Nội san

Trần Nho Thìn. Văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa

28 Tháng Sáu 2015
  • VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

  • PGS.TS. Trần Nho Thìn

  • Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

Trần Nho Thìn. Văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa

Bản chất của văn hóa các dân tộc là sự khác biệt. Nhưng sự khác biệt đó sẽ tồn tại như thế nào trong thời đại toàn cầu hóa hiện đại, khi mà thế giới đang trở thành một làng lớn, một thế giới phẳng?

Trong kỷ nguyên toàn cầu, văn hóa sẽ phát triển theo hướng nào: nhất thể hóa văn hóa hay đa dạng văn hoá, hay có một giải pháp dung hòa?

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam sẽ như thế nào? Đó là những vấn đề lý luận và thực tiễn chúng ta cần nghiên cứu. Tính ứng dụng của các vấn đề này không nhỏ, nó liên quan trực tiếp đến chiến lược quản lý và phát triển văn hóa của các cấp, các ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa và kinh tế.

Văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hóa : các xu thế khác nhau

Hiện trạng và tương lai của văn hoá, các đặc trưng văn hóa trong toàn cầu hóa là gì, câu trả lời cho câu hỏi này vẫn phân tán theo ba hướng khác nhau.

1. Toàn cầu hóa và xu thế nhất thể hóa văn hóa :

Lập luận của các học giả nghiêng về xu hướng nhất thể hóa, xu thế một nền văn hóa chung toàn cầu nhấn mạnh tính toàn nhân loại của văn hóa.

Quan điểm này xuất phát từ nhận định toàn cầu hóa do phương Tây khởi xướng; phương Tây là khu vực phát triển nhất của loài người nên thế giới càng tiến lại gần phương Tây hơn, trở nên giống phương Tây hơn.

Theo Habermas, các quốc gia châu Âu(1) phồn vinh ngày nay đóng vai trò lớn trong tư cách là kiểu mẫu và mô hình của tổ chức xã hội trên thế giới, mà có giá trị nhất là kinh nghiệm “thuần hóa chủ nghĩa tư bản”. Cái gì trong văn hóa châu Âu đã phổ biến rộng khắp ra các châu lục khác ngoài châu Âu? Cơ đốc giáo và chủ nghĩa tư bản, khoa học tự nhiên và kỹ thuật, luật La Mã và sắc lệnh Napoleon, hình thức cuộc sống công dân đô thị, nền dân chủ và quyền con người, thế tục hóa nhà nước và xã hội, những yếu tố này ngày nay không còn là sở hữu riêng của châu Âu nữa mà đã lan ra toàn thế giới. “Phương pháp tư duy phương Tây bắt nguồn từ truyền thống Juda –Cơ đốc có những nét đặc trưng nhất định. Diện mạo tinh thần với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy lý và tính tích cực này được các dân tộc châu Âu chia sẻ với Mỹ, Canada, Úc. Nói tóm lại, Phương Tây là một khu vực rộng lớn hơn châu Âu”[1].

Như vậy là toàn cầu hóa đang tiếp tục công việc châu Âu khai hóa văn minh cho thế giới từ hai ba thế kỷ trước. Ngay cả các giá trị Mỹ cũng có nhiều điểm chung với giá trị châu Âu.

Lý thuyết hội tụ văn hóa, nhất thể hóa văn hóa được thể hiện qua biểu tượng Mc Donald hóa (McDonaldization). Thông qua tác động của các tập đoàn toàn cầu, các xã hội trên thế giới đang tiến đến nhất thể hóa.

Mc Donal hóa là khái niệm do nhà xã hội học George Ritzer đề xuất trong cuốn sách xuất bản năm 1993 The McDonaldization of Society (Mc Donal hóa xã hội). Theo ông, “đây là quá trình mà các nguyên lý của các khách sạn ăn nhanh ngày càng thống trị nhiều hơn các khu vực kinh tế Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới”[2]. Mc Donald hóa là tái quan niệm hóa chủ nghĩa duy lý, đi từ tư tưởng truyền thống đến hiện đại và quản trị khoa học. Mô hình Mc Donald thành công vì nó có tính hiệu quả (phục vụ nhanh), có thể đo đếm được (số lượng bán ra quan trọng hơn là khẩu vị, số lượng bán được chỉ báo chất lượng), có thể dự báo được (chuẩn hóa dịch vụ và hàng hóa ở bất cứ nơi đâu) và tính kiểm soát (chuẩn hóa, nhất thể hóa nhân viên và xu thế thay thế nhân lực bằng kỹ thuật). Ông nhìn thấy ở mô hình ăn nhanh Mc Donald một hệ thống tiêu biểu cho văn hóa thời hiện đại, nhấn mạnh vào tính hiệu quả cho mục tiêu đặt ra. Nhà nghiên cứu nhìn thấy ở mô hình Mc Donald xu thế hợp lý hóa, duy lý hóa, chuẩn mực hóa của xã hội và văn hóa hiện đại trên toàn cầu. Trong một cuốn sách do ông chủ biên, có hẳn một phần quan trọng và thú vị trình bày ảnh hưởng của mô hình hợp lý hóa, duy lý hóa của phương pháp ăn nhanh Mc Donald đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phần này có tiêu đề Mc Donald hóa các cấu trúc và thiết chế xã hội , trong đó có các chương như Mc Donald hóa cảnh sát, tòa án và cải tạo ở Mỹ, Mc Donald hóa công nghiệp sex, Mc Donald hóa gia đình, Mc Donald hóa internet, Mc Donald hóa các đại học, Mc Donald hóa nghề nghiệp, Mc Donald hóa công dân v.v…[3] Đây chính là một biến thể của tư tưởng về tiến trình nhất thể hóa văn hóa toàn cầu.

