Nội san

Vai trò của dân ca trong đời sống và giáo dục ở trường phổ thông

11 Tháng Mười 2015

                                                                                 Trần Phương Thảo

 

Âm nhạc là ngôn ngữ nghệ thuật âm thanh, mang đặc trưng của nghệ thuật biểu hiện, là ngôn ngữ biểu cảm, tình cảm. Do đó, âm nhạc cũng là một trong những môn học quan trọng giúp cho học sinh hình thành nhân cách, có lối sống lành mạnh, tư tưởng đạo đức đúng đắn... Giáo dục âm nhạc, bao gồm dân ca có tác dụng trong việc nâng cao khả năng phát triển toàn diện trí lực của con người. Việc được học, được nghe các làn điệu dân ca giúp cho học sinh hiểu biết kiến thức về âm nhạc.

 

1. Khái niệm về dân ca

Dân ca giữ một vị trí quan trọng và mang tính chất phổ biến trong đời sống tinh thần cũng như trong lao động, sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Hai yếu tố quan trọng để hình thành nên giai điệu và tiết tấu âm nhạc là ngữ điệu ngôn ngữ và nhịp điệu lao động. Khởi đầu, các bài dân ca được sáng tạo một cách tự phát nhưng luôn gắn với một mục đích, đối tượng nhất định. Sự kế tục của người đời sau cùng với sự phát triển của xã hội dần dần đưa các bài dân ca vào thực tiễn các hoạt động trong cuộc sống, gắn liền chúng với các phong tục tập quán hay một loại hình sinh hoạt, lao động cụ thể. Trải qua thời gian dài tồn tại, dân ca được truyền lại đời sau bằng cách truyền khẩu. Theo GS. TS Trần Quang Hải:

Dân ca là những bài hát, khúc ca được sáng tác và lưu truyền trong dân gian mà không thuộc về riêng một tác giả nào. Đầu tiên bài hát có thể do một người nghĩ ra rồi truyền miệng qua nhiều người, từ đời này qua đời khác và được phổ biến ở từng vùng, từng dân tộc… Các bài dân ca được gọt giũa, sàng lọc qua nhiều năm tháng bền vững cùng với thời gian [3; tr.1].

Theo Phạm Phúc Minh:

“Dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được nhân dân ca hát theo phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc” [7;tr.11].

      Cùng với khái niệm về dân ca của các tác giả khác, ta có thể hiểu dân ca là những bài hát do nhân dân sáng tác, không rõ tác giả, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo lối truyền khẩu, được hát theo phong tục tập quán từng địa phương và có nhiều dị bản.

2. Vai trò của dân ca trong đời sống

Bắt nguồn từ thực tế sinh động của đời sống, dân ca là bức tranh toàn cảnh phong phú phản ánh cuộc sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm của người dân Việt. Trải qua nhiều ngàn năm dựng nước và giữ nước, người dân Việt đồng hành với  những thăng trầm của dân tộc. Trong đó âm nhạc chứa đựng những biến động mang tính cộng đồng, gia đình và cá nhân mỗi người. Với sự ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống, âm nhạc đã trở thành một yếu tố quan trọng để giúp con người vượt lên những khó khăn vất vả, giãi bày những tâm tư sâu kín, cũng có khi âm nhạc phản ánh sự bất công hay ca ngợi cái đẹp của tình yêu, của thiên nhiên...

      Nội dung dân ca Việt Nam đã phản ánh một cách sinh động, thiết thực và phong phú trên tất cả các mặt trong đời sống lao động và văn hóa xã hội.

Trong lao động vất vả, các bài hò, vè, hát đối đáp là những liều thuốc hữu ích để con người quên đi mệt nhọc. Chúng ta có thể tìm thấy tính cộng đồng mạnh mẽ trong Hò kéo thuyền (Dân ca Thanh Hóa) và nhiều bài khác.

