Nội san

Hát Soọng cô Sán Dìu xã Hóa Thượng - Đồng Hỷ - Thái Nguyên

17 Tháng Chín 2015

                  Nguyễn Thị Ngân

 

Hát Soọng cô là một loại dân ca truyền thống của người Sán Dìu ở nhiều vùng trên đất nước Việt Nam. Đó là lối hát đối đáp nam nữ với những lời thơ trữ tình, giàu tình cảm, là tiếng hát ca ngợi đôi lứa để tỏ tình hoặc chúc tụng nhau và thường được hát vào những dịp như mừng nhà mới, mừng năm mới…

Với những giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, không gian diễn xướng thì hát Soọng cô của người Sán Dìu ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đáng được trân trọng, nghiên cứu nhằm phát huy giá trị của nó cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trải qua những biến thiên lịch sử, hát Soọng cô đang bị mai một dần. Hiện nay ở tỉnh Thái Nguyên những nghệ nhân biết hát Soọng cô chỉ còn lại một số cụ già biết hát, đang sinh hoạt trong câu lạc bộ làng Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Các thế hệ sau là thanh niên nam nữ trong làng không biết hát Soọng cô. Việc lưu truyền và phát huy hát Soọng cô của người Sán Dìu ở tỉnh Thái Nguyên chưa được quan tâm đúng mức. Trước thực trạng hát Soọng cô có thể bị mai một. Vì thế, việc nghiên cứu hát Soọng cô của người Sán Dìu ở xã Hóa Thượng, Huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên mong góp phần cùng người dân thôn Tam Thái lưu truyền và phát huy những giá trị của thể loại dân ca này.

Văn hoá của người Sán Dìu có loại hình sinh hoạt văn hóa đặc trưng nhất đó là hát Soọng cô. Đây là hình thức hát đối đáp giao duyên của thanh niên nam nữ trong những ngày lễ tết, hoặc lúc nông nhàn, hát trong đám cưới và trong các cuộc vui. Hát Soọng cô còn là biểu hiện tinh thần và trí tuệ của người Sán Dìu trong sinh hoạt văn hóa, nó có lề lối, khuôn phép nhất định. Những đặc điểm về lề lối hát Soọng cô có mấy đặc điểm như sau:

Thứ nhất, những bài hát Soọng cô là bài hát theo sách có bài bản.

Thứ hai, người đi hát phải thuộc những bài trong sách.

Thứ ba, hát Soọng cô có hát dẫn (hỏi) và hát đáp :

Người hát dẫn lấy những câu hát từ sách ra để đố, người hát đáp phải thuộc sách và trích dẫn ở sách ra hát đáp sao cho hợp tình, hợp cảnh.

Thứ tư, khi hát không được đùa cợt.

Thứ năm, hát Soọng cô không vì phục tài năng, hay cảm thông hoặc yêu mến mà tách ra khỏi bạn để đi tỏ tình riêng.

Thứ sáu, không gian hát Soọng cô có thể ở bờ sông, bên suối, trong nhà, ngoài đường…

Thứ bảy, thể thức hát Soọng cô có hai dạng đó là hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt lao động và hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới.

Do đặc điểm hát đối đáp giao duyên theo lối ngẫu hứng nên hát Soọng cô không có nhạc cụ đệm. Hát đối đáp theo giọng ví kể lể gọi là hát Cộc, hát đám cưới thường là hát Dài.

 Hát Cộc: Kể ra rồi bắt ngay sang từ khác nên sử dụng được nhiều bài hơn khiến cho hát đối đáp hay hơn.

Hát Dài: Ngân nga luyến láy điệp khúc kéo dài gấp năm bảy lần hát cộc, sau 2 từ thường đệm “ i, a, i, ơ, ơi”.

Ca hát cổ truyền Việt Nam nói chung, phần lớn các bài hát đều ảnh hưởng của thanh điệu tiếng Việt (Không, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng). Thanh điệu có chức năng phân biệt các âm tiết vì vậy, nó là yếu tố thay đổi cao độ, giai điệu, sự uốn lượn của âm tiết. Trong hát Soọng cô cũng vậy, cao độ của bài hát cũng dựa trên các thanh điệu mà hình thành nên giai điệu của bài hát.

