Nội san

Kế sinh nhai của người Cao Lan ở Đèo Gia - Lục Ngạn - Bắc Giang và những biến đổi trong phong tục tập quán hiện nay

12 Tháng Mười 2015

ThS. Trần Thị Phương

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Cao Lan là một trong những dân tộc khá ít người so với các dân tộc thiểu số khác sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của họ lại vô cùng phong phú, trong đó bao gồm: truyện cổ, thơ ca, hò vè, tục ngữ...; các điệu múa: trống, xúc tép, chim gâu, đâm cá,...; các loại nhạc cụ như: trống, thanh la, não bạt, chuông, kèn,... Đặc biệt, Sình ca là hình thức sinh hoạt văn nghệ phong phú gắn với phong tục, tập quán của người dân tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Cao Lan.

  1. Đặt vấn đề

Đèo Gia, huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang là một xã vùng sâu với 7 thôn: Cuống Luộc, Đèo Gia, Đồng Bụt, Thung, Xạ To, Xạ Nhỏ và thôn Ruồng. Trong xã có ba thôn: Đồng Bụt, Đèo Gia, Cống Luộc có dân số chiếm 100% người Cao Lan sinh sống. Là một xã miền núi, Đèo Gia có địa hình không bằng phẳng, chủ yếu là rừng núi, đồng ruộng xen kẽ, diện tích canh tác phần nhiều là ở các khe núi, rạch sông suối. Dân cư sống rải rác nằm dọc ven sông Lục Nam, đất đai có độ phì nhiêu màu mỡ đảm bảo cho việc thâm canh tăng vụ, phù hợp với cấy lúa, trồng hoa mầu, cây ăn quả,... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Trong đời sống mưu sinh truyền thống, người Cao Lan ở Đèo Gia sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, nghề thủ công, các hình thức chiếm đoạt tự nhiên và trao đổi, mua bán. Ở mỗi hình thức sinh nhai đều chứa đựng những nét văn hóa mang bản sắc riêng, gắn với phong tục tập quán của người dân Cao Lan thuộc huyện miền núi tỉnh Bắc Giang.

  1. Kế sinh nhai của người Cao Lan ở Đèo Gia ngày xưa

Trước đây, kinh tế của người Cao Lan chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Người dân chủ yếu trồng trọt trên nương và cấy lúa ruộng nước. Thế nhưng, họ chú trọng tới hoạt động nương rẫy nhiều hơn so với hoạt động lúa nước. Từ những năm 1960 trở lại đây thì hoạt động nương rẫy đã giảm dần, nhường chỗ cho hoạt động cấy lúa ruộng nước với kỹ thuật canh tác tiến bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Gieo trồng ruộng nước: Đồng bào Cao Lan gọi ruộng là “nà”. Ruộng ở đây được phân làm hai loại: ruộng tốt (tiếng Cao Lan: nà đơi) và ruộng xấu (nà mấy đôi). Ruộng tốt là những ruộng ở gần xóm, gần làng; những ruộng ở xa làng, ruộng sâu bị coi là ruộng xấu. Gieo trồng ruộng nước được chia làm hai vụ: vụ Chiêm (chim) và vụ Mùa (mù).

Người dân Cao Lan luôn coi trọng mặt tâm linh, mùa vụ chỉ bắt đầu khi được sự cho phép của thần linh. Ngày mùng 2 tháng 2 Âm lịch, thầy cúng làm lễ xuống đồng cho cả làng tại miếu thờ hoặc đình làng. Thầy cúng làm lễ khấn cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đồng thời, thầy cũng xin thần linh cho dân làng được cày xới đất đai, gieo trồng hạt giống để có thức ăn nuôi sống gia đình. Sau ngày làm lễ hoàn tất thì người dân mới được động thổ để sản xuất. Cũng có gia đình làm lễ xuống đồng ở nhà mình, sau khi lễ của làng đã xong.

            Công cụ để phục vụ sản xuất nông nghiệp ruộng nước chủ yếu là: cày (ăn xây), bừa (ăn pư), cuốc (mặt khúc), xẻng (mặc sạnh),... Trước đây, người nông dân vẫn sử dụng cày, bừa bằng gỗ nhưng về sau được thay bằng sắt để sử dụng hiệu quả hơn. Cây trồng chính là: lúa (hau), ngô (mếch), khoai (mền keo), sắn (mền moi), bầu (mặc cô), bí (mặc qua). Trong đó, cây lúa vẫn đóng vai trò chính trong sản xuất nông nghiệp. Để cấy lúa thì người dân Cao Lan phải trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên là làm đất gieo mạ (nà vạn cá). Ruộng làm mạ được chọn ở những chân ruộng cao, dễ thoát nước. Đất mạ được làm rất kỹ càng. Giống lúa được ngâm nước hai ngày một đêm đối với mạ chiêm; mạ mùa ngâm một ngày, một đêm sau đó vớt ra rửa bỏ hạt lép và tiếp tục ủ hai ngày một đêm cho ra rễ mới đem gieo.  Trong quá trình lao động, sự phân công lao động cũng diễn ra rất tự nhiên. Con trai theo cha làm đất cày, bừa; con gái theo mẹ cấy lúa, trồng rau.