Cơ sở của lý thuyết nhất thể hóa là chủ nghĩa phổ quát (universalism) và thuyết khuếch tán (diffusionism) theo đó sự truyền bá văn hóa thường bắt đầu từ một trung tâm. Từ những năm 1950, sự khuếch tán này bắt đầu mang dấu ấn Mỹ hóa. Đến những năm 1960, các tập đoàn đa quốc gia tiêu biểu cho hiện đại hóa Mỹ. Những năm 1970, hiệu ứng này được gọi là thực dân hóa Coca Cola. Người ta cũng nói đến các biến thể của chủ nghĩa đế quốc văn hóa dưới hình thức chủ nghĩa tiêu thụ mang tinh thần phổ biến và ảnh hưởng của truyền thông toàn cầu. Luận đề về nhất thể hóa hình dung toàn cầu hóa là sự đồng bộ hóa cho yêu cầu về một nền văn hóa tiêu thụ được tiêu chuẩn hóa, làm cho mọi nơi trên thế giới trở nên giống nhau. Điều này có thể thấy rõ hơn trong giao thông hàng không. Tất cả các sân bay đều được thiết kế với các chuẩn mực quốc tế, ở đây, các đặc điểm văn hóa khu vực hay địa phương phải hạn chế đến mức tối thiểu. Các chuyến đi quốc tế của nhà doanh nghiệp thường cố gắng được tổ chức sao cho giảm thiểu khác biệt văn hoá.

Truyền thông Mỹ đã tạo nên sự đồng bộ hóa văn hóa toàn cầu. Điều này không phải là không có cơ sở thực tế: thanh niên khắp thế giới đang mặc quần dzin, đi giày Adidas, ăn hamburger, nghe nhạc rock, xem phim Hollywood, ta sống trong những đại đô thị được kiến trúc theo những nguyên lý thống nhất…“Hiện đại hóa và Mỹ hóa là nhưng biến thể gần đây nhất của Tây phương hóa. Nếu chủ nghĩa thực dân đem đến Âu châu hóa thì chủ nghĩa thực dân mới dưới bá quyền của Mỹ đem đến Mỹ hóa”[4]. Cả hai phương hướng nói trên đều tìm thấy ở tư tưởng của Marx và Weber. Marx có luận đề về sự bành trướng toàn thế giới của chủ nghĩa tư bản mà lý thuyết về hệ thống thế giới (world system) hiện nay chỉ là một biến thể của luận đề này. Còn Weber nhấn mạnh sự duy lý hóa dưới hình thức quan liêu hóa và các kỹ thuật duy lý khác.

Một quan điểm khác gần với chủ trương nhất thế hóa văn hóa là tư tưởng về thế giới phẳng của Freidman. Trong cuốn sách xuất bản năm 2005 Thế giới phẳng (The World is Flat), ông điểm 10 sự kiện cho thấy thế giới đang vận động theo hướng nhất thể hóa. Bức tường Berlin sụp đổ kết thúc chiến tranh lạnh, nền tảng cơ bản cho cuộc cách mạng toàn cầu hóa được thiết lập với máy tính cá nhân, hệ điều hành Windows, những phương tiện tiêu chuẩn hóa giúp cho liên lạc toàn cầu tăng tốc chóng mặt như modem, hệ thống điện thoại toàn cầu, điện thoại di động, v.v…Qua màn hình máy tính, toàn thế giới có thể tiếp nhận phim, tin tức, tài liệu, thông tin, những blog, từ điển bách khoa mở wikipedia, phần mềm mã nguồn mở…đã mở rộng các phương thức cộng tác của con người từ tất cả các vùng trên trái đất qua WWW-mạng toàn cầu. Google với hàng tỷ người tra cứu hàng ngày có thể là một biểu tượng toàn cầu hóa hoàn hảo.

Theo Freidman, nhờ chia sẻ những giá trị toàn cầu chung mà nhân loại sẽ gắn bó, hợp tác. Trong sách Xe Lexus và cành Oliu, ông viết đại ý hai dân tộc cùng sử dụng đồ ăn nhanh Mc Donald sẽ không gây chiến với nhau cũng như hai quốc gia đứng ở hai đầu của một chuỗi cung ứng tiếp cận sẽ không thể có chiến tranh.

Nhưng ngay cả cuốn sách rất thành công này cũng vẫn bị phê phán. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitzcho rằng Freidman đúng khi nói về những mối liên hệ đã nối liền các phần của thế giới hơn tất cả mọi thời đại nhưng về một số phương diện khác, thế giới không hề phẳng, thậm chí còn trở nên ít phẳng hơn. Một số nhà nghiên cứu khác cho là tuy thế giới được kết nối chặt chẽ nhưng tính phân mảnh vẫn là chủ đạo. Năm 2007 trên tờ Foreign Policy Pankaj Ghemawatviết đại ý là 90% các cuộc gọi điện thoại, các cuộc lướt web, các đầu tư tài chính trên thế giới hàng ngày vẫn thuộc về các khu vực. Tính phân tán của toàn cầu hóa vẫn là một thực tế đang tồn tại. Từ quan điểm địa lý học, giới nghiên cứu cũng chú ý đến vai trò của nhân tố địa phương đối với cuộc sống con người.

