Nội san

Một vài suy nghĩ về đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc

26 Tháng Mười 2015

TS. Ngô Thị Nam

 

Đào tạo trình độ sau đại học các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, trong đó có chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) trong những năm gần đây đã đưa vị thế trung tâm của Nhà trường ngày một lớn mạnh, với uy tín và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng.

Khoa Sau đại học đã có nhiều đóng góp đáng kể để thực hiện tốt mục tiêu mà chương trình đào tạo đã đặt ra, nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên bộ môn âm nhạc theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và của ngành giáo dục; đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên bộ môn Âm nhạc.

Cho đến hôm nay, với số lượng học viên đã tốt nghiệp, với những con số đăng ký dự thi tuyển vào chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc ngày một tăng, dư luận chung trong học viên và những người đang mong muốn dự học chuyên ngành này… đã phản ánh một cách khách quan nhất về những thành công cơ bản của Nhà trường trong đào tạo Thạc sỹ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc.

Thế mạnh trong đào tạo trình độ Sau đại học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, trước hết là ở đội ngũ cán bộ giảng dạy có học vị Tiến sỹ, Tiến sỹ khoa học, Giáo sư, Phó giáo sư ở các chuyên ngành Lý luận âm nhạc, Giáo dục âm nhạc, Văn hóa học, Văn hóa dân gian… được đào tạo ở trong và ngoài nước; nhiều thạc sỹ các chuyên ngành biểu diễn như thanh nhạc, nhạc cụ… có chuyên môn vững vàng, có thâm niên đào tạo và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.

Có thể thấy, hình thức tổ chức dạy học âm nhạc tương đối linh hoạt, mềm dẻo của khoa Sau đại học đã tạo nhiều thuận lợi cho học viên, nhất là số cán bộ đi học. Công tác quản lý quá trình dự học các chuyên đề đối với học viên rất chặt chẽ. Công tác tổ chức cho học viên chọn đề tài nghiên cứu, làm đề cương để đưa ra Hội đồng thẩm định, góp ý kiến ngày một cải tiến, giúp cho học viên nâng dần tiến độ thực hiện, có điều kiện hoàn thành luận văn đúng kỳ hạn.

Điều kiện dạy học nói chung, với các phòng học khang trang, có đủ thiết bị nghe nhìn, phục vụ cho tổ chức Xemina, cho các Hội đồng thẩm định đề cương, bảo vệ luận văn, các phòng chức năng với đàn Piano, phòng Hòa nhạc có sân khấu, cách âm… đủ để cho dạy học các môn chuyên ngành âm nhạc như thanh nhạc, nhạc cụ, hợp xướng, chỉ huy, sáng tác âm nhạc, phân tích tác phẩm… tiến hành một cách suôn sẻ.

            Hầu hết học viên khóa 1 đã tốt nghiệp, khóa 2 đang lần lượt bảo vệ luận văn, một số học viên khóa 3 đã kịp hoàn thành nhiệm vụ ở giai đoạn cuối của khóa học, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp trước thời hạn.

            Giai đoạn cuối của quá trình đào tạo Sau đại học các chuyên ngành nói chung, đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc nói riêng là giai đoạn quan trọng nhất của khóa học với 12 tín chỉ, chiếm khá nhiều thời gian đào tạo toàn khóa.

Chính trong quá trình quan sát học viên chọn đề tài nghiên cứu, làm đề cương, bảo vệ đề cương luận văn và thực hiện luận văn… có thể thấy rõ trình độ kiến thức, kỹ năng âm nhạc cũng như nghiệp vụ sư phạm âm nhạc cơ bản của học viên sau tốt nghiệp đại học; mức độ kinh nghiệm làm việc của họ trong thực tiễn dạy học âm nhạc ở nhà trường các cấp và trong một chừng mực nào đó, có thể rút được những kinh nghiệm quý báu, điều chỉnh công tác đào tạo Sau đại học để nâng cao chất lượng đào tạo.

            Được tham gia thẩm định đề cương luận văn tốt nghiệp, phản biện luận văn tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc trong năm 2014, chúng tôi nhận thấy còn một vài tồn tại nho nhỏ, thể hiện những khó khăn mà học viên còn cần phải được giải quyết, xin được chia sẻ và trao đổi thêm, như:

Một là nhiều học viên gặp khó khăn trong tìm, chọn đề tài nghiên cứu cho luận văn; đa số học viên còn ít đọc sách, một số học viên cho đến khi làm đề cương, còn chưa đọc qua một luận văn thạc sỹ nào. Do vậy, họ rất lúng túng, không hình dung được phải làm thế nào để ra được đề cương, viết được luận văn.