Tiết tấu đi theo nhịp thơ, hết một câu ngân dài và lấy hơi, để nhận ra kết thúc một câu nhạc đó là qua việc sử dụng nốt có trường độ dài hơn hoặc dùng dấu lặng.

Ví dụ:

(Trích bài Cang then cô - Nữ 4 trong “Bài ca Làm ruộng”)

Nghiên cứu theo lý thuyết âm nhạc phương Tây thì các bài hát Soọng cô thuộc thể một đoạn đơn rất rõ, cả bài chỉ có 4 câu tạo thành một đoạn nhạc và được lặp lại nhiều lần với kết cấu gần giống nhau nhưng được dệt bằng lời thơ khác nhau.

Ví dụ:

(Trích Cang then cô 2 trong “Bài ca làm ruộng”)

Làn điệu hát Soọng cô có giai điệu chậm rãi, ngân nga, luyến láy, rất gần gũi với tiếng nói thường ngày của tộc người Sán Dìu.

Đặc điểm nổi bật của hát Soọng cô là lối tiến hành giai điệu thường là những quãng hẹp, trong giai điệu thường thấy có bước tiến hành đậm đặc là quãng 3 và quãng 4.  Phần lớn giai điệu trong hát Soọng cô được bó hẹp trong phạm vi một quãng tám, trong nội hàm của bài ca giai điệu tiến hành khá đều đều, không có cao trào. Các quãng thường xuyên sử dụng ở quãng 3 đó là: A1 - C2 và ngược lại.

Ví dụ: “Bài mở đầu - trích trong  Nhất dạ xướng ca”

 

Hay bài “Ênh mói (ru con)” ở quãng 4 đó là: E1 - A1 và ngược lại.

Căn cứ vào các giọng hát của các nghệ nhân hiện nay ở xóm Tam Thái thì hát Soọng cô ở đây được trình diễn bằng một lối hát rất tự nhiên, không sử dụng kỹ thuật âm thanh phức tạp như hát các loại hình dân ca khác cần phải đạt được như: rung, nền, nẩy hạt… Đôi khi trong hát “Dài” các nghệ nhân sử dụng giọng mũi là chủ yếu.

Thơ: Được viết theo chữ Hán, thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, có 7 từ trong một câu, một bài thường có 4 câu. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (bằng tiếng Hán) được sử dụng nhiều khi hát, còn khi dịch ý thì các nghệ nhân lại dịch theo thể thơ lục bát (6-8).

Ví dụ:

Sọng cô ben ọi cô lói tọi

Phá then ben ọi sủi líu soi

Thén chông mạo sủi mong dịu sủi

Bi chông mạo sủi mong sủi lói

Dịch ý:

Xướng ca cần đối lời ca

Ruộng thừa nước đủ, bừa là phẳng phiu

Ruộng khô cần nước mưa nhiều

        Ao hồ cạn kiệt sớm chiều mong mưa

Tình yêu nam nữ luôn là đề tài nổi bật, hấp dẫn trong kho tàng thơ ca dân gian của người Việt từ xưa đến nay. Với dân tộc Sán Dìu ở xã Hóa Thượng cũng vậy, đề tài tình yêu luôn được trở đi trở lại trong những khúc hát dân ca trữ tình đằm thắm, mượt mà làm say đắm biết bao tâm hồn. Hát đố của tộc người Sán Dìu cũng rất đa dạng và phong phú về thể loại, có thể hát đố sự vật, sự việc, đố chữ. Những bài hát giao duyên hay những câu hát đố một phần là do người dân Sán Dìu trong quá trình sinh sống, giao lưu… tự sáng tác, phần còn lại là được ghi chép lại trong những bài văn tự chữ Hán và được dịch ra. Tuy nhiên những bài hát mang chủ đề ca ngợi Đảng và Bác Hồ chủ yếu là những bài do nhân dân tự sáng tác, hầu hết không có trong sách cổ.