Các dòng người di cư, làn sóng lao động nhập cư trên qui mô toàn cầu cũng là một chỉ báo cho xu thế tiếp biến văn hóa và giải khu vực hóa (delocalization) của toàn cầu hóa đương đại.

Về phương diện ngôn ngữ, hàng ngàn thứ thổ ngữ đã và đang tiêu vong song song với quá trình quốc tế hóa vai trò của tiếng Anh cũng cho thấy có một xu hướng nào đó đang đi đến toàn cầu hóa ngôn ngữ. Giới nghiên cứu đã có người dùng khái niệm “chủ nghĩa đế quốc về ngôn ngữ” để phác họa địa vị thống trị của tiếng Anh trên trường quốc tế ngày nay. Một trong những nhân tố góp phần vào sự phát triển của Singapore chính là tiếng Anh[5]. Các ngôn ngữ nhỏ đang dần biến mất do áp lực của các ngôn ngữ lớn-những cư dân của ngôn ngữ nhỏ đang phải sử dụng các ngôn ngữ phổ thông. Bình quân cứ hai tuần thì lại có một ngôn ngữ tiêu vong. Khoảng 80% dân cư trái đất sử dụng 80 thứ tiếng phổ thông nhất. Chính sách ngôn ngữ của Liên hợp quốc qui định 5 thứ tiếng chính thức được dùng trong các diễn đàn Liên hợp quốc cũng phản ánh ảnh hưởng ngôn ngữ của toàn cầu hóa. Có nhà ngôn ngữ học tiên đoán vào cuối thế kỷ XXI sẽ có 90% ngôn ngữ sẽ bị tiêu vong. Trong khi đó, 80 % thông tin tải lên mạng Internet là tiếng Anh.  

Nói chung, các lý thuyết chủ trương toàn cầu hóa dẫn đến nhất thể hóa văn hóa vẫn bị tranh luận và phê phán. Những ý kiến phê phán chúng tôi sẽ trình bày ở dưới đây.

2. Toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa :

Theo hướng lý thuyết này, xét về tổng thể nhiều mặt, toàn cầu hóa không thể dẫn đến nhất thể hóa. Thế giới vẫn đang phát triển theo hướng đa dạng hóa, đa nguyên hóa. Dường như toàn cầu hóa càng phát triển thì ý thức về bản sắc văn hóa riêng lại càng nổi lên mạnh mẽ. “Tư tưởng cho rằng tất cả mọi nhóm người đều có quyền được phát biểu về mình, bằng giọng nói của riêng họ, và giọng nói đó được công nhận là độc đáo và có tính hợp pháp là quan điểm nòng cốt cho lập trường đa dạng hậu hiện đại”[6].

Luận đề Mc Donald hóa bị nhiều người phê phán. Phân tích hoạt động của Mc Donald ở Maxcơva cho thấy các luận điểm của Ritzer đều không ổn. Không thấy nhanh và hiệu quả mà chỉ thấy khách phải xếp hàng hàng giờ, thấy khách ăn nấn ná lưu lại lâu; không thấy rẻ mà chỉ thấy một bữa ăn Mc Donald trị giá một phần ba ngày lương của người Nga; sự khác biệt và độc đáo chứ không phải sự có thể đoán trước đã lôi cuốn khách ăn Nga (nhiều menu chuẩn không được phục vụ ở đây). Mc Donald ở Maxcơva không phải là dấu hiệu nhất thể hóa mà là địa phương hóa cái toàn cầu (global localization). Bài học ở đây là các tập đoàn đa quốc gia muốn thành công cần phải thích ứng với các đặc điểm văn hóa của địa phương nơi họ đầu tư, hoạt động. Các tập đoàn có thể là đa quốc gia nhưng các hình thức kinh doanh phải mang tính địa phương. Hãng Sony của Nhật bản có phương châm trở thành người địa phương (insiderization).

Các mô hình khách sạn ăn nhanh của phương Tây như Burger King, KFC, Pizza Hut, Wendy …khi đầu tư vào một xã hội riêng biệt phải tính đến những chức năng kinh tế, văn hóa, xã hội có thể khác với xuất xứ về thực đơn và cách phục vụ. Bản thân các nhà hàng ăn nhanh của Mỹ cũng tổng hợp văn hóa ẩm thực của thế giới theo phong cách quản trị Mỹ. Họ bán hamburger Đức, các món rán của Pháp và pizza Italia. McDonald hóa chẳng qua là sự nhất thể hóa quốc tế một phần là từ nguồn gốc các món ăn, và một phần do các hình thức địa phương hóa đa dạng trên toàn cầu hiện nay. Và như nhiều quan sát cho hay, bản thân McDonald đang suy tàn dần trên chính quê hương của nó vì nhiều nguyên nhân.  

Sự chuẩn hóa quốc tế lối vào và lối ra ở các sân bay trên toàn thế giới cũng không loại bỏ một thực tế là vẫn tồn tại sự khác biệt văn hóa ở phòng chờ, phòng an ninh sân bay, khu vực dành cho ăn uống. Khi các chuyến bay quốc tế bay qua không phận Arập Saudi, tiếp viên phải thông báo cho hành khách rằng việc uống rượu bị cấm trên không phận nước này. Vì Hồi giáo cấm sử dụng rượu, và lệnh cấm có hiệu lực ngay cả trên không phận của nước theo đạo Hồi này.

