Nội san

Xây dựng bài tập luyện một số kĩ năng thể hiện bài hát vui hoạt cho học sinh trường THCS An Khánh - Hoài Đức - Hà Nội

09 Tháng Chín 2015

                    Nguyễn Thị Thu Thủy

 

Rèn luyện kĩ năng ca hát cho học sinh là cả một quá trình dạy học, yêu cầu tính liên tục và kéo dài trong suốt năm học, bậc học. Để thể hiện tốt một bài hát vui hoạt theo đúng các yêu cầu diễn tả về sắc thái, nhịp độ... thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là các kĩ năng xử lí giọng hát, cách hát. Bài viết này sẽ giới thiệu một số kĩ năng đó dựa trên nguyên tắc tiếp cận, bám sát những yêu cấu về kĩ năng trong bài hát theo thủ pháp mô phỏng hoặc giữ nguyên nét giai điệu.

1. Hát ngắt tiếng và bài tập rèn luyện cho học sinh

            Hát ngắt tiếng thường sử dụng trong những câu hát kết thúc bằng dấu lặng. Kĩ năng hát ngắt tiếng đòi hỏi phải ngắt, nghỉ âm thanh phù hợp với trường độ quy định một cách nhẹ nhàng, tự nhiên: Khi hát cần buông lỏng hàm dưới, khẩu hình mở, âm thanh nhẹ nhàng, hát gọn tiếng, linh hoạt, với âm lượng vừa phải, không nên hát quá to.

Các mẫu luyện thanh cơ bản được thực hiện trước khi bước vào quá trình học hát.

Mẫu luyện 1:

Mẫu luyện 2:

Tập mẫu luyện 1: Các âm hát ngắt tiếng cần buông lỏng cằm dưới, môi dưới linh hoạt khi hát các âm “mi”. Ngắt hơi sau mỗi dấu lặng. Hát với âm thanh chắc, gọn, sáng. Với mẫu trên học sinh cần luyện từ thấp tới cao trong phạm vi quãng tám 1, mỗi lần lên nửa cung.

Tập mẫu luyện 2: Ở ô nhịp thứ nhất và thứ hai cần hát liền tiếng sau khi phát âm “mi” và ngắt gọn khi đến dấu lặng đơn. Hai ô nhịp ba và bốn, phát âm “a”, hát liền tiếng và ngắt gọn sau phách mạnh ở đầu nhịp thứ 4.

2. Hát nhanh và bài tập rèn luyện cho học sinh

Kĩ năng hát nhanh đòi hỏi lấy hơi phải nhanh, ngắt hơi chính xác theo quy định trong bài hát. Hơi thở hít vào vừa phải, không được lấy quá nhiều hơi. Tư thế miệng, lưỡi để theo mẫu âm phát ra. Không căng cứng hoặc cố tình mở quá nhỏ hoặc miệng quá rộng” [5; tr.65, 66].

Đây là cách hát linh hoạt, rõ ràng, gọn gàng, sử dụng cho thể hiện những bài hát có nhịp độ nhanh. Cách hát này nhằm diễn tả tính chất vui tươi, sôi nổi, không khí rộn ràng, náo nức.

Khi hát nhanh, học sinh thường bị các lỗi: lệch nhịp phách; mất chữ, vấp tiếng; không luyến trở thành có luyến và ngược lại.

Nguyên tắc chung: Khi dạy học sinh hát nhanh, giáo viên nên tập cho học sinh vừa phải, sau đó hát nhanh dần. Giáo viên nhắc học sinh đứng thẳng, khẩu hình không mở quá to, hoặc quá nhỏ, hít hơi vừa phải, lấy hơi nhanh, hát chính xác các âm. Hát nhấn vào phách thứ nhất, các móc đơn tiếp theo hát nhẹ các nguyên âm a, i.

Mẫu luyện 3:

Mẫu luyện 4:

Tập mẫu luyện 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh hát liền tiếng âm “mi” ở ô nhịp 1 và 2, nhấn vào trọng âm ở đầu nhịp với âm “ma”. Đặt âm thanh nhẹ nhàng, khẩu hình mở vừa phải, hát lướt.

            Tập mẫu luyện 4: Có 3 lời. Giáo viên hướng dẫn học sinh; hát linh hoạt, âm thanh phát ra nhẹ nhàng. Âm “pi” cần bật môi, âm “va” khẩu hình mở vừa phải, âm “đa, ra” hàm dưới buông lỏng, đóng mở nhanh và nhẹ nhàng.

3. Hát nảy tiếng và bài tập rèn luyện cho học sinh

Hát nảy được sử dụng trong những bài hát có tính chất vui tươi, rộn ràng, linh hoạt, hoặc mô phỏng theo tiếng chim hót, tiếng cười.

