Nội san

Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học phân môn Hát cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình

06 Tháng Tám 2015

                                                                                     Nguyễn Thị Thúy

 

Âm nhạc có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Âm nhạc là món ăn tinh thần mang đến cho con người những cung bậc cảm xúc khác nhau từ niềm vui, nỗi buồn... đến những khát vọng, ước . Giáo dục âm nhạc là một nội dung quan trọng nằm trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, góp phần tích cực vào việc hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Để phát huy được vai trò và ý nghĩa của hoạt động giáo dục âm nhạc và nhất là hoạt động ca hát đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non, đòi hỏi giáo viên mầm non phải có những kĩ năng thực hành âm nhạc và đặc biệt là giọng hát tốt để đáp ứng được yêu cầu giáo dục âm nhạc theo yêu cầu đổi mới của bậc học.

Trên thực tế, chương trình học phần Âm nhạc đặc biệt là phân môn Hát trong đào tạo giáo viên hệ CĐSP Mầm non tại trường Thái Bình lại đang có những tồn tại, bất cập. Cụ thể, vai trò môn học chưa được quan tâm đúng mức, thời lượng của phân môn Hát quá ít, nội dung dạy học sơ sài, các biện pháp dạy học thiếu tính sáng tạo... dẫn tới năng lực hát của sinh viên hạn chế, đặc biệt về mặt kỹ thuật hát trong điều kiện mặt bằng đầu vào về khả năng âm nhạc và giọng hát cũng chưa được đồng đều. Do đó, dẫn đến chất lượng dạy và học nội dung hát chưa cao.

Từ việc tìm hiểu và phân tích về môn học cũng như tình hình dạy học phân môn Hát cho sinh viên hệ CĐSP Mầm non trường CĐSP Thái Bình, chúng tôi thấy cần thiết phải đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học phân môn này trên nhiều phương diện.

Thứ nhất là đổi mới hoạt động dạy học phân môn Hát

Ngay từ khi bắt đầu dạy học phân môn Hát, các giảng viên cần lựa chọn các bài hát, phân loại theo tính chất, thể loại và nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, các kỹ thuật ca hát cơ bản cần đạt, đối với từng thể loại, để ngay cả thầy và trò cũng xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu và cùng nỗ lực, tương tác trong quá trình dạy học. Bởi lúc này, mối quan hệ giữa mục tiêu và nội dung dạy học hát ở đây không phải chỉ là sự chi phối mang tính một chiều, mà còn luôn là sự tương tác, bổ sung hoàn thiện mang lại lợi ích tối đa cho người học. Quá trình đi đến đích của mục tiêu cũng luôn luôn cần sự điều chỉnh nội dung phù hợp với đối tượng người học, ngược lại, sự điều chỉnh của nội dung cũng tác động hoàn thiện và nâng cao mục tiêu, yêu cầu đáp ứng với sự vận động, biến đổi của  thực tiễn xã hội, của bậc học. Hay nói một cách khái quát đó là: dạy cách học ngay trong cách tiếp cận mục tiêu, nội dung và cách giải quyết các nhiệm vụ, yêu cầu trong sự tự hoàn thiện của mỗi sinh viên ngay trong khi học và quá trình công tác sau này.

Thứ hai là rèn luyện kỹ thuật ca hát cơ bản của phân môn Hát

Rèn luyện hơi thở: Việc tiếp thu các kỹ thuật cơ bản của ca hát đối với người mới học hát là một việc không dễ. Trước hết, ngay từ việc lấy hơi và khống chế hơi thở của ca hát có những yêu cầu riêng mà không hoàn toàn tự nhiên như hơi thở sinh lý bình thường của con người. Do đó, khi  giảng viên bắt đầu hướng dẫn sinh viên luyện tập hơi thở để phát triển giọng hát về cả âm vực và âm lượng, giảng viên cần có sự giảng giải cụ thể, ngắn gọn và nhất thiết phải hướng dẫn sinh viên các bài tập bổ trợ hít thở sâu, nén hơi thật chặt và thực hiện kỹ thuật xì hơi qua chân răng, đây là bài tập giúp cho người mới tập hát hình dung và cảm nhận rõ ràng hơn về yêu cầu của hơi thở ca hát. Những bài tập luyện thanh ở giai đoạn đầu, giảng viên cần lựa chọn những mẫu âm có trường độ ngân dài, không có sự thay đổi về cao độ để giúp người học dễ dàng hơn trong việc không chế hơi thở, đưa vào vị trí âm thanh đúng yêu cầu kỹ thuật.