Về mặt kinh tế, chính trị, quân sự, Viện Xã hội học của Pháp Harris Interactive tiến hành thăm dò ý kiến của người Mỹ và năm nước châu Âu, cho thấy đa số người được phỏng vấn tin là vào năm 2020, hoặc là Mỹ hoặc là Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới. Tất nhiên con số cụ thể là khác nhau ở mỗi nước được phỏng vấn. Ở Mỹ, 40 % người được hỏi nghiêng về Mỹ, 24 % nghiêng về Trung Quốc, 4% ủng hộ EU, 2% nghiêng về Ấn Độ và Nhật Bản và chỉ 1% tin là năm 2020 Nga sẽ đứng đầu thế giới. Đa số dân các nước Pháp (47%), Italia (38%) , Tây Ban Nha (45%) tin là đến năm 2020 Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới. Chỉ có 3 % dân chúng các nước này cho là đến 2020, Nga lãnh đạo thế giới[7]. Giữa các nước tranh chấp vai trò lãnh đạo thế giới này tiềm tàng nguy cơ xung đột mặc dù tất cả đều có chuỗi cửa hàng Mc Donald.

Bức tranh tương lai của thế giới còn phức tạp hơn, đa dạng hơn với các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Brasil, Nam Phi. Nhìn từ góc độ này, thế giới sẽ không thể có một quốc gia lãnh đạo duy nhất nào. Nói gì đến khả năng nhất thể hóa văn hóa.

Ngay trong không gian văn hóa châu Âu theo quan niệm Habermas, thì cũng không có sự đồng thuận về văn hóa Mỹ. Habermas chỉ thiên về tính cộng đồng của các nền văn hóa châu Âu mà không chủ ý khác biệt. Khái niệm phương Tây cũng là một khái niệm khá mơ hồ, lỏng lẻo, không thấy hết sự phân mảnh văn hóa giữa các nước. Điều đó tương tự với khái niệm châu Á trong “giá trị châu Á”, một thực thể rất đa dạng chứ không thuần nhất.

Huntingtonphân chia thế giới thành 9 nhóm văn hóa khác nhau trên thế giới. Theo ông, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, thế giới sẽ chứng kiến sự đối đầu giữa văn minh phương Tây và các nền văn minh phi phương Tây. Xung đột quân sự của thế kỷ cũ giữa đạo Hồi và phương Tây không dịu đi mà lại tăng lên. Trong hình thế xung đột giữa văn minh phương Tây và văn minh phi phương Tây, ông còn dự báo sự có mặt của một số nhà nước Khổng giáo. Để chế ngự xung đột này, theo Huntington, cần có sự đoàn kết hợp tác lớn hơn của phương Tây, giữa EU và Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình; đưa Đông Âu và Mỹ Latin vào cộng đồng phương Tây; khai thác các mâu thuẫn giữa các nhà nước Hồi giáo và Khổng giáo; quan hệ hợp tác với Nga và Nhật Bản. Việc phân chia thế giới thành các khu vực văn minh khác nhau đã là một hướng tiếp cận có lịch sử khá bề thế ở phương Tây. Lý do để ông dự báo về xung đột giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới là văn minh phương Tây có tính phổ quát, nó xung đột trực tiếp với chủ nghĩa biệt lập của hầu hết các nền văn hóa châu Á vốn nhấn mạnh sự khác biệt giữa các dân tộc. Trong khi đó, sự đa dạng của các mô hình hiện đại hóa khác nhau đang diễn ra thách thức nghiêm trọng bá quyền văn minh phương Tây. Văn hóa nhìn từ góc độ này bị chính trị hóa.

Tuy quan điểm của ông bị phê phán sâu sắc nhưng dẫu sao cũng phản ánh một thực tế đa dạng của văn hóa thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tôn giáo cũng là một nhân tố gây chi rẽ các nền văn hóa sâu sắc, thậm chí đối kháng. Xung đột giữa đạo Hồi với đạo Cơ Đốc, đạo Do Thái chưa rõ đến khi nào kết thúc. Ngay tại châu Âu, các nhà thờ đạo Hồi mọc lên khắp nơi. Riêng tại Pháp có 5 triệu người Hồi giáo, trong tổng số 12 đến 15 triệu ở cả EU. Riêng ở Đức đã có 15 ngàn nhà thờ Hồi giáo. Và năm 2000, lần đầu tiên số người theo đạo Hồi trên thế giới vượt số dân theo đạo Cơ đốc. Chủ nghĩa đa văn hóa đã dẫn đến xung đột tôn giáo, bạo lực. Nhiều người ngày nay đã đặt lại vấn đề về chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism) trong một quốc gia. Việc xây dựng một bản sắc chung cho một quốc gia dân tộc đang là vấn đề nóng trong nghị trình văn hóa- chính trị của các nước.

Nhìn từ góc độ quản trị kinh doanh, từ văn hóa tổ chức, cũng thấy sự tồn tại của tính đa dạng văn hóa là tất yếu phải được giới đầu tư, kinh doanh tính đến.    