Hai là một số không ít học viên rất hạn chế về khả năng diễn đạt - nói, viết… trong khi trình bày, bảo vệ đề cương luận văn; đa số học viên chưa diễn đạt được các khái niệm cơ bản trong đề cương nghiên cứu như: lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, các chương…, nên mặc dầu đã có mẫu cho sẵn, nhiều đề cương viết hoặc rất khó hiểu, hoặc rất sơ sài, chưa đạt yêu cầu…

            Ba là vấn đề về tài liệu đối với học viên cũng gặp không ít khó khăn.

Bốn là khả năng vận dụng những kiến thức, kỹ năng âm nhạc, nghiệp vụ sư phạm âm nhạc, nhất là về cơ sở lý luận liên quan đến chuyên môn… để tìm hướng nghiên cứu đề tài luận văn của một số học viên còn hạn chế.

Năm là một số học viên, khi tốt nghiệp đại học, không được làm khóa luận tốt nghiệp nên trong tiếp cận với việc tìm đề tài, thể hiện ý tưởng khoa học trong đề cương, cũng như đến khi thực hiện luận văn, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Từ thực tiễn nói trên, chúng tôi xin đề xuất một vài biện pháp, có thể còn chủ quan, với mong muốn góp phần để chất lượng đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc được tốt hơn.

1.    Cần hoàn thành bộ giáo trình đào tạo hệ Đại học Sư phạm (ĐHSP) Âm nhạc

Trong những năm qua, Nhà trường đã tích cực khuyến khích các nghiên cứu biên soạn giáo trình các môn học và đã có nhiều sản phẩm có chất lượng,  phục vụ cho dạy học ở hệ ĐHSP Âm nhạc.

      Tuy nhiên, còn thiếu một số giáo trình cho hệ đào tạo ĐHSP Âm nhạc ở một số môn học, trong đó, rất cần thiết là các giáo trình: Lý luận dạy học âm nhạc, Phương pháp dạy học âm nhạc, Lý luận giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường, Hòa âm, Phân tích hòa âm, Chỉ huy, Dàn dựng chương trình tổng hợp, Hát hợp xướng, Nhập môn sáng tác…

Những giáo trình này là cơ sở quan trọng và liên quan trực tiếp đến đào tạo trình độ sau đại học, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc. Chúng tôi cho rằng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu để bộ giáo trình được hoàn chỉnh sớm.

2.    Cần số hóa thư viện

Đã từ nhiều năm trước, các nước tiên tiến ở Mỹ, ở châu Âu như Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, Tiệp khắc, Nga.., ở châu Á như Singapo, Thái Lan…, người ta đã tạo điều kiện, cấp thẻ chíp để vào các thư viện điện tử của trường cho các học viên cao học, cho nghiên cứu sinh. Ở Nga (Liên Xô cũ), khi công nghệ thông tin còn chưa phổ cập, nghiên cứu sinh có thể đăng ký để thư viện tìm được sách phù hợp với yêu cầu nghiên cứu ở các nước khác, chuyển về cho người đọc sau hai ba ngày đăng ký.

Như vậy, học viên có thể tra cứu, tìm hiểu những gì có liên quan đến vấn đề họ đang quan tâm đến, giúp học viên mở rộng hiểu biết, cập nhật thông tin một cách tiện lợi, tiết kiệm thời gian, kinh phí…

Do vậy chúng tôi thiết nghĩ, Nhà trường cần đầu tư thêm để thư viện có thể tiến tới số hóa:        

Tất cả sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trường, Bộ, dự án …; các

luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ đã có… tại Trường;

Liên kết với các cơ sở có đào tạo sau đại học về âm nhạc, về sư phạm âm nhạc để có

được danh mục, tóm tắt các sản phẩm đã nghiên cứu, đã được nghiệm thu và bảo vệ tại đó để học viên được tra cứu, tham khảo trong quá trình nghiên cứu, chọn đề tài, làm đề cương và hoàn thành luận văn;

Để kiểm định tính trung thực của các luận văn, các đề tài NCKH, tránh trùng lặp đề tài,

nội dung nghiên cứu.

