Nội san

Soạn các phần nhạc dạo trong đệm hát bằng đàn phím điện tử

30 Tháng Sáu 2015

                                                                    Lê Văn Vũ

          Nhạc dạo trong phần đệm là các phần âm nhạc ngoài giai điệu chính của tác phẩm do người soạn đệm tạo ra nhằm bổ sung, trang sức cho tác phẩm âm nhạc. Các phần nhạc dạo gồm có dạo đầu, dạo giữa và nhạc kết. Mỗi phần có ý nghĩa, vai trò, đặc điểm và cách soạn riêng.

1. Phần mở đầu/Dạo đầu

     Phần mở đầu/Dạo đầu (Intro: Theo từ điển tiếng Anh có nghĩa là giới thiệu) là phần âm nhạc mở đầu tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng khi soạn đệm. Dạo đầu có nhiệm vụ giới thiệu, mở ra không gian âm nhạc, tạo cảm hứng và định hướng cho người hát, gợi mở cảm xúc và sự liên tưởng cho người nghe về tác phẩm âm nhạc. Ngay sau dạo đầu là phần trình bày của ca khúc nên phần âm nhạc này thường có chiều hướng lắng dịu để hướng vào phần trình bày. Nếu ý đồ dàn dựng sử dụng cao trào làm phần trình bày thì nhạc dạo đầu cần có có sự chuẩn bị cho cao trào.

       Theo PGS.TS.  Nguyễn Thị Nhung: “Phần mở đầu có chức năng chuẩn bị cho sự xuất hiện các phần chính của hình thức âm nhạc. Nổi bật nhất của phần này là không ổn định, không hoàn thiện về cấu trúc để hướng người nghe tới các phần tiếp theo” [4, tr.29].

       Dạo đầu trong phần đệm ca khúc không nhất thiết tuân thủ khuôn mẫu cổ điển về mặt cấu trúc mà có nhiều cách soạn nhạc dạo đầu.

       Cách thứ nhất, dạo đầu bằng Intro của đàn: Dạo đầu bằng Intro của đàn là cách dạo đơn giản nhất. Thực hiện cách dạo này chỉ cần chọn tiết điệu, âm sắc, giọng (cao độ) phù hợp với giọng người hát, chọn Main trống (A, B, C, D), nhấn Synstart, nhấn Intro rồi bấm hợp âm Ba chủ của bài để bắt đầu. Cách dạo này ít khi vận dụng vì phần intro mặc định trên đàn thường không có mối liên hệ với tác phẩm.

       Cách thứ hai, dạo đầu bằng một câu, đoạn nhạc ấn tượng của bài: Là cách chọn một tiết nhạc, câu nhạc nguyên vẹn nào đó trong tác phẩm, thường là câu kết, làm phần dạo đầu. Cách dạo này được áp dụng trong những tình huống phải đệm trực tiếp nhưng do thời gian không cho phép chuẩn bị phần dạo đầu bằng những cách dạo cần sự chuẩn bị công phu.

       Cách thứ ba, dạo đầu bằng một câu nhạc ấn tượng của bài, có phát triển, mở rộng. Thực chất đây là cách dạo sử dụng thủ pháp tái hiện không hoàn toàn (nhắc lại có thay đổi) trong sáng tác âm nhạc. Phần âm nhạc được chọn để tái hiện thường là câu nhạc có chứa cao trào hoặc câu nhạc kết. Thủ pháp có thể tái hiện trọn vẹn hoặc một phần nào đó của một tiết nhạc/câu nhạc.  Như vậy, trong phần dạo đầu sẽ có hai thành tố là chất liệu cũ và chất liệu mới, cũng đồng nghĩa với có hai cách xây dựng phần nhạc dạo, từ chất liệu cũ đến chất liệu mới hoặc từ chất liệu mới về chất liệu cũ. Cách dạo này vừa đảm bảo phần giới thiệu có nét thân quen về tác phẩm vừa có sự sáng tạo mới lạ.

