanh thay đổi sắc thái (mf-f, p-mf).

            Ví dụ 15: Mẫu luyện thanh xử lý sắc thái theo chỉ huy

            Ngoài ra, việc ra hiệu lệnh cho học sinh lấy hơi là rất quan trọng để học sinh lấy hơi được đầy đặn nhất. Giáo viên cần ra hiệu lệnh lấy hơi khi hết câu hoặc ý nhạc bằng hành động, tránh tình trạng ra hiệu lệnh bằng miệng theo kiểu đếm “2, 3, vào”hay  “2, 3, mời” Nếu ra hiệu lệnh bằng miệng dễ tạo ra sự mất tập trung của dàn hợp xướng, tạo thói quen xấu là không nhìn lên chỉ huy.

6. Rèn luyện kĩ năng hát đồng diễn

Rèn luyện kĩ năng hát đồng diễn trong hợp xướng là nói đến vai trò của việc học và rèn luyện một cách thường xuyên, liên tục và vận dụng các kiến thức mà giáo viên đã truyền đặt cho học sinh về môn hợp xướng để có thể hát hòa bè trong hợp xướng. Để trở thành những kĩ năng, kĩ xảo, cần có sự lặp đi lặp lại các thói quen, hành vi, động tác - tức là cần có sự rèn luyện thường xuyên.

Như vậy, giáo viên cần phải tập cho các em các yếu tố: tập bắt vào bằng hiệu lệnh của giáo viên cho thật chuẩn xác, khi hát với lời dạo nhạc, cho các em nghe nhiều lần, thuộc câu dạo, tập vào thật đều khi có dạo nhạc, tập thật đúng khi nào đều mới thôi.

            Hát đồng đều trong hát hợp xướng không phải cứ hát đều đều từ đầu đến cuối tác phẩm mà hát đồng đều ở đây đòi hỏi các em phải biết thể hiện sắc thái tình cảm trong tác phẩm qua chất lượng giọng hát như to, nhỏ, mạnh, nhẹ phải đều nhau, nhiều người hát mà đều như một người hát.

Trên đây chúng tôi chỉ giới thiệu những mẫu bài tập thông dụng, cơ bản nhất, các bài tập trên có thể hát với nguyên âm A hoặc với nguyên âm khác.

Mỗi chỉ huy sẽ có những sáng tạo riêng cho mình, có thể lấy những bài tập luyện thanh theo từng tác phẩm hay những giai điệu rất tự nhiên từ những câu hát trong tác phẩm nào đó có tác dụng cho hơi thở và màu sắc âm thanh ta có thể đưa vào làm bài luyện thanh.

Hát hòa giọng là một trong những yêu cầu cao nhất phải đạt được trong hát hợp xướng, dù hợp xướng có 2, 3 hoặc 4 bè… nhưng không được bè nào át bè nào, phải cân bằng âm lượng, tạo ra một tập thể nghệ thuật hòa hợp. Muốn vậy, các bè và các thành viên trong hợp xướng phải biết nghe - đây là điều cần thiết và khó nhất. Bên cạnh đó, giáo viên cần rèn luyện cho hợp xướng có kỹ thuật hát thống nhất: tất cả phải hát bằng âm thanh pha trộn (mixte), không được hát âm ngực nông, cứng và xấu. Khi hát phải hát từ bụng, ngực phải tự nhiên, thoải mái.Cần giảm bớt âm ngực (hát nhẹ đi) khi xuống âm khu thấp.

Tóm lại: Việc rèn luyện các kỹ thuật cơ bản cho hát hợp xướng là rất cần thiết, nó phải được thực hiện trong từng tiết dạy, giờ dạy. Vì thế, giáo viên hướng dẫn nhiệt tình, cẩn thận sẽ tạo cho các em những kỹ thuật tốt, vững vàng khi hát hợp xướng. Tuy nhiên không phải tiết nào, giờ nào giáo viên cũng luyện tập tất cả các kỹ thuật nói trên mà theo từng bài dạy giáo viên đưa ra những thủ pháp thích hợp, luôn luôn thay đổi phương pháp để bài dạy hợp xướng phong phú, tránh sự nhàm chán. Đó là công việc phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng và trình độ nghệ thuật của người chỉ huy hợp xướng để các hợp xướng viên tiếp thu một cách hào hứng, không khí học vui vẻ, không mệt mỏi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Nguyễn Bách (2008), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

2.       Minh Cầm (1980), Chỉ huy hợp xướng, Vụ Đào Tạo - Bộ Văn Hóa.

3.       Minh Cầm, Đỗ Mạnh Thường (1982), Hướng dẫn hát tập thể, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

4.       Tiến Dũng, Trần Văn Tín (1974), Nghệ thuật chỉ huy, Đại học Minh Đức, Sài Gòn.

5.       Lê Thế Hào, Nguyễn Thiết, Phương pháp dàn dựng tác phẩm âm nhạc, trường CĐSP Nhạc - Họa TW, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6.       Lê Vinh Hưng, Phương pháp rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc, 2007, Đề tài NCKH cấp trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.

7.       Vũ Tự Lân, Lê Thế Hào (1998), Phương pháp hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb Giáo dục, Hà Nội.