Kỹ thuật hát Legato (hát liền giọng, liền tiếng): Hát liền tiếng có thể được hiểu là cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn từ âm thanh nọ sang sang âm thanh kia hoặc ca từ nọ sang ca từ kia, tạo nên những câu hát liên kết không ngắt quãng và ổn định về âm thanh của giọng hát. Cách hát sắc thái legato cần phải điều chỉnh cho âm thanh phát ra rõ ràng, mạch lạc, cũng như lấy một lượng hơi vừa đủ để hát hết câu hát trong bài tập luyện thanh. Không được lấy hơi giữa câu hát hoặc giữa câu luyện thanh. Kỹ thuật legato là kỹ thuật cơ bản để sử dụng trong nhiều bài hát, nhất là những bài có tính trữ tình như : Mẹ yêu con sáng tác của Nguyễn Văn Tý, Khúc hát ru của người mẹ trẻ sáng tác Đặng Nhất Mai, Mùa xuân cô nuôi dạy trẻ sáng tác của Nguyễn Văn Tý, Gửi anh một khúc dân ca dân ca Nam Bộ… Vận dụng kỹ thuật hát liền tiếng vào thực hành trình diễn  bài hát Gửi anh một khúc dân ca dân ca Nam Bộ.

Kỹ thuật hát luyến: Việc luyện tập kỹ thuật hát luyến chính là sự tiếp nối, củng cố và nâng cao kỹ thuật hát liền tiếng. Để rèn luyện kỹ thuật hát luyến, giảng viên cần tăng cường sử dụng bài hát có giai điệu luyến láy, giai điệu trữ tình để rèn luyện và phát triển giọng hát về âm vực, âm lượng và sắc thái của giọng, nên lựa chọn các làn điệu dân ca, các bài hát sáng tác mới dựa trên chất liệu dân ca. Ngoài việc luyện tập theo mẫu luyện thanh, các giảng viên có thể khai thác các nét nhạc, hoặc câu hát ru trong các bài hát ru của Đồng bằng Bắc Bộ, các cầu hò của Trung Bộ hay Nam Bộ (hò Đồng Tháp)... để đa dạng hóa các bài tập và cũng đồng thời mở rộng vốn hiểu biết, tư liệu về âm nhạc dân gian cho sinh viên, tạo sự hứng thú, say mê, yêu thích, trân trọng và tự hào về các di sản văn hóa dân gian, những kiến thức nền tảng về văn hóa dân tộc này sẽ giúp ích cho sinh viên rất hiệu quả trong quá trình dạy học âm nhạc và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ sau này.

 

Ảnh: Một giờ học hát của trẻ mầm non (Nguồn:st)

 

Kỹ thuật hát nhanh: Hát nhanh là cách hát những giai điệu thể hiện được sự linh hoạt, sôi nổi, rõ ràng, đây cũng là một kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật ca hát. Với yêu cầu về mục tiêu, nội dung giáo dục âm nhạc trong trường mầm non, thì kỹ thuật hát nhanh chỉ yêu cầu ở mức độ vừa phải. Việc rèn luyện cũng chỉ nhằm cung cấp và rèn luyện cho sinh viên những yêu cầu cơ bản nhất trong việc khống chế và phân phối hơi thở, kết hợp với việc phát âm nhanh, gọn, nảy (tùy theo tính chất của hình tượng âm nhạc mà có các mức độ khác nhau), để trình diễn hoàn chỉnh các câu hát, bài hát đáp ứng yêu cầu của kỹ thuật. Để  giúp cho sinh viên rút ngắn quá trình nắm bắt và thực hành được kỹ thuật hát nhanh, ngoài các mẫu âm luyện thanh, các giảng viên có thể lựa chọn một số bài hát trong chương trình như: Em đi mẫu giáo sáng tác của Dương Minh Viên, Reo vang bình minh sáng tác của Lưu Hữu Phước,...

Thứ ba là, rèn luyện ca hát kết hợp trình diễn các bài hát mầm non

Thực hành biểu diễn ca hát là yêu cầu đối với sinh viên ngành Mầm non. Đây là môi trường thực hành, rèn luyện và cũng là cơ hội để sinh viên bộc lộ rõ nhất khả năng ca hát của mình. Việc thực hành biểu diễn không chỉ giúp cho sinh viên nâng cao kỹ thuật ca hát, mà còn rèn luyện các kỹ năng biểu diễn, kỹ năng mềm... mang lại nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho công tác giảng dạy sau này. Sinh viên được tham gia trình diễn ở các hình thức: đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, nhóm... Để sinh viên có thể trình diễn với nhiều hình thức thể loại, cần phải đưa ra các chủ đề phong phú, các hình thức đa dạng để có được kết quả tốt nhất. Giảng viên nên cần phải xây dựng một chương trình học cụ thể, chi tiết cho việc thực hành trình diễn của sinh viên, lựa chọn tác phẩm, hình thức trình diễn phù hợp với từng cá nhân. Lựa chọn các bài hát phong phú về thể loại âm nhạc, về đặc trưng của vùng miền để tạo nên những môi trường đa dạng cho sinh viên trải nghiệm và rèn luyện.