           Cách thứ tư, dạo đầu bằng hợp âm, hợp âm rải T (hoặc t): Là cách sử dụng hợp âm rải bậc I làm phần dạo đầu. Cách dạo đầu này thường theo kiểu miễn nhịp, chuẩn bị cho phần trình bày tự do diễn tả. Ưu điểm của cách dạo này là thao tác thực hiện tương đối đơn giản, có thể định hướng hướng cho người hát về mặt điệu thức, nhưng có một số hạn chế như không thể hiện được sự sáng tạo, cấu trúc khó xác định, hòa thanh không có biến động, khó tạo ra không gian nghệ thuật của tác phẩm… 

            Cách thứ năm, dạo đầu bằng cách sử dụng hình tiết tấu chủ đạo của tác phẩm, tự do thay đổi cao độ. Thông thường, mỗi đoạn nhạc trong ca khúc được xây dựng từ một hình tiết tấu chủ đạo, mỗi hình tiết tấu lại được cấu tạo bởi một hoặc một số môtif. Cũng có những trường hợp tác phẩm có hình thức lớn hơn một đoạn nhạc được xây dựng và phát triển từ một môtif âm nhạc. Ở cách dạo này, sau khi xác định được hình tiết tấu chủ đạo của đoạn nhạc, bước tiếp theo chỉ cần sử dụng thủ pháp mô phỏng theo quãng (2, 3, 4, 5… ) và hình thành cấu trúc phần dạo đầu là câu nhạc hoặc đoạn nhạc. Ưu điểm của cách dạo này là tương đối dễ thực hiện, người hát và người nghe cảm nhận được nét quen thuộc ở tác phẩm nhưng nhược điểm của nó là sự cứng nhắc vì “bộ xương” của các tiết nhạc không đổi.

    Cách thứ sáu, dạo đầu bằng phát triển hình tiết tấu chủ đạo. Mấu chốt của của cách dạo này là nhạc công phải tìm ra các môtif thành phần của hình tiết tấu chủ đạo, đồng thời biết phát triển môtif. Cách dạo này có nhiều nét mang tính chuyên nghiệp nên đòi hỏi về tư duy, kĩ thuật, kinh nghiệm và cảm hứng sáng tác.

    Cách thứ bảy, dạo đầu bằng tạo ra một phần dạo mới nhưng vẫn dựa trên một yếu tố nào đó từ tác phẩm. Cách dạo này đòi hỏi ở nhạc công phải nắm được các thủ pháp sáng tác như xây dựng môtif, hình tiết tấu, tiết nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc, các thủ pháp phát triển giai điệu… Về tính chất, dạo nhạc bằng tạo ra phần dạo mới có thể xây dựng trên một chất liệu mới (điệu thức có thể ở điệu thức khác, môtif xây dựng bởi nhân tố mới… sau đó tạo cầu nối dẫn vào tác phẩm). Xét một cách toàn diện, đây là cách dạo khó thực hiện nhưng các nhạc sĩ phối khí, các nhạc công chuyên nghiệp thường sử dụng nhằm tạo ra sự đặc biệt, sự ấn tượng, những dấu ấn riêng trong phần đệm của mình.  

     Trong quá trình sáng tạo phần dạo đầu cho phần đệm lưu ý cần đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật như dạo đầu phải chứa đựng điệu tính, nhịp tính và tốc độ của bài hát; hiệu lệnh báo hiệu cho người hát rõ ràng, phần kết của nhạc dạo phải ăn khớp với ô nhịp lấy đà của ca khúc; có cấu trúc hoàn chỉnh, trọn vẹn, cân đối (một câu, một đoạn hoặc hai đoạn nhạc... ).

    Khi soạn dạo đầu cần lưu ý chuẩn bị về giai điệu (hình tuyến, cao độ, âm vực, các loại quãng, tiết tấu, âm vực, cường độ, sắc thái... ), hòa thanh (T, S, D, T... ), phối khí thường sử dụng từ 2 âm sắc trở lên…

     Mục đích chính của đệm đàn nói chung và nhạc dạo đầu nói riêng là tạo ra được không gian nghệ thuật đặc trưng (kết hợp với Multipad ghi trước một số âm thanh tiếng động cần thiết như tiếng sóng biển, gió thổi, suối chảy, mưa rơi, bom đạn… ), gợi mở cảm xúc về tác phẩm, định hướng cho người hát và giúp người nghe tiếp cận một cách tốt nhất với hình tượng nghệ thuật...

2. Dạo giữa/Gian tấu

      Dạo giữa (Interlude, theo từ điển tiếng Anh nghĩa là nhạc dạo giữa) là phần âm nhạc giữa hai lần hát có tác dụng cho người hát nghỉ ngơi hoặc thể hiện động tác diễn xuất, dành cho phần múa phụ họa và để nhạc công phô diễn kĩ thuật chơi đàn (gần giống Cadenza trong khí nhạc). Cách soạn phần dạo giữa giống dạo đầu, có thể tái hiện hoàn toàn câu dạo đầu hoặc mở rộng phát triển. Xét về nhiều mặt, dạo giữa có thể phóng khoáng hơn dạo đầu như mở rộng hơn về cấu trúc (những bài mang phong cách nhạc Rock. Jazz), đi xa hơn về mặt điệu thức hoặc có thể đưa ra những chất liệu mới, tư duy âm nhạc mới nhằm tạo điểm nhấn cho phần đệm và tác phẩm. Tuy nhiên dạo giữa không nên quá dài vì sẽ làm phân tán cảm xúc, phản tác dụng. Ví dụ dạo giữa có tính chất âm nhạc dần lắng dịu.