3.    Cần điều chỉnh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo các chuyên đề

Hầu hết các môn học lý luận đều đánh giá chất lượng chuyên đề bằng bài viết tiểu luận, không kiểm tra vấn đáp. Vì thế, khả năng trình bày của học viên, về một vấn đề lý luận nào đó liên quan đến đề tài luận văn, là rất hạn chế. Mặt khác, khó có khả năng xác định được những bài tiểu luận đó có chắc chắn được học viên nghiên cứu môn học, tự suy nghĩ để viết ra hay không!

Ngược lại, một số môn thực hành âm nhạc như thanh nhạc, nhạc cụ, chỉ huy…, mặc dù trong chương trình chi tiết đưa ra nhiều nội dung lý luận của nghệ thuật hát, sử dụng nhạc cụ…, nhưng khi thi, chỉ đánh giá khả năng biểu diễn, không kiểm tra những kiến thức về lý luận chuyên ngành của học viên. Rất nhiều học viên đã đăng ký đề tài về dạy học hát, nhạc cụ ở trường phổ thông, về đào tạo chuyên ngành thanh nhạc, nhạc cụ ở các trường sư phạm, trường nghệ thuật…, đã và sẽ còn lúng túng khi đụng đến cơ sở lý luận của những vấn đề này.

Nhằm thúc đẩy sự rèn luyện của học viên để khắc phục những hạn chế nói trên, chúng tôi cho rằng, cần điều chỉnh nội dung kiểm tra, đánh giá phù hợp với tính chất từng môn học. Cụ thể:

Nên kết hợp giữa viết tiểu luận và kiểm tra vấn đáp khi đánh giá chất lượng học tập của

học viên vào cuối mỗi chuyên đề;

Hình thức viết tiểu luận cần yêu cầu theo quy cách trình bày của đề tài nghiên cứu;

Các chuyên đề có tính thực hành nghệ thuật nhiều như thanh nhạc, nhạc cụ… cũng cần

phải viết tiểu luận về một vấn đề lý luận thanh nhạc hay nhạc cụ; kết hợp với thi thực hành biểu diễn thanh nhạc, nhạc cụ tự chọn;

Cách tính điểm chuyên đề, tùy tính chất mỗi môn học để tính hệ số giữa phần viết tiểu

luận và vấn đáp hay biểu diễn.

4.    Cần phân loại học viên

Đối tượng tuyển sinh vào chuyên ngành thạc sỹ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc từ các nguồn khác nhau: Học viên mới tốt nghiệp ĐHSP âm nhạc, Học viên tốt nghiệp ĐHSP âm nhạc đã có thâm niên dạy học âm nhạc ở các cấp học, Học viên tốt nghiệp các ngành gần với sư phạm âm nhạc…

Có thể nói, ở mỗi đối tượng học viên này đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Vì vậy, cần phân loại học viên để có hướng thẩm định, hỗ trợ học viên trong tìm đề tài nghiên cứu, làm đề cương và thực hiện luận văn tốt nghiệp cho phù hợp.

5.    Cần điều chỉnh, mở rộng hướng nghiên cứu đề tài luận văn

Trong chương trình đào tạo, đã có đề ra các hướng nghiên cứu đề tài luận văn khá phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhà trường đã thực hiện nâng cấp và đa dạng hóa loại hình đào tạo. Bên cạnh các khoa Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhà trường còn mở ra các khoa đào tạo chuyên ngành biểu diễn như khoa Thanh nhạc, Nhạc cụ. Đồng thời, trình độ đào tạo các hệ cũng được nâng cao: cao đẳng, đại học lên thạc sỹ và hiện nay, Trường đã được phép đào tạo trình độ tiến sỹ giáo dục âm nhạc.

Thực tế nói trên, đòi hỏi cần phải bổ sung các hướng nghiên cứu mang tính chuyên nghiệp cho mỗi môn học của nghệ thuật âm nhạc, sư phạm âm nhạc…, để học viên có thể đi sâu vào các chuyên ngành hẹp, thiết thực, đáp ứng với công tác đào tạo chuyên gia cho mỗi lĩnh vực trong sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ nói chung, giáo dục âm nhạc nói riêng, cũng như trong nghiên cứu nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp.

Mặt khác, trong xu thế phát triển ngày nay, khoa học, công nghệ đã và đang đi vào mọi lĩnh vực của đời sống, cần chú ý đến hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng dạy học hiện đại, thực hiện những định hướng đổi mới trong khoa học giáo dục để đưa quá trình đào tạo, giáo dục âm nhạc ở các cấp, bậc học, các hệ đào tạo… cập nhật cùng các nước phát triển.