Theo Fons Trompenaart, có lý luận cho rằng quốc tế hóa sẽ tạo ra, ít nhất cũng dẫn đến, một nền văn hóa chung toàn cầu. Điều đó sẽ giúp cho cuộc sống của các nhà quản trị đơn giản hơn. Người ta dẫn chứng Mc Donald và Coca Cola đã tạo ra thị hiếu, thị trường và văn hóa giống nhau ở khắp nơi. Hẳn là có nhiều sản phẩm và dịch vụ đã trở nên chung cho thị trường thế giới. “Nhưng điều quan trọng không phải là chúng là gì và được thấy hiện diện ở đâu mà là chúng có ý nghĩa gì đối với nhân dân ở mỗi nền văn hóa”. “Cái tinh túy văn hóa không nổi lên trên bề mặt hay nhìn thấy được mà đó là cách mà một nhóm người cùng chia xẻ trong hiểu biết và lý giải thế giới”. “Vì vậy việc ta nghe nhạc từ máy nghe Walkman hay ăn hamburger cho thấy có những sản phẩm được bán rộng rãi nhưng không cho ta biết việc ăn hamburger hay nghe nhạc qua walkman có ý nghĩa gì trong mỗi nền văn hóa”[8]. Ăn tối ở Mc Donald ở Moscow có ý nghĩa chỉ ra địa vị xã hội trong khi đó ở New York Mỹ chỉ là món ăn nhanh. Nếu những nhà kinh doanh muốn giành được sự hiểu biết và lòng trung thành với các mục tiêu, chính sách của công ty, sản phẩm và dịch vụ ở bất cứ nơi đâu họ đang kinh doanh thì họ phải hiểu được các khía cạnh này khác của sự quản trị có những ý nghĩa gì trong các nền văn hóa khác nhau.

Xuất phát từ lĩnh vực quản trị, giới nghiên cứu nhận thấy sự tồn tại khác biệt về văn hóa hiện còn rất rõ. Nhiều qui trình quản trị rất có hiệu quả ở nền văn hóa này nhưng lại không hiệu quả khi đi sang một nền văn hóa khác. Nhiều công ty đa quốc gia áp dụng cho khu vực hải ngoại các công thức đã thành công trong nền văn hóa của họ mà coi thường sự khác biệt văn hoá nên thất bại. Ví dụ, một công ty máy tính Italia nhận được tư vấn của công ty tư vấn quốc tế về áp dụng mô hình quản trị ma trận (matrix organisation- kiểu quản trị có các cấp lãnh đạo nhiều tầng bậc). Cách quản lý này thách thức với mô hình một thủ trưởng – nên thất bại vì ở Italia, boss là cha, không thể có hai người cha. Vì thế, các nhà quản trị luôn đứng trước một song đề (dilemma) cần cân bằng một bên là sự cần thiết tiêu chuẩn hóa, quốc tế hóa trong các biện pháp, hệ thống, qui trình tổ chức với một bên là làm cho tổ chức của mình thích ứng với những đặc điểm địa phương của thị trường đầu tư, của hình thức lập pháp, hệ thống chính trị xã hội và chế độ tiền tệ, hệ thống văn hóa.

Xu thế tái khẳng định bản sắc riêng của các chủng tộc, các dân tộc có thể quan sát thấy trong sự tái phát hiện, tái thiết lập các nền văn hóa đã bị mất. Riêng về ngôn ngữ học, các quốc gia đã nhận thấy sự cần thiết cứu vãn các ngôn ngữ nhỏ đang có nguy cơ bị tiêu vong. Giá trị của các ngôn ngữ địa phương không có ngôn ngữ nào thay thế được vì chúng phản ánh các điều kiện tự nhiên và thực tiễn xã hội của các dân tộc sử dụng thứ tiếng đó.

Nhưng chủ trương đa dạng văn hóa có một cực đoan khác cần chú ý là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa biệt lập văn hoá.

3. Quan điểm văn hoá lai ghép trong kỷ nguyên toàn cầu:

Xu thế thứ ba là chủ trương về lai ghép, hỗn dung văn hóa (hybridization). Sự lai ghép là các cách theo đó các hình thức tách rời khỏi thực tế đang tồn tại để tái kết hợp với các hình thức mới trong những thực tế mới. Diễn đạt gọn hơn xu hướng này, giới nghiên cứu dùng đồng thời hai khái niệm “khu vực hóa toàn cầu” (global localization) và “toàn cầu hóa khu vực” (local globalization) với một khái niệm mới được tạo ra từ hai khái niệm toàn cầu và khu vực “glocolization”.

Malfred Steger đã phân tích hiện tượng Bin Laden như một biểu hiện rõ rệt của sự lai ghép văn hóa hiện đại[9].

Có thể dẫn thêm một trong những cách miêu tả sinh động về lai ghép văn hóa ngày nay: “Một chàng trai Mỹ mới phất uống rượu vang Pháp, nghe nhạc Beethoven qua hệ thống âm thanh Nhật Bản sản xuất, dùng Internet để đặt mua đồ dệt kim Ba Tư qua một đại lý ở Luân Đôn, xem phim Holywood được tư bản nước ngoài đầu tư và do một đạo diễn châu Âu thực hiện, những kỳ nghỉ tại Bali; một người Nhật trung lưu cũng có thể làm được tương tự”[10]. Sự hòa quyện các sắc màu văn hóa ở đây khó mà tách bạch các yếu tố quốc tế hay dân tộc.

Trong lĩnh vực marketing và du lịch, glocolization thể hiện rất rõ. Trong du lịch và marketing, khái niệm “toàn cầu tại khu vực” có liên quan đến chiến lược theo đó, sự độc đáo có tính địa phương của một sản phẩm hay tính khu vực được xem là có tính hấp dẫn toàn cầu và vì thế, là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh.  