Trần Lê Quỳnh: Chân tình (trích)

 

 

          Phương án tạo ra tính chất âm nhạc dần lắng dịu thường áp dụng cho cách trình bày lần hát thứ hai quay lại từ đầu tác phẩm. Ví dụ dạo giữa có tính chất âm nhạc dần tới cao trào.

Trần Lê Quỳnh: Chân tình (trích)

 

             Phương án dạo giữa có tính chất âm nhạc dần đến cao trào thường áp dụng khi lần hai bắt đầu từ đoạn b, phần phát triển hoặc tương phản của tác phẩm. Đối với dạo giữa có một cách khá đơn giản nhưng hiệu quả được sử dụng nhiều là: nếu lần trình bày thứ hai bắt đầu bằng đoạn a thì dạo giữa bằng nửa cuối hoặc cả đoạn b, nếu lần trình bày thứ hai bắt đầu từ a thì dạo giữa bằng nửa cuối hoặc cả đoạn b.

3. Phần kết/Nhạc kết

        Phần kết/Nhạc kết (Ending, theo từ điển tiếng Anh nghĩa là phần cuối, phần kết thúc) là phần âm nhạc kết thúc tác phẩm.

         Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung: “Chức năng của phần kết thúc là tóm tắt những đường nét chính của chất liệu chủ đề, kết thúc sự phát triển, tạo sự cân bằng, ổn định. Tùy vào tác phẩm, khuôn khổ của phần kết có thể rất ngắn hoặc rất dài” [4, tr.33].

        Trong soạn đệm ca khúc, phần kết có vai trò quan trọng như dạo đầu và dạo giữa. Phần nhạc kết mang ý nghĩa tổng kết những cảm xúc, những liên tưởng và nhận thức về hình tượng nghệ thuật. Một phần nhạc kết ấn tượng, cô đọng, góp phần không nhỏ vào sự thành công của toàn bộ phần biểu diễn tác phẩm. Có rất nhiều cách thực hiện phần nhạc kết như sau:

         Phần kết sử dụng Ending của đàn.

         Phần kết nhắc lại một câu nhạc nào đó của bài.

         Phần kết bằng nét nhạc ngắn, thường là rall, chậm dần rồi dừng hẳn.

         Phần kết ngắt (ngắt ngay hoặc có một chút dư âm).

         Phần kết là sự nhắc lại dạo đầu (thủ pháp nhắc lại nguyên xi hoặc có thay đổi).

        Phần kết kiểu tăng hoặc giảm tempo kết hợp với một nét nhạc.

        Phần kết to dần, nhỏ dần kết hợp một nét nhạc hoặc hợp âm.

        Phần kết bằng một đoạn nhạc mới theo hướng mở.

        Phần kết bằng phối hợp một số cách trên, trừ Ending.

Trong phần đệm cho bài hát, ngoài phần dạo đầu, dạo giữa và nhạc kết còn có những phần âm nhạc khác như các phần nối, các bè, các môtif đệm phía dưới giai điệu… Tuy nhiên, các phần nhạc dạo có vai trò trọng yếu vì nó chiếm lĩnh vị trí về mặt “chiều ngang” trong bố cục tác phẩm, nghĩa là “sánh vai” với giai điệu chính cho nên khi soạn đệm người soạn cần tư duy, sáng tạo và cân nhắc đến từng nốt nhạc.

 

 

                                             Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Hoa (2007), Hòa âm ứng dụng, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Phạm Lê Hòa (2013), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3. Nhiều tác giả (2004), Mơ về nơi xa lắm, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Nhung (2007), Hình thức, thể loại âm nhạc 1,2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Xuân Trung (2001), Phương pháp học đàn Organ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Xuân Tứ (2007), Đệm đàn, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

7. Sơn Hồng Vỹ (2005), Giáo trình Organ Keyboard (Đệm hát, Độc tấu), Nxb Giao thông Vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Triệu Xuân (2005), Thơ hay phổ nhạc, Nxb Văn học, Hà Nội.