 



Ảnh: Các thành viên Câu lạc bộ hát soọng cô hát đối ví (Nguồn:St)

 

Cũng như các nghệ nhân người Sán Dìu của các địa bàn khác, những nghệ nhân ca hát dân gian xã Hóa Thượng cũng rất say sưa với Soọng cô. Họ vẫn thường sử dụng tiếng Sán Dìu trong giao tiếp hằng ngày song song với sử dụng tiếng Việt. Điều mà các nghệ nhân lo lắng là làm thế nào để lưu truyền lối ca hát đặc sắc của dân tộc mình. Họ tỏ ra lo lắng rằng hiện nay lớp trẻ chẳng mấy mặn mà, thậm chí đa số các thế hệ con, cháu của họ (kể cả các ông, các bà là nghệ nhân hát Soọng cô) không biết nói tiếng nói của dân tộc mình, thì nói chi đến việc hát. Dù dưới nhiều hình thức tổ chức học, không gian thời điểm cũng như người dạy, người học có khác nhau, nhưng phương pháp truyền dạy của các nghệ nhân nơi đây chủ yếu thường sử dụng bằng phương pháp truyền khẩu. Cách này đã trở thành truyền thống, truyền từ đời này sang đời khác. Với cách dạy học truyền thống như vậy, người học tiếp cận với âm nhạc bằng tai, chứ không phải bằng mắt. Họ học lỏm, học ở nhiều nơi, học nhiều người, tự học là chủ yếu. Họ dựa hoàn toàn vào tai nghe và trí nhớ của mình nên người học nắm bài rất chắc, học đến đâu, biết đến đó. Có người thông minh đã có thể thuộc ngay tức thì. Song vì học theo lối truyền khẩu nên người học phụ thuộc hoàn toàn vào người dạy và bị tiếp thu một cách thụ động, khi gặp các bài có khuôn khổ lớn hơn thì việc truyền thụ sẽ gặp khó khăn, thầy truyền cho học trò học bài bản và kỹ thuật hát, thì học trò cũng chỉ biết chung thành theo cách dạy của thầy mà không có sự sáng tạo thêm.Với cách tổ chức học không đông người, dạy đại trà và không gò ép… Người học hoàn toàn chủ động học, lựa chọn thầy/người dạy mà mình thích hoặc yêu quý hay trọng nghề.

Nghệ thuật ngoài chức năng giải trí, còn gắn liền với hoạt động thực tiễn trong học tập, sinh hoạt và sáng tạo. Theo chúng tôi, việc đưa hát Soọng cô vào giới thiệu, giáo dục những giá trị văn hóa nghệ thuật của chúng trong các nhà trường, cho các em học sinh thuộc khối phổ thông tại quê hương của các em là vô cùng cấp bách và cần thiết.

Việc xem và nghe hát Soọng cô từ các tư liệu băng đĩa, hoặc tiếp cận trực tiếp với các nghệ nhân được nghe họ kể, họ hát, trình diễn thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Để đảm bảo chuyển tải được nội dung chương trình giảng dạy dân ca hát Soọng cô Sán Dìu đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên có đầy đủ kiến thức về âm nhạc, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ của người Sán Dìu… Tuy nhiên, đòi hỏi như vậy trong tình hình hiện nay là cực đoan. Nhà trường có thể nghiên cứu mời thêm các nghệ nhân hát Soọng cô là người Sán Dìu hát giỏi và thông thạo lề lối của nó để tham gia trực tiếp truyền dạy cho kể cả học sinh và giáo viên âm nhạc của nhà trường; đồng thời lập kế hoạch, bổ sung kinh phí cho hoạt động truyền dạy và sinh hoạt hát Soọng cô.

Mời các nghệ nhân truyền dạy là người am hiểu hát Soọng cô, biết hát nhiều bài, truyền dạy một cách tự nguyện. Lựa chọn các bài hát Soọng cô phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi như: đối với lứa tuổi học sinh nên lựa chọn các bài hát ca ngợi về quê hương, đất nước, phong tục tập quán tốt đẹp, các bài hát ca ngợi về Đảng,... tầng lớp thanh niên ngoài những bài bát kể trên nên chọn những bài có nội dung hát giao duyên. Cách thức tổ chức không gò bó, cần mở rộng cả thời gian, địa điểm học tập sao cho cộng đồng tham gia vừa học, vừa giao lưu.

