Nội san

Dàn dựng hát tốp ca cho sinh viên

30 Tháng Sáu 2015

                                          Kim Văn Quyết

 

 

Hát tốp ca có một vai trò quan trọng trong đời sống, trong công tác giáo dục - đào tạo và đặc biệt trong các chương trình biểu diễn văn nghệ tại các trường đại học. So với các hình thức đồng ca, hợp xướng thì hát tốp ca là một hình thức nhỏ, gọn nhẹ, sinh động và có khả năng biểu diễn được nhiều thể loại ca khúc có nội dung khác nhau, đáp ứng được những yêu cầu về nội dung và hình thức của chương trình biểu diễn.

Giáo dục âm nhạc trong các trường Đại học tuy không là nội dung bắt buộc trong chương trình chính khóa nhưng là một hoạt động được quan tâm trong chương trình ngoại khóa. Giáo dục âm nhạc góp phần bồi dưỡng nâng cao năng lực thẩm mỹ, phẩm chất đạo đức vàphát triển trí tuệ, thể chất, năng lực sáng tạo… cho sinh viên.

Bên cạnh đó, âm nhạc còn giúp cho đời sống tinh thần của sinh viên thêm phong phú, hoạt động âm nhạc tạo ra môi trường vui chơi lành mạnh góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong nhà trường, nhất là trong thời đại của thế kỷ XXI. Một trong những hoạt động ngoại khóa âm nhạc ở các trường đại học là biểu diễn âm nhạc, trong đó các tiết mục biểu diễn tập thể như hát tốp ca, đồng ca, hợp xướng… có một vị trí khá quan trọng và được quan tâm, bởi các tiết mục biểu diễn tập thể thường có nội dung mang ý nghĩa chính trị xã hội cao, dễ dàng thể hiện sức mạnh quần chúng, tăng sự đoàn kết, rèn luyện tính cộng

đồng, tính kỷ luật trong sinh viên.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt các tiết mục biểu diễn tập thể đòi hỏi sinh viên

phải có sự đồng đều về chất giọng, có sự hòa hợp trong giọng hát và cần sự đầu tư dàn dựng công phu. Thực tế, nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc ở các trường đại học nước ta hiện nay còn thiên về các tiết mục đơn ca, ít đầu tư cho các tiết mục tập thể như: tốp ca, đồng ca, hợp xướng…

Từ nhận thức như vậy, chúng tôi mong muốn có những đóng góp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cũng như giá trị của các chương trình biểu diễn âm nhạc, các hoạt động nghệ thuật giàu tính cộng đồng như : hội diễn, hội thi tiếng hát sinh viên, lễ kỷ niệm, lễ hội, đại hội... mang tính giáo dục nhân cách cao cho sinh viên. Các hoạt động trên cũng là một cách phản ánh chân thực nhất đời sống văn hoá, tinh thần của sinh viên trong các trường cao đẳng - đại học.

Việc dàn dựng các chương trình biểu diễn âm nhạc dành cho các tốp ca tại các trường đại học đã khiến chúng tôi suy nghĩ về việc kế thừa truyền thống cha ông ta trong những lề lối hát của âm nhạc dân gian. Đây cũng là một việc cần phải tìm hiểu mang tính chất tổng quan nhằm giúp cho hát tốp ca có thể tiếp thu những bài bản mang tính truyền thống dân tộc.

Như chúng ta đã biết, hát tốp, nhóm là một hình thức rất phổ biến trong dân gian vốn là một hình thức hát đối đáp trai gái của người Việt. Bằng cách đó, trai gái có điều kiện tìm hiểu người bạn đời tương lai của mình ở một tầng bậc cao hơn. Nhìn chung, các thể loại thường giống nhau ở hình thức sinh hoạt hát cặp đôi, có nghĩa 2 người nam lần lượt hát đối đáp với 2 người nữ trong cuộc hát giao duyên. Tùy từng truyền thống tộc người, hát trai gái có thể hát đồng giọng hoặc hát 2 bè đối tỷ như trong: hát Then, hát Ví, Giặm, Quan họ, hát Đồng dao, Hò Nam Bộ, Trống Quân...

Hát tốp ca thể hiện sự phong phú trong ca hát và biểu diễn, dễ chọn người tham gia, người dàn dựng cũng không cần có những thủ pháp quá phức tạp. Những người tham gia hát tốp ca không chuyên chỉ cần hát chính xác dưới sự dàn dựng sáng tạo một chút là có thể tham gia biểu diễn và đạt hiệu quả tương đối cao, được khán giả chấp nhận. Hát tốp ca còn tạo điều kiện cho mọi người tiếp xúc với âm nhạc, được học tập, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng âm nhạc cơ bản, các hình thức, cách thức tổ chức hoạt động âm nhạc tập thể.