            Trong canh tác ruộng nước thì thủy lợi giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Ca dao của người Cao Lan xưa có câu:

...Tìn chông dơu sú ngờn sừ;

Tìn chông mù súi ngờn ngò phây...

Có nghĩa là:

...Ruộng có nước thì cò đến ở

Ruộng không nước thì cò bay đi...

            Nguồn nước chính cho sản xuất thường là nước mưa, nước suối hay các khe ngạch trong lòng đất đùn lên. Dựa trên nguồn đất tự nhiên ấy cùng với sự hỗ trợ của chính quyền huyện, người Cao Lan cũng đã xây dựng được hệ thống thủy lợi mương khá hoàn chỉnh, giúp cho việc dẫn nước vào ruộng khô và tiêu thoát nước khi mưa lũ.

Đối với việc chăm bón lúa, người nông dân chưa biết dùng phân hóa học mà chỉ dùng phân chuồng, phân xanh ủ bằng lá xoan, các loại lá cây cỏ mềm,... Hình thức chăn nuôi chủ yếu là thả rông, tuy nhiên họ nhốt gia súc, gia cầm ở gầm sàn vào ban đêm để tránh bệnh tật, tránh mất vật nuôi và lấy phân bón ruộng.

Hoạt động kinh tế ruộng nước diễn ra muộn hơn so với hoạt động nương rẫy. Tuy nhiên, trong suốt quá trình lao động sản xuất, người Cao Lan ở Đèo Gia đã xây dựng một hệ thống nông lịch hoàn chỉnh và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu mà đến nay vẫn còn giá trị.

 

Mùa vụ trồng trọt ruộng nước của người Cao Lan ở Đèo Gia

Âm lịch

Dương lịch

Tháng Cao Lan

Công việc chính

Tháng Giêng

Tháng 2

Bưn lợp

Thu sắn, khoai, ăn tết Nguyên đán

Tháng Hai

Tháng 3

Bưn ngời

Làm đất trồng ngô, đỗ, cấy lúa chiêm

Tháng Ba

Tháng 4

Bưn stam ngụt

Vun xới cây trồng

Tháng Tư

Tháng 5

Bưn plậy ngụt

Gieo mạ mùa, chuẩn bị thu cây mầu

Tháng Năm

Tháng 6

Bưn ngâu ngụt

Thu cây mầu, cấy lúa mùa

Tháng Sáu

Tháng 7

Bưn lộc ngụt

Chăm sóc lúa, làm cỏ, bón phân

Tháng Bảy

Tháng 8

Bưn chệt ngụt

Trồng khoai lang, thu ngô

Tháng Tám

Tháng 9

Bưn plẹt ngụt

Trồng rau

Tháng Chín

Tháng 10

Bưn cấu ngụt

Thu sắn, lúa muộn

Tháng Mười

Tháng 11

Bưn sếp ngụt

Thu lúa muộn, ăn tết mùng 10/10

Tháng Một

Tháng 12

Bưn sếp ngụt

Thu khoai lang, rau các loại để cày bừa ruộng

Tháng Chạp

Tháng 1

Bưn lập nèn ngụt

Dọn nhà cửa, chuẩn bị đón Tết

 

Hoạt động nương rẫy: Môi trường sống chủ yếu là đồi núi cho nên người Cao Lan ở Đèo Gia đã gắn bó với nương rẫy từ lâu đời. Vì vậy, họ có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt nương rẫy. “Lời hậu” là tên gọi thay thế cho từ “nương” mà người dân Cao Lan nơi đây thường gọi. Đó là những khoảnh đất rừng được phát hoặc đốt để gieo trồng nhưng không bằng phẳng, không có bờ giữ nước. Đất nương dùng để trồng lúa, ngô, sắn và xen canh nhiều loại cây trồng khác: bầu, bí, đỗ, vừng, lạc,... tùy theo từng loại nương khác nhau. Một số gia đình khá giả trồng thêm bông làm nguyên liệu kéo sợi, dệt vải. Nương ở đây được chia làm ba loại: nương thấp (lời tặm), nương cao (lời lang) và nương trung bình (lời vờ vờ).

