Nội san

Bài hát đồng dao trong hoạt động ngoại khóa Trường Tiểu học Hoàng Lê - Thành Phố Hưng Yên

15 Tháng Chín 2015

                                                                   Phạm Thị Lý

 

Âm nhạc truyền thống Việt Nam là một kho tàng phong phú với tất cả các thể loại ca nhạc, các loại nhạc nhạc khí cổ truyền dân tộc. Từ những làn điệu dân ca ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu trong cuộc sống và môi trường lao động, những trò chơi đồng dao bình dị dân dã dành cho con trẻ đã hàm chứa cả một kho tàng tri thức đạo đức, kinh nghiệm bồi bổ, giáo dưỡng cảm xúc và đời sống tinh thần cho mỗi người con đất Việt ngay từ thuở còn nằm trong bụng mẹ và những bước chập chững vào đời.

            Qua tìm hiểu những sinh hoạt văn nghệ ở cộng đồng và giáo dục âm nhạc trong nhà trường hiện nay cũng cho thấy, vai trò và vị trí của những bài đồng dao còn khiêm tốn, việc truyền dạy xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan cũng không tránh khỏi những hạn chế bất cập nhất định. Hơn nữa khi mà đất nước chúng ta bước vào kỉ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, sự xuất hiện của công nghệ giải trí hiện đại đã thu hút số lượng đông đảo khán giả trong đó có cả trẻ em trong các trường và đặc biệt là có cả trẻ ở lứa tuổi mầm non đã không ít người phụ thuộc hay có thể nói là “nghiện” công nghệ và các trò giải trí hiện đại trong một “góc - thế giới riêng” của mình. Nhiều ý kiến của các học giả, các nhà quản lý và dư luận xã hội thông tin và cảnh báo về tình trạng “sa sút” về đạo đức, lối sống, sự vô cảm của không ít người trong giới trẻ tình trạng bạo lực học đường và xã hội… chính là hồi chuông cảnh báo vấn đề phải tăng cường việc giáo dục, bồi bổ đời sống tinh thần, cốt cách cho trẻ ngay từ tuổi mầm non và chính những làn điệu dân ca mượt mà, thiết tha, những Khúc hát đồng dao vui tươi hồn nhiên, những tiếng hát ru thấm đẫm tình người sẽ là những hành trang quý báu trong đời sống tâm hồn cốt cách của mỗi đứa trẻ chứ không phải việc nghe một cách thụ động và khô cứng qua các phương tiện và kĩ thuật công nghệ.                                

Với chủ trương “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích các nhà trường tích cực và tăng cường khai thác và đưa các bài hát, trò chơi dân gian vào môi trường giáo dục ở các nhà trường, bậc học để không ngừng nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mĩ, đạo đức, nhân cách, lối sống cho lớp trẻ.

Hoạt động ngoại khóa (HĐNK)  là hoạt động giảng dạy âm nhạc bổ sung kiến thức thực hành, lý thuyết cho giờ chính khoá, nhưng nó cũng có những điểm riêng mà giáo dục âm nhạc chính khoá không có được, hoạt động này cùng với giáo dục âm nhạc chính khoá, hình thành nên một thể thống nhất của môn học âm nhạc.

HĐNK còn là môi trường giáo dục mang tính “mở - linh hoạt” như một sân chơi để các em được giao lưu, chia sẻ, học tập, trải nghiệm và thể hiện năng khiếu của bản thân cùng nhóm bạn trong tập thể.

Bài hát đồng dao là những câu hát dân gian truyền miệng, thường do trẻ em hát lúc vui chơi, sinh hoạt. Nó thể hiện rõ nét tính chất nguyên hợp về chức năng, về nghệ thuật của văn học dân gian. Lời ca gắn bó một cách hài hòa, chặt chẽ với âm nhạc, với trò chơi, phù hợp với nhu cầu vui chơi, tâm sinh lý trẻ nhỏ.

 Muốn đưa các bài hát đồng dao vào HĐNK cần phải có sự phối hợp giữa giáo viên (GV) học sinh (HS) và phải đạt các tiêu chí: Phù hợp với nội dung, phù hợp với đối tượng, phù hợp với cơ sở vật chất (CSVC) và phương tiện hiện có. Quan trọng nhất là cần đầu tư một kịch bản sáng tạo, đa dạng, hấp dẫn.

