Nội san

Áp dụng kỹ thuật thanh nhạc vào giảng dạy các bài hát hành khúc cho sinh viên sư phạm Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây- Hà Nội

09 Tháng Chín 2015

                                                                                 Nguyễn Hữu Thắng

 

            Để hát tốt các bài hành khúc, người hát không chỉ luyện giọng cho hay mà còn phải thể hiện đúng tình cảm sắc thái của bài. Muốn vậy, người hát phải có hiểu biết nhất định về đặc điểm âm nhạc của ca khúc và thao tác cần thiết khi học hát một ca khúc là phải nghiên cứu tìm hiểu bài hát. Sinh viên âm nhạc thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (CĐSP) chỉ thường chú ý hát các bài hành khúc sao cho vang khỏe, dày dặn là được mà ít chú ý đến phân tích đặc điểm âm nhạc của bài hát.  Vì vậy cách xử lý tình cảm của bài còn thiếu độ sâu sắc, đôi khi chỗ lấy hơi cũng phân chia chưa hợp lý. Đây là một điểm cần đổi mới, nếu hiểu biết về tác phẩm, chắc chắn việc thể hiện sẽ sâu sắc, tinh tế hơn.

Trong tìm hiểu bài hành khúc, sinh viên cần nghiên cứu các vấn đề liên quan như tác giả, xuất xứ và nội dung tư tưởng của tác phẩm, lời ca và một số đặc điểm âm nhạc của bài như cấu trúc, giai điệu, tiết tấu… Áp dụng các kỹ thuật thanh nhạc vào dạy các bài hát hành khúc là rất quan trọng đối với sinh viên chuyên ngành Âm nhạc.

1. Tư thế trong ca hát

        Khi biểu diễn, hát có nhiều tư thế: đứng, ngồi; hát kết hợp đi lại, nhảy múa… Trong ca kịch, nhạc kịch, hát còn có những tư thế phức tạp như: nằm hát, cúi gập người hát…, tư thế hát của nhạc kịch phụ thuộc vào tình huống kịch. Tư thế ca hát là yếu tố được chú ý đầu tiên khi dạy học hát, nhằm giải quyết hai vấn đề: thuận lợi cho âm thanh và đẹp mắt, tư thế học hát phù hợp nhất là đứng thẳng. Thời gian đầu, có sinh viên vì quá căng thẳng hoặc quá tập trung nên khi học hát thường đứng căng cứng, lên gân, có em bị ngửa cổ mắt nhìn lên trần nhà hoặc có em cúi đầu nhìn xuống… Với những bài hành khúc, do tiết tấu của bài thường nhấn đều vào các phách nên một số sinh viên khi hát dùng đầu hoặc đùi và chân đánh nhịp theo phách tạo ra tư thế hát bị xấu. Giảng viên cần quan tâm đến tư thế của sinh viên, điều đó không chỉ có tác dụng đến phong cách biểu diễn sau này của các em mà quan trọng hơn, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở và chất lượng giọng hát. Khi đứng thẳng sẽ giúp người hát hít hơi sâu và điều tiết hơi tốt hơn. Tư thế hát cần đảm bảo những yếu tố sau: đứng thẳng lưng, hai tay thả lỏng tự nhiên, trọng tâm cơ thể dồn ở hai chân một cách thoải mái, chân rộng bằng vai; đầu ngay ngắn, nét mặt thoải mái, tươi tắn. Sinh viên nam có thể đứng mở rộng khoảng cách bàn chân để tạo dáng khỏe mạnh. Trong giờ dạy hát, thông thường giáo viên để sinh viên tập hát đứng một chỗ từ đầu đến cuối giờ học. Theo tôi, điều này vô tình đã tạo ra sự căng cứng không thoải mái. Không nhất thiết chỉ tập đứng nguyên một chỗ, có thể cho sinh viên vừa đi lại vừa hát như đi dạo, cần tập trước gương để thấy được tư thế của mình.