HÒ KÉO THUYỀN

(trích)

Ghi âm: Lê Quang Nghệ

 

Sự nhịp nhàng, mạnh mẽ nhưng khoan thai của hò vãi chài, hò kéo lưới Nam Bộ… là những tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo để giúp cho con người quên đi những khó khăn trong công việc. Cùng với những điệu hò, điệu lý mềm mại, nhẹ nhàng, lời tỏ tình của những chàng trai, cô gái thôn quê trở thành những câu hát giao duyên trên những con sông, cánh đồng ruộng lúa. Có thể nói, nhân dân ta sử dụng câu hát như một ngôn ngữ đằng sau ngôn ngữ tiếng nói để giãi bày tâm sự, suy nghĩ, chia sẻ kinh nghiệm, tỏ tình hay phản kháng một vấn đề, có bao nhiêu ngành nghề là có bấy nhiêu nội dung dân ca.

Trong quan hệ gia đình, con cái, người ta hát để bày tỏ ước mơ tìm đến hạnh phúc: nói “thương” không có nghĩa là “thương hại” mà bao hàm những nghĩa: cảm thương, dễ thương, trìu mến, vừa yêu thương, vừa muốn che chở cho người mình yêu.

VÍ DẶM (Dân ca Nghệ An)

(Trích)

 

Bài dân ca có nội dung than thở, đợi chờ:

 

Con cái hát để tỏ lòng hiếu thảo:

Con chim manh manh, nó đậu cây chanh... tôi làm thịt bảy mâm, tôi chia cho ông một mâm, tôi chia cho bà một dĩa...

(Con chim manh manh - dân ca Nam Bộ)

Nội dung phản kháng, bày tỏ tức giận:

CHUÔNG VÀNG GÁC CỬA TAM QUAN

Người hát: Bà Hòe

(Lim - Tiên Du - Bắc Ninh)

Sưu tầm - kí âm: Tú Ngọc

 

Trong dân ca Việt Nam, không thiếu những câu hát để mỉa mai, cười nhạo hay bày tỏ sự oán trách, tâm trạng u uẩn...

Có thể nói dân ca đã gắn chặt với đời sống tinh thần của người dân Việt trên mọi lĩnh vực, môi trường, điều kiện. Sự phong phú về thể loại, bài bản, làn điệu không chỉ bộc lộ khả năng thông minh, nhạy cảm vốn có mà còn thể hiện rất rõ nét tính cách của người Việt: nhân hậu, khoan dung, tế nhị nhưng cũng rất mạnh mẽ dám đối chọi với những cái đi ngược thuần phong mĩ tục, sẵn sàng chống lại các thế lực áp bức, bất công.

Dân ca Việt Nam còn là nguồn chất liệu vô tận để các nhạc sĩ khai thác đưa vào những sáng tác mới ở thể loại thanh nhạc và khí nhạc.

Các nhạc sĩ sử dụng âm điệu dân ca nhạc cổ trong những ca khúc theo cách thức khác nhau. Chẳng hạn, Lời Bác dặn trước lúc đi xa (Trần Hoàn), Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho) dựa trên chất liệu ca trù. Một số ca khúc khác lại mang nét âm điệu chung phổ biến trong các thể loại dân ca: Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung), mang âm điệu dân ca Tày, Em nhớ Tây Nguyên (Văn Tấn - Trần Quang Huy) mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên.

Trong khí nhạc, nhiều nhạc sĩ cũng đã sử dụng dân ca ca làm chất liệu sáng tác như: Nguyễn Văn Nam (Rủ nhau đi gánh lúa vàng), Tô Vũ - Tạ Phước (Trống ngày hội), Nguyễn Văn Thương (Phi ngựa bắn cung)... Hay những năm gần đây, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc với  Tổ khúc (suite) cho piano solo "Chùm hoa Việt Nam" gồm 5 đoạn cho dàn nhạc dây lấy cảm hứng từ những làn điệu dân ca và nhạc truyền thống của Việt Nam (dân ca Mèo, Dao, Quan họ, Chèo, Chầu văn).

Trong bối cảnh của thời kì hội nhập và toàn cầu hóa, khi mà sự giao thoa và tiếp biến các giá trị văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng đã tạo nên những trào lưu mới trong xã hội, và cũng tạo nên những ảnh hưởng không ít tới sự hình thành và phát triển những nét tâm lý, tính cách của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, giáo dục âm nhạc truyền thống, trong đó có dạy hát dân ca hình thành cho thế hệ trẻ những tình cảm đúng đắn với âm nhạc nói chung, với âm nhạc truyền thống nói riêng và để hình thành nhân cách của con người Việt Nam chân chính.

