Nội san

Thi kết thúc học phần môn Dàn dựng chương trình Nghệ thuật của lớp cao học khóa IV chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc

08 Tháng Sáu 2015

                                                                                                                                                BBT

 

 Sáng ngày 03/5/2015, 80 học viên chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc khóa IV chia thành 4 nhóm tham gia thi hết học phần môn Dàn dựng chương trình nghệ thuật.

          Tham gia chương trình thi kết thúc học phần gồm có Hội đồng chấm thi với các giám khảo: GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đào Đăng Phượng – Phó Hiệu trưởng và PGS.TS. Phạm Trọng Toàn – giảng viên khoa Sau đại học; giảng viên hướng dẫn và học viên thực hiện.

Đáp ứng yêu cầu của môn học Dàn dựng chương trình nghệ thuật ở bậc Sau Đại học, học viên chuyên ngành LL&PPDHAN đã có một quá trình chuẩn bị công phu: từ việc xây dựng kịch bản cho chương trình, biên đạo đến việc chuẩn bị trang phục, thiết kế sân khấu, âm thanh. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của 02 giảng viên GS.TS.NSND Phạm Ngọc Canh và PGS.TS. Phạm Trọng Toàn, 4 nhóm đã trình bày phần dự thi là những tác phẩm thực sự ấn tượng với sự kết hợp hài hòa giữa các hình thức nghệ thuật khác nhau như hát, múa, trình diễn nhạc cụ…

 

Tốp ca nam nữ của Nhóm 1 trình bày ca khúc “Non nước hữu tình”

(Sáng tác: Thanh Sơn)

 

Chọn chủ đề Giai điệu quê hương, nhóm 1 đã mở đầu chương trình khá thành công với 5 màn trình diễn hết sức đa dạng. Nếu ca khúc “Non nước hữu tình” được xây dựng trên hình ảnh truyền thống của những cô gái yếm thắm hoa đào, những chàng trai áo the khăn xếp thì “Quê hương Việt Nam” hay “Tôi yêu” lại mang phong cách hiện đại, sôi nổi và trẻ trung.

 

Hợp ca nam nữ nhóm 2 trình bày ca khúc “Vinh quy bái tổ” (Sáng tác:Nguyễn Duy Hùng)

 

Nhằm tái hiện thời kì lịch sử hào hùng nhiều nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc đồng thời thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng biết ơn người cha, người mẹ, người thầy, 22 học viên nhóm 2 đã xây dựng chương trình với các phần trình diễn hát, múa được kết hợp đan xen nhịp nhàng trên chủ đề xuyên suốt là “Vinh quy bái tổ”.

 

Tiết mục Hòa tấu nhạc cụ “Điệp khúc mùa xuân” (Sáng tác: Quốc Dũng)

 

Khai thác đề tài ngày xuân, nhóm 3 đã đưa mọi người trở lại thời khắc đất trời vào xuân, vạn vật đổi mới, lòng người rộn ràng, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền dân tộc cùng câu đối đỏ, mai vàng, đào tươi… Với chủ đề “Xuân Long Phụng sum vầy”, tiết mục Hòa tấu nhạc cụ “Điệp khúc mùa xuân” do các học viên Việt Nam và các học viên đến từ CHDCND Lào kết hợp trình bày đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc đối với khán giả.

 

Tốp ca nam nữ Nhóm 4 trình bày ca khúc “Phiên chợ vùng cao” (Sáng tác: Xuân Dũng)

 

Nhóm 4 lại kể cho khán giả nghe câu chuyện bằng nhạc điệu về mối tình giữa chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy. Họ trao nhau lời yêu thương ở phiên chợ vùng cao tấp nập trên nền của ca khúc “Hò hẹn”, vì tình yêu họ bất chấp định kiến dân tộc đến với nhau, cùng nhau hát “Bài ca trên núi”, nhưng rồi phải chia lìa và đành hẹn ước nhau trên núi Khau Vai - Hà Giang, từ đó tạo nên “phiên chợ vùng cao” - nét độc đáo trong đời sống văn hóa của các dân tộc miền núi.

Buổi biểu diễn khép lại bằng những tràng vỗ tay không ngớt từ phía khán giả. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của chương trình, là sự động viên khích lệ lớn đối với học viên cũng như giảng viên hướng dẫn - những nhà chỉ đạo nghệ thuật giàu kinh nghiệm đã theo suốt quá trình của môn học này.