        Tư thế hát đúng, hợp lý sẽ giúp cho người hát có cảm giác thoải mái và sẽ dễ dàng tiếp thu và thực hiện tốt được các kỹ thuật thanh nhạc trong quá trình học tập.

2. Khẩu hình

           Nói tới khẩu hình là nói tới cách mở miệng trong ca hát, đó là hình dáng bên ngoài của miệng và sự kết hợp bên trong giữa môi, lưỡi, răng và khoang miệng. Cũng như tư thế, khẩu hình không chỉ là mục đích đạt đến thẩm mỹ đối với người hát mà quan trọng hơn, khẩu hình là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến độ vang của giọng hát, mở khẩu hình đúng thì giọng hát mới có thể đạt đến vang, sáng, tròn. Vì thế, khi dạy học hát, giảng viên cần phải quan tâm đến luyện tập khẩu hình cho sinh viên.

Có những người mở khẩu hình rất hẹp khiến âm thanh hát như rít qua kẽ răng, có người lại mở khẩu hình ngoài miệng quá to, hoạt động của môi bị chuyển động liên tục khiến âm thanh như bị nhai đồng thời về thẩm mỹ cũng không đẹp. Có nhiều quan niệm về mở khẩu hình: mở to, mở vừa phải, mở ngang, mở dọc… Dựa vào kinh nghiệm giảng dạy thanh nhạc của bản thân, tôi thấy rằng, khẩu hình đúng là khoang miệng được mở rộng phía trong, khẩu hình bên ngoài mở rộng một cách thoải mái, to vừa phải, đẹp mắt. Khi khoang miệng bên trong được mở rộng, thoáng sẽ tạo điều kiện cho âm thanh cộng hưởng ở các xoang và đi ra ngoài một cách dễ dàng. Muốn như thế, phải mở tựa như khi ngáp, lưỡi gà (còn gọi là hàm ếch mềm) được treo lên và cuống lưỡi hạ xuống mềm mại. Tuy vậy, đó chỉ là nguyên lý chung, còn thực ra, mở dọc hay ngang, to hay nhỏ còn tùy thuộc vào trường hợp cụ thể khi hát vì liên quan tới các nguyên âm i, e, u, a hay o…, liên quan tới loại giọng và tính chất âm nhạc của bài hát. Chẳng hạn như nữ thường mở khẩu hình rộng hơn nam; nữ trung, nữ trầm mở dọc và rộng hơn nữ cao trữ tình; bài hát vui nhộn, nhịp độ nhanh thì khẩu hình nhỏ mới linh hoạt và ngược lại bài hát chậm, hoành tráng thì khẩu hình cần mở to để âm thanh dày, đầy đặn… Làm sao để khẩu hình phải luôn luôn mềm mại, không ảnh hưởng đến nét mặt và cách nhả chữ hoặc chất lượng của âm thanh, luôn đảm bảo cho âm thanh tròn, vang, sáng và rõ lời.

3. Hơi thở

            Luyện tập hơi thở là một vấn đề rất quan trọng trong dạy học hát, đặc biệt là với hát chuyên nghiệp, là nền tảng không thể thiếu được trong việc luyện tập kỹ thuật thanh nhạc. Có những quan niệm cho rằng, cốt lõi của thanh nhạc là hơi thở, hơi thở tốt sẽ hát tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là muốn đề cao vai trò quan trọng của hơi thở, thực tế, hát tốt không chỉ cần có hơi thở mà còn do nhiều yếu tố bởi phát âm là một quá trình phối hợp giữa nhiều bộ phận của cơ quan phát âm.

Trong luyện tập hơi thở có kỹ thuật hít hơi và đẩy hơi. Hít hơi sâu, đầy đặn, âm thanh sẽ dễ đạt đến tròn đầy; hít hơi nông, âm thanh sẽ dễ bị mỏng, yếu, thiếu sức sống. Đẩy hơi đủ độ, âm thanh sẽ chính xác; đẩy hơi nhiều quá, âm thanh sẽ chênh cao lên; đẩy hơi không đủ, âm thanh sẽ bị “non”, bị thấp hơn độ cao cần thiết. Hít hơi và đẩy hơi là hai hoạt động trái chiều nhau nhưng thống nhất của một quá trình, chúng tác động qua lại lẫn nhau và ta không thể xem nhẹ một trong hai hoạt động đó. Kỹ thuật hơi thở còn liên quan đến việc khống chế và điều tiết hơi cho câu hát dài hay ngắn, mạnh hay nhẹ… để phù hợp với tình cảm của bài hát.