 

Cây trồng chính trên nương của người Cao Lan ở Đèo Gia

Tiếng Việt

Tiếng Cao Lan

Thời vụ cây trồng

Lúa

Hau

Tháng 4 - 8,9

Ngô

Mếch

Tháng 2 - 4 và tháng 5 - 8

Sắn

Mền moi

Tháng Giêng - tháng 10,11

Khoai lang

Mền keo

Tháng 7,8 - tháng 10,11

Đỗ

Mạc tù

Tháng 2 - 4

Lạc

Mạc tù tôm

Tháng Giêng - tháng 4

Mía

Ói

Tháng Giêng - tháng 8

Bông

Cơ Pại

Tháng 2 - 6,7

Bầu, Bí

Mạc cô, mạc qua

Tháng Giêng - 4,5

Rau muống

Thạc bộng

Tháng 2 - 7

Rau dền

Thạc lôm

Tháng Giêng - 5,6

Mướp

Mạc que

Tháng Giêng - 4

Cam

Mạc cam

Quanh năm, thu vào tháng 5

Vải

Mạc vải

Quanh năm, thu tháng 5,6,7

Ổi

Mạc ui

Thu tháng 6

Chanh

Mạc cheng

Thu tháng 7,8

Na

Mạc na

Thu tháng 9,10

 

Tập quán chăn nuôi: Mặc dù môi trường có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng chăn nuôi vẫn là nghề phụ và chưa tách khỏi nông nghiệp. Vật nuôi bao gồm: trâu (tu vài), lợn (tu mâu), gà (tu cạy), chó (tu ma), vịt (tu pết), ngan (pết ngan), dần dần họ nuôi thêm bò (tu sừ), dê (tu bế),... Chăn nuôi chủ yếu nhằm mục đích lấy sức kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, một phần dùng làm thực phẩm, một phần phục vụ cho nghi lễ tâm linh và nếu dư thừa thì đem trao đổi, mua bán.

Phần lớn người dân Cao Lan sống phụ thuộc vào kinh tế nông nghiệp là chính nhưng chăn nuôi cũng giữ một vị trí đáng kể trong đời sống của mỗi gia đình. Nó là nguồn thực phẩm quan trọng để cải thiện cuộc sống và ít nhiều tăng thêm thu nhập cho người dân. Các vật nuôi như: trâu, bò, lợn,... không chỉ đơn thuần là giống vật nuôi mà còn là “một khoản tiết kiệm”. Khi khó khăn hoặc cần tiền họ đem bán để mua sắm đồ đạc, lương thực, làm nhà hoặc dựng vợ, gả chồng cho con cái. Không những thế nó còn là một tiêu chuẩn đánh giá mức độ giàu - nghèo của từng gia đình. Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ làm thức ăn hoặc phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng mà đã và đang có xu hướng phát triển độc lập thành một ngành kinh tế riêng.

Nghề thủ công gia đình: Thủ công gia đình không phát triển mạnh nhưng nó đã đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp và góp phần xây dựng hoạt động trao đổi, mua bán. Trong các nghề thủ công, đan lát và dệt vải là hai nghề tiêu biểu.

Đan lát là phần việc do nam giới đảm nhiệm, những sản phẩm được đan lát chủ yếu là những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày được sử dụng trong gia đình như: rổ (ăn lụ), rá (ăn lá), thúng (ăn thuống), sọt (ăn tèo), bồ đựng thóc (sọt to hâu),... và một số dụng cụ bắt cá nhỏ: đó đơm cá (ăn lừng), nơm (ăn chám pa), vó (ăn vó),...

Dệt vải là một nghề thủ công kém phát triển trong xã hội xưa của người Cao Lan nơi Đèo Gia. Phụ nữ Cao Lan thường làm công việc này vào lúc nông nhàn hoặc tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày. Tuy nhiên, những sản phẩm của nghề thủ công đó lại có vai trò thiết thực và quan trọng đối với cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Nó góp phần tự cung, tự cấp và bổ sung thêm vải may mặc cho người Cao Lan nơi miền núi xã Đèo Gia.

