Nội san

Đôi nét về Then Tày - Nùng vùng Việt Bắc

11 Tháng Mười 2015

Nguyễn Thu Huyền

 

  Hát Then là một loại hình diễn xướng tiêu biểu mang đậm văn hóa Tày - Nùng của vùng Việt Bắc. Then gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Tày - Nùng, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng Tày - Nùng. Hát Then, đàn tính là linh hồn cho các lễ nghi, hội hè như: Then giải hạn, Then khai rượi, Then kỳ yên, Then cứu bệnh, Cầu mát, Lẩu pụt (Then lẩu), Then thượng thọ, Then hợp hôn…

Nghệ thuật Hát Then của dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc có một quá trình phát triển lâu dài, gắn bó mật thiết với cuộc sống lao động, sản xuất, đấu tranh dựng nước và giữ nước, ngày một hoàn thiện về nghệ thuật, có sắc thái dân tộc, phong cách và sắc màu riêng của nó. Chính vì vậy, nghệ thuật hát Then luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và được đông đảo quần chúng nhân dân các dân tộc yêu thích, đồng thời được Đảng, Nhà nước ta đánh giá cao và được coi trọng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý báu trong kho tàng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam phải được giữ gìn, kế thừa và phát triển. 

1.  Âm nhạc trong Hát Then

Thang âm, điệu thức

Thang âm: là sự sắp xếp các âm thanh theo một thứ tự cao độ. Mỗi âm trong thang âm được gọi là các bậc của nó.

 Cho đến nay, khái niệm về thang âm chưa hoàn toàn thống nhất. Cùng với cách hiểu trên đây còn có những ý kiến khác cho rằng: thang âm là một khái niệm để chỉ tập hợp thành phần âm trong bài chỉ có 3,4 bậc, trong đó có một bậc nổi rõ tính ổn định hơn các bậc khác. Do vậy, âm này được gọi là âm gốc của thang âm.

Điệu Thức: là một khái niệm đã được chuẩn định về mặt ý nghĩa và hầu hết các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian đều thống nhất ý kiến cho rằng: điệu thức là một khái niệm để chỉ mối quan hệ về các bậc trong thang âm.

Dạng thứ nhất: Điệu thức 5 âm.

Dạng thứ hai: Điệu thức 5 âm kết hợp với thang 4 âm.

Âm điệu

 Âm điệu thực chất là mối quan hệ về độ cao. Trong dân ca nói chung và trong hát Then của người Tày, Nùng nói riêng, âm điệu không tách rời khỏi mối quan hệ với một số yếu tố của ngôn ngữ dân tộc như: ngữ âm, ngữ nghĩa.

Ngày nay, trong hát Then ta còn thấy có những đoạn nhạc mà toàn bộ cao độ phần âm nhạc theo âm điệu dấu giọng của lời thơ như: những đoạn Then đoán về tương lai, về số phận và dặn dò con cháu dưới trần gian. Ở những đoạn này, âm điệu hoàn toàn phụ thuộc vào âm điệu tiếng nói. Như vậy, tiếng nói giàu âm điệu được xem như dạng đầu tiên mầm mống của âm nhạc.

Lối hát trong Then

Lối hát đọc thơ

Là lối hát biểu hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa thơ ca và âm nhạc. Ở đây, phương thức phát triển giai điệu thường là sự lặp đi, lặp lại của một hoặc hai hướng chuyển động giai điệu đơn giản, số lượng âm sử dụng không nhiều. Lối hát đọc thơ phù hợp với việc thể hiện những nội dung cảm xúc mộc mạc, từ tốn, dõng dạc, khỏe mạnh và có một nhịp điệu rõ ràng, mạch lạc.

Trong Then, dạng lối hát đọc thơ chiếm đa phần và thường xuất hiện ở những chương đoạn mang tính chất cầu khẩn, thông báo, đệ trình một công việc nào đó khi Then tiếp xúc với thế giới “thần linh” như đoạn “soi hương lập mạ” (mở đầu của cuộc Then), đoạn xỉnh đẳm (thông báo xin phép tổ tiên), đoạn “giải vía” có nơi gọi là giải vẻ hay cẩm thế, hoặc là những chương đoạn đi đường được hát lặp đi, lặp lại.

Lối hát ngâm

Lối hát này thường thể hiện tính chất dàn trải, ngâm ngợi, nhịp điệu tự do hơn so với hát đọc thơ. Giai điệu âm nhạc trong lối hát ngâm thường xuất hiện những nốt tô điểm, trang sức phù hợp với lối hát ngâm ngợi trong văn chương và sự mềm mại, uyển chuyển co dãn về nhịp điệu, nó rất phù hợp trong việc thể hiện những cảm xúc trữ tình, sâu lắng của nội tâm. Phương thức phát triển giai điệu của lối hát ngâm về cơ bản giống hát đọc thơ, đó là khi tiến hành giai điệu các câu thường lặp lại dáng dấp của nhau.