Bước sang thế kỷ XXI, nhu cầu sinh hoạt cộng đồng tại các trường đại học ngày một nâng cao, việc tổ chức hát và biểu diễn các chương trình âm nhạc nói chung, hát tốp ca nói riêng giúp cho sinh viên có điều kiện giao tiếp, học hỏi lẫn nhau. Sự thay đổi hình thức lao động, hình thức tư duy cũng khiến sinh viên giảm được những căng thẳng trong quá trình học tập. Những chủ đề tư tưởng của chương trình biểu diễn âm nhạc được gắn bó một cách chặt chẽ với các chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ. Từ đó, các em tăng thêm tình yêu với quê hương đất nước, với dân tộc, giúp cho việc giáo dục nhân cách của sinh viên trong nhà trường gặp nhiều thuận lợi.

Các chương trình ngoại khóa âm nhạc được tổ chức không những để đáp ứng nhu cầu hoạt động và thưởng thức âm nhạc của cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường mà còn có những tác động tích cực đến công tác giáo dục đào tạo của nhà trường. Các hoạt động này chiếm vị trí quan trọng trong đời sống nhà trường, cũng như công việc giảng dạy. Nhờ tính chất phong trào tạo ra một môi trường sư phạm vui tươi, trẻ trung, lành mạnh sinh viên được sống trong không khí âm nhạc trong sáng, sôi nổi, đầy ý nghĩa nên thu hút được đông đảo sinh viên tham gia, qua đó nâng cao kiến thức cho sinh viên.

Nội dung, chủ đề của các bài hát tốp ca chủ yếu là ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… nên thông qua các tiết mục này giáo dục cho sinh viên tình yêu quê hương, đất nước, những truyền thống quý báu của dân tộc, truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của cha anh, tinh thần quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và vì tương lai của chính mình.

Ngoài những chủ điểm mang tính thường kỳ, cần phải đưa ra những nội dung, chủ đề mới, tươi trẻ có tính cập nhật để tạo sự phong phú, hấp dẫn cho các tiết mục hát tốp ca, có thể kết nối một cách khéo léo, tinh tế các bài hát có tiết tấu, nhịp điệu khác nhau để tạo thành các kiểu mới lạ không bị nhàm chán và bớt sự khô cứng.

 Dàn dựng hát tốp ca có nhiều bước. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các bước cơ bản:

Một là, tuyển chọn hạt nhân cho đội văn nghệ

- Lập công văn, thông báo kế hoạch tổ chức, các mục đích, yêu

cầu và hình thức tuyển chọn…

-  Triển khai đến các đơn vị, tổ chức cho sinh viên đăng kí, giới thiệu hạt nhân văn nghệ.

-  Tuyển chọn đa dạng về hình thức: hát;đàn (nếu có);nhảy, múa;dẫn chương

trình, kể chuyện, ngâm thơ…

Hai là, lựa chọn tác phẩm cho tiết mục hát tốp ca

Chủ đề là những nội dung, những khía cạnh được rút ra, cụ thể hóa từ những mảng đề tài rộng. Chủ đề là định tính, có nội dung cụ thể, quán xuyến toàn bộ một tác phẩm nghệ thuật hay một chương trình nghệ thuật” [5, tr.65].

Ví dụ chủ đề về Biển đảo quê hương là của chương trình, người viết kịch bản, biên tập, dàn dựng phải biết lựa chọn những tiết mục liên quan đến biển đảo, những bài ca về biển, về tổ quốc. Thậm chí tên tiết mục, chủ đề của một tiết mục nào đó có thể là tên của một chương trình nghệ thuật. Như bài Nơi đảo xa (Thế Song) có thể đặt tên cho chương trình có chủ đề biển. Tiếp theo là các tiết mục về biển như bài: Tổ quốc nhìn từ biển (Quỳnh Hợp), Sức sống Trường Sa (Nguyễn Hồng Sơn), Bến cảng quê hương tôi (Hồ Bắc)…

Trong trường hợp Dạy học là chủ đề của chương trình, người viết kịch bản, biên tập, dàn dựng phải biết lựa chọn những tiết mục liên quan đến nghề dạy học, thầy cô, mái trường… Như bài Bài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân), Vì đàn em thân yêu (Phong Nhã), Yêu người bao nhiêu yêu nghề bấy nhiêu (Nguyễn Văn Quỳ)…

Khi lấy Đất Việt tiếng vọng ngàn đời làm chủ đề của chương trình, thì người viết kịch bản, dàn dựng, biên tập phải lựa chọn các tiết mục liên quan đến chủ đề như: Đất nước huyền thoại (Đức Chính), Mẹ âu cơ (Đức Trí - Huỳnh Nhật Tân),Đất Việt tiếng vọng ngàn đời (Lê Quang),Ngàn lần tôi hát Việt Nam ơi (Lê Mây)…

Ba là, hướng dẫn tập luyện các kỹ thuật, kĩ năng cơ bản của ca hát cho sinh viên

Sau khi lựa chọn thành công các tác phẩm cho tiết mục hát tốp ca về mặt nội dung tư tưởng cũng như về giá trị nghệ thuật thì điều quan trọng tiếp theo là việc hướng dẫn tập luyện các kỹ thuật, kĩ năng cơ bản của ca hát cho sinh viên. Đây là một công việc mang tính nghệ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực thanh nhạc, nhưng nó mang lại những hiệu quả thiết thực cho quá trình dàn dựng chương trình nghệ thuật.