Khi hát buông lỏng hàm dưới, môi trên hơi nhếch lên để hở hàm răng trên như khi cười. Càng lên cao miệng càng mở rộng. Hơi thở phải khống chế liên tục và đẩy ra nhẹ nhàng. Cố gắng giữ cho bụng tương đối ổn định mềm mại. Âm thanh phát ra phải gọn, linh hoạt, nhẹ nhàng, rõ từng âm một. Không được hét to, đẩy hơi ồ ạt” [5; tr.64].

Mẫu luyện 5:

   Mẫu luyện 6:

            Giáo viên hướng dẫn học sinh kĩ năng hát nảy tiếng, yêu cầu học sinh đứng thẳng, lấy hơi vừa đủ, nén hơi liên tục, miệng mở linh hoạt, hát bật thành tiếng, gọn gàng.

            Tập mẫu luyện 5: Yêu cầu học sinh lấy hơi vừa đủ, nén hơi liên tục, miệng mở linh hoạt, hát âm “la” bật thành tiếng, gọn gàng. Không hát quá to, âm thanh sẽ thô.

Tập mẫu luyện 6: Giáo viên dạy học sinh kĩ năng hát rõ và nảy tiếng với âm “pa”. Tư thế đứng thẳng, âm thanh sáng, gọn, bật môi một cách  linh hoạt, hàm dưới buông lỏng cho dễ hát.

4. Hát luyến và bài tập rèn luyện cho học sinh

 “Hát luyến là hát một tiếng hát nhưng phải uốn theo độ cao của nhiều nốt khác nhau trong phạm vi có dấu luyến” [4; tr.10]. Trong ca khúc phổ thông, các âm thuộc nhóm âm luyến thường có trường độ ngắn nhất là hình nốt móc kép. Khi hát luyến, người hát phải thể hiện đúng cao độ, trường độ của các âm luyến.

Khi hát luyến, hơi thở giữ đều, liên tục, phát âm rõ, sáng, tròn, mềm mại.

Mẫu luyện 7:  

Mẫu luyện 8:

Tập mẫu luyện 7 và 8: Yêu cầu học sinh đứng thẳng, hít thở nhẹ nhàng, hàm dưới thả lỏng và hát liền tiếng âm “mi, ma, nô, na”. Khi hát cần uốn theo độ cao của nốt nhạc. Bắt đầu cần tập hát chậm sau đó tăng dần nhịp độ cho đến đúng yêu cầu. 

5. Kĩ năng gõ đệm và bài tập rèn luyện cho học sinh

Gõ đệm theo nhịp: Gõ vào phách mạnh trong các ô nhịp, cách gõ đệm này rất thông dụng, thường sử dụng được trong tất cả các bài hát.

Gõ đệm theo phách: Gõ đều đặn vào các phách trong ô nhịp, chú ý gõ nhấn vào phách mạnh.

Gõ đệm theo tiết tấu bài hát: Gõ theo trường độ của từng nốt, nhấn vào phách mạnh

Sau khi thực hành tốt các kĩ năng gõ đệm theo nhịp, phách, tiết tấu, giáo viên phân chia lớp thành hai nhóm chính. Nhóm 1 gõ phách mạnh,  nhóm 2 gõ phách nhẹ, giáo viên đàn giai điệu bài hát. Tất cả kết hợp chơi thành một ban nhạc.

Tùy mức độ khó dễ các bài hát mà giáo viên ứng dụng linh hoạt các kiểu gõ đệm sao cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học, sáng tạo và gây hứng thú học tập cho học sinh.

6. Hát  rõ lời và bài tập rèn luyện cho học sinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh hát không rõ lời như: Đặc điểm giọng hát chưa phát triển kịp với lứa tuổi; Kĩ thuật hát nhanh chưa đạt; Phát âm sai do khuyết tật về giọng (ngọng, chớt...); Lỗi phát âm bị biến thể nguyên âm, sai phụ âm, sai thanh điệu do ảnh hưởng của giọng địa phương...

Sửa lỗi phụ âm l/n  

Trong quá trình dạy học hát, chúng tôi thực hiện sửa lỗi theo các bước sau: Giáo viên đọc riêng lẻ từng từ mà học sinh phát âm ở hai dạng; Phát âm đúng và phát âm sai.

Ví dụ 1: Trong bài Nổi trống lên các bạn ơi có những từ non, năm, nay, nổi, Việt Nam. Khi hát học sinh phát âm non - lon, năm - lăm, nay - lay, nổi - lổi, Việt Nam - Việt Lam.

Cách phát âm phụ âm n, học sinh nhìn khẩu hình của giáo viên và tập chậm như sau: để đầu lưỡi sát lợi của răng hàm trên, tạo ra tiếng thanh để luồng không khí đi qua mũi và sờ nhẹ lên cánh mũi để kiểm tra. Nếu thấy cánh mũi rung, thì bật lưỡi ra, hiệu quả phát âm là phụ âm n. Khi học sinh đã phát âm đúng từng từ riêng lẻ, giáo viên cho học sinh đọc ghép vào lời ca bài hát (đọc lời ca chuẩn xác, không có cao độ, không tiết tấu). Sau đó hát câu hát trọn ven.

