Nội san

Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

06 Tháng Mười 2015

                                                                                             Phạm Thùy Dương

                                                                       

Vào ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây là Di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Sự kiện này đã kết thúc 4 năm nghiên cứu, lập hồ sơ đầy thử thách, khó khăn và tạo ra bước đột phá trong phát triển du lịch ở Quảng Ninh - Việt Nam, khởi đầu hành trình đưa Hạ Long hội nhập, hợp tác với quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản. Việc vịnh Hạ Long trở thành Di sản thế giới là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng đặt ra những thách thức, trách nhiệm to lớn trong quản lý, bảo tồn và phát huy có hiệu quả những giá trị đặc biệt của vịnh Hạ Long, để vịnh Hạ Long xứng đáng với danh hiệu cao quý được vinh danh.

Ngay sau khi vịnh Hạ Long trở thành Di sản thế giới, căn cứ vào khuyến nghị của Uỷ ban Di sản thế giới, ngày 09/12/1995, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh đã  quyết định thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị vịnh Hạ Long, trọng tâm là khu vực Di sản thiên nhiên thế giới. Đây thực sự là một bước đột phá quan trọng trong công tác tổ chức quản lý Di sản, tạo điều kiện cơ bản đưa hoạt động quản lý di sản nhanh chóng đi vào nề nếp, ổn định và có hiệu quả.

Sau khi thành lập, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách, kịp thời nâng cao hiệu lực của công tác quản lý, đồng thời phát huy vai trò tích cực, chủ động làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương của tỉnh và trung ương đề xuất nhiều giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả, tạo ra những thay đổi cơ bản trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long là khu vực rộng lớn, thường xuyên diễn ra các hoạt động đa ngành, chi phối từ nhiều đối tượng quản lý khác nhau, trong khi Công ước về bảo vệ Di sản 1972 lại có những quy định chặt chẽ về công tác bảo tồn đối với một Di sản thế giới, do vậy trước tiên cần có những cơ chế chính sách quản lý phù hợp. Một trong những căn cứ pháp lý quan trọng định hướng cho công tác quản lý, bảo tồn Di sản giai đoạn trước mắt và lâu dài, đó là “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002. Sau đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý vịnh Hạ Long trên cơ sở Luật Di sản văn hóa do Nhà nước quy định. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, quản lý các hoạt động kinh tế-xã hội trên vịnh Hạ Long...tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long. Thực tế đã chứng minh sự cần thiết, tính kịp thời và hiệu lực quản lý di sản của các văn bản này.

Có thể nói rằng, sự kiện vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là một tấm “hộ chiếu văn hóa” để thu hút và mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế. Đến nay, vịnh Hạ Long đã thiết lập được mối quan hệ trực tiếp với các tổ chức: Ủy ban Di sản thế giới, Trung tâm Di sản thế giới, Mạng lưới các Di sản thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Hiệp hội du lịch các nước châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) và đang là thành viên của các tổ chức: Mạng lưới các nhà quản lý Di sản thế giới biển, Câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới, Mạng lưới G20 các quốc gia có kỳ quan được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới (New 7 Wonders).