2.1. Vai trò giáo dục của dân ca trong nhà trường Trung học cơ sở

Trong giáo dục thẩm mỹ thì giáo dục âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả nhất nhằm hình thành ở học sinh quan hệ thẩm mỹ đúng đắn với hiện thực và với nghệ thuật. Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục cái đẹp trong suy nghĩ từ đó có được quan niệm cái đẹp đúng đắn của bản thân để học sinh biết phân biệt được cái thiện, cái ác, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa để rồi hướng tới một nếp sống lành mạnh tích cực, sống theo quy luật của cái đẹp, biết lắng nghe và hưởng thụ cái đẹp trong cuộc sống từ đó khiếu thẩm mỹ ngày càng được tăng lên.

      Ví dụ: Đi cắt lúa (dân ca Hrê Tây Nguyên) thể hiện rõ công việc của những người dân lao động và cảm nhận về hình ảnh đẹp của núi rừng Tây Nguyên. Ca Huế thể hiện hình tượng âm nhạc, rõ nội tâm của con người, những suy cảm hết sức tế nhị của nỗi đau, niềm vui, day dứt suy tư, nghi ngờ, thất vọng, tin tưởng được diễn tả bằng âm thanh

      Qua các làn điệu dân ca sâu lắng mượt mà học sinh có thể cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, đất nước, tình cảm giữa người với người… từ đó giúp các em sống đẹp hơn, tốt hơn. Bên cạnh đó, việc thấm nhuần các giai điệu dân ca còn giúp học sinh không chỉ biết thưởng thức cái đẹp mà còn biết sáng tạo, từ đó hình thành nên những người có năng lực sáng tạo về nghệ thuật và có khả năng đem cái đẹp vào đời sống trên mọi phương diện, học tập, lao động, ứng xử…

 

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn dân ca ở  trường THCS ( Nguồn: st)

 

      Âm nhạc là ngôn ngữ nghệ thuật âm thanh, mang đặc trưng của nghệ thuật biểu hiện, là ngôn ngữ biểu cảm, tình cảm. Do đó, âm nhạc cũng là một trong những môn học quan trọng giúp cho học sinh hình thành nhân cách, có lối sống lành mạnh, tư tưởng đạo đức đúng đắn... Tư tưởng đạo đức gồm có: phương hướng chính trị đúng đắn, lý tưởng hoài bão cao xa, tu dưỡng phẩm chất lành mạnh, tư tưởng tình cảm tốt đẹp. Đó là những yếu tố cơ bản để điều tiết hành vi của con người, là tư tưởng chỉ đạo cho lối ứng xử, cách xử lý mối quan hệ phức tạp giữa người với người, người với xã hội. Dễ dàng nhận thấy chức năng giáo dục đạo đức trong việc giảng dạy âm nhạc nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng. Bất kỳ hình thức giáo dục tư tưởng nào cũng cần đến cơ sở là tình cảm, nếu chỉ thuyết giảng suông hoặc truyền thụ lý luận cứng nhắc thì sẽ khó mà đạt được hiệu quả như mong muốn. Dân ca có nội dung biểu cảm phong phú, xây dựng nên hình tượng, chuyển tải tâm tư tình cảm, có tác động mãnh liệt và sâu sắc đối với nhận thức của con người, giúp học sinh thông qua học tập để hiểu rõ kiến thức về dân ca, nắm bắt được kỹ năng âm nhạc nhất định. Các bài hát dân ca có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của học sinh giúp cho các em phát triển các phẩm chất tư duy, trí tuệ, thể chất, những tình cảm đạo đức tốt đẹp và quan trọng hơn là hình thành ở học sinh ý thức dân tộc và tình yêu với nền âm nhạc truyền thống. Từ đó học sinh sẽ có ý thức giữ gìn và trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc mình. Dạy hát dân ca cho học sinh là nhằm giáo dục cho học sinh những tình cảm tốt đẹp với văn hóa truyền thống. Khi các em được nghe, học hát các bài dân ca đã dần dần hình thành trong học sinh tình cảm yêu thích. Đó cũng là con đường ngắn nhất nhằm bồi dưỡng thị hiếu và tình cảm đạo đức đúng đắn cho học sinh.

