Nội san

Học viện Sư phạm Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

06 Tháng Mười 2015

GS.TSKH. Phạm Lê Hòa

 

Giáo dục nghệ thuật là con đường/cách thức hữu hiệu để đưa nghệ thuật đến được với cộng đồng, giúp con người trở nên hoàn thiện hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật, chúng ta phải có những hành động thiết thực. Một Học viện Sư phạm Nghệ thuật Quốc gia - trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, đào tạo trình độ cao về giáo dục nghệ thuật là cần thiết/tất yếu để công tác này được chuyên nghiệp hóa và đạt hiệu quả cao nhất.

1. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử xã hội loài người lại có một thời đại có nhiều biến động/dấu ấn khác thường như những ngày hôm nay: thời đại của kinh tế tri thức, thời đại của công nghệ thông tin và cũng là thời đại mà toàn cầu hóa được nhìn nhận như một tất yếu của diễn trình lịch sử xã hội loài người. Một thời đại đầy cơ hội và thách thức như vậy đòi hỏi loài người/mỗi dân tộc phải hướng tới hơn bao giờ hết những giá trị mang tính bản chất/bản sắc để khẳng định sự tồn tại của mình. Có nhiều cách thức khác nhau, nhưng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - nghệ thuật luôn là con đường đúng đắn bởi đây là “tấm căn cước” cho mỗi dân tộc/quốc gia trong quá trình hội nhập. Và vấn đề đặt ra ở đây: cần có một đội ngũ những người có lòng nhiệt tình, tâm huyết và có trình độ chuyên môn cao cho công tác này. Chính vì vậy, Giáo dục nghệ thuật - giải pháp hữu hiệu chuẩn bị/đào tạo nhân lực cho hướng đi này ngày càng được coi trọng và đã khẳng định/chứng tỏ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Với tầm nhìn đúng đắn về vấn đề trên, ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Cho đến hôm nay, tiếp nối từ truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, Trường có nhiệm vụ đào tạo những người thầy làm công tác giáo dục nghệ thuật của ngành Giáo dục - Đào tạo và cho toàn xã hội Việt Nam. Với truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển: từ Trường Trung cấp Sư phạm lên Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa TW rồi Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, mỗi tên gọi tương ứng với từng chặng đường phát triển của Nhà trường. Trường đã đào tạo được nhiều nghìn giáo viên âm nhạc và mỹ thuật cho ngành Giáo dục - Đào tạo trên phạm vi toàn quốc. Đây là lực lượng cán bộ hùng hậu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nghệ thuật của Việt Nam thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, những cán bộ làm công tác nghệ thuật cũng đã có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực khác của công tác văn hóa - nghệ thuật của cả nước: tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống, đưa nghệ thuật đến với đông đảo các tầng lớp quần chúng thông qua các chương trình văn nghệ hay triển lãm nghệ thuật .v.v...

2.  Đội ngũ cán bộ - giảng viên luôn là vấn đề được chú trọng, là nhân tố chính để nâng cao chất lượng công tác đào tạo của một cơ sở đào tạo đại học. Hiện nay Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có gần 400 cán bộ - giảng viên cơ hữu và hàng trăm giảng viên thỉnh giảng, hầu hết đều là những nghệ sĩ có uy tín và trình độ sau đại học: GS, PGS, TSKH, TS, ThS... Nhà trường cũng đã tập hợp được đội ngũ những nhà giáo dục nghệ thuật thực sự có tài năng, uy tín và lòng nhiệt tình cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu như: GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, GS.NSND. Trung Kiên, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính, GS.TS. Lê Ngọc Canh, GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, PGS.TS. Nguyễn Thụy Loan….v.v. Cán bộ, giảng viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là thành viên/tham gia nhiều Hội đồng chấm các công trình nghiên cứu khoa học cấp cao, Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Nhà nước, Hội đồng khoa học và Đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo Việt Nam. Nhiều khoa chuyên môn của Trường có 100% giảng viên ở trình độ Sau đại học như các khoa: Sư phạm Mỹ thuật, Mỹ thuật cơ sở và Văn hóa Nghệ thuật. Nhưng có lẽ điều cần nói hơn ở đây là một thái độ, tinh thần ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của toàn thể cán bộ - giảng viên Nhà trường. Chính điều này tạo cho Trường có một vị trí/uy tín cao trong số các trường có đào tạo giáo viên nghệ thuật của Việt Nam.