            Hít hơi và đẩy hơi cần phải như thế nào? Cách hít hơi vào và đẩy hơi ra trong luyện tập học hát không giống như thở thông thường. Thở thông thường thì thời gian thực hiện của hai quá trình hít vào và thở ra có thể tương đối bằng nhau nhưng với học hát thì hít vào cần nhanh còn thở ra thì phải chậm và từ từ. Thời gian đầu tập luyện, giáo viên cần thị phạm kết hợp với giải thích cho sinh viên hiểu, hướng dẫn cho sinh viên phương pháp hít hơi nhanh và sâu, bằng cả mồm và mũi, khi để tay lên vùng thắt lưng sẽ thấy bụng và hai bên sườn đều giãn nở ra.

 

Ảnh: Hội diễn văn nghệ sinh viên năm 2013 (Nguồn: st)

 

Sau khi hít hơi sâu, nín thở từ một đến hai giây, rồi thở ra thật chậm và đều cho đến khi hết hơi. Khi thở ra cảm thấy có tiếng xì nhẹ qua chân răng, tiếng xì càng lâu càng tốt. Khi hít hơi sâu, lồng ngực như một quả bóng được thổi căng, khi thở ra giống như quả bóng bị x́ì hơi bởi một lỗ châm kim, nghĩa là đẩy hơi ra rất chậm và đều. Muốn điều tiết giữ được hơi đẩy ra chậm thì phải nén được hơi. Việc luyện tập hơi thở phải thường xuyên, kiên trì và không được nôn nóng. Đặc biệt, không tập thở theo kiểu hôm nay thế này, ngày mai thế khác mà phải tìm ra một phương pháp tập ổn định.

4. Luyện tập một số kỹ thuật hát cơ bản

Một là, kỹ thuật legato

            Trong học hát, trước khi vào hát tác phẩm, người học phải được luyện các kỹ thuật thanh nhạc như legato, non legato, staccato… để giọng hát thông thoáng, đẹp hơn, sáng hơn, vị trí âm thanh, hơi thở tốt hơn so với không luyện và đặc biệt là để ứng dụng từng loại kỹ thuật hát vào bài cụ thể. Thực tế cho thấy, có người không luyện thanh thì không thể hát được tác phẩm, rất nhiều người không luyện thanh thì hiệu quả hát bị giảm đi. Điều đó nói lên luyện tập các kỹ thuật thanh nhạc để ứng dụng vào hát và luyện thanh trước khi hát quan trọng như thế nào.

Legato là kỹ thuật thường được luyện tập đầu tiên trong giờ học hát. Legato nghĩa là hát liền tiếng hay hát liền giọng, hát liền tiếng là kỹ thuật cơ bản của thanh nhạc. Có người cho rằng, kỹ thuật hát liền tiếng phù hợp với các bài có giai điệu trữ tình, êm ái, uyển chuyển nên khi luyện hát các bài hành khúc không cần quan tâm đến kỹ thuật này song chúng tôi cho rằng, dù hát thể loại nào (trữ tình, vui hoạt, kịch tính hay hành khúc…) đều cần phải luyện tập kỹ thuật hát liền tiếng để rèn luyện âm thanh cho đẹp, phát triển giọng hát. Đa số các bài hành khúc thường khí thế, hiệu triệu nên cần được hát một cách mạnh mẽ, nhiều khi phải nhấn và không liền tiếng, mềm mại như những bài trữ tình, để có âm thanh tròn, rõ, vang và đều vị trí thì người hát vẫn phải được luyện tập kỹ thuật hát liền tiếng bên cạnh các kỹ thuật khác. Ngoài ra, một số bài hành khúc được viết ở hình thức hai đoạn đơn hoặc lớn hơn hai đoạn đơn, trong đó có một đoạn tính chất trữ tình, mềm mại cần đến kỹ thuật hát legato. Đối với sinh viên hệ CĐSP Âm nhạc Trường CĐSP Hà Tây, hầu hết vào trường mới bắt đầu học môn Hát nên luyện tập các dạng kỹ thuật thanh nhạc như legato là hết sức cần thiết.

