Nội san

Giới thiệu về nghệ thuật kịch của Bertolt Brecht

27 Tháng Mười 2015

ThS. Nguyễn Thanh Dung - ThS. Nguyễn Thị Minh Hậu

Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang

 

1. Bertolt Brecht và những quan điểm tiến bộ

Bertolt Brecht là một nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng người Đức. Trong các sáng tác mà Bertolt Brecht để lại cho chúng ta ngày nay, kịch là phần di sản vô giá. Kịch của ông luôn hướng tới những ý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội, mang tầm ý nghĩa thời đại và mang màu sắc hiện đại rõ rệt. Qua các vở kịch, ông đã khai sinh ra một loại hình kịch mới với phương pháp nghệ thuật độc đáo - phương pháp gián cách (lạ hóa).

Bertolt Brecht sống trong một thời đại hỗn độn với những mối lo kinh hoàng về thảm họa, với sự thống trị bạo tàn, sự trỗi dậy của những thế lực mới… Thực tại đó đòi hỏi người ta phải tỉnh táo suy nghĩ và tìm cách hành động. Do vậy, nghệ thuật không thể mãi là thế giới bay bổng, ru ngủ người ta trong mê muội và sân khấu không thể là quầy bán thuốc mê. Ý thức được điều đó, Bertolt Brecht đã cố gắng tìm hướng cách tân cho thể loại kịch nhằm hướng tới tính giáo dục thực tiễn cho một loại hình nghệ thuật mà từ trước đến nay chỉ lưu tâm tới mục đích giải trí.

 Để làm được điều đó, Brecht chủ trương sân khấu kịch phải trình diễn những điều mới lạ, gây ngạc nhiên, làm cho người ta suy nghĩ. Brecht chủ trương phải “lạ hóa” sân khấu, phải khiến khán giả không còn ảo tưởng sân khấu giống cuộc đời thực. Khi đó, khán giả của Brecht luôn thắc mắc, ngạc nhiên, tự vấn về những điều xảy ra trên sân khấu, nghĩa là họ luôn tỉnh táo và suy tư. Tạo được hiệu quả đó có nghĩa là đã “gián cách” người xem với sân khấu, “gián cách” cả xung đột và hành động trong kịch.

2. Phương pháp gián cách qua vở kịch Vòng phấn Côcadơ

Vở kịch Vòng phấn Côcadơ (1948) được mở đầu với cuộc tranh luận giữa một số thành viên của hai nông trường. Nông trường Galinsk dự định sử dụng cánh đồng cỏ ngày xưa để chăn nuôi ngựa. Nông trường Roda Lucxembourg đề nghị được khai khẩn lại một thung lũng trồng cỏ xơ xác của nông trường Galinsk để trồng nho. Hai bên tranh luận xem phần đất đó nên thuộc về ai. Nông trường Galinsk đồng ý nhường lại cái thung lũng đó cho nông trường bạn trồng cây ăn quả. Cũng vào lúc đó, nông trường Roda mời các đại diện đến xem vở kịch “Cái vòng phấn” (dựa vào truyện cổ Trung Hoa) do các nông trang viên trình diễn. Vở kịch “Cái vòng phấn” gồm có năm cảnh