Xét từ góc độ chủ thể văn hóa là con người, quan điểm lai ghép văn hóa có cơ sở khoa học và thực tế. Dòng người di cư và lao động nhập cư không đơn giản nói lên xu thế nhất thể hóa mà chủ yếu nói đến tính hỗn dung văn hóa. Những người lao động trong một tập đoàn có thể đến từ những nền văn hóa khác nhau, họ là dân nhập cư thế hệ đầu hay thứ hai, thứ ba. Bản thân họ là hiện thân của sự kết hợp các yếu tố văn hóa lao động toàn cầu và văn hóa lao động truyền thống. Bản sắc toàn cầu và bản sắc địa phương luôn luôn ở trong thế kết hợp.  

Hiện đang tồn tại hai thế giới song song: thế giới của các quốc gia dân tộc (nation states) với ngôn ngữ và văn hóa riêng và thế giới toàn cầu với ngôn ngữ và văn hóa của các tập đoàn toàn cầu và các tổ chức quốc tế.

Văn hóa về bản chất là khác biệt. Nhưng con người giữa các vùng miền có giao lưu, quan hệ, tương tác nên quá trình tiếp biến văn hóa không tránh khỏi. Văn hóa có tính mở. Văn hóa là bức khảm nhân loại. Văn hóa là dòng văn hóa du lịch.

Nhìn chung, quan điểm về lai ghép văn hóa khắc phục được hai cách nhìn vốn tách rời hai quá trình văn hóa như thuyết về nhất thể hóa văn hóa hay thuyết đa dạng văn hóa nói trên. Hai xu thế này không song song tồn tại mà chúng thẩm thấu vào nhau, tạo nên một quá trình riêng. Nói cách khác, cần nhìn toàn cầu hóa từ góc độ cấu trúc trong đó hai thế giới tương tác, một thế giới lấy quốc gia dân tộc làm trung tâm với nhân vật hoạt động chính ở tầm quốc gia và một thế giới nhiều trung tâm với các nhân vật chính đa dạng như các tập đoàn, các tổ chức quốc tế, các nhóm chủng tộc, các nhà thờ…Toàn cầu hóa đa dạng hóa các phương thức tổ chức có thể có như liên quốc gia, siêu quốc gia, siêu vùng, quốc gia, tiểu vùng, địa phương.

Toàn cầu hóa xét từ góc độ không gian : có thể kể đến nhiều kiểu không gian tạo nên lai ghép văn hóa. Quá trình đô thị hóa cho phép đồng tồn tại cả phương thức sản xuất tư bản và tiền tư bản, cho phép tồn tại kiểu thành phố của nông dân. Ở các thành phố Việt Nam có thể thấy rõ hơn sự hiện diện của những người nông dân trong nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các vùng biên giới quốc gia hiện đại được biến thành địa điểm cho nhiều hình thức tổ chức khác nhau, nơi gặp gỡ giữa chủ quyền quốc gia với các tập đoàn xuyên quốc gia. Các đại đô thị nơi cộng cư của nhiều sắc dân v.v…Không gian mạng là nơi diễn ra giao dịch tài chính tạo nên siêu không gian cho tư bản vận hành. Không gian võ đài Amsterdam có thể chứng kiến môn võ muay Thái được một cô gái đến từ Maroc thi đấu. Không gian truyền thông đa phương tiện là nơi giới thiệu, quảng bá phim truyền hình của nhiều nước cùng một lúc, từ phim Mỹ, Đức đến phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Philippine…thậm chí chúng lấn át cả phim Việt Nam.

Toàn cầu hóa xét từ góc độ thời gian: việc trải nghiệm cùng lúc các thời gian khác nhau là rất tiêu biểu cho toàn cầu hóa hiện đại. Ở Việt Nam người ta có thể cảm thấy sự đồng tồn tại của văn hóa thời tiền hiện đại, văn hóa thời hiện đại và cả văn hóa hậu hiện đại. Có thể bắt gặp cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, những phiên chợ quê định kỳ mấy ngày một phiên, chợ xép và những khu đô thị hiện đại với các siêu thị cùng những kỹ thuật- công nghệ mới nhất của thế giới. Các trung tâm công nghệ cao thể hiện kết quả của tư duy duy lý và tinh thần thế tục và các lễ hội đậm màu sắc tôn giáo với niềm tin vào các thế lực tâm linh đang xen kẽ cùng tồn tại và vận hành trên đất nước ta. Trong văn học Việt Nam hiện vẫn tồn tại những thể loại văn học rất truyền thống như thơ lục bát bên cạnh các thể loại du nhập từ văn học phương Tây như truyện ngắn, tiểu thuyết. Những nhà nghiên cứu văn hóa Mỹ đương đại làm việc bên cạnh các nhà Hán Nôm học tại một trường đại học. Một đặc điểm quan trọng của văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa chính là sự chồng xếp nhiều lớp văn hóa của các thời đại khác nhau cùng một lúc ở một quốc gia, dân tộc. Nhìn chung đây là cái nhìn động, đa tuyến, đa tầng về văn hóa.

Không gian và thời gian của văn hóa lai ghép gây khó khăn đáng kể cho việc định nghĩa bản sắc dân tộc, nhất là những định nghĩa thiên về sự tĩnh tại hóa, tuyệt đối hóa bản sắc đó.  

