Nội san

Quản lý nguồn lực trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng ở Hà Nội

14 Tháng Chín 2015

                           Nguyễn Thị Thu Hương

 

             Hà Nội là địa phương có chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng có tính hệ thống và mang tính chuyên nghiệp cao, khó có tỉnh, thành phố nào trên cả nước sánh kịp. Đó cũng là ưu thế đặc biệt của công chúng Hà Nội khi được tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn từ nhiều nguồn phong phú, chất lượng. Đồng thời, đó cũng là môi trường khá thuận lợi, hấp dẫn để phát triển biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng ở Hà Nội.

            Với đặc điểm là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, văn hóa, Hà Nội thường xuyên đón nhận các đơn vị nghệ thuật nước ngoài tới giao lưu, biểu diễn. Tuy chỉ chiếm 6/27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Nội nhưng lực lượng cán bộ, nghệ sĩ diễn viên của Hà Nội khá hùng hậu, năng lực sáng tạo của một số đơn vị, nghệ sĩ không thua kém các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, một vài đơn vị đôi chỗ còn mang tính ưu trội hơn. Ví dụ như Nhà hát Kịch Hà Nội nổi tiếng trong giới sân khấu kịch nói cả nước với dòng chính kịch, trí tuệ, một phong cách nhạy bén về thời sự, sắc bén về chính trị, sống động và cuốn hút nóng bỏng hơi thở của thời đại. Khán giả cả nước có lẽ không bao giờ có thể quên những cảm xúc, những ấn tượng mà vở Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ) của Nhà hát Kịch Hà Nội mang lại. Vở diễn này cùng với các vở Mùa hè ở biển (Xuân Trình), Nhân danh công lý (Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm), Lịch sử và nhân chứng (Hoài Giao), Đỉnh cao mơ ước (Tất Đạt), đã thành công vang dội trong Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 ở thành phố Hồ Chí Minh tạo nên thắng lợi rực rỡ của sân khấu kịch nói miền Bắc. Nhà hát Chèo Hà Nội đánh dấu sự khác biệt của mình với sân khấu chèo cả nước bằng phong cách sang trọng, tao nhã, hiện đại, có khả năng lôi kéo cả tầng lớp khán giả trẻ, những người vốn không am hiểu và do đó không ưa chuộng lắm các loại hình kịch hát sân khấu truyền thống. Với vai trò là sứ giả nghệ thuật, Nhà hát Múa Rối Thăng Long cùng các đơn vị múa rối khác của cả nước đã thu hút đông đảo khán giả nước ngoài.

            Năm 2008, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp Hà Nội có sự biến động lớn về mặt tổ chức bộ máy, nhân sự. Tháng 8/2008, sau khi thực hiện mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội, hợp nhất Hà Tây với Hà Nội, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã phối hợp với Sở Nội vụ và UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Tây cũng thực hiện sáp nhập vào các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội, trở thành các đoàn hoạt động trong các nhà hát của Hà Nội như: Nhà hát Chèo Hà Tây trở thành một đoàn biểu diễn trong Nhà hát Chèo Hà Nội, Đoàn Kịch nói Hà Tây trở thành Đoàn Kịch nói III trong Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn Cải lương Hoa Mai biên chế thành một đoàn mới trong Nhà hát Cải lương Hà Nội. Như vậy, bên cạnh phong cách biểu diễn chuyên nghiệp mang tính hào hoa, sâu sắc, nay nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp Hà Nội được bổ sung thêm chất trữ tình, hồn hậu, ấm áp của các đoàn nghệ thuật xứ Đoài. Tuy nhiên, có thể khẳng định lực lượng diễn viên và phong cách nghệ thuật Hà Nội vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội.

 

Cảnh trong vở Tôi và chúng ta - Ảnh: tư liệu Nhà hát kịch Hà Nội

 

            Theo báo cáo tổng kết năm 2014 của Phòng biểu diễn nghệ thuật - Sở VH,TT&DL Hà Nội: “Tổng số cán bộ diễn viên các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Hà Nội sau khi thực hiện sát nhập là 387 người. Về mặt trình độ, số cán bộ diễn viên có trình độ đại học là 81 người (chiếm 21%), trình độ trung cấp là 158 người (chiếm 41%), diện chưa được đào tạo chiếm 38%” [7]. Như vậy, về mặt trình độ, lượng cán bộ diễn viên được đào tạo trường lớp chuyên môn ở các đơn vị này còn thấp. Do vậy, Sở VH,TT&DL Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật cần quan tâm đầu tư nhiều hơn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghệ thuật trong thời gian tới.

