Nội san

Vai trò của hát Then đối với thế hệ trẻ ngày nay

09 Tháng Chín 2015

                                                                                              Bùi Quang Cảnh

 

Đất nước ta, dân tộc ta tồn tại và phát triển như ngày hôm nay là nhờ sức mạnh dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nói đến những tinh hoa, những giá trị bền vững được hun đúc, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giá trị, tinh hoa ấy đã tạo nên nét đặc sắc riêng của người Việt Nam. Đặc biệt văn hóa truyền thống Việt Nam hướng dẫn và cổ vũ một lối sống hòa hợp, hài hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó thì vai trò của âm nhạc không thể thiếu trong đời sống, là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện hình tượng nghệ thuật nhằm phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, trình độ phát triển đời sống cộng đồng xã hội, cùng những nét riêng trong đời sống tinh thần của người nghệ sĩ.

Việt Nam chúng ta vốn có nền âm nhạc truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo và đa dạng với các loại hình nghệ thuật như: nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca Trù, Hát Xoan… được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài những loại hình nghệ thuật đó Việt Nam còn có loại hình âm nhạc như hát Then cũng vô cùng quý giá và đặc sắc. Ngày 8 tháng giêng năm 2013 nhà nước đã công nhận “Nghi lễ Then cuả người Tày” ở huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang là di sản văn hóa cấp Quốc Gia. Nghi lễ Then là di sản văn hóa độc đáo, phản ánh tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Tày. Nghi lễ Then còn là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tổng hợp gồm văn học, hội họa, múa, âm nhạc. Then cũng là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa… Thế nhưng, những thể loại âm nhạc truyền thống đó của dân tộc vẫn rất ít người biết đến. Trong thời đại giao lưu và hội nhập ngày nay, nền âm nhạc dân tộc nước nhà đang dần bị mai một, lãng quên và mất dần chỗ đứng vì sự du nhập của các trào lưu thịnh nhạc ngoại… đã làm giới trẻ rất thờ ơ quay lưng lại với cả một kho tàng âm nhạc quý giá của Quốc gia. Trong khi đó chính giới trẻ phải là những thế hệ để tiếp nối cha ông trong việc tiếp nhận, gìn giữ và phát huy nền âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Gánh nặng đó phải được đặt trên đôi vai của lớp trẻ để góp phần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

1. Then thể hiện niềm tin thiêng liêng vào thế giới thần linh

Thế giới tâm linh của người Tày, người Nùng là thể giới đa thần, nó phản ánh sự giao lưu hội nhập giữa yếu tố tôn giáo tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng du nhập. Trước hết Then là sự sinh động hoá quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày, Nùng. Thông qua nhãn quan của những người làm nghề Then, thế giới ba tầng hiện lên rất rành mạch bao gồm cõi trời, cõi đẩt và cõi nhân gian mà ở đó với tư cách là người thông quan được với thần linh, người làm Then đã đi lại được một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác. Thông qua thầy Then, cõi trời được cụ thể hoá, hiện thực hoá như là một hình ảnh lý tưởng của nhân gian. Hay nói cách khác, Then đã nhân hoá cõi trời, ngoài cung phủ nguy nga tráng lệ ra, cõi trời của Then cũng rất gần gũi vói đời thường: có rừng rú, biển cả, có ruộng vườn, chợ búa, v.v,., Điều đỏ phàn ánh sự nhận thức một cách hồn nhiên thô mộc trong thế giới quan của người Tày, Nùng.

Ngoài ra, Then còn là sự cụ thể hoá quan niệm hồn linh giáo trong tín ngưỡng dân gian bản địa của người Tày, người Nùng. Từ niềm tin dân gian, quả trứng và chim én đã trờ thành công cụ và biểu tượng nghề nghiệp của Then. Tất cả các vi thần trong quan niệm dân gian khi vào trong Then đều đã được hình tượng hoá như những nhân vật có thật. Ngoài tổ tiên, tổ sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong Then đều có những dáng vẻ riêng, nhiều vị được hiện lên qua phương thức nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc của Pụt như Thổ công, Táo cõng, các tướng nghề... Cũng như vậy, khái niệm hồn vía cũng được cụ thể hoá trong Then. Trong những bài cúng cầu yên hoặc cúng giải hạn chữa bệnh, hồn vía được Then hình dung như là một sinh linh mềm yếu, rất dễ bị cám dồ, rất dễ bị tổn thương, muốn đưa hồn, vía về nhà thì phải vồ về, dỗ đành đôi khi phải dọa dẫm, đe nẹt. Một số vị thần như Mẹ Hoa đã được biểu tượng hóa trong Then qua sự khắc họa tính cách nhân vật rất gần gũi với đời thực.

Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản trong tín ngưỡng của người Tày được thể hiện khá rõ trong Then cấp sắc. Các nghi lễ chính do thầy Then (hoặcTào) chủ trì đều được thực hiện trước bàn thờ tổ tiên từ mở đầu cho đến kết thúc với các thủ tục như trình báo tổ tiến, dâng lễ tổ tiên, tạ ơn tổ tiên.

Thế giới tâm linh của người Tày, Nùng còn được thể hiện qua những lễ vật mang tính tượng trưng hồn nhiên, mộc mạc trong Then, số mệnh con người được hình dung như một cải cầu, muốn trường thọ khoẻ mạnh thì phải sửa sang lại cầu cho chắc chắn. Tuổi thọ và sức khỏe của người già được gắn với bồ gạo, muốn người già sống lâu thì phải bù cho bồ gạo đầy thêm. Các lễ vật trong Then đều ít nhiều được biến hóa theo trí tưởng tượng của họ: Quả bí xanh hình dung là con lợn, hoa chuối rừng là con gà trống; chiếc thuyền bẹ chuối là tượng trưng cho đoàn thuyền loan phượng; tảng bột nặn, thậm chí là một chiếc bánh chưng bọc giấy màu cũng được hình dung là quả núi núi thiêng của thần phật trên trời. Thậm chí, binh mã một lực lượng khá điển hình lại được tượng trưng qua gạo (như hiện tượng chia gạo tượng trưng cho việc phân binh mã trong lễ cấp Sắc).

  

 

Ảnh: Biểu diễn đàn tính hát Then tại Lễ Hội Lồng Tồng ở Tây Nguyên (Nguồn: st)

 

Nói tóm lại, Then được hiện thực hóa thế giới tâm linh của đồng bào Tày, Nùng. Chính vì vậy mà Then đã trở nên gần gũi, gắn bó với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân qua nhiêu thê hệ.. Có thể nói rằng niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, các thần, ma chính là cái cốt lõi làm nên Then và nghi lễ. Người Tày, Nùng tin rằng để ngô, lúa đầy bồ là do mưa thuận gió hòa, người ốm yểu trở nên mạnh khỏe... đó là sự giúp đỡ đắc lực của thần linh, của các ma.

Đối với người Tày, Nùng thế giới thần linh thật linh thiêng và huyền bí chứa đựng đầy uy lực mà con người không thể làm được. Trong niềm tin của người Tày có thổ thần bảo vệ cuộc sống yên lành cho con người, cây cối, chim muông... Niềm tin này dần hình thành một tư duy tín ngưỡng thờ cúng tố tiên, tổ chức các nghi lễ Then gắn với vòng đời người.

2. Then chứa đựng mơ ước khát vọng về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc

Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian nên trước hết Then là sự phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân qua nhiều thế hệ. Đó là những mong muốn rất bình dị của người nông dân: có thóc gạo trâu bò gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hòa thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành. Đối với những người làm nghề cúng bái thì được dân làng tín nhiệm, mang lại vẻ vang cho dân tộc. Những lời ước nguyện này được thể hiện qua lời cầu khẩn nội dung từng nghi lễ cụ thể. Ví dụ như lễ kỳ an đầu năm, lễ chúc thọ cha me, các lẩu Then... Hoạt động nghi lễ đã minh chứng, việc các thần các ma đem phước lộc, sắc đẹp để con người mãi mãi khoe mạnh xinh tươi, tư tưởng này bao trùm và hòa trồn vào lời Then khó có thể tách rời. Trước bàn thờ, các thầy Then một lòng thành  kính cầu mong các vị thần linh ban cho mọi người cuộc sống no đủ hạnh phúc. Đó là ước mơ chung của mọi người, nó thể hiện trên gương mặt vui vẻ, rạng rỡ của những người phụ nữ và trên gương mặt rắn rỏi, nghị lực của những người đàn ông.

            Trong Then kể về những tai ương do những kẻ thù bốn chân và kẻ thù hai chân đè nặng lên đôi vai của đồng bào Tày, Nùng xưa kia chính là khát vọng ấm no hạnh phúc. Then qua lời than thân của những con vật như oán nhứ trách thay cho thân phận của người dân trong hoàn cảnh cùng cực, bế tắc của cuộc sống. Những lời than thân như phần nào thể hiện nỗi đau khổ của những con người yếu đuối  trong xã hội và tự nó đã vang lên những lời tố cáo phê phán sâu sắc. Cái đáy sâu thẳm chứa đựng những nỗi cay cực của đông bào Tày, Nùng xưa kia. Then phản ánh được khát vọng mong mỏi của người dân về cuộc sống không có nô lệ, không có nghèo đói, không có nỗi đau khổ đè lên đôi vai người dân đồng bào Tày, Nùng.

