Nội san

Ứng dụng một số kỹ thuật Thanh nhạc vào dạy bài hát mang âm hưởng Then cho Sinh viên Sư phạm Âm nhạc trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

02 Tháng Tám 2015

                                                                        Phạm Minh Thùy

 

                                       

Hát then là đặc sản văn hóa dân gian vùng núi trung du phía Bắc nước ta. Trải qua thời gian, điệu hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con nơi đây. Ở mỗi vùng, làn điệu Then lại có những nét độc đáo riêng. Then Lạng Sơn dìu dặt tha thiết, Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì...

 Thanh nhạc là môn học nhất thiết phải có trong chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc cho các trường phổ thông. Nội dung chương trình giáo trình giảng dạy cũng cần phải đổi mới cho phù hợp với đối tượng sinh viên từng vùng miền khác nhau. Một thực tế cho thấy, trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên có số lượng sinh viên là dân tộc thiểu số khá nhiều, nên trong quá trình đào tạo cũng cần quan tâm đến tính đặc thù của địa phương.

            Sinh viên của trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên đa phần là người dân tộc thiểu số, trong đó người dân tộc Tày chiếm đa số. Các em vốn đã mang đậm màu sắc của dân tộc mình từ ngôn ngữ, tiếng nói cùng với đó là cách nhận thức, cách quan niệm và phương thức hiện thực hóa ngôn ngữ trong các hoạt động. Vì thế, trong quá trình giảng dạy Thanh nhạc tại trường, tác giả nhận thấy cần phải có sự đổi mới về nội dung , phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu của sinh viên đồng thời phù hợp với đặc điểm của văn hóa vùng miền. Bên cạnh đó còn trang bị cho sinh viên những kỹ năng cơ bản về ca hát, giúp các em vững vàng về chuyên môn, sau khi tốt nghiệp ra trường về công tác tại địa phương nơi mình sinh sống.

            Với kinh nghiệm giảng dạy môn Thanh nhạc tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên trong những năm qua, tác giả ứng dụng một số kỹ thuật Thanh nhạc mang tính mẫu mực của các nhà Sư phạm Thanh nhạc có uy tín vào giảng dạy bài hát mang âm hưởng Then của người Tày cho sinh viên hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, đồng thời góp phần làm phong phú thêm cho chương trình, giáo trình môn Thanh nhạc của nhà trường. Để ứng dụng kỹ thuật Thanh nhạc hiện đại vào những bài hát mang âm hưởng Then, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu đôi nét về đặc điểm dân ca Tày và những bài hát mang âm hưởng Then của người Tày.

Then là một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, ở các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Then được lưu giữ, phát triển thành một không gian văn hóa hát Then của các tộc người trong quá khứ và hiện tại, Then góp phần mang dấu ấn nền văn minh nhân loại.

Hát then là đặc sản văn hóa dân gian vùng núi trung du phía Bắc nước ta. Trải qua thời gian, điệu hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con nơi đây. Nhưng để điệu hát Then phát triển đến ngày hôm nay, một phần lớn nhờ công của những người đã gìn giữ, thổi hồn vào điệu hát Then độc đáo này. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn…Đồng bào Tày quan niệm, những điệu Then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời. Trải qua nhiều năm, một số đồng bào người dân tộc ở phía Bắc đã di cư đến phía Nam sinh sống và mang theo loại hình này vì vậy hiện nay ở một số tỉnh phía nam cũng thấy xuất hiện nghệ thuật hát Then.

Vốn không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, hát Then còn là một hình thức tín ngưỡng lâu đời của đồng bào dân tộc Tày. Chính vì hát Then gắn với tín ngưỡng của đồng bào dân tộc nên loại hình nghệ thuật này được lưu giữ và truyền lại cho biết bao thế hệ. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, cũng như nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác, hát Then đang đứng trước nguy cơ mai một trong xã hội phát triển [3, Tr. 34 - 50].

Người H’Mông chiếm phần đông trong số dân tộc miền núi làm ăn sinh sống trên vùng núi cao, nhà trình tường của người Mông rất độc đáo, gồm có ba gian được sắp xếp như sau: Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ, gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách, gian giữa là gian rộng nhất để thờ tổ tiên đồng thời cũng là nơi tiếp khách ăn uống của gia đình. Bản sắc văn hóa của người H’Mông là họa tiết trên váy áo rực rỡ, mùa xuân ấm áp các chàng trai, cô gái H’Mông tìm đến những đất trống, những khoảng không rộng dưới chân núi để chơi hội và hát những bài hát Then của dân tộc mình [2, Tr.78,86].