              Về độ tuổi, số cán bộ diễn viên trẻ dưới 30 tuổi chỉ chiếm 8%, lứa tuổi từ 30 - 50 tuổi chiếm số lượng lớn với 70%, số lượng cán bộ diễn viên trên 50 tuổi chiếm tới 21%. Như vậy, về lực lượng diễn viên, lứa tuổi đang sung sức trong biểu diễn còn thấp. Do vậy, thời gian qua Sở VH,TT&DL Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật đã quan tâm đầu tư hơn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghệ thuật cũng như bổ sung các diễn viên trẻ, tài năng, để không bị hẫng hụt lực lượng biểu diễn trong các nhà hát. Cụ thể, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã phát triển nguồn nhân lực biểu diễn nghệ thuật là phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực đủ điều kiện về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp biểu diễn, bao gồm các loại nhân lực cho khối quản lý, khối sáng tạo, khối sản xuất và khối phân phối sản phẩm nghệ thuật:

              Thứ nhất, đào tạo trong nước (bằng ngân sách nhà nước) thông qua các trường nghệ thuật như: Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng đào tạo đối với các ngành nghề chủ yếu như sân khấu, tạp kỹ, ca múa nhạc. Mỗi năm đào tạo 15-20 đạo diễn, 10-15 nhà sản xuất, 10-15 biên kịch, 10 lý luận - phê bình, 10 thiết kế mỹ thuật sân khấu, 15-20 kỹ thuật - công nghệ, 5-10 họa sỹ hóa trang, 150-170 diễn viên cho các loại hình nghệ thuật, 50-50 nhạc công, 15-20 biên đạo, 5-10 đạo diễn sự kiện, lễ hội,…

              Thứ hai, mỗi năm mở các lớp đào tạo, thực tập ngắn hạn để nâng cao tay nghề đối với các ngành nghề chủ yếu như sân khấu, tạp kỹ, ca múa nhạc: cho 20-30 đạo diễn, 10-15 nhà sản xuất, 10-15 biên kịch, 10-15 thiết kế mỹ thuật; 15-20 kỹ thuật - công nghệ; 5-10 họa sỹ hóa trang, 15-20 diễn viên.

            Thứ ba, gửi sinh viên đi đào tạo chính quy dài hạn đào tạo ở nước ngoài. Lập dự án hàng năm cử sinh viên đi đào tạo các ngành nghề chủ yếu đối với các ngành nghề chủ yếu như sân khấu, tạp kỹ, ca múa nhạc: 03-05 đạo diễn; 03-05 nhà sản xuất; 03-05 biên kịch; 03-05 kỹ thuật - công nghệ.

Thứ tư, tổ chức các lớp đi thực tập, nâng cao tay nghề ngắn hạn. Mỗi năm cử 01-02 đoàn đi thực tập nâng cao tay nghề đối với các ngành nghề chủ yếu như sân khấu, tạp kỹ, ca múa nhạc cho 05-10 đạo diễn; 05-10 nhà sản xuất; 05-10; biên kịch 05-10 kỹ thuật - công nghệ, 03-05 họa sỹ hóa trang.

Theo ông Tạ Văn Động – Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội:“Sở VH,TT&DL Hà Nội đã chỉ đạo việc xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật; khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài tham gia đào tạo dưới các hình thức mở trung tâm đào tạo và hỗ trợ sản xuất nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam; đầu tư xây dựng và thiết bị kỹ thuật cho các xưởng thực hành, thể nghiệm sân khấu, ca múa nhạc,... tại các Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh; tổ chức các khóa đào tạo chất lượng cao các ngành chuyên môn; tài trợ học bổng cho sinh viên đi học ở trong và ngoài nước; thực hiện mô hình du học tại chỗ cho sinh viên” [4].