Phù hợp với nội dung: Để sử dụng Đồng dao vào HĐNK , nhà trường cần lập kế hoạch HĐNK theo kỳ học, năm học. Cần chọn HS có năng khiếu, tích cực là HS có giọng hát tốt và tai nghe tốt. Việc lựa chọn các tiết mục có một ý nghĩa quan trọng cho sự thành công hoạt động. Vì vậy, các bài đồng dao được chọn trước hết phải có giai điệu hay, đặc sắc, nội dung âm nhạc phải chặt chẽ, phù hợp với chủ đề và phải thể hiện được một chủ đề của HĐNK nhất định. Các bài hát đồng dao trong chương trình phải đa dạng về thể loại, để tạo cho màu sắc của chương trình được phong phú. Tính chất âm nhạc trong các bài Đồng dao cũng phải sinh động, vui nhộn, sáng tạo, sôi nổi, sẽ làm cho chương trình trở nên hấp dẫn, hài hoà.

 

Ảnh: Hội thi “Bé hát dân ca - đồng dao và trò chơi dân gian” (Nguồn:st)

 

Qua tìm hiểu nội dung, chương trình HĐNK của Trường Tiểu học Hoàng Lê cho thấy: trong những năm vừa qua HĐNK của trường đã đạt được một số ưu điểm trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ cho HS. Hàng năm Nhà trường đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động ngoại khóa để GV và HS cùng tham gia, trong đó có đưa một số bài đồng dao vào HĐNK. Các bài đồng dao được lựa chọn đưa vào HĐNK có nội dung đồng nhất với chủ đề.

Lựa chọn các bài đồng dao phù hợp với chủ đề chương trình như chương trình “Thi hội trăng rằm”, “Ngày thành lập Đoàn”… Việc này quyết định phần lớn sự thành công của tiết mục nói riêng và của HĐNK nói chung.

Phù hợp với đối tượng:  Việc lựa chọn các bài đồng dao nhất thiết phải phù hợp với khả năng âm nhạc của học sinh.   

              Ví dụ: Xây dựng một số chương trình sử dụng đồng dao vào hoạt động ngoại khóa Trường Tiểu học Hoàng Lê, TP. Hưng Yên

Hoạt động

Thời gian

Thành phần tham gia

Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ khai giảng

Đầu tháng 9

Đội văn nghệ của trường (khối lớp 3,4,5)

Ngày hội trăng rằm

Rằm tháng 8

Đội văn nghệ của trường (khối lớp 1,2,3,4,5)

Câu lạc bộ âm nhạc

Tháng 10 tháng 04

Học sinh lớp 3,4,5

Thi văn nghệ cấp trường chào mừng ngày 20-11

Từ 30/10 đến 19/11

Học sinh lớp 3,4,5

Chương trình văn nghệ cho lễ sơ kết học kỳ I

Cuối tháng 1

Học sinh lớp 3,4,5

Giai điệu tuổi hồng

Đầu tháng 2

Đội văn nghệ của trường (khối lớp 1,2,3,4,5)

Chương trình văn nghệ nhân ngày 08-03

08 - 03

Học sinh lớp 3,4,5

Chương trình văn nghệ chào mừng ngày 26-3

25 - 3

Học sinh lớp 3,4,5

Chương trình văn nghệ kỉ niệm ngày 30-4 và ngày 1-5

28 - 04

Học sinh lớp 3,4,5

Chương trình văn nghệ nhân ngày 19/05

19/05

Học sinh lớp 3,4,5

Chương trình văn nghệ cho Lễ bế giảng năm học

Cuối tháng 5

Học sinh lớp 3,4,5

 

Phù hợp với cơ sở vật chất (CSVC) và phương tiện hiện có: Để sử dụng các bài đồng dao vào HĐNK Trường Tiểu học Hoàng Lê cần đảm bảo về CSVC như sân trường, diện tích phòng tập, âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, diện tích lớp học, đồ dùng.

Chuẩn bị trang phục, đồng phục, đạo cụ (trống, khăn…) cho phù hợp với các tiết mục.   

Bố trí, sắp xếp đội hình biểu diễn cho thích hợp.

Sự phối hợp giữa GV và HS đạt các tiêu chí: Phù hợp với nội dung, phù hợp với đối tượng, phù hợp với cơ sở vật chất (CSVC) và phương tiện hiện có. Các tiết mục được sắp xếp phải có sự tương phản về thể loại, tính chất âm nhạc và hình thức biểu diễn. Để có một chương trình biểu diễn hài hoà, cần xen kẽ các tiết mục ít người và nhiều người biểu diễn, xen kẽ giữa hát và trò chơi...