Toàn cầu hóa văn hóa dẫn đến lai tạo văn hóa cũng cần được nhìn từ góc độ như là sản phẩm lịch sử. Văn hóa vùng Bắc Mỹ và Carribe là kết quả lai ghép của văn hóa Phi châu và Âu châu, cư dân châu Âu tiếp nhận văn hóa Phi châu và cư dân Phi châu tiếp nhận văn hóa Âu châu. Tương tự như vậy, văn hóa phương Tây có thể xem như là sự pha trộn, lai tạo như văn hóa Mỹ, Carribe. Từ góc nhìn lịch sử, có thể hình dung quá trình toàn cầu hóa văn hóa đương đại cũng đang diễn ra một sự lai ghép tương tự. Dòng người di cư trên phạm vi toàn cầu ngày nay đang tạo nên hiện tượng lai ghép văn hóa như vậy. Tiếng Anh hiện đang là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất toàn cầu nhưng cùng nên biết là khoảng một nửa số từ của tiếng Anh đã được vay mượn từ các nền văn hóa khác. Nhưng có ngôn ngữ nào không phải là sản phẩm lai ghép? Trong một lần đi khảo sát sử thi Mơ Nông ở Đắc Lắc, tôi được nghệ nhân Điểu Kâu người Mơ Nông cho biết hơn 60 % từ vựng của tiếng Mơ Nông vay mượn từ tiếng Ê Đê-một dân tộc có số dân nhiều nhất ở Tây Nguyên. Quan niệm có một thứ tiếng Việt thuần khiết chỉ là một ảo tưởng.

Khái niệm văn hóa lai ghép, cũng như khái niệm nguyên hợp- những khái niệm then chốt của chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu cấu trúc- đối lập lại quan điểm văn hóa thuần chất, thuần chủng (essentialism) về bản sắc và chủng tộc. “Góc nhìn về sự lai ghép chỉ có ý nghĩa khi là sự phê phán lý luận về thuần chủng văn hóa. Lý luận thuần chủng văn hóa là công cụ chiến lược chừng nào mà sự đoàn kết dân tộc, quốc gia, khu vực, nền văn minh hãy còn là vấn đề chiến lược; chừng đó thuyết lai ghép còn là cách tiếp cận thích đáng”[11].

Từ góc nhìn của thuyết văn hóa lai ghép, toàn cầu hóa văn hóa dẫn đến chủ nghĩa liên văn hóa chứ không phải lý thuyết đa văn hóa. Đa văn hóa (multiculturalism) chủ trương sự đồng tồn tại của các nền văn hóa khác nhau trên cùng một không gian mà không có tương tác, lai ghép. Liên văn hóa (interculturalism) chủ trương các nền văn hóa tương tác, tổng hợp. Ví dụ cho văn hóa lai ghép là hiện tượng tam giáo đồng nguyên thời Lý-Trần. Các yếu tố văn hóa từ các địa điểm khác nhau, không gian khác nhau kết hợp, hòa trộn, tạo thành một văn hóa lai ghép. Không thể hình dung có một nền văn hóa nào đó mà lại đứng ngoài quá trình lai ghép, lại không được hình thành bởi các nguồn khác nhau về thời gian và không gian.

Theo Jan Nederveen Pieters, lý luận về lai ghép văn hóa giúp ta hiểu đúng các nhân tố nội sinh và ngoại sinh của văn hóa. Văn hóa lai ghép là phương thức vận động tất yếu của sự đa dạng văn hóa. Các hình thức đa dạng văn hóa không tồn tại riêng rẽ mà kết hợp, tương tác, hòa trộn theo một nguyên lý nào đó. Xét trên phương diện diễn ngôn, thuyết lai ghép văn hóa vượt qua tư duy nhị phân (binary thinking), vượt qua các loại ranh giới, hàng rào vẫn đối lập cực đoan hai sự vật, hai hiện tượng.    

Lý thuyết văn hóa lai ghép có tính ứng dụng cao trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của nhân loại ngày nay. Bản thân toàn cầu hóa đã có nghĩa là lai ghép văn hóa.

Lai ghép văn hóa là một quá trình lịch sử lâu dài và ngày nay trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đang được tăng tốc, đang ở một chu kỳ mới. Bản thân sự phát triển kinh tế và thị trường của các con rồng châu Á với tốc độ tăng trưởng gấp đôi các nước phương Tây là bằng chứng hùng hồn về kết quả hòa trộn các kỹ thuật công nghệ mới và các thực tiễn xã hội, các giá trị văn hóa đang tồn tại ở phương Đông.

“Bản sắc là một niềm tin bản thể luận (của cá nhân, nhóm và hệ thống xã hội) biểu hiện trong quá trình tương tác với một cái Khác nào đó”[12]. Bản sắc dựa trên các chuẩn mực bền vững lâu đời của mối quan hệ với các nhóm văn hóa xã hội và dân tộc chủng tộc khác, với thế giới xung quanh nói chung.

Nhật Bản là một nước thành công trong công cuộc hòa trộn, lai ghép văn hóa phương Đông –phương Tây. Khẩu hiệu Hòa hồn Dương tài (Tinh thần Nhật Bản , kỹ thuật Tây phương) vẫn đúng, càng đúng ở thời hiện đại. Ở đây, truyền thống và cách tân hòa quyện vào nhau như âm và dương. Theo một nhà nghiên cứu người Nga thì “Ở Nhật Bản đã hình thành một bản sắc hai thành phần thống nhất: bản sắc phương Tây bề ngoài (thuộc về thiết chế) và bản sắc Viễn Đông bên trong”[13].