Tại câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô của xã hiện nay có nhiều nghệ nhân tâm huyết, hiểu biết, thuộc hơn 100 bài hát Soọng cô và đông đảo các thành viên tham gia [Xem danh sách các thành viên CLB hát Soọng cô tại Phụ lục 4.2 trang 101] nên việc truyền dạy nếu được duy trì và tổ chức tốt sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Cần phải lập kế hoạch tổng thể tổ chức truyền dạy, trong đó cần có các kế hoạch cụ thể, chi tiết từ thời gian, địa điểm, kinh phí, thầy dạy, người học, trao đổi, giao lưu, tìm hiểu,... về hát Soọng cô. Dưới đây, chúng tôi xin đề xuất một số cách thức cụ thể như sau:

Tiêu chí của CLB dân ca: Thành viên tham gia CLB phải là những người yêu thích hát dân ca, muốn được tham gia hoạt động tập thể; Thành lập ban chủ nhiệm CLB để xây dựng kế hoạch hoạt động thường kỳ và nội quy của CLB; Tuyển chọn các thành viên cho CLB: Thông báo bằng văn bản tới nhân dân trong xã về việc tuyển thành viên CLB dân ca với nội dung về yêu cầu, số lượng, địa điểm tiếp nhận đăng ký tuyển thành viên CLB; Sau khi tuyển chọn được thành viên tiến hành thành lập các nhóm, bầu nhóm trưởng, nhóm phó để phục vụ cho các hoạt động và cùng Ban chủ nhiệm quản lý CLB.

Cơ sở vật chất: Với các tiêu chí đã được đưa ra ở trên, Ban chủ nhiệm chuẩn bị địa điểm hoạt động của CLB, băng đĩa hát Soọng cô và các tài liệu phục vụ cho các buổi sinh hoạt, địa điểm sinh hoạt chính là nhà văn hóa của xóm, ngoài ra nên vận động các nguồn hỗ trợ từ phía chính quyền xã Tam Thái và các doanh nghiệp trên địa bàn xã.

Lịch sinh hoạt: CLB nên sinh hoạt mỗi tuần một lần vào buổi tối, đó là lúc nông nhàn của người dân, thời gian khoảng từ 20h đến 22h. Nhưng lịch sinh hoạt cũng cần thực hiện linh hoạt và phù hợp với thực tế (thời tiết mưa, nắng, lạnh...) Cần tận dụng thời gian vào lúc nông nhàn, khi mùa màng đã thu hoạch xong.

Tổ chức giao lưu, trao đổi:

Biểu diễn ở câu lạc bộ, giao lưu giữa các nghệ nhân trong xóm, giữa xóm này với xóm khác, xã này với xã khác, đồng thời tổ chức giao lưu trong phạm vi giữa tỉnh này với tỉnh khác, biểu diễn vào những ngày lễ lớn, những khi có dịp như hội làng, hội xuân. Sau mỗi dịp nên đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm.

Việc điều tra, sưu tầm, thu băng, ghi hình và ký những lòng bản của các bài hát Soọng cô dưới dạng nhạc 5 dòng kẻ là vô cùng cần thiết để tuyên truyền rộng rãi với lớp trẻ, học sinh các trường phổ thông ở địa phương.

Các ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện việc tổng kiểm kê vốn di sản văn hóa dân gian, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, truyền dạy các di sản văn nghệ dân gian. Chú ý đầu tư trí tuệ, nguồn lực vào việc phổ biến và truyền dạy vốn di sản đã được sưu tầm, nghiên cứu cho nhân dân, đặc biệt cho lớp trẻ của địa phương nơi di sản ra đời và tồn tại...

Vì thế, bên cạnh cơ chế động viên, cần có sự đầu tư tối thiểu về phương tiện như ghi âm, ghi hình nhằm lưu giữ hình ảnh nguồn tư liệu này.

                                                              

 

 

                                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Diệp Trung Bình (2002), Lễ hội cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Nxb Hà Nội.

2. Diệp Trung Bình (2005), Phong tục và nghi lễ chu kỳ đời người của người Sán Dìu, Hà Nội.

3. Bộ Văn hóa và Bảo tàng Việt Bắc (1991), Một số vấn đề lịch sử Văn hóa các dân tộc ở Việt Bắc, Bảo tàng Việt Bắc, Thái Nguyên.

4. Nguyễn Xuân Cần, Trần Văn Lạng, Dân ca Sán Chí ở Kiên Lao, Lục Ngạn, Bắc Giang.

5. Nông Quốc Chấn (1967), “Hãy khơi dòng dân ca các dân tộc thiểu số”, Tạp chí Văn học (1), Hà Nội.

6. Đinh Xuân Dũng (2004), Văn học văn hóa - Tiếp nhận và suy nghĩ, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

7. Địa chí Thái Nguyên (2009), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên.

 8. Vũ Cao Đàm (1999), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.