Các hình thức chiếm đoạt tự nhiên: Săn bắt, đánh cá và hái lượm, đó là những hình thức chiếm đoạt tự nhiên phổ biến của người dân Cao Lan ở Đèo Gia. Bất kể người đàn ông Cao Lan nào trong bản đều biết săn bắn và gia đình nào cũng có nỏ, bẫy, súng,... Các loại thú thường được săn gồm: Hươu (tu phàn), nai (tu vùng), lợn rừng (mâu từn), gà rừng (cạy từn), sóc (tu chon), cày (tu nhên), chăn (tu nưm), rắn (tu ngừ),... Công việc đánh bắt dưới sông, suối: mò cua, bắt ốc, đánh cá cũng là công việc thường xuyên trong sinh hoạt do các nam giới đảm nhiệm; hái lượm là phần việc dành cho phụ nữ. Các loại rau, củ, quả,... có ở trong rừng, trên nương đều được những bàn tay khéo léo lựa chọn hái về làm thức ăn. Các hoạt động chiếm đoạt tự nhiên đã giúp cho đồng bào Cao Lan ở Đèo Gia cải thiện bữa ăn và hạn chế thú rừng gây hại cây trồng, vật nuôi, bảo vệ con người, mùa màng hoặc dùng làm lễ vật cúng trong những ngày lễ.

Hoạt động trao đổi, mua bán: Cộng đồng Cao Lan ở Đèo Gia chưa hình thành một tầng lớp thương nhân chuyên nghiệp nhưng các hình thức trao đổi, mua bán trong thôn, bản cũng thường xuyên được diễn ra. Người dân thường đem bán hoặc trao đổi những sản phẩm như: thóc, ngô, sắn, các đồ dùng sinh hoạt của thủ công nghiệp, sản phẩm săn bắt, hái lượm, đánh cá hoặc các loại thảo dược chữa bệnh,... để lấy những yếu phẩm mà họ không có như: dầu hỏa, muối, đèn pin và những đồ dùng khác. Kinh tế truyền thống của người Cao Lan là tự cung, tự cấp cho nên hoạt động trao đổi, mua bán cũng chỉ mang tính chất bổ trợ và kém phát triển.

3. Sự biến đổi hoạt động kinh tế của người Cao Lan ở Đèo Gia hiện nay

Trong giai đoạn kinh tế thị trường có những bước phát triển mạnh mẽ, sự tác động và giao thoa văn hóa đã tạo nên những thay đổi nhất định trong đời sống của đồng bào Cao Lan ở Đèo Gia. Điều đó được thể hiện ở tập quán mưu sinh, trong các hoạt động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và thủ công gia đình.

Kinh tế nông nghiệp phát triển và năng suất tăng lên rất nhiều so với trước đây. Đó là nhờ sự đổi mới trong trồng trọt, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình kinh tế vườn đồi, thay đổi giống cây trồng. Ngoài ra, người dân cũng đã biết sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, sử dụng các loại máy nông nghiệp, thiết bị sản xuất như: máy cày tay, máy bơm nước, máy tuốt, máy xay xát...; Được sự hỗ trợ, đầu tư thích đáng của các cấp, các ngành về chủ trương, kế hoạch, kỹ thuật chăn nuôi, giống vật nuôi, thị trường đầu ra,...chăn nuôi trong vùng đã có những bước phát triển đáng kể. Mô hình chuồng trại ngày càng được mở rộng, thu hẹp hình thức thả rông, số lượng vật nuôi đa dạng và nhiều hơn. Người dân được tập huấn kiến thức về chăn nuôi từ đó biết chăm sóc vật nuôi đúng quy trình và hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt. Nghề thủ công không phải là hoạt động phổ biến và ngày nay do sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế thương mại được đẩy mạnh dẫn tới có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bày bán. Do đó, nghề thủ công đang bị mai một dần; cùng với nghề thủ công thì các hình thức chiếm đoạt tự nhiên cũng không còn phổ biến. Săn bắn đã bị cấm hoàn toàn. Hái lượm và đánh cá vẫn giữ một vị trí nhất định trong đời sống tộc người.

Hiện nay, cùng với những biến đổi trong sản xuất thì các chính sách của Đảng và Nhà nước đã tác động tích cực tới Đèo Gia làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân Cao Lan. Các chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình bảo vệ rừng 327,... đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

Trong phạm vi bài viết xin đưa ra một số giải pháp như sau:

Giải pháp về kinh tế, xã hội: Thực hiện chính sách định canh, định cư nhằm ổn định nơi ở, trật tự xã hội để tập trung vào lao động sản xuất. Chọn mô hình kinh tế phù hợp (kết hợp kinh tế vườn đồi với chăn nuôi,...). Các cơ quan khuyến nông có chính sách quan tâm, hỗ trợ toàn bộ về khoa học, kỹ thuật, phân bón, con giống. Tiếp tục thực hiện chương trình 135 để đạt hiệu quả cao nhất.

