Nội san

Sự hình thành tục thờ Mẫu ở phủ Nấp xã Yên Đồng - Ý Yên - Nam Định

06 Tháng Mười 2015

PGS.TS. Phan Văn Tú

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

 

Phủ Nấp xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định theo nhiều sử sách ghi lại là nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng trần lần thứ nhất vào thế kỷ XV. Song địa danh này so với phủ Dầy, huyện Vụ Bản, Nam Định thì ít người biết đến hơn hẳn. Do những nguyên nhân khác nhau trong một thời gian dài hiếm ai nhắc tới hoặc biết tới phủ Nấp, mặc dù di tích chỉ nằm cách phủ Dầy, trung tâm của đạo Mẫu Việt Nam gần chục cây số.

Ông bà ta có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”, Cha ở đây là Trần Hưng Đạo, còn Mẹ là Mẫu Liễu Hạnh. Đã từ bao đời nay con cháu cứ tháng Ba hàng năm lại nô nức trẩy hội phủ Dầy, thắp hương trước bàn thờ Mẫu. Hội Phủ Dầy, Chợ Viềng, Nam Định từ lâu đã nức tiếng gần xa như một dấu ấn văn hóa khi nhắc về đạo Mẫu, về mảnh đất Nam Định. Các tài liệu nghiên cứu thời kỳ trước cũng chỉ nhắc tới hai lần giáng sinh của Mẫu Liễu Hạnh tại Kim Thái, Vụ Bản và lần sau ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Nhưng, ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, các lễ hội truyền thống đã được khôi phục lại và tổ chức với quy mô rộng rãi, trong nhiều tư liệu được lưu giữ lại đã chỉ ra rằng thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là nơi giáng sinh đầu tiên của Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử tại Việt Nam1. Nơi đây còn giữ lại được di tích phủ Nấp thờ bà cùng nhiều chứng tích về xuất thân, con người, cuộc đời của tiên thiên đệ nhất Mẫu. Vậy tại sao Mẫu Liễu Hạnh lại sinh ra và gắn với địa chỉ Vỉ Nhuế, Yên Đồng cách phủ Dầy đến 10 cây số. Lần tìm theo những tài liệu còn sót lại và những tư liệu thu thập được, khảo sát lịch sử về di tích phủ Nấp giúp chúng ta làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc trong quá khứ, đồng thời khám phá thêm được nhiều nét đẹp văn hóa của tục thờ Mẫu nơi đây.

1. Lịch sử hình thành phủ Nấp

Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định nổi tiếng là mảnh đất với bề dày lịch sử văn hóa, đồng thời còn là nơi người dân có đời sống tâm linh đa dạng, phóng phú. Từ hệ thống di tích đền chùa, miếu mạo, đến hàng loạt các nhà thờ tổ của các dòng họ... Chúng ta có thể thấy được mảnh đất này là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng. Đạo Phật du nhập vào đây từ rất sớm, hiện nay tại Yên Đồng có tổng cộng tới 8 chùa lớn nhỏ khác nhau, trước đây đã có lúc 80% dân số là tín đồ Phật giáo. Đạo Thiên Chúa du nhập vào Yên Đồng từ giữa thế kỷ XIX và ngày một phát triển, đến năm 2005 đã có 22% dân số theo đạo. Hiện xã có 1 nhà thờ lớn và 3 nhà thờ lẻ đều tập trung ở Vỉ Nhuế. Đặc biệt là nơi có truyền thống

Nho học nên trước đây nhiều làng cũng có miếu thờ Khổng T2. Từ các số liệu đã dẫn ở trên, có thể nói Yên Đồng là một vùng quê có không gian văn hóa, xã hội và đời sống tâm linh khá đặc biệt. Đó chính là một trong những yếu tố để nơi đây trở thành cái nôi của sự phát sinh, hình thành và biến đổi của tục Thờ Mẫu, một hình thức đạo giáo dân gian của người Việt ở châu thổ sông Hồng.