Thứ tư là tăng cường, đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá nâng cao khả năng trình diễn của sinh viên

Việc tăng cường kiểm tra hình thức cá nhân, nhóm với các dạng, kiểu bài tập và yêu cầu đa dạng sẽ giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội rèn luyện, cảm nhận, thực hành, trình diễn, thể hiện khả năng hát của mình. Việc rèn luyện thường xuyên cũng hình thành được bản lĩnh vững vàng và tâm lý chủ động cho sinh viên, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ tự tin và trình bày diễn cảm các bài hát. Ngoài việc kiểm tra cá nhân, cũng cần tiến hành kiểm tra theo nhóm và các bài tập thực hành nhóm: giao các chủ đề giáo dục trong chương trình, yêu cầu sinh viên lựa chọn các bài hát ở các thể loại và luyện tập. Trong khi trình diễn một bài hát cụ thể, sinh viên phải trình bày được những yêu cầu cơ bản và chung nhất về kỹ thuật hát của các dạng, thể loại đó. Trong khi trình bày theo nhóm, giảng viên cũng cần đưa ra các yêu cầu để sinh viên có sự phân công, phối hợp nhiệm vụ của từng cá nhân với các thành viên còn lại. Quá trình trình bày theo nhóm, các sinh viên sẽ có cơ hội được lắng nghe và học hỏi từ các bạn, tự điều chỉnh cho phù hợp và hài hòa về giọng hát và phong cách trình diễn. Như vậy, rõ ràng quá trình luyện tập và trình diễn các bài tập cá nhân và nhóm sẽ là môi trường trải nghiệm, học tập trực quan và hiệu quả rất cao cho sinh viên, bởi, muốn hát được tốt cần phải được lắng nghe để có sự cảm nhận sâu sắc về hình tượng và lời ca của bài hát.

Thứ năm là hoạt động ngoại khóa, giao lưu biểu diễn

Chương trình ngoại khóa là một mảng không thể thiếu trong nội dung chương trình đào tạo đối với tất cả các môn học, ngành học. Đối với sinh viên CĐSP Mầm non, các chương trình ngoại khóa không chỉ có tác dụng bổ sung, củng cố thêm những kiến thức âm nhạc mà chương trình chính khóa chưa đáp ứng đủ, mà còn có tác dụng giáo dục thẩm mĩ âm nhạc một cách hiệu quả. Do đó, người xây dựng các kịch bản tổ chức các chương trình ngoại khóa âm nhạc cần dàn dựng các tiết mục đa dạng và phong phú để tạo môi trường, cơ hội cao nhất cho sinh viên thực hành các kỹ năng ca hát đã được học. Củng cố các kỹ năng chưa được thuần thục thông qua việc luyện tập và trình diễn sẽ giảm áp lực và sự căng thẳng về mặt tâm lý cho người học.

Với những nhóm giải pháp cụ thể đã đề cập trên đây, tác giả rmong muốn bổ sung cho việc dạy và học phân môn Hát cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm trường CĐSP Thái Bình những kiến thức, kỹ năng phù hợp với thực tiễn dạy và học ở trường mầm non. Như vậy, hoạt động đào tạo ngành Sư phạm nói chung và ngành Sư phạm Mầm non nói riêng tại trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình mới ngày một tiến bộ và có được những kết quả tốt.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ GDMN, Trung tâm nghiên cứu GDMN (2001), Hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

2.          Hoàng Công Dụng (2010), Giáo trình Âm nhạc và múa hệ cao đẳng Sư phạm Mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3.          Phạm Thị Hòa (2010), Giáo trình tổ chức hoạt động Âm nhạc cho trẻ Mầm non - hệ cao đẳng Sư phạm Mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4.          Trung kiên (1982), Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

5.          Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Bộ Văn hóa - Thông tin, Nhạc viện Hà Nội, Viện Âm nhạc Hà Nội.

6.          Ngô Thị Nam (1993 cộng tác cùng Trần Minh Trí - Trần Nguyên Hoàn), Âm nhạc và phương pháp giáo dục Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.          Ngô Thị Nam và cộng sự (1994), Âm nhạc và phương pháp giáo dục Âm nhạc tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8.          Ngô Thị Nam (2008), Phương pháp dạy học Âm nhạc cho trẻ trước tuổi học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.