 

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn hát Then (Nguồn: st)

 

            Hát Then là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm văn học, âm nhạc, hội họa, múa, trò diễn… có từ lâu đời, được quần chúng yêu thích. Then giữ một vị trí quan trọng trong di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai dân tộc Tày, Nùng, làm nên nét chủ đạo của bản sắc văn hóa vùng Việt Bắc và một số địa phương khác. Đặc điểm của hát Then khác với các thể loại bài hát khác ở chỗ hát Then thường có đàn Tính và qủa sóc nhạc đệm theo. Mặt khác nghệ thuật hát Then còn mang tính bản địa sâu sắc, nó được thể hiện qua các làn điệu, tính chất âm nhạc và ca từ. Vì thế Then của Lạng Sơn khác với Then của Cao Bằng, Bắc Kạn và Tuyên Quang, chúng ta thấy kỹ thuật hát có sự khác nhau. Ngoài ra hát Then phải biết chơi đàn Tính kết hợp với chùm sóc nhạc. Đối với Then Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên thường dùng quả chùm sóc nhạc hình tròn, còn Then Lạng Sơn dùng dải dây như dây cương của con ngựa.

            Hát Then hoàn toàn dùng kỹ thuật hát dân ca. Đối với giọng nữ dùng giọng giả thanh, khi hát các nốt lên cao không mở to khẩu hình mà khống chế hơi thở để đưa âm thanh ra một cách nhẹ nhàng. Cách phát âm nhả chữ giống như kỹ thuật hát dân ca.

Hát Sli là một làn điệu dân ca đặc trưng của người Nùng. Sli có nghĩa là thơ, là những bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt hay thất ngôn trường thiên có độ dài ngắn khác nhau, các chữ cuối của câu chẵn hợp vần với chữ cuối của câu đầu, giai điệu chậm, nhẹ nhàng, mượt mà, đậm chất trữ tình, đem lại cảm giác dịu dàng, mát mẻ cho người nghe [1. Tr.45].

Nói đến văn hóa Tày, còn phải nói đến hát Lượn - loại hình dân ca trữ tình của người Tày. Lượn đã và đang tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Tày nói riêng và nhân dân các dân tộc vùng Đông Bắc nói chung. Theo sử sách và truyền khẩu của các nghệ nhân, Lượn được sáng tác theo kiểu truyền khẩu là chính, trong bối cảnh đời sống kinh tế chậm phát triển, vật chất thiếu thốn, chủ yếu là tự cung tự cấp, sản xuất nông nghiệp trông chờ vào thiên nhiên. Lượn ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của cộng đồng.

Lượn là một bộ phận thuộc loại hình nghệ thuật dân ca sinh hoạt của người Tày. Lượn có nhiều tiểu loại, ngoài hai loại cơ bản là Lượn cọi và Lượn slương, người Tày còn có Lượn Then, Lượn nàng Hai, Lượn khắp,… Trong cái nhìn đối sánh với dân tộc Kinh, Lượn là lối hát giao duyên có thể tương tự như lối hát quan họ ở Bắc Ninh, loại dân ca này có giai điệu vang xa tha thiết, lay động lòng người, gợi cảm giác bâng khuâng, thương nhớ.

Người Tày coi Lượn như một nhu cầu tinh thần không thể nào thiếu được. Khắp mọi lũy tre làng của người Tày, Nùng không mấy khi vắng tiếng Sli, giọng Lượn. Chỉ trừ giấc ngủ và bữa ăn của họ - Sli, lượn vang lên từ trong mọi nhà, ra khắp bản mường…ngoài đồng, ngoài rẫy, ngoài chợ, ngoài đường. Không chỉ thanh niên mà cả người già cũng thích nghe Sli, Lượn”…

Về hình thức sinh hoạt diễn xướng, đặc trưng của Lượn là đối đáp, đối ca và nối tiếp ca. Đối đáp là một trong những hình thức sinh hoạt phổ biến của lượn. Hiểu một cách đơn giản nhất đối đáp là một bên đối và một bên đáp trả lại. Một bên thường là khách bao giờ cũng ca ngợi hết những thứ, những vật của bên chủ. Bên chủ sẽ đáp lại bằng những lời lẽ khiêm tốn, lịch sự, không dám nhận lời khen của khách. Xét về hình thức, lối hát này không có những khác biệt lắm so với những cuộc hát ví, hát phường vải, phường cấy của người Kinh.