Đối với phụ âm l, giáo viên thực hiện sửa như hướng dẫn học sinh phát âm n. Tuy nhiên, khẩu hình phát âm như sau: học sinh để đầu lưỡi sát với lợi răng cửa hàm trên tạo thành tiếng để luồng không khí ra qua khoang miệng bằng hai khe bên bóng má rồi bật lưỡi ra, hiệu quả phát âm là phụ âm l.

Sửa lỗi biến thể thanh điệu

Lỗi biến thể thanh điệu là lỗi phát âm sai về dấu thanh, làm thay đổi ngữ nghĩa.

Học sinh Hà Tây (cũ) ảnh hưởng của phương ngữ, những lỗi biến thể thanh điệu rất khó nghe, khó sửa. Học sinh đọc thành về rồi - vê rối, vườn - vươn, làm - lam, đi về - đi vế, gà - ga, phiền hà - phiên ha, quà - qua, hòa - hoa… Một số từ có dấu sắc nhưng khi nói thành dấu hỏi, dấu huyền thành không dấu, không dấu thành dấu huyền như máy bay - máy bảy, bầm ơi - bấm ời.

Dưới đây là một số phương pháp để rèn luyện cho học sinh phát âm chuẩn xác về thanh điệu:

Xác định được 6 thanh điệu (không, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng)

Lắng nghe giáo viên sửa và thực hiện lại

Luyện một số từ thông dụng có dấu huyền

Giáo viên có thể sử dụng biểu đồ để mô tả sự khác nhau của dấu thanh khi phát âm trong quá trình sửa sai. Ví dụ trong bài Lí cây đa như sau:

Hoặc mô tả hướng phát âm

Trong quá trình dạy hát, giáo viên kết hợp sửa sai cao độ và lỗi thanh điệu theo trình tự sau:

Xướng âm hai cao độ của hai từ “trèo”, “lên”

            Hát hai từ “trèo lên” ngay sau khi xướng âm và lặp lại nhiều lần theo trình tự: Xướng âm với tên nốt - Hát lời. Khi học sinh đã hát đúng cao độ, giáo viên yêu cầu học sinh đọc không cao độ.

Sửa lỗi biến thể nguyên âm o

Phát âm sai về biến thể nguyên âm là một lỗi của học sinh THCS An Khánh. Lỗi này thường gặp ở học sinh thôn Ngãi Cầu.

Ví dụ 2: trong - troong, vòng - voòng, cong - coong, nong - noong, bóng - boóng, học - hoọc.

Trong bài hát Ơi cuộc sống mến thương cón một số từ học sinh hát sai như (nghe trong - nghe troong, trong trái tim - troong trái tim).

Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc như sau: Miệng mở không rộng, lưỡi rụt về sau, môi tròn, hai má nhìn bên ngoài hơi phồng ra do hơi giữ lại bên trong, bật âm thanh thành tiếng trong rồi khép miệng ngay.

Ban đầu, giáo viên cho học sinh phát âm các luyện đọc theo thứ tự các từ tro, tron, trong lặp lại nhiều lần từ chậm đến nhanh dần.

Khi học sinh đã đọc chuẩn được từ “trong”, giáo viên cho các em đọc chậm cả câu/cụm từ: “lời hát tin yêu trong trái tim mọi người”, “ta đã nghe trong tim mình”. Sau đó, học sinh ghép với cao độ, tiết tấu để hát trọn vẹn câu hát.

Đây là kinh nghiệm chúng tôi đã thực hiện trong thực tế và đạt hiệu quả sửa lỗi rất tốt. Như vậy, để sửa lỗi phát âm cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên quan tâm, khuyến khích và hướng dẫn các em luyện tập hàng ngày.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Lê Văn Hồng (1997), Tâm lý học lứa tuổi, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.             Phạm Tú Hương (2001), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội.  

3.        Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, (chương trình đại học), Bộ văn hóa thông tin - Nhạc viện Hà Nội - Viện Âm nhạc Việt Nam.

4.        Đỗ Hải Lễ (2003), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa TW, Hà Nội.

5.        Hoàng Long chủ biên, Đặng Văn Bông, Trần Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Bùi Anh Tôn (2003), Âm nhạc và Phương pháp học Âm nhạc, Tài liệu Đào tạo giáo viên Tiểu học, Bộ GD - ĐT.

6.        Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.        Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8.        Ngô Thị Nam, Trần Minh Trí, Trần Nguyên Hoàn (1994), Âm nhạc và phương pháp giáo dục Âm nhạc tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9.        Ngô Thị Nam (2004), Hát 1, giáo trình CĐSP, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

10.      Nguyễn Thị Nhung (1991), Hình thức âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

11.      Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở trường Tiểu học và Trung học Cơ sở,  Nxb Đại học Sư phạm.