Từ các mối quan hệ trên, nhiều hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế - văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, bảo tồn Di sản đã được triển khai, nhiều chương trình dự án được tài trợ thực hiện, từng bước đưa vịnh Hạ Long hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo vệ Di sản thế giới. Có thể kể đến: dự án “Nghiên cứu hệ thực vật tự nhiên ở vịnh Hạ Long” do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tài trợ thực hiện năm 2000; Năm 2001, với sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), dự án “Nghiên cứu tiền khả thi Bảo tàng sinh thái Hạ Long” đã được Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện. Nội dung dự án gồm 2 phần: Trung tâm Bảo tàng và 12 đề tài ngoài trời, trong đó có dự án Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn được Chính phủ Na Uy tài trợ xây dựng tại làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2006; Từ năm 2005, với sự hỗ trợ và phối hợp của Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI), dự án “Con thuyền sinh thái Ecoboat” - chương trình giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn biển đã thu hút trên 10.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, đoàn viên thanh niên của các trường học trong nước và quốc tế đi học tập thực tế tìm hiểu về di sản vịnh Hạ Long;  dự án “Nâng cao năng lực cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long” được triển khai từ nguồn tài trợ của Quỹ Di sản thế giới UNESCO đã xây dựng được Kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2009, các dự án về bảo vệ môi trường do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho vịnh Hạ Long theo hình thức ODA không hoàn lại, gồm “Hỗ trợ xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên có sự tham gia của người dân địa phương trên vịnh Hạ Long”,  dự án “nghiên cứu thử nghiệm dầu sinh học Bio-diesel cho tàu du lịch trên vịnh Hạ Long” và dự án “thiết lập hệ thống vận chuyển rác thải trên vịnh Hạ Long bằng tàu chạy nhiên liệu sinh học”. Và mới đây tháng 6/2014, với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID), dự án “Sáng kiến Liên minh vịnh Hạ Long” đã được khởi động với mục tiêu đảm bảo sự bền vững cho vịnh Hạ Long và quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thành lập một liên minh giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện các cam kết và hành động bảo vệ các giá trị ngoại hạng toàn cầu của Di sản. Các dự án trên đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn giá trị vịnh Hạ Long phù hợp với xu hướng quản lý di sản trên thế giới.

Đi đôi với công tác quản lý, bảo tồn giá trị Di sản, công tác đầu tư, tôn tạo nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch, tạo ra các điểm tham quan, hấp dẫn trên vịnh Hạ Long được chú trọng. Với phương châm đầu tư, tu bổ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các công trình phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã đề xuất UBND tỉnh cho triển khai hàng chục dự án quan trọng đầu tư trực tiếp vào vịnh Hạ Long như: tu bổ tôn tạo động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti tốp, các điểm lưu trú nghỉ đêm…; nâng cấp cảng bến, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tại các điểm tham quan…Những dự án này là bước đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy giá trị, làm tăng tính hấp hẫn của Di sản vịnh Hạ Long, đáp ứng được hai mục tiêu: bảo tồn được các giá trị tự nhiên, đồng thời nâng cao được giá trị Di sản.

Để đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền quảng bá giá trị vịnh Hạ Long, trong những năm qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã  chủ động phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và triển khai thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học về vịnh Hạ Long, từng bước làm sáng tỏ được giá trị đặc biệt, tiềm năng nổi trội của di sản.

Công tác tuyên truyền, giới thiệu Di sản cũng được mở rộng dưới các hình thức như mở chuyên mục về Di sản trên báo, đài địa phương, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, lắp dựng biển quảng bá tấm lớn tại các điểm nút giao thông quan trọng. Trong đó, đã chú trọng thực hiện hoạt động quảng bá hình ảnh vịnh Hạ Long ra nước ngoài thông qua các kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng, tạp chí Heritage của hãng hàng không Việt Nam, mạng lưới các Di sản biển của thế giới...

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường Di sản là lĩnh vực luôn được ưu tiên hàng đầu không chỉ vì giữ gìn nguyên vẹn Di sản, phát triển bền vững du lịch, mà còn vì sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh và đất nước. Nhờ đó, tạo được sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương liên quan. Vì lợi ích chung, ngành Than đã có những biện pháp táo bạo, việc làm cụ thể, mạnh mẽ nhằm bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, như di chuyển các cơ sở sản xuất cơ khí, sàng tuyển, luyện than, vận chuyển, bốc rót than ra khỏi trung tâm thành phố Hạ Long, hạn chế ô nhiễm đối với vịnh Hạ Long. Đồng thời, dự án nghiên cứu đánh giá tác động của sản xuất than và du lịch đối với môi trường vịnh Hạ Long có sự tham gia của một số ngành và địa phương đã được triển khai. Tiếp đó, Quy hoạch quản lý môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2010 đã được xây dựng, tạo cơ sở cho HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết về Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Để bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang tiếp tục thực hiện biện pháp thu gom, vận chuyển rác thải về bờ xử lý; nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh của các tàu du lịch, tàu nghỉ đêm và các loại tàu thuyền khác hoạt động trên vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long được đánh giá là một Di sản mang tính đặc thù, trong vùng bảo vệ tuyệt đối thường xuyên diễn  ra các hoạt động du lịch, vận tải, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản...Vì vậy, tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị Di sản là công việc được Ban thường xuyên triển khai thực hiện.