3. Trước khi trở thành Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (tháng 5 năm 2006), Trường chỉ có 2 mã ngành đào tạo (Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc và Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật), hiện nay đã có thêm 10 mã ngành đào tạo ở trình độ Đại học: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Quản lý văn hóa, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ, Hội hoạ, Thanh nhạc, Piano, Sư phạm Âm nhạc Mầm non, Sư phạm Mỹ thuật Mầm non. 03 mã ngành đào tạo trình độ cao học: Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Quản lý Văn hóa và gần đây nhất là Lý luận và Phương pháp dạy học Mỹ thuật. Đặc biệt, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho phép Trường đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc. Điều này một là bước tiến vượt bậc của Trường, hướng tới việc đào tạo ở trình độ cao. Đồng thời, qua đó đánh giá sự ghi nhận của các cấp trên và của toàn xã hội với chất lượng, uy tín của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.

4. Một nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động của một trường đại học đó là công tác nghiên cứu khoa học. Đối với một trường nghệ thuật, đây không phải là vấn đề đơn giản bởi phương pháp/năng lực/lĩnh vực tư duy của người nghệ sĩ cũng có nhiều khác biệt so với các ngành khác như: khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội - nhân văn. Phần lớn các loại hình nghệ thuật phù hợp với phương thức diễn xướng/biểu diễn. Người nghệ sĩ có thể cháy hết mình khi biểu diễn trên sân khấu, đam mê quên mình trong sáng tạo nghệ thuật nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi đứng trước công việc nghiên cứu với những quy định chặt chẽ, trường quy của phương pháp luận NCKH. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đó là công tác NCKH tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW lại hoàn toàn không như vậy. Các ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ … của Trường luôn say mê tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề của nghệ thuật, những vấn đề phục vụ thiết thực cho việc nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác đào tạo nghệ thuật tại Trường. Thời gian qua Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã và đang tiến hành/tham gia soạn thảo nhiều đề án/dự án lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều đề tài NCKH của cán bộ - giảng viên, sinh viên Nhà trường đã được đánh giá cao như: Đề tài NCKH trọng điểm cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên âm nhạc trong các trường THCS ở miền Bắc Việt Nam" (Mã số: B 2008 - 36 - 09 TĐ. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TSKH. Phạm Lê Hoà. Thời gian thực hiện: 2008 - 2010), Đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS (Cơ quan chủ trì: Dự án phát triển THCS II, Bộ GD&ĐT. Thời gian thực hiện: 2008 - 2009), Đề tài “Nghiên cứu biên soạn và dạy thí điểm tài liệu "Môi trường với cuộc sống của chúng ta" dùng cho học sinh lớp 1,2,3” (Mã số: B2008-36-52MT. Thời gian thực hiện: 2008 - 2010), Đề tài “Tổ chức giáo dục các loại hình Nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh THCS” (Mã số B2013 - 36 - 26, chủ nhiệm đề tài GS.TSKH. Phạm Lê Hòa) .v.v... Có được điều này bởi: Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là một trường nghệ thuật mang tính đặc thù cao trong công tác đào tạo, trường là nơi tập hợp những chuyên gia hàng đầu về giáo dục nghệ thuật của Việt Nam. Thời gian qua, uy tín của Trường ngày càng được nâng cao bởi hiệu quả của chính những công việc mà trường đã thực hiện và được các Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học đánh giá.