Giải pháp về văn hóa, giáo dục: Trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, chính quyền huyện cần phối hợp với chính quyền xã Đèo Gia và cán bộ thôn, bản để tuyên truyền giáo dục cho người dân trong địa phương hiểu được các quy luật của tự nhiên để đồng bào thoát khỏi tình trạng mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, làm chủ đời sống của mình mà không phụ thuộc vào các lực lượng siêu nhiên; Thực hiện các chính sách trợ giúp giáo dục bằng nhiều biện pháp như: đầu tư thêm cơ sở vật chất trong trường phổ thông dân tộc nội trú, động viên học sinh dân tộc thiểu số tới trường, tránh tình trạng học sinh bỏ học,... Bên cạnh đó cần quan tâm và đào tạo thêm đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Cao Lan ở Đèo Gia nói riêng làm công tác văn hóa dân tộc để họ trở thành sợi dây kết nối giữa quần chúng với các cơ quan chính quyền. Đồng thời, có những chính sách thỏa đáng cho giáo viên miền xuôi đến công tác tại địa bàn xã.

Giải pháp về y tế: Củng cố và nâng cao các dịch vụ y tế trên địa bàn xã để đảm bảo điều kiện khám và điều trị cho nhân dân trong vùng kịp thời; Xóa bỏ những quan niệm lạc hậu cho rằng bệnh tật là do thần thánh gây ra; Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền cho người dân kiến thức về bệnh tật và chăm sóc sức khỏe.

 

 

Ảnh: Một buổi hát Sình ca của Câu lạc bộ dân tộc Cao Lan- Đèo Gia- Bắc Giang (Nguồn:St)

 

Người Cao Lan ở Đèo Gia có những phong tục, tập quán gắn với sinh hoạt truyền thống tạo nên những nét văn hóa độc đáo mang tính riêng của dân tộc mình. Chẳng hạn như: trong nông nghiệp có nghi lễ xuống đồng; trong chăn nuôi có nghi lễ dâng cúng vật nuôi cho thần linh, hoạt động nương rẫy có nghi lễ khai nương,... Qua những nghi lễ đó, người dân Cao Lan hy vọng: trời đất bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, không ốm đau, dịch bệnh, thôn xóm yên vui,... Ngoài ra, họ còn có các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian được sử dụng phổ biến trong dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi như: ca dao, tục ngữ, hát Sình ca,... đã tạo nên một giá trị đẹp trong văn hóa, góp phần xây dựng đời sống tinh thần phong phú của người dân Cao Lan nói riêng và nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung.

4.    Kết luận

Mưu sinh là hoạt động có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tộc người nói chung và người dân Cao Lan ở Đèo Gia nói riêng. Từ khi Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách dân tộc về kinh tế, văn hóa, xã hội giúp cho cuộc sống của người dân Cao Lan ở Đèo Gia đã có nhiều tiến bộ và phát triển hơn trước. Hoạt động kinh tế của họ đã có nhiều thay đổi cả về cơ cấu, kỹ thuật và tính chất sản xuất. Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi mà thủ công nghiệp, thương mại cũng rất phát triển, những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã được ứng dụng trong mọi lĩnh vực sản xuất. Cùng với việc xây dựng chế độ xã hội mới, văn hóa truyền thống của người Cao Lan ở Đèo Gia ít nhiều cũng có sự thay đổi, không chỉ trong văn hóa phi vật thể mà cả trong văn hóa mưu sinh. Tuy vậy, nếp sống mang đậm bản sắc của dân tộc Cao Lan vẫn tiềm ẩn và đầy sức sống nơi vùng núi Đèo Gia.

 

                                   

                                 Tài liệu tham khảo

1. Trần Bình (2005), Tập quán mưu sinh của các dân tộc thiểu số ở Đông Bắc Việt Nam, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh

2. Bế Viết Đẳng (1966), Các Dân tộc thiểu số trong sự phát triển xã hội ở miền núi, Nxb Chính trị Quốc Gia - Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội

3. Hoàng Nam (2002), Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

4. Phòng thống kê huyện Lục Ngạn, Niên giám thống kê 2001

5. Lâm Quý (2004), Văn hóa Cao Lan, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội

6. Nguyễn Lam Tiến, Về nguồn gốc và quá trình di cư của người Cao Lan Sán Chí, Tạp chí Dân tộc học, số 1/1973.

7. UBND huyện Lục Ngạn, Báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội huyện Lục Ngạn, số 02/BC-UB, ngày 15/1/2002.