Bốn là, nghiên cứu bài hát

Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu bài hát giúp giảng viên cảm nhận được cái hay, cái đẹp sâu sắc của bài hát đó. Từ đó đưa ra hướng dàn dựng phù hợp và hiệu quả nhất cho từng hình thức tốp ca (tốp ca nam, tốp nam nữ, tốp ca nam nữ).

Năm là, lập kế hoạch dàn dựng bài hát tốp ca

Sau khi nghiên cứu nắm vững và luyện tập kỹ bài hát, giảng viên cần lên kế hoạch dàn dựng bài hát đó như thế nào; cần phải hình dung ý tưởng trước, sau đó lập kế hoạch nhằm làm rõ ràng, chi tiết xem có phù hợp hay không.

Hiểu được tính chất, nội dung của bài hát, giảng viên nên dựa vào điều kiện, khả năng, thời gian luyện tập của sinh viên, điều kiện cơ sở - vật chất của nhà trường, thời gian cho phép các tiết mục tốp ca đó… để lập nên những kế hoạch dàn dựng phù hợp cho hình thức nào (tốp ca nam, tốp ca nữ, tốp ca nam nữ, các phần phụ họa) sao cho hiệu quả cao nhất.

Sáu là, dạy bài hát

Trước khi thực hành dạy chi tiết bài hát, cần luyện tập cho sinh viên một số kỹ thuật ca hát (luyện thanh) và mẫu âm luyện phù hợp với tính chất âm nhạc của bài hát sắp dạy (hát liền giọng hay hát luyến, láy…). Công việc này

sẽ giúp sinh viên khởi động giọng và định hình được cách hát bài hát đó.Dạy cho sinh viên hát đúng giai điệu, tiết tấu của bài hát.

      Bảy là,  phương pháp phối bè, dựng bè

Bè phối cho hát tốp ca thường đơn giản hơn phối cho hát đồng ca, hợp xướng. Cũng cùng một nguyên tắc phối âm nhưng được giản lược bớt để phù hợp với hình thức tốp ca. Phối bè cho hát tốp ca cũng phối theo lối hòa thanh và phức điệu đơn giản nhưng theo cách đơn giản hơn: thường là phối bè quãng 3, 4, 5, 6 nhưng chủ yếu là quăng 3 có phối bè đối vị, bè đuổi, bè vocal…

Tám là,  một số cách dàn dựng phần hát tốp ca

Khi dàn dựng phần hát cho tiết mục tốp ca, cần lưu ý sự cân đối của tiết mục, sự hài hòa trong việc kết hợp hoặc tách riêng các loại giọng hát, sự phong phú, hấp dẫn. Cũng có thể vận dụng các thủ pháp phát triển, sáng tác âm nhạc để tô đậm, làm nổi bật hình tượng âm nhạc, nội dung, chủ đề chính của tác phẩm nhằm tạo ra những nét đặc sắc mới lạ và gây hấp dẫn.

Tóm lại, để công việc dàn dựng hát tốp ca có hiệu quả, để phối bè tốt, dàn dựng các phần múa phụ họa... thì một trong những yếu tố quan trọng nhất là vấn đề nâng cao năng lực của giảng viên. Để làm được điều này, giảng viên nên rèn luyện và học tập thường xuyên cả về xướng âm, chỉ huy, phối bè... Giảng viên phải tự “lăn lộn” với phong trào, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập qua các hoạt động ngoại khóa của đơn vị. Một vấn đề hết sức quan trọng đối với giảng viên là tình yêu, lòng say mê nghề nghiệp, điều này sẽ quyết định tới sự thành công trong việc nâng cao chất lượng của các chương trình ngoại khóa âm nhạc nói chung và dàn dựng hát tốp ca nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Viết Á, Ca hát và biểu diễn, Nxb âm nhạc, Hà Nội.

2. Dương Viết Á (1993), Giáo trìnhMĩ học Âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội 1993, Hà Nội.

3. Dương Viết Á, Đức Trịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trìnhbiểu diễn ở cơ sở, Trường CĐVHNT Quân đội.

4. Lê Ngọc Canh (2001), 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin - TT nghệ thuật múa UNESCO Hà Nội.