Không chỉ coi trọng quản lý, bảo tồn mà nhiệm vụ khai thác, phát huy giá trị vịnh Hạ Long cũng được xác định là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm “đưa vịnh Hạ Long thành một trong những điểm du lịch tốt nhất, chất lượng nhất, bền vững, hiệu quả và thân thiện với du khách”. Khai thác hiệu quả, đúng hướng sẽ là giải pháp tốt nhất để quản lý, bảo tồn hiệu quả Di sản, làm cho vịnh Hạ Long thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đứng vững trong dòng chảy vận động không ngừng của nền kinh tế - xã hội hiện đại.

 

Ảnh: Vịnh Hạ Long (Nguồn: Võ Rin)

 

Trải qua hơn 20 năm từ khi được công nhận di sản, các dịch vụ du lịch đặc trưng trên vịnh Hạ Long đã được hình thành, phát triển, tạo thành những sản phẩm hấp dẫn riêng của vịnh Hạ Long, được nhiều khách du lịch lựa chọn, đặc biệt là khách nước ngoài. Chiến lược khai thác phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và có những bước đột phá mới thông qua việc xây dựng các đề án, phương án phát triển sản phẩm du lịch của Quảng Ninh và Hạ Long; bổ sung ba tuyến tham quan mới trên vịnh Bái Tử Long nhằm giảm áp lực tại vùng lõi của Di sản, mở thêm một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long, tăng sự lựa chọn cho khách tham quan; triển khai áp dụng mô hình hợp tác công - tư trong khai thác, phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long…

Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, lượng khách đến tham quan vịnh Hạ Long ngày càng tăng. Từ năm 1996 đến năm 2014, riêng vịnh Hạ Long đã đón tổng cộng hơn 28,8 triệu lượt khách, trong đó có 14 triệu lượt khách quốc tế, thu phí tham quan đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Kể từ khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đạt được kết quả quan trọng, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học, kinh nghiệm về nhận thức và ứng xử đối với một Di sản đặc biệt như vịnh Hạ Long; mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa bảo tồn với phát huy di sản; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, tinh thần đồng lòng, chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội; sự gắn kết, ủng hộ, giúp đỡ trong ngôi nhà chung của Di sản thế giới....

Sau hơn 20 năm nhìn lại, giá trị của vịnh Hạ Long được bảo tồn bền vững nhưng việc khai thác, phát triển du lịch còn hạn chế, chất lượng dịch vụ, hạ tầng du lịch trên vịnh hiện nay thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, chưa xứng tầm với một di sản- kỳ quan thiên nhiên thế giới; đồng thời cũng chưa thể yên tâm nếu tình trạng môi trường vùng phụ cận chưa được kiểm soát. Trong khi đó, trước cơ chế và bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ như hiện nay, vịnh Hạ Long đang đứng trước không ít nguy cơ, thách thức; công tác quản lý nhà nước, bảo tồn di sản đòi hỏi ngày càng phải đáp ứng yêu cầu cao hơn, chất lượng dịch vụ đòi hỏi phải tốt hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn.

Đứng trước khó khăn, thách thức song việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng trong nước và của cả các tổ chức quốc tế. Đó là đòn bẩy, là động lực để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long sẽ có những chuyến mới, mạnh mẽ hơn trong thời gian kế tiếp.

Trên cơ sở Công ước quốc tế về Bảo tồn Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, các văn bản pháp quy của Nhà nước quy định chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, các Quy định của UBND tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng sẽ nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả; chất lượng quản lý, bảo tồn, và phát huy giá trị vịnh Hạ Long đạt được chuẩn quốc tế, là cơ sở xây dựng vịnh Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch Việt Nam, điểm đến hàng đầu trong khu vực và thế giới.