Giáo dục âm nhạc, bao gồm dân ca có tác dụng trong việc nâng cao khả năng phát triển toàn diện trí lực của con người. Việc được học, được nghe các làn điệu dân ca giúp cho học sinh hiểu biết kiến thức về âm nhạc. Kiến thức âm nhạc sẽ trở nên gần gũi, dễ nghe, dễ học hơn thông qua các bài hát dân ca, đặc điểm âm nhạc dân ca. Bên cạnh đó, việc chuyển tải các làn điệu dân ca qua cách đổi mới hình thức dạy học sẽ giúp các làn điệu này được giữ gìn lâu hơn thay vì cách truyền khẩu truyền thống. Học sinh khi học hát dân ca nắm vững nguồn gốc xuất xứ, phong tục tập quán thì việc cảm thụ bài hát cũng đầy đủ, sâu sắc hơn.

Dân ca gắn bó lâu đời với đời sống văn hóa tinh thần của người dân lao động qua nhiều thế hệ. Trong giờ học hát dân ca và âm nhạc thường thức học sinh được tiếp cận một số lượng bài dân ca của các vùng miền, dân tộc. Dân ca phản ánh tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của người dân với gia đình, quê hương, đất nước, thậm chí phản ánh đời sống xã hội, lịch sử của thời kỳ đó. Học sinh được nghe nhiều sẽ dần biết được đặc điểm về lịch sử, văn hóa, xã hội, con người của từng vùng miền trong nước hay trên thế giới. Chính sự tiếp thu không chủ định này lại càng thúc đẩy học sinh có nhu cầu mở rộng hiểu biết đồng thời rèn luyện thói quen lao động trí óc cho học sinh.

Ví dụ: thông qua bài hát Đi cấy (dân ca Thanh Hóa) học sinh thấy được công việc lao động sản xuất, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, bộc lộ cảm nghĩ của người nông dân trước công việc quen thuộc hằng ngày. Như vậy quá trình học hát đã hình thành tính trừu tượng trong mỗi bài hát dân ca bằng những hình tượng nghệ thuật đẹp, sinh động, hấp dẫn và gần gũi với đời sống, dễ tác động trực tiếp vào tâm lý, tình cảm, trí tuệ của mỗi người.

      Việc đưa dân ca vào trong nhà trường là thực hiện theo chủ trương Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có chú ý, hướng dẫn để các trường học triển khai đưa dạy và học dân ca vào nhà trường, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân ca. Phát huy những giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng được phần nào nhu cầu về kiến thức âm nhạc dân gian.

      Bởi dân ca là tinh hoa văn hóa đặc sắc, linh hồn của dân tộc, thông qua những điệu hò, tiếng ru, những câu ca, ví dặm hình thành nhân cách của mỗi chúng ta. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với sự gìn giữ của dân tộc dân ca vẫn có sức sống bền chặt trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Vì thế dân ca có nhiều ý nghĩa, vai trò giáo dục trong nhà trường.

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Ngô Đông Hải (1965), Điệu thức trong dân ca Nam Bộ, những vấn đề Âm nhạc và Múa.

2.   Ngô Đông Hải (1990), Một cách nghe, một cách hiểu bài dân ca Nam Bộ: Lý ngựa ô. Văn hóa dân gian.

3.    GS. Trần Quang Hải, Sơ lược về dân ca Việt Nam.

(nguồn:  http://tranquanghai.info/p566-so-luoc-ve-dan-ca-viet-nam.html)

4.         Đào Việt Hưng, Tìm hiểu dân ca Bắc Trung Bộ, Nxb Âm nhạc.

5.      Ngô Huỳnh (1977), Dân ca Nam Bộ, một kho tàng âm điệu dân gian  phong phú. Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật.

6.      Nguyễn Thụy Loan (2005),  Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

7.          Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội

8.      Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc - tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9.      Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc.

10.    Nhiều tác giả (2001), Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ, Nxb Văn học, Hà Nội.

11.    Nhiều tác giả (2001), Dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

12.    Vũ Nhật Thăng (1993), Thanh niên với việc bảo tồn âm nhạc dân tộc, Tạp chí Văn hóa Dân gian.

13.    Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb giáo dục, Hà Nội.

14.   Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Viện Âm nhạc , Hà Nội.