            Hát liền tiếng là cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn từ âm nọ sang âm kia, tạo nên những câu hát liên kết không ngắt quãng. Để đạt được liền tiếng thì tiếng hát phải thanh thoát, xâu chuỗi các âm thanh lên bổng xuống trầm, có sự liên kết với nhau, không bị ngắt quãng, ngân vang đều đặn, âm thanh phải tròn và mềm mại. Người hát phải hít hơi sâu, khống chế nén chặt hơi và đẩy ra từ từ. Các cơ quan phát âm, các xoang cộng minh và sự điều tiết hơi thở được phối hợp với nhau một cách khéo léo. Đặc biệt, vị trí âm thanh phải được ổn định, không bị bập bõm, thay đổi. Dĩ nhiên, để người hát đạt đến giữ âm thanh ở một vị trí ổn định thì phải có một quá trình, không phải ngay từ đầu đã đạt được điều này. Sinh viên mới học rất hay mắc phải tật âm thanh không giữ được ở một vị trí và không đạt được yêu cầu của hát liền giọng, vì thế giảng viên cần hướng dẫn sinh viên luôn chú trọng đến kỹ thuật hát liền giọng, kiên trì tập luyện không chỉ với bài hát mà thường xuyên tập với các mẫu luyện thanh.

Hai là, kỹ thuật hát non legato và marcato

            Non legato và marcato cũng là những kỹ thuật được sử dụng trong thanh nhạc. Hiện nay, có một số quan điểm cho rằng, hát non legato giống như marcato, nghĩa là hát nhấn và ngắt. Theo chúng tôi, non legato là hát không liền tiếng hay nói cách khác là hát rời tiếng. Trong bản nhạc, khi cần hát legato người ta thường viết các ký hiệu dấu vòng cung cho các nốt trong một nét nhạc luyến, còn với hát non legato thì không phải thêm ký hiệu nào cả. Trong kỹ thuật legato yêu cầu tiếng hát phải có sự liên kết, quyện miết vào nhau, không bị ngắt quãng, ngân vang đều đặn thì trong kỹ thuật non legato không đòi hỏi hát các âm quyện miết vào nhau, tiếng hát phải rời nhau một cách hợp lý.

Marcato nghĩa là hát nhấn tiếng, nhấn tiếng cũng là một kỹ thuật nhưng không được sử dụng nhiều như kỹ thuật hát liền tiếng. Khi hát marcato cần nhấn vào từng âm một cách rõ ràng, âm thanh không sắc, nhọn, dứt khoát; không hát hòa quyện, liền mạch như legato; hát hơi ngắt một chút ở cuối mỗi nốt nhạc nhưng không ngắt nhanh như staccato, trường độ của các nốt ngân dài hơn so với staccato.

Khi hát nhấn âm cần giữ chắc hơi ở bụng, sau đó bật nhẹ nhàng ra đầu môi một cách dứt khoát, nhấn và ngắt ở cuối nốt nhạc. Với những mẫu âm trên, cuối các nốt có nhấn hát tựa như có dấu lặng kép.

Ba là, kỹ thuật staccato

            Staccato là cách hát nảy âm, cũng là kỹ thuật rất quan trọng trong thanh nhạc, nhất là thanh nhạc chuyên nghiệp không thể thiếu kỹ thuật này.Khác hẳn với legato là hát các âm miết, quyện liền vào nhau thì staccato không những các âm tách rời nhau mà còn nảy, ngắt ra rất rõ nét, sau mỗi âm tựa như có các dấu lặng.         