3. Then đề cao giá trị con người

Then có nhiều nội dung phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người. Thông qua nghệ thuật ngôn từ Then đã khắc họa nên những hình tượng nhân vật tương phản: trai đần – trai giỏi; gà lười – gà chăm với những ý nghĩa răn đe dạy dỗ người đời. để khuyên dạy con cái có hiếu thảo với cha mẹ, Then ca ngợi tình mẫu tử.

Bên cạnh hiện thực hóa đời sống khổ cực của người dân trong xã hội có giai cấp, Then cũng tỏ rõ thái độ phê phán và ý thức phản kháng của người dân đối với kẻ cầm quyền. Then châm biếm những kẻ quan lại “ ăn trên ngồi trốc”, ngồi mát đánh bát đầy với những thói xấu ham chơi, mê gái đẹp, tham lam vô độ… Qua đó Then ca ngợi phẩm chấ cao quý của người lao động, trọng việc nghĩa, giữ chữ tín, thủy chung như một… Cũng qua Then đã lột tả được bộ mặt thật của những tên tham quan vô lại, ăn của đút lót, dối trên lừa dưới ở chốn quan trường.

Như vậy xét về mặt nội dung, Then chuyển tải trong nó những thông điệp của một thời quá khứ. Ngày nay nhiều vấn đề trong Then không còn được phù hợp với đời sống hiện đại nhưng những giá trị nhân bản trong giáo dục đạo đức thì mãi mãi có giá trị.

Nhận thức được giá trị văn hóa vô cùng to lớn của hát Then trong đời sống người Việt nói chung và thế hệ trẻ nói riêng, Các sở ban ngành, các cơ quan hữu quan đã chung tay góp sức mình để bảo tồn, phát huy và gìn giữ hát Then cho thế hệ mai sau. Để hát Then có thể hòa chung với các thể loại âm nhạc dân gian khác tạo nên tính đồng nhất, đồng tâm phát triển, góp phần giáo dục thế hệ trẻ ngày nay có cái nhìn sắc hơn, đúng mực hơn về hát Then…một thể loại nhạc mang đậm yếu tố tín ngưỡng trong cộng đồng.

 

 

  

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Linh Thị Hảo (2011), Nghiên cứu cách đệm Tính trong Hát Then của người Tày ở Cao Bằng, Khóa luận tốt nghiệp ngành Đại học Sư phạm Âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

2.     Nguyễn Thị Hằng (2011), Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Tỉnh, Lạng Sơn.

3.     Nguyễn Thị Hoa (2004), Nghi lễ Then giải hạn (hắt khoăn) của người Tày,  Hội văn học nghệ thuật Lạng Sơn, Lạng Sơn.

4.     Phạm Lê Hòa (2004), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5.    Vi Hồng (1993), Khảm hải, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

6.     Phạm Tú Hương, Đỗ Xuân Tùng, Nguyễn Trọng Ánh (2005), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

7.     Dương Thị Lâm (2002), Nghệ thuật Then của người Tày ở Lạng Sơn, Luận văn thạc sỹ khoa học VH, Hà Nội.

8.     Nguyễn Thị Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

9.     Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1986), Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

10.   Hoàng Lương (1981), Một số nghi lễ cầu mùa của các dân tộc ít người ở miền Bắc nước ta, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

11.   Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo (1984), Từ điển Việt - Tày, Nùng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

12.     Huyền Nga (2012), Cấu trúc dân ca người Việt, Nxb Lao động, Hà Nội.

13.   Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc Hà Nội, Hà Nội.

14.   Nhiều tác giả (1987), Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

15.   Nhiều tác giả (2006), Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Then, Nxb Văn hóa thông tin, Hà nội.

16.   Nhiều tác giả (1993), Văn hóa truyền thống Tày, Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

17.   Nhiều tác giả (1994), Giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

18.   Nông Thị Nhình (2000), Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao Lạng Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

19.   Nông Thị Nhình (2004), Nét chung và riêng của âm nhạc trong diễn xướng Then Tày, Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

20.   Hoàng Văn Páo (2001), Vai trò của Then và Hát Then trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày tỉnh Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.