Lối hát pha trộn hát đọc thơ và hát ngâm

Giai điệu ở dạng này có sự uyển chuyển, linh hoạt khá tinh tế. Nhịp điệu, cú pháp không mang tính đơn điệu, đơn giản như hát nói nhưng cũng không quá phức tạp về hình thái giai điệu và không thiên về sự trau chuốt, tô điểm như hát ngâm. Giai điệu âm nhạc phát triển tương đối độc lập, có sự phân ngắt câu cú rõ nét hơn hai dạng trên. Do tính pha trộn nên phương thức phát triển giai điệu của lối hát này phong phú đa dạng, có ưu thế diễn đạt được nhiều sắc thái, cảm xúc. Trong Then, những giai điệu pha trộn 2 lối hát đọc thơ và hát ngâm thường gặp ở những chương đoạn mang nội dung kể truyện về một công việc cần phải làm hoặc đang làm trong cuộc Then.

Tiết tấu, nhịp điệu

Tiết tấu là mối tương quan về trường độ của các âm thanh nối tiếp nhau. Trong Then nói riêng và trong âm nhạc nói chung, tiết tấu đóng vai trò rất quan trọng trong một tác phẩm âm nhạc. Loại tiết tấu có phân nhịp phách thường được thể hiện qua loại nhịp đơn có một trọng âm. Loại tiết tấu không phân nhịp phách thường thấy ở lối hát ngâm. Giai điệu có tính chất tự sự, giãi bày tâm tư tình cảm.

2. Lời ca

Lời ca trong hát Then được biểu đạt chủ yếu bằng ngôn ngữ Tày - Nùng. Lời ca được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác nên đôi khi cũng bị “Tam sao thất bản”. Lời ca trong hát Then thường là những vần thơ tự do, không theo một qui định nào cả, có bài viết ở thể thơ 5 chữ, có bài ở thể thơ 7 chữ nhưng thể thơ phổ biến thường là 5 chữ và 7 chữ đan xen.

            Bên cạnh cấu trúc thơ 5 chữ, 7 chữ là chủ yếu, lời ca trong hát Then còn gặp cấu trúc thể thơ tự do (xen kẽ giữa thơ 3 chữ với 5 chữ, 3 chữ với 7 chữ, 4 chữ với 8 chữ…). Loại thể thơ tự do này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới cấu trúc câu, đoạn của âm nhạc trong hát Then.

 

Ảnh: Liên hoan nghệ thuật hát Then các dân tộc Tày, Nùng năm 2015 (Nguồn: st)

 

Nội dung lời ca trong hát Then là một trong những yếu tố quan trọng và thu hút nhiều người yêu thích hát Then. Nội dung trong một cuộc Then trước hết phản ánh tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng, ước mơ của người Tày - Nùng, phản ánh hiện thực xã hội phong kiến xưa. Trong mỗi đoạn hát đều có cốt truyện, nhiều chuyện mang tính thần thoại, yếu tố tâm linh nên nó gần gũi với quần chúng nhân dân. Nhìn chung, lời ca trong hát Then còn mang tính ước lệ, phóng đại… nhưng qua tác phẩm có thể thấy được ý tứ của nó, thấy được chính con người thật, con người với canh tác ruộng nương ở miền núi.

3. Nhạc cụ trong Then

        Hát Then bao giờ cũng phải đệm bằng Tính tẩu kết hợp cùng chùm xóc nhạc mới đúng tính chất hát Then. Vì thế, nếu thiếu một trong hai nhạc cụ này thì không thể thành diễn xướng Then được. 

Tính tẩu

             Tính tẩu là tên gọi có nguồn gốc từ người Tày Cao Bằng. Cũng có nơi gọi là “Ăn tẩu” (một cách gọi dân dã của người dân xã Tân An), “Tàn” hay “Đàn” là do cách dịch ra tiếng phổ thông. Vì vậy, một số nơi còn gọi là “Ăn tính” hoặc “Tàn tính” với nghĩa đàn tính - giữ nguyên chữ “tính” theo cách hiểu thông dụng của người Việt: tính là một loại đàn chứ không có nghĩa tính là “đàn” theo cách hiểu của người Tày. Nhưng sử dụng thông dụng nhất ở người Tày hiện nay là tính tẩu - tính là đàn, tẩu là bầu và theo cách gọi của người Việt là “đàn tính”. Một số cách gọi rất phổ thông do căn cứ vào đặc thù phục vụ của cây đàn trong các nghi thức làm then nên họ gọi nó là "đàn tính". Từ những cách gọi trên có thể thầy rằng: tên gọi có thể khác nhau nhưng cùng dựa trên một sự vật cụ thể, đó là cây đàn tính.  

Tính tẩu là nhạc cụ được sử dụng trong các sinh hoạt nghi lễ Then của người dân Tày. Không phải ai cũng có thể chơi được đàn. Để làm ra được cây tính tẩu đòi hỏi rất nhiều yếu tố: biết đàn, biết hát, cảm thụ tốt các âm thanh vang ra từ cây đàn, cảm nhận được âm sắc của mỗi cây đàn, thật sự yêu quý cây đàn, hiểu quy trình làm đàn và đặc biệt phải có một đôi bàn tay khéo léo mới có thể làm được.