 

Ảnh: Hội đồng nghiệm thu NCKH Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

 

Một điều đáng ghi nhận đó là, Trường đã ứng dụng chuyển giao những kết quả của nghiên cứu khoa học một cách linh hoạt, hiệu quả vào những hoạt động của giáo dục nghệ thuật. Các chương trình hợp tác về nghiên cứu với nước ngoài như: Nâng cao chất lượng dạy học môn Mỹ thuật, nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Đan Mạch và chính phủ Việt Nam. Với chương trình này, Trường đã có những chuyên gia/giảng viên tiếp nhận những phương pháp dạy học tiên tiến kết hợp với bản sắc văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và vận dụng vào thực tế dạy học mỹ thuật ở các nhà trường phổ thông. Trường cũng xây dựng khung chương trình đào tạo, có ứng dụng các phương pháp dạy học nghệ thuật tiên tiến vào khóa học Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên âm nhạc, mỹ thuật trong các trường tiểu học tham gia SEQAP. Việc vận dụng những nghiên cứu mới vào quá trình đào tạo giáo dục nghệ thuật được Nhà trường thực hiện một cách hữu hiệu tạo được ảnh hưởng tích cực với xã hội, với giáo dục nghệ thuật và nhận được sự tín nhiệm của các đối tác.    

5. Với mục tiêu phấn đấu đưa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học về giáo dục nghệ thuật hàng đầu Việt Nam, trong những năm qua, Đảng ủy Ban giám hiệu Nhà trường đã có chiến lược và kế hoạch phát triển, bắt đầu từ việc định hướng cơ cấu tổ chức. Thành lập các đơn vị với chức năng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu về sư phạm nghệ thuật có thể được coi là một trong những cách thức/hướng đi thể hiện tầm nhìn/chiến lược lâu dài của Trường.

Viện Nghiên cứu Sư phạm Nghệ thuật (NCSPNT) là đơn vị cơ sở trực thuộc Trường, có chức năng nghiên cứu, cung cấp thông tin, tham gia đào tạo bồi dưỡng nhằm phục vụ nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường. Đồng thời Viện NCSPNT cũng có nhiệm vụ Nghiên cứu khoa học, đề xuất những giải pháp đào tạo cho các loại hình sư phạm âm nhạc, mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật khác trong Nhà trường; nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy cho đào tạo các loại hình trong Nhà trường. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật khác.

Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật của Trường được cấp giấy phép hoạt động báo chí của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông. Năm 2014, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật được xếp trong danh mục các tạp chí có bài báo được tính điểm công trình khoa học quy đổi. Đây thực sự là diễn đàn trao đổi, cung cấp thông tin về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.

6. Trường cũng ứng dụng các kết quả của quá trình nghiên cứu/đào tạo nghệ thuật vào hoạt động biểu diễn, đưa nghệ thuật ngày càng gần gũi với cộng đồng/xã hội. Nhiều ngày lễ lớn, nhiều dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước đều có sự tham gia của Trường trong các chương trình nghệ thuật như: chương trình Điều còn mãi, Ngày Âm nhạc Việt Namqua đó đã góp phần xây dựng nên hình ảnh của Nhà trường trong tâm trí của công chúng yêu nghệ thuật.  

Trong những năm qua, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cũng tham gia nhiều cuộc thi chuyên nghiệp mang tầm quốc gia, quốc tế. Tại Hội thi Liên hoan Hợp xướng Quốc tế được tổ chức tại Hội An (lần thứ I, năm 2010) và Huế (lần thứ II, năm 2012), Trường đã giành được thành tích đáng tự hào với nhiều tấm huy chương vàng; đánh dấu tên Việt Nam trên bản đồ Hợp xướng Quốc tế.

 

Ảnh: Dàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương với tiết mục biểu diễn trong Hội thi Liên hoan Hợp xướng Quốc tế lần thứ II

 

Nhà trường luôn năng động, sáng tạo trong việc tìm những hướng đi tích cực; ứng dụng một cách tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin, truyền thông vào việc tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nhận thức về văn hóa nghệ thuật cho đông đảo công chúng. Chương trình “Giáo dục Nghệ thuật” phát sóng thường xuyên trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam với sự tham gia của những nhà giáo, nghệ sĩ, họa sĩ, ca sĩ… là giảng viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã mang tới cho khán giả truyền hình những nhận thức sâu sắc hơn, ý thức sâu sắc hơn về giá trị của nghệ thuật nói chung, giáo dục nghệ thuật nói riêng. Đây cũng là một kênh hiệu quả trong việc đưa giáo dục nghệ thuật đến với cộng đồng xã hội.

7. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây đã hình thành nhiều học viện với đa lĩnh vực, trong đó có những học viện về nghệ thuật như: Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế... được thành lập trên cơ sở những đơn vị đào tạo về nghệ thuật với những mục tiêu chủ yếu trở thành đơn vị tập trung nghiên cứu chuyên sâu, đào tạo trình độ cao những loại hình nghệ thuật. Điều này là minh chứng cụ thể cho việc thay đổi nhận thức/đánh giá về tầm quan trọng của nghệ thuật đối với cộng đồng cũng như sự phát triển đúng đắn của bản thân cơ sở đào tạo đối với định hướng chung của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước; với chức năng tham gia vào việc định hướng, giáo dục nhằm nâng cao đời sống âm nhạc cho toàn xã hội. Trong định hướng phát triển, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm âm nhạc có đủ uy tín trong khu vực, đủ năng lực để tham gia vào hội nhập quốc tế.

Học viện Âm nhạc Huế với chức năng chính là: bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các di sản Âm nhạc được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên... đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực âm nhạc ở bậc trung học, đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học, biểu diễn âm nhạc, góp phần giữ gìn và phát triển nền âm nhạc Việt Nam mà trực tiếp là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong xu thế phát triển của nền giáo dục trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi tính chuyên môn ngày càng cao, sự ra đời của các học viện là một bước phát triển ở tầm cao hơn so với những cơ sở giáo dục khác như cao đẳng, đại học. Mô hình đào tạo này nhấn mạnh tới những mục tiêu: nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng, phát triển về một số lĩnh vực chủ yếu. Và tình hình chung của những học viện nghệ thuật tại Việt Nam hiện chỉ giới hạn phạm vi, chức năng ở hoạt động nghiên cứu, đào tạo về nghệ thuật. Trong khi đó, giáo dục nghệ thuật - một con đường cần thiết để phát huy sâu rộng ý nghĩa của nghệ thuật đến với con người - vẫn đang còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ.     

8. Giáo dục nghệ thuật là con đường/cách thức hữu hiệu để đưa nghệ thuật đến được với cộng đồng, giúp hoàn thiện con người trở nên tốt đẹp hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn/hành động thiết thực đối với công tác này. Nâng cao hiệu quả của giáo dục nghệ thuật, cần thiết phải có sự chuẩn bị, đầu tư chu đáo tập trung nghiên cứu tìm ra những cách thức hữu hiệu. Một trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật là việc làm cần thiết để công tác này được chuyên nghiệp hóa, tìm được hiệu quả cao hơn. Đòi hỏi phải có một quy mô xứng tầm có thể bao quát trong đó nhiều hoạt động ý nghĩa: nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng. Chính vì vậy, việc thành lập một Học viện Sư phạm Nghệ thuật mang tầm Quốc gia là điều đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh giáo dục của đất nước hiện nay.

9. Diễn trình phát triển của nhân loại đã chứng kiến nhiều sự thay đổi và mỗi sự thay đổi đó luôn là kết quả mối quan hệ biện chứng giữa hình thức với nội dung. Trải qua chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, với những cái tên Trường Trung cấp Thể dục Nhạc Họa rồi đến Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa TW, ĐHSP Nghệ thuật TW đã thể hiện sự thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển trong từng giai đoạn. Với những bước tiến vượt bậc và những thành tựu mà Trường tạo lập trong những năm qua, một diện mạo mới cho phù hợp/xứng đáng hơn là điều cần/nên có.

Mỗi bước trưởng thành, mỗi thay đổi đều là một tất yếu lịch sử trong sự phát triển của một cơ sở giáo dục. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay, cần có chiến lược trong việc hình thành và tạo lập nên một cơ sở đào tạo xứng tầm với những đòi hỏi của công tác này. Giáo dục nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù và để nó có thể phát huy hiệu quả một cách sâu/rộng cần phải có một sự quan tâm/đầu tư hiệu quả. Và cũng với những ý nghĩa như vậy, sự ra đời của một Học viện Sư phạm Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam là một tất yếu trong quá trình phát triển của Trường nói riêng, của nền giáo dục nghệ thuật nước nhà nói chung. Và những ai có hiểu biết sâu sắc/có tâm huyết về công tác giáo dục nghệ thuật chắc hẳn sẽ nhận thấy được giá trị của việc làm mang nhiều ý nghĩa này.