Về việc quản lý nguồn tài chính, hàng năm, các đơn vị nghệ thuật làm dự trù kinh phí để trình xét duyệt. Sở VH,TT&DL Hà Nội xem xét và đề nghị UBND và Sở Tài chính Thành phố Hà Nội phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Sở VH,TT&DL Hà Nội căn cứ vào nhóm biểu diễn nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, phát huy và nhóm nghệ thuật hiện đại có khả năng xã hội hoá cao, nguồn tài chính được chia thành 2 nguồn: Nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước và nguồn tài chính huy động từ xã hội hoá. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư vào các đoàn nghệ thuật nhà nước; cải tiến phương thức đầu tư Nhà nước theo hướng giảm tính hành chính; còn các nguồn thu từ xã hội hóa được dùng để phát triển các nghệ thuật đại chúng, nghệ thuật mới, phát triển hệ thống rạp hát, điểm diễn.

Nguồn ngân sách Nhà nước được sử dụng:

            Một là, Nhà nước đảm bảo nguồn ngân sách hàng năm cấp cho các hoạt động theo tỷ lệ GDP; giảm dần ngân sách cấp cho nhóm biểu diễn nghệ thuật hiện đại theo lộ trình xã hội hoá, dần hướng tới tự chủ toàn phần kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước cấp kinh phí căn cứ vào dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của các đơn vị căn cứ vào yêu cầu và kết quả thẩm định của Hội đồng nghệ thuật cấp Nhà nước về các dự án nghệ thuật, các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng của đơn vị, theo thứ bậc ưu tiên cho các hoạt động phục vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, ưu tiên cho các đơn vị thuộc nhóm nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.

            Hai là, xây dựng và phát triển nhân lực. Mỗi đơn vị nghệ thuật có nguồn kinh phí phát triển nhân lực theo kế hoạch đào tạo trong 3 năm/ khoá hoặc 5 năm/ khoá, chia thành 2 nhóm: Nhóm kinh phí đào tạo lại và nhóm kinh phí đào tạo chính quy. Sử dụng kinh phí phát triển nhân lực để thu hút, bổ sung nguồn nhân lực cũng như nâng cao, đồng bộ hoá trình độ chuyên môn của các diễn viên.

            Ba là, thành lập Quỹ hỗ trợ biểu diễn nghệ thuật từ nguồn kinh phí trích từ ngân sách nhà nước, phần trăm doanh thu cho các tác phẩm. Quỹ này hoạt động nhằm hỗ trợ và phát triển, ưu tiên đặt hàng các tác giả trẻ.

Nguồn tài chính từ huy động xã hội hoá:

             Xã hội hoá từng phần đối với nhóm biểu diễn nghệ thuật hiện đại, chia thành các giai đoạn phù hợp với lộ trình xã hội hoá của từng đơn vị; Tạo quyền tự chủ về tài sản cho các đơn vị tự chủ 100% kinh phí hoạt động thường xuyên; Thành lập Quỹ hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn từ nguồn doanh thu bán vé, Quỹ này hoạt động nhằm hỗ trợ, đặt hàng tác giả các tác phẩm có đề tài phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khán giả.

            Đẩy mạnh liên doanh, hợp tác đầu tư: Đưa một số nhà hát trở thành đối tác lâu dài của các công ty lữ hành trong nước cũng như quốc tế; Xây dựng thương hiệu và đầu tư nhân lực cũng như cơ sở vật chất cho một số đơn vị nghệ thuật để trở thành nơi giao lưu, hợp tác, đào tạo, diễn viên trong nước cũng như các nước trong khu vực, góp phần tăng thêm sự đa dạng về văn hoá trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