Tính tẩu là một loại nhạc cụ gắn liền với hát Then. Tính tẩu luôn đi cùng với bộ xóc nhạc, nếu thiếu 1 trong 2 nhạc cụ này thì không thể thành cuộc Then hoặc diễn xướng Then được. Qua nghiên cứu từ các tài liệu và quá trình tìm hiểu từ các nghệ nhân, nhạc sĩ chế tác tính tẩu chúng tôi thấy: tính tẩu có nhiều kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau, những cái có kích cỡ to (bầu đàn) và dài (cần đàn) thì thường có âm thanh to, khỏe, phù hợp với các giọng nam trầm, ấm. Loại có kích cỡ nhỏ, ngắn thường có âm thanh cao, sáng phù hợp với giọng nữ nhiều hơn. Chất liệu chính làm nên Tính tẩu thường là có sẵn ở địa phương như quả bầu làm bầu đàn, gỗ thực mực, gỗ vông, lõi cây dâu rừng… làm mặt đàn, cần đàn, đầu đàn, khóa đàn, ngựa đàn. Cách chế tác thường bằng phương pháp thủ công cho nên nó không có kích thước cố định.  

Chùm xóc nhạc

Chùm xóc nhạc là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, phương pháp kích âm là rung hoặc lắc, các vòng tròn nhỏ cùng các quả nhạc (chuông nhỏ) tác động vào nhau phát ra âm thanh. Chùm xóc nhạc thường gồm có 2 quả xóc to, 3 quả xóc nhỏ bằng đồng, kèm vào đó là những vòng khuyên đồng có đường kính 15 đến 18mm, được móc nối với nhau thành những chuỗi xích dài khoảng 20 đến 25cm, thường là 5 chuỗi, 9 chuỗi, hoặc 15 chuỗi xích, vì vậy người ta căn cứ vào số chuỗi xích để bổ sung thêm các quả xóc cho phù hợp. Trong quá trình làm Then, chùm xóc nhạc được các bà Then, ông Then sử dụng theo nhiều cách. Khi quân binh vượt núi thì nhạc xóc thôi thúc, khi vượt sông thì tiết tấu nhanh hơn, dồn dập hơn, khi linh hồn nhập vào thì xóc nhạc tốc độ càng nhanh hơn.

Chùm xóc nhạc còn được sử dụng riêng cho múa như múa chầu và cũng theo nhiều cách khác nhau như: xóc nhạc trong múa chèo thuyền, múa quạt, múa tán hoa, múa chầu lễ, múa chầu tướng đều có sự nhanh, chậm trong tiết tấu, tiết nhịp. Chùm xóc nhạc phần lớn góp phần việc thôi thúc, khơi dậy tình cảm con người trong nghi lễ Then. Nếu trong một cuộc Then không có chùm xóc nhạc, chỉ có cây tính tẩu thì chưa đủ khích lệ tâm lý hưng phấn của người nghe hát Then. Chùm xóc nhạc được các bà Then, ông Then gìn giữ, bảo quản ở chỗ linh nghiệm (trên bàn thờ), là một công cụ đắc lực cho một cuộc nghi lễ của Then, nó chính là một vật thể linh thiêng khi hành lễ của các ông bà Then.

Hát Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố: ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, các trò chơi dân gian… có giá trị về lịch sử, văn hoá, xã hội và nhiều giá trị khác. Nghệ thuật hát Then là mối liên kết không thể tách rời giữa nội dung thơ ca và những làn điệu âm nhạc đầy chất trữ tình kèm theo nghệ thuật múa, các trò diễn…

Nói đến các tỉnh vùng Việt Bắc là nói đến “cái nôi của Then”. Vì vậy, Then và hát Then đã đi vào tâm khảm của mỗi người dân trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng nơi đây. Hát Then là nghệ thuật tinh hoa quý giá của người Tày, Nùng Việt Bắc, đã tồn tại và phát triển trong cộng đồng dân tộc Tày - Nùng. Hát Then gắn liền sâu sắc trong đời sống tâm linh của xã hội người Tày - Nùng và trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn cần bảo tồn, phát huy và gìn giữ cho muôn đời sau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Triều Ân (2000), Then Tày - những khúc hát, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Triều Ân, Hoàng Quyết, Hoàng Đức Toàn (1996), Từ điển văn hóa cổ truyền

dân tộc Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3. Dương Kim Bội (1978), Lời hát Then, Nxb Văn hóa Việt Bắc

4. Hoàng Đức Chung (1999), Lẩu Then Bjoóc mạ, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

5. Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1986), Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học XH, Hà Nội.

6. Hoàng Lương (1981), Một số nghi lễ cầu mùa của các dân tộc ít người ở miền Bắc nước ta, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

7. Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo (1984), Từ điển Việt - Tày - Nùng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8. Huyền Nga (2012), Cấu trúc dân ca người Việt, Nxb Lao động, Hà Nội.

9. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc Hà Nội, Hà Nội.

10. Nhiều tác giả (1987), Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

11. Nhiều tác giả (1993), Văn hóa truyền thống Tày, Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

12. Nhiều tác giả (1994), Giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.