Bên cạnh đối đáp là đối ca. Đối ca phổ biến ở Lượn slương sau nữa là Lượn then. Ở Lượn slương thường là tập thể bên nam bên nữ, mỗi bên có khi có đến hai chục người hoặc hơn nữa. Nam, nữ ngồi thành hai hàng theo chiều dài của gian nhà sàn quay mặt vào nhau. Sau những lời mời lịch sự của chủ nhà, lời tuyên bố lý do của bên chủ và vài nghi thức đơn giản khác, hai bên nam nữ bắt đầu đối ca. Đối ca có thể đối về đề tài Lượn, đối về nội dung của bài Lượn hoặc chỉ đối có tính chất hình thức, đối hoa, đối mùa, tháng,… có khi thay nhau Lượn những khổ lượn khác nhau.

Nối tiếp ca là một hình thức nữa của sinh hoạt diễn xướng Lượn. Có hai loại nối tiếp ca. Thứ nhất là nối tiếp ca theo đúng nghĩa đen của thuật ngữ này. Nghĩa là bên nam, bên nữ lần lượt thay nhau hát lên những bài Lượn về một đề tài nào đó. Có những câu chuyện chia làm nhiều đoạn nhỏ, mỗi bên lần lượt hát lên từng đoạn như nối tiếp nhau cho đến hết câu chuyện.

Loại nối tiếp ca thứ hai là hai bên cùng hát tiếp nối chắp nối các đường lượn với nhau, các đường lượn ấy thì rất nhiều tuỳ theo từng cặp, những tốp ca thuộc nhiều hay ít.

Có thể nói Lượn đã trở thành một thực thể trong đời sống tinh thần, một thành phần có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu bộc lộ tình cảm của những người dân Tày yêu thích ca hát. Thông qua Lượn mà tiếng hát, lời ca ngân lên mọi lúc, mọi nơi, trong bản ngoài mường, trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần người Tày. Nét đẹp văn hoá của đồng bào Tày qua hát Lượn cần được giữ gìn, lưu truyền và phát triển để không bị mai một theo thời gian [3, Tr. 56-70].

Trong phong trào sáng tác ca khúc mới hiện nay, không ít những nhạc sĩ đã vận dụng chất liệu dân ca để gửi vào đó những âm hưởng vừa mang tính hiện đại đồng thời vẫn giữ được những nét tinh hoa của âm nhạc truyền thống dân tộc, đó là những ca khúc mang âm hưởng dân ca.  

Then là loại hình nghệ thuật hát đặc trưng của người Tày với làn điệu Then, Phong Slư, Lượn Slương, Lượn hai, Lượn quan làng... thường mang màu sắc trữ tình đầm ấm, nhẹ nhàng; những cuộc Then mang tính chất tín ngưỡng của người Tày đã thực sự là những sinh hoạt âm nhạc dân gian độc đáo góp vào kho tàng nghệ thuật âm nhạc dân gian của dân tộc.

Những ca khúc mang âm hưởng dân gian Then là những ca khúc mới do một số nhạc sĩ sáng tác dựa trên chất liệu dân ca Việt Bắc về giai điệu, ca từ, hình ảnh, lối so sánh ví von và thang âm điệu thức... Qua đó, người nhạc sĩ đưa vào ca khúc của mình một vẻ đẹp, sự độc đáo, phong phú của những bài hát Then trên nhiều phương diện. Những ca khúc này giúp người nghe hình dung được đời sống vật chất và tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng, văn hóa và nghệ thuật của người Tày; cảm nhận được bản sắc của âm nhạc dân gian vùng Việt bắc trên giai điệu âm nhạc hiện đai.  

Từ những vấn đề nêu trên, việc ứng dụng một số kỹ thuật thanh nhạc vào giảng dạy bài hát mang âm hưởng Then của người Tày cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên là việc làm mang tính khả thi cao. Vừa đảm bảo được yêu cầu môn học, vừa đáp ứng được sự đòi hỏi đổi mới chương trình giáo trình thanh nhạc sao cho phù hợp với tính đặc thù của vùng miền. 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Phạm Phúc Minh (1994) Tìm hiểu dân ca Việt nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

2.        Nhiều tác giả (2012), Mông Ký  Slay - Báo cáo chuyên đề âm nhạc dân gian.

3.        Hoàng Anh Thái, Hồ Ngọc Dung, Thông báo khoa học số 35, Điền dã sưu tầm âm nhạc dân gian dân tộc Nùng, Tày, Sán Chay tỉnh Lạng Sơn.