Kỹ thuật staccato thường được vận dụng cho những bài rộn ràng, vui hoạt, nhí nhảnh hoặc dí dỏm. Cũng như legato, staccato là một kỹ thuật thanh nhạc cơ bản nhằm phát triển giọng hát như: mở rộng âm vực, luyện khẩu hình… Kỹ thuật staccato “làm cho thanh đới và bộ phận truyền âm dần dần hoạt động được linh hoạt, âm thanh bật nhẹ nhàng, gọn tiếng sẽ tạo ra thói quen bật âm thanh đúng khi hát liền giọng. Vì thế, kỹ thuật staccato  có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần được luyện hàng ngày, trong tất cả các giờ học hát cùng với kỹ thuật legato.

Bốn là, luyện hát to, nhỏ

Thể hiện sắc thái to/mạnh (forté), nhỏ/nhẹ (piano) là một phần không thể thiếu trong luyện kỹ thuật thanh nhạc.Thể hiện tốt sắc thái to, nhỏ góp phần rất lớn vào sự thành công của tác phẩm. Luyện hát to, nhỏ; hát to dần, nhỏ dần là những kỹ thuật khó, người mới học chưa thể luyện ngay kỹ thuật này. Nếu chưa nắm vững kỹ thuật, hát to thường bị thô, gằn cổ, âm thanh không mượt, không thanh thoát còn hát nhỏ lại bị mờ yếu.

Hát từ nhỏ tới to, không phải chỉ tăng cường âm lượng, mà điều quan trọng là làm sao khi thay đổi âm lượng, tính chất tiêu chuẩn của âm thanh được ổn định trong suốt độ dài của nốt nhạc, làm sao để âm thanh to dần đều, không đột ngột.Về hơi thở phải hít sâu, đẩy đều đặn, liên tục, khẩu hình mở rộng bên trong, nhấc cao hàm ếch và thả lỏng cằm.

Với kỹ thuật hát nhỏ dần còn khó hơn to dần, nhất là với những nốt cao của giai điệu. Cũng như hát to dần, hát nhỏ dần phải giữ âm thanh không bị thay đổi tính chất, vuốt nhỏ âm thanh mà không bị ngắt hay gãy khúc hoặc nhỏ đột ngột, nghĩa là phải nhỏ dần đều.  Miệng không nên khép lại mà giữ độ mở cần thiết ở phía trong để âm thanh không bị nghẹt… và âm thanh chuyển dần lên hốc mũi. Đầu tiên, có thể sử dụng với mẫu luyện thanh hát nhỏ đến to ở ngay trên một âm rồi sau đó luyện với nhiều âm

            Kỹ thuật hát to, nhỏ có thể được sử dụng trong khá nhiều bài hành khúc, tiêu biểu như Mỗi bước ta đi (Thuận Yến), Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung - Nguyễn Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung - Gia Dũng), Anh vẫn hành quân (Huy Du -Trần Hữu Thung)…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thụy Kha (2002), Hát mãi khúc quân hành, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

2. Nguyễn Thụy Kha (2001), Nắng Ba Đình, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

3. Nguyễn Thụy Kha (2003), Lá đỏ, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

4. Mai Khanh (1982), Sách học thanh nhạc, Vụ đào tạo – Bộ văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

5. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

6. Nguyễn Trung Kiên (2002), Giáo trình thanh nhạc hệ trung học 4 năm cho các giọng Cao, Trung, Trầm, Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

7. Nguyễn Trung Kiên (2007), Giáo trình chuyên ngành thanh nhạc bậc đại học cho các giọng Tenor, Soprano, Bariton, Bass, Bộ VHTT & DL, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

8. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp giảng dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.

9. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

10. Vũ Tự Lân (2009), Âm nhạc Việt Nam - Tác giả - Tác phẩm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

11. Ngô Thị Nam (2004), Hát phần năm thứ nhất (Giáo trình Cao đẳng Sư phạm), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

12. Ngô Thị Nam (2007), Giáo trình Hát tập II (Sách dành cho trường Cao đẳng Sư phạm), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.