            Việc quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật cũng đã được Sở VH,TT&DL Hà Nội quan tâm và mua sắm cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở Hà Nội. Sáu đơn vị biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng đều đã có rạp, tuy nhiên rạp Đoàn Xiếc Hà Nội là chưa đi vào hoạt động vì thiếu nguồn kinh phí hoạt động. Hiện tại, Sở VH,TT&DL Hà Nội vẫn đang gấp rút đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét và phê duyệt cấp kinh phí cho Đoàn xiếc Hà Nội để đưa rạp Đoàn Xiếc Hà Nội đi vào hoạt động. Về cơ bản các rạp hát đã được tổ chức, quản lý khai thác sử dụng theo đúng công năng sử dụng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Mặc dù, việc khai thác sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất các rạp hát đang là thách thức đối với các đơn vị quản lý các công trình. Việc quản lý các rạp hát vẫn nặng theo hướng bao cấp, chưa có những cách tổ chức quản lý vận hành tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả khai thác công trình. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong đầu tư và hiện đại hóa trang thiết bị vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các chính sách khuyến khích áp dụng đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ cao trong rạp hát chưa đồng bộ như thuế nhập khẩu, các quy định tiêu chuẩn về nhà hát chưa có, hoặc có nhưng lạc hậu so với thế giới rất nhiều. Việc đào tạo về kỹ năng quản lý, cũng như nhân lực có kỹ thuật cao đáp ứng đòi hỏi yêu cầu về các thiết bị công nghệ nhà hát chưa thực sự được chú trọng (như về âm học, âm thanh, ánh sáng,...).

            Hiện tại, rạp hát có hệ thống trang bị kỹ thuật đang sử dụng không đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Quy hoạch cũ đưa ra kế hoạch: “cải tạo, nâng cấp các rạp hát hiện có, đồng thời xây dựng mới một số nhà hát. Năm 2015 phấn đấu 100% các đơn vị nghệ thuật có sàn tập đủ điều kiện luyện tập và dàn dựng tác phẩm” và đưa ra một danh mục các nhà hát sẽ được xây dựng đến năm 2015. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có một số rạp hát được nâng cấp cải tạo. Chất lượng công trình của nhà hát yếu kém, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Mô hình quản lý rạp hát chủ yếu được tổ chức theo hai hình thức: giao cho một đơn vị tổ chức biểu diễn quản lý, hoạt động như một doanh nghiệp tự chủ tài chính và giao cho một Nhà hát, một đoàn nghệ thuật như là đơn vị sự nghiệp quản lý nên không có cơ chế thu hút đầu tư trang thiết bị kỹ thuật.

            Một số đơn vị nghệ thuật đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật cho đoàn, nhưng nhìn chung việc đầu tư còn rất hạn chế; đa số các đơn vị Nghệ thuật thiếu thiết bị âm thanh, ánh sáng, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho luyện tập và biểu diễn. Một số rạp biểu diễn tuy được sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị nhưng chất lượng không đáp ứng yêu cầu, hiệu quả sử dụng không cao do không có chỗ lắp đặt, thiết bị máy móc chắp vá, không đồng bộ, kỹ thuật viên sử dụng thiết bị âm thanh ánh sáng không được đào tạo đúng chuyên ngành. Không ít trường hợp, đơn vị được đầu tư mua trang thiết bị đắt tiền nhưng chưa biết cách sử dụng. Trang thiết bị thường vừa sử dụng tại nhà hát, vừa đem đi phục vụ biểu diễn lưu động nên nhanh chóng xuống cấp.

            Phương tiện vận chuyển hầu hết đã cũ, lại hoạt động ở nhiều nơi cần thay mới. Số lượng các phương tiện được mua mới bị giảm trong những năm gần đây. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Nhà nước vẫn cấp kinh phí mua loại ô tô chuyên dụng cho các đoàn nghệ thuật nhưng mức ngân sách còn hạn chế nên các đoàn chưa mua được loại xe tốt để đi biểu diễn dài ngày phục vụ nhân dân.

Tài liệu tham khảo

 1. Bộ VH,TT&DL (2004), Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTTDL ngày 2/7/2004 về việc ban hành “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”, Hà Nội.

2.    Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (2012), Chỉ thị số 65/CT-BVH,TT&DL Ngày 16/04/2012 Về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, Hà Nội.

3.    Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2000), Giáo trình khoa học quản lý, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4.    Nguyễn Thị Thu Hương (2015), Phỏng vấn ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, ngày 14/4/2015.

5.    Nhiều tác giả (2006), Giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

6.     Đình Quang (2001), Văn hóa nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội quá khứ và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7.    Sở VH,TT&DL Hà Nội (2014), Báo cáo tổng kết năm 2014, Phòng Biểu diễn Nghệ thuật, Hà Nội.

8.    Nguyễn Thị Lan Thanh, Phan Văn Tú, Nguyễn Thanh Xuân (2009), Giáo trình quản lý Nguồn nhân lực trong các tổ chức Văn hóa nghệ thuật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.