Về bản sắc chính trị, phải nói là trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, bản sắc chính trị của quốc gia dân tộc đã chuyển dịch điểm nhấn sang bản sắc liên quốc gia, bên ngoài lãnh thổ. Nhìn từ góc độ này thì các thiết chế chính trị xã hội của Nhật Bản không khác nhiều với các nước phương Tây, thậm chí tương đồng với phương Tây. Nhìn từ góc độ văn hóa, văn minh thì Nhật Bản lại là một thành viên của văn minh Viễn Đông. Akakha, một nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng Nhật Bản có ba bản sắc dựa trên chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa toàn cầu[14]. Văn hóa Nhật Bản là sự tổng hợp bản sắc chính trị phương Tây và Nho giáo, Phật giáo châu Á một cách nhuần nhuyễn chứ không lắp ghép như hình tượng nhân mã.

Kết luận:

-Toàn cầu hóa đang đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức phong phú cho người nghiên cứu văn hóa dân tộc. Trên đây chỉ là những phác thảo sơ lược về các quan điểm phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa của giới nghiên cứu quốc tế.

-Nhìn văn hóa dân tộc từ góc độ toàn cầu hóa văn hóa là một điểm nhìn cần thiết để xác định đường hướng vận động cho văn hóa Việt Nam. Sự vận động này chịu sự qui định của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh duy ý chí, áp đặt.

-Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc cần được xác định trên một nền tảng lý thuyết và thực tiễn văn hóa rộng không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.

________________________________________

(1)Khái niệm châu Âu ở đây không giới hạn trong không gian địa lý chủng tộc mà chỉ một nền văn hóa, văn minh. Nó bao gồm cả văn hóa Mỹ nhưng lại không bao gồm văn hóa Digan hay người Eskimo.

________________________________________

[1]Habermas, bản dịch Nga văn Хабермас, Ю. Расколотый Запад. М.: Весь мир, 2008, c.43.

[2]George Ritzer (1996)The McDonaldization of Society, Pine Forge Press, p. 1.

[3]Xem George Ritzer (Editor) (2002), Mc Donaldization ,The Reader, Pine Forge Press.

[4]Jan Nederveen Pieterse (2009), Globalization and culture : global mélange, Published in the United States of America by Rowman & Littlefield Publishers, Inc. p. 51.

[5]Lý Quang Diệu: “Chúng ta còn liên kết với phần còn lại của thế giới thông qua ngôn ngữ. Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt, chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn. Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore. Tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Đế quốc Anh đã truyền bá thứ ngôn ngữ này ra khắp thế giới, nên khi người Mỹ tiếp quản, đó là một sự chuyển đổi dễ dàng sang tiếng Anh kiểu Mỹ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với người Mỹ khi trên toàn thế giới đã có nhiều người nói và hiểu ngôn ngữ của họ”. Theo: http://nghiencuuquocte.net/2014/04/27/ly-quang-dieu-ve-hoa-ky.

[6]Harvey D. The Condition of Postmodernity, Cambridge: Blackwell, 1989, p.48.

[7]Dẫn theo П. С. Гуревич (2009). Имидж России в процессе глобализации, tạp chí Век глобализации 2/2009 178–191.

[8]Fons Trompenaars, Charles Hampden-Turner (1998)Riding the waves of culture (Understanding cultural diversity in business). Second edition; Nicholas Brealey Publishing Limited in 1997, Reprinted with corrections 1998, London, p. 3.

[9]Manfred B. Steger giải cấu trúc hình ảnh Bin Laden từng được phát trên truyền hình thế giới như một biểu tượng đặc trưng của toàn cầu hóa, mặc dù Bin Laden chống lại Mỹ và phương Tây, những kẻ khởi xướng toàn cầu hóa : cổ tay đeo chiếc đồng hồ Timex, một tập đoàn sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ trên đất Mỹ với lịch sử từ 1850, có 7500 công nhân đang làm việc trên 4 châu lục, bán sản phẩm tại 65 quốc gia. Khẩu AK luôn dựng bên cạnh là loại súng có nguồn gốc Nga nhưng hiện nay quân đội 50 nước sử dụng, năm1999 ở Nga và các nước khác đã sản xuất 70 triệu khẩu AK. Điều đặc biệt là để phổ cập lời kêu gọi thành lập mặt trận Hồi giáo tiến hành thánh chiến chống lại toàn cầu hóa, Bin Laden lại sử dụng chính những thành quả của toàn cầu hóa, nhất là các phương tiện truyền thông hiện đại như mạng internet, truyền hình kỹ thuật số. Hình ảnh có vẻ lỗi thời của Bin Laden phát đi từ một hang động nào đó đến tất cả các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của thế giới đã diễn tả sự năng động kỳ lạ của toàn cầu hóa. Hiện tượng Bin Laden có thể xem như một minh chứng về lai ghép văn hóa. (xem Manfred B. Steger, Globalization: A Very Short Introduction, Oxford University Press, 2003, p. 5-6).

[10]   Tyler Cowen (2002), Creative Destruction-How Globalization is Changing the World Culture , Princeton University Press p.4.

[11]Jan Nederveen Pieterse (2009), Globalization and culture, p. 88.

[12]Dẫn theo Churgov, Nhật Bản: Lai ghép hóa và hài hòa hóa (Чугров С.В. Япония: гибридизация и гармонизация), tạp chí Политические исследования. № 3 2008.

[13]Churgov, Nhật Bản: Lai ghép hóa và hài hòa hóa (Чугров С.В. Япония: гибридизация и гармонизация), tạp chí Политические исследования. № 3 2008.

[14]Dẫn theo Churgov, bài đã dẫn.

Theo vanhoahoc.edu.vn