 

Ảnh: Phủ Nấp- Nam Định (Nguồn: st)

 

Dựa theo các tư liệu lịch sử tại chính địa danh này thì phủ Quảng Cung hay còn gọi là phủ Nấp, thuộc thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được xây dựng từ năm thứ tư niên hiệu Hồng Đức (1473), sau đó được trùng tu vào các năm 1741, 1781 và năm Duy Tân thứ nhất (1891) thì được mở rộng so với trước. Phủ Nấp quay mặt về hướng đông, hướng của mặt trời mọc, trước mặt có một hồ nước trông xa rất hữu tình, có thể xem là nơi phong thủy đẹp. Trong quá trình lịch sử, di tích trải qua rất nhiều những biến cố thăng trầm, có lúc đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng với tấm lòng công đức của nhân dân quanh vùng, cho đến nay đã được phục hồi rất khang trang, uy nghi, với số lượng người đến thắp hương, dâng lễ ngày một đông đảo.

Đối với người dân phủ Nấp thì việc giáng sinh lần đầu tiên của chúa Liễu Hạnh đã trở nên quen thuộc nhưng đối với nhiều người ở nơi khác thì lại chỉ biết đến sự tích chúa Liễu giáng sinh tại phủ Dầy. Như chúng ta đã biết, sự tích Liễu Mẫu giáng sinh tại phủ Nấp được truyền lại thông qua truyền thuyết dân gian địa phương và qua các tư liệu Hán - Nôm như câu đối, thơ giáng bút và các văn bản chữ Hán của các nhân sĩ... Nhưng có lẽ tài liệu sớm nhất được lưu truyền đến nay là Quảng Cung linh từ phả ký của Vũ Huy Trác biên soạn năm 1781, sau này có Cát thiên tam thế thực lục, bản khắc gỗ ở phủ Nấp do Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển soạn năm 1913. Từ các tài liệu trên cùng với sự hiện diện của đền phủ và lễ hội gắn liền với những truyền thuyết dân gian lưu truyền tại địa phương giúp ta biết rằng trước khi được tôn xưng là mẫu nghi thiên hạ thì Mẫu là một nhân vật nữ có thật ở địa phương: Cô họ Phạm.

Cô họ Phạm xuất thân trong một gia đình hào phú ở địa phương, cha họ Phạm, mẹ họ Đoàn. Cô họ Phạm này luôn rất hiếu thuận nên chỉ ở vậy chăm sóc hai cha mẹ. Sau khi cha mẹ mất, cải táng họ xong xuôi, cô dành nhiều thời gian, tiền của vào việc công đức với trình tự như sau: năm 35 tuổi giúp dân đắp đê ngăn nước, trên từ phía núi Tiên Sơn, dưới từ trại Tịch Nhi làm 15 tòa cầu đá, khơi nguồn dẫn nước tưới tiêu, khẩn ven sông, giúp dân bần bệnh tiền bạc, sửa chữa chùa chiền, cấp lương cho các vị hương sư giúp các cháu nhà nghèo học tập. Năm 36 tuổi dựng chùa Kim Thoa ở ngã ba sông Đồi, thờ Nam Hải Quan Thế Âm và song thân. Hai năm sau tu sửa chùa Sơn Trương ở Ý Yên, chùa Long Sơn ở Duy Tiên, chùa Thiện Thành ở Đồn Xá, Bình Lục, chiêu dân tái lập làng xã tại Đồn Xá. Tháng 9 năm 1472 trở về quê mang tiền bạc trong nhà tu sửa đền thờ tổ họ Phạm... Truyền rằng do không con cái nên cô Phạm về quê xây chùa xong, khi chết được dân chúng tưởng

nhớ công ơn lập miếu thờ, hàng năm vào dịp mở hội có rước kiệu về La Ngạn (quê cha) bái yết tổ tiên3.

Bản phả ký của Vũ Huy Trác cho biết tính đến năm 1781 thì đền Quảng Cung đã có 23 sắc đạo, sớm nhất là vào niên hiệu Hoàng Định năm đầu (1601), đó là thời gian khá dài để hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở Yên Đồng gắn với cô gái họ Phạm.