Việc lựa chọn người dẫn chương trình cũng phải có sự hài hoà cả về mặt hình thức, tác phong và đặc biệt là lời nói và ngữ điệu nói sao cho có sự cuốn hút và lôi cuốn người nghe ngay từ lúc bắt đầu chương trình.

             Trước khi buổi biểu diễn được chính thức cần tổ chức các buổi báo cáo sơ duyệt, tổng duyệt có đầy đủ các thành phần tham dự để đóng góp ý kiến cho chương trình và sau đó phải bổ sung, khắc phục những điều còn chưa hoàn thiện.

Quan trọng nhất là cần đầu tư một kịch bản sáng tạo, đa dạng, hấp dẫn trong việc đưa các Bài hát đồng dao vào HĐNK được thực nghiệm tại Trường Tiểu học Hoàng Lê - TP. Hưng Yên.           

               Có thể khẳng định rằng, hoạt động ngoại khóa âm nhạc là hoạt động không thể thiếu trong trường phổ thông, bởi đây chính là một môi trường học tập “mở” và “mềm hóa” các nội dung bài học. Việc lồng ghép giữa truyền thụ kiến thức và kĩ năng trong các hoạt động vui chơi và thực hành một cách khách quan khoa học và sáng tạo. do đó, kiến thức, kĩ năng mà học sinh trải nghiệm và nhận thức trong các hoạt động “học - mà chơi” này sẽ được ghi nhớ sâu sắc và vận dụng ở những chừng mực, hoàn cảnh nhất định trong cuộc sống hàng ngày. Việc sử dụng bài hát đồng dao vào HĐNK không chỉ giúp HS làm quen và củng cố khả năng âm nhạc mà còn có ý nghĩa trong việc giáo dục thể chất, giúp HS rèn luyện ngôn ngữ, các “kĩ năng mềm” và điều quan trọng đó là góp phần bảo tồn, phát huy và trân trọng các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc.

              Hoạt động ngoại khóa kết hợp với bài hát đồng dao không chỉ mang lại cho học sinh sự hứng thú và hưởng thụ những giá trị tinh thần mà còn mang đến cho các em những hành trang tri thức văn hóa cao đẹp mà cha ông biết bao đời đã hun đúc và truyền lại cho con cháu. Đặc biệt hơn là khi được thiết kế thành những hoạt động vui chơi - học tập, vui nhộn bổ ích phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi nên lại càng thu hút các em tích cực tham gia. Mỗi khi tham gia vào hoạt động, các em không chỉ đơn thuần được trình diễn một cách tự tin các kĩ năng thực hành âm nhạc, mà còn được trải nghiệm thu nhận “những kĩ năng mềm”, những nét đẹp trong giao tiếp, chuẩn mực đạo đức, những ứng xử văn hóa rất cần thiết trong cuộc sống. Thông qua việc thực hành kĩ năng chơi, những vai diễn chính là việc trẻ tiếp xúc làm quen sớm với những tình huống, hoàn cảnh, môi trường của cuộc sống “thật” sau này chứ không phải là những cảm xúc và kĩ năng thực hành âm nhạc. Chính vì vậy, bài hát đồng dao trong HĐNK đã và sẽ mang lại hiệu quả giáo dục và ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Kết quả thực nghiệm có thể khẳng định bước đầu áp dụng bài hát đồng dao trong HĐNK là phù hợp và mang lại hiệu quả rõ rệt trong học tập cũng như vui chơi ở lứa tuổi tiểu học, thực hiện mục tiêu “dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh” trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

 

 

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Minh Hương (2009), Đồng dao và trò chơi dân gian, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

2. Thu Hương (2009), Đồng dao giáo dục nhân cách, Nxb Mỹ thuật Hà Nội, Hà Nội.

3. Nguyễn Phúc Linh chủ biên (2002), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam và đời sống của nó trong xã hội đương đại, đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Âm nhạc Việt Nam. Nxb Văn học, Hà Nội.

4. Triều Nguyên (2010), Tìm hiểu về đồng dao người Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Nguyễn Văn Vĩnh (1998) Nội dung của Đồng dao, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

6. Hoàng Long (Tổng chủ biên kiêm chủ biên phần Âm nhạc), Lê Minh Châu, Hoàng Lân, Ngô Thị Nam (2002), SGK Âm nhạc và Mĩ Thuật lớp 1, 2, 3, 4, 5 Nxb Giáo dục, Hà Nội.