 Giai đoạn 1473 - 1601: Việc thờ tự cô họ Phạm được bắt đầu vào năm cô mất, năm 1473, với quy mô nhỏ, chủ yếu là trong dòng họ thân tộc. Nếu đúng như truyền thuyết và phả ký thì nơi thờ cô đặt ngay trong vị trí ngôi nhà cha mẹ thân sinh cô. Sau khi cô mất, nhà họ Phạm không ai thừa kế ngôi nhà, nhà bị bỏ không với bàn thờ ông bà Phạm nên con cháu trong họ mới lập thêm bàn thờ với tư cách bà cô, sau này trở thành cô tổ. Do có nhiều đóng góp với gia đình, dòng họ và làng xóm, việc thờ tự cô Phạm và cha mẹ được người dân tiến hành chu đáo. Qua thời gian, ngôi nhà cũ cũng bị tàn phá, do sự linh ứng kỳ lạ của cô, với tư cách tiên chúa mà dân làng đã xây dựng nơi thờ mới cho cô trên nền ngôi nhà cũ của gia đình. Chính nhờ sự linh ứng đáp ứng những nhu cầu và nguyện vọng đời thường của người dân (tài, lộc, chữa bệnh, cầu tự,...) mà vị thế của Mẫu ngày một được nâng cao trong đời sống tâm linh làng xã. Trong dân chúng nơi đây hình thành một tâm thức thờ cúng Mẫu như thờ bà cô tổ của dòng họ. Lúc này tượng Mẫu được tạc bằng gỗ mít, quy mô thờ lúc đầu chỉ là một ngôi miếu. Có thể coi giai đoạn đầu này là giai đoạn phát sinh và hình thành tục thờ Mẫu ở Yên Đồng.

 Giai đoạn 1601 - 1781: đây là giai đoạn Mẫu được nhận 23 bản sắc phong, việc thờ phụng ngài cũng có nhiều thay đổi về quy mô và cách tổ chức. Bản phả ký cho biết: “Đền này khi xưa có lệ quốc tế, từ niên hiệu Cảnh Hưng năm đầu (1740) trở đi thì mỗi khi đến ngày kị, quan phủ Nghĩa Hưng vâng mệnh bề trên tế lễ, về sự linh ứng thì hết chỗ nói”. Từ đây việc thờ tự Mẫu đã chuyển sang quốc tế  có sự tham gia của quan đứng đầu. Rất có thể việc tổ chức lễ hội phủ Nấp quy mô ngày nay là bắt nguồn từ mốc này. Trước thời kỳ năm 1781 trong phủ mới có ba bức tượng, bức tượng Mẫu bằng đồng và hai bức tượng phụ mẫu bằng gỗ mít. Từ năm 1781, cả ba bức tượng đều được đúc đồng. Từ đó có thể suy luận việc có tu sửa nhưng đến thời điểm này bài trí trong đền Mẫu còn đơn giản, tượng Mẫu ở giữa, tượng phụ mẫu hai bên, về cơ bản là cách bài trí thờ của gia đình. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn tục thờ Mẫu có những phát triển nhất định về diện tích và quy mô tế tự.

Giai đoạn 1858 - 1912: đây là thời gian phủ Nấp được trùng tu và mở rộng quy mô thờ tự, theo đó dẫn tới nảy sinh các sinh hoạt tín ngưỡng như lên đồng.

Năm 1912: tổng đốc Nam Định Đoàn Triển và đốc học Bắc Ninh Trần Xuân Thiều đã tạc văn bia trả ơn Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cho xây dựng và mở mang thêm cửa phủ. Giai đoạn này việc thờ Mẫu có biến đổi ở quy mô thần điện. Có lẽ tên gọi “phủ” xuất hiện ở giai đoạn này thay cách gọi “miếu” trước kia. Tương truyền tập Cát thiên tam thế thực lục xuất hiện vào năm 1912 là do Mẫu ứng vào ông thủ bằng cách “Đoàn Thủ Duyệt lấy ngón tay viết trên mâm gạo”, ông Đào Tiến Tuân là Tam trường dịch và viết ra, sau đó lưu truyền cho nhân dân Vỉ Nhuế.

Giai đoạn 1912 - 1973: thời gian này không có tài liệu nào nói về việc tu sửa đền phủ. Đây là giai đoạn Mẫu giữ nguyên hiện trạng và được trùng tu vào năm 1911 cho đến khi bị “hạ giải” năm 1973, toàn bộ khu di tích bị phá bỏ, hiện vật bị mất mát.

            Giai đoạn 1973 - 1993: khu di tích được đào làm “Ao cá Bác Hồ”.

 Từ 1993 đến nay là thời kì phủ Nấp được phục hưng trở lại bằng việc các phụ lão xin phép chính quyền đứng ra dựng phủ thờ Mẫu cạnh hồ nước. Sau đó phủ Mẫu được tiếp tục mở rộng ngày một khang trang, nguy nga, được thiết kế lại theo phong cách hiện đại.

 

Ảnh: Tượng Mẫu Liễu Hạnh- Phủ Nấp (Nguồn: St)

 

Như vậy, tục thờ Mẫu ở phủ Nấp, xã Yên Đồng được phát sinh, hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian lâu dài. Tuy có lúc ngắt quãng nhưng cuối cùng vẫn được phục hồi. Đó là quá trình đi từ tục thờ cúng tổ cô trong gia đình, chuyển sang thờ tiên chúa, rồi thờ Mẫu, cùng với đó là sự mở rộng và phát triển quy mô đền phủ, cũng như các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng liên quan.

2. Giá trị văn hóa của di tích phủ Nấp

Việc thờ phụng Mẫu Liễu tại Yên Đồng vốn đã có từ lâu đời. Trải qua sáu thế kỷ liên tục được trùng tu, tôn tạo, phủ Nấp ngày nay được xếp vào loại có kiến trúc khang trang, bề thế nhất trong vùng. Đó là công sức của biết bao thế hệ người dân Yên Đồng, suốt bao đời vẫn luôn gìn giữ những nét đẹp tục thờ Mẫu. Nhìn thực trạng di sản gắn với địa danh thờ tự này về gốc tích giữ lại không còn nhiều nhưng cũng đủ để nhận diện bước đầu về một địa chỉ phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Di tích tại một nơi chốn có văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo, có tác động ảnh hưởng sâu rộng đến tâm thức đông đảo cộng đồng trên tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển. Bên cạnh ý thức giữ gìn, ngưỡng vọng, tô đắp biểu tượng cho một khuôn mẫu đạo lý, nhân cách của người Việt, của dân chúng qua sáu thế kỷ, còn là sự quan tâm, ngưỡng mộ của nhiều thế hệ các bậc đế vương, các quan đại thần, các nhà khoa bảng, danh sĩ với những lời tán dương, tri ân sâu sắc về một nhân vật vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thần thoại. Trải qua sự đứt quãng do bị phá rỡ, do chiến tranh loạn lạc, do cấm đóan trên dưới 20 năm của chính quyền sở tại, sự hiện hình phục hồi của di tích Quảng Cung hiện nay nhờ công sức và niềm tin của nhân dân cho lớp người đương đại hôm nay đã là minh chứng rõ nét nhất cho giá trị và sức hút tự nhiên của một nhân vật được thờ phụng trên mảnh đất của không gian văn hóa có địa linh nhân kiệt.

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội phủ Nấp ngày nay cơ bản kế thừa từ lễ hội cổ truyền, kể cả phần lễ và phần hội. Trong các phần hội thì cùng với các hoạt động vui chơi, giải trí hiện đại, các trò diễn dân gian vẫn được phát huy một cách mạnh mẽ như múa sư tử, chơi cờ người,... được phát huy, bảo tồn. Tựu chung lại, lễ hội ngày nay đều là kết quả của quá trình kế thừa và phát huy truyền thống với hiện tại, quá trình kế thừa và phát triển đó là một quy luật khách quan tất yếu, nó giúp lễ hội bảo tồn những giá trị văn hoá, lưu truyền quan các thế hệ, cái cũ tốt đẹp quyện vào cái mới hiện đại dần dần đi vào đời sống người dân.

Những sinh hoạt văn hóa dân gian ở lễ hội phủ Nấp đã góp phần bảo tồn và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mà điển hình là tục hầu đồng. Các sinh hoạt nảy sinh để bày tỏ lòng thành kính với các vị nữ thần của dân tộc như các giá (Mẫu Thoài, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn), tất cả tạo nên các giá trị văn hóa trường tồn trong tiềm thức mỗi người dân, góp phần làm nên tính gắn kết cộng đồng của người dân Yên Đồng, giúp họ vượt qua những khó khăn, tạo lòng tin hướng thiện cho con người nơi đây. Có thể nói tính gắn bó là đặc trưng khi đến với lễ hội phủ Nấp cũng như những nơi thờ Mẫu khác như phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định), Sòng Sơn (Thanh Hóa), phủ Tây Hồ (Hà Nội). L hội phủ Nấp chính là nơi củng cố hơn nữa mối đoàn kết cộng đồng làng xã, làm tăng thêm sức mạnh và ý thức gìn giữ quê hương, đất nước. Những du khách thập phương về với lễ hội phủ Dầy không chỉ được hòa mình vào không khí linh thiêng của lễ hội mà còn được sống trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp.

Qua lễ hội, mọi người trong làng xã cảm nhận được sự tin tưởng, niềm tin vào cuộc sống, giúp họ phấn chấn làm ăn và cảm nhận được sự linh thiêng của Mẫu. Từ niềm tin chung vào Thánh Mẫu những con người nơi đây dần thông cảm và hòa nhập hơn với nhau. Tới đây không còn sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chỉ còn lại tâm thức của mỗi con người cùng chảy chung nhịp chảy của quê hương, bất kể già trẻ, lớn bé đều tham gia hăng hái vào các nghi lễ, các trò diễn ở đây. Mọi người quên đi cái riêng, cái tính toán thiệt hơn, để vô tư, tự nguyện, bận rộn với cái chung. Điều này có lẽ xuất phát từ chính nhu cầu tự nhiên của con người, là dịp để bày tỏ mình với cộng đồng.

Việc tổ chức lễ hội phủ Nấp chính là dịp để nhân dân trong xóm ngoài làng giao lưu, hưởng thụ các giá trị văn hóa của dân tộc sau những ngày làm việc vất vả. Chính sự giao lưu đó lại nảy sinh những giá trị văn hóa mới, đồng thời vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

3. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại di tích phủ Nấp

Nước ta ngày nay đang bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời bình thì nhu cầu thưởng thức văn hóa, nhu cầu về đời sống tâm linh bấy lâu bị “dồn nén” nay “bùng ra” cần được đáp ứng. Kết quả là các lễ hội nhanh chóng được khôi phục, mở rộng lại. Điều này có những tác động tích cực đến đời sống của nhân dân. Trong đó lễ hội phủ Nấp ngày một được đầu tư quan tâm hơn trước, thu hút ngày một nhiều du khách viếng thăm. Tuy nhiên, vẫn đâu đó là sự thiếu hụt về các công trình nghiên cứu khoa học sâu về đạo Mẫu ở Việt Nam để nhắc tới rõ hơn về nơi chúa Liễu giáng trần lần thứ nhất, và đâu đó vẫn còn có những nguyên nhân khác nhau làm cho việc thờ Mẫu tại phủ Nấp không được biết đến nhiều như phủ Dầy, mặc dù hai địa danh cách nhau chưa đến mười cây số. Tại phủ Nấp nhìn chung quy mô các lễ hội vẫn còn hạn chế, ít người biết tới.

Trong bài viết này, xin mạnh dạn đưa ra một số ý kiến về việc tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phủ Nấp: Thứ nhất, lễ hội phủ Nấp là một lễ hội quan trọng đối với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam và cần được quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa từ các ban ngành liên quan để giữ gìn phát huy được những gía trị truyền thống tốt đẹp phù hợp với địa phương. Về phần Lễ của hội phủ Nấp cần duy trì sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống thờ Mẫu bởi đó là trung tâm của sự lan tỏa sự kết cấu giữa cộng đồng dân cư. Các nghi lễ, nghi thức của phủ cần được tổ chức đúng theo trình tự và đúng thời gian. Về phần Hội: duy trì các trò chơi dân gian và phát triển về quy mô tổ chức. Cần làm sáng tỏ những tài liệu nói về sự giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh để mọi người hiểu thêm về nó. Thứ hai, phủ Nấp có tiềm năng lớn về du lịch tâm linh, cần có sự quan tâm đầu tư của nhà nước, các nhà tài trợ để trong tương lai không xa có thể biến nơi đây thành một trung tâm của đạo Mẫu. Ngành du lịch cần có sự nghiên cứu và mở ra những tua du lịch tâm linh phù hợp với địa phương, đơn cử có thể mở chuyến du lịch kết hợp tham quan của hai địa danh phủ Dầy - phủ Nấp. Ngoài ra, cần đào tạo thêm các cán bộ quản lý có năng lực và nghiệp vụ chuyên môn cao làm công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Gắn việc nghiên cứu tục thờ Mẫu tại phủ Nấp với các địa phương khác, làm sáng tỏ thêm những vấn đề liên quan tới “tam thế” và việc giáng sinh của Mẫu, có những hoạt động thông tin rộng rãi hơn trước.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các lễ hội văn hóa dân gian trong đó có lễ hội phủ Nấp được phục hồi và ngày một phát triển. Đó là nơi đã lưu giữ được những nét đẹp tinh hoa đặc sắc của văn hóa dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tin yêu đất nước của mỗi người dân. Các lễ hội nói chung và lễ hội phủ Nấp nói riêng đang ngày một đi vào nề nếp, mở rộng phạm vi lễ hội, qua đó nâng cao được hơn nữa ý thức trách nhiệm của mọi người về cội nguồn dân tộc, góp phần vào việc phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc dân tộc.

 

 


[1] GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Thánh Mẫu Liễu Hạnh vị thần chủ của đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ, trích Chương trình hội thảo khoa học Di tích văn hóa phủ Quảng Cung, Nam Định, tr.9

2 Nguyễn Văn Bắc (2004), Góp phần tìm hiểu lịch sử Phủ Quảng Cung thôn Vì Nhuế - xã Yên Đồng - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định, Khóa luận tốt nghiệp Đại học Chuyên ngành Lịch sử Văn hóa, khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, tr.10

3 Nguyễn Thị Yên (2010), Không gian văn hóa xã hội với việc hình thành tục thờ Mẫu ở Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, trích Chương trình Hội thảo khoa học Di tích lịch sử văn hóa phủ Quảng Cung, Nam Định, tr.9

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Bắc (2004), Góp phần tìm hiểu lịch sử Phủ Quảng Cung thôn Vì Nhuế - xã Yên Đồng - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định, Khóa luận tốt nghiệp Đại học Chuyên ngành Lịch sử Văn hóa, khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

2. Ngô Đức Thịnh (2010), Thánh Mẫu Liễu Hạnh vị thần chủ của đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ, trích Chương trình hội thảo khoa học Di tích văn hóa phủ Quảng Cung, Nam Định.

3. Nguyễn Thị Yên (2010), Không gian văn hóa xã hội với việc hình thành tục thờ Mẫu ở Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, trích Chương trình Hội thảo khoa học Di tích lịch sử văn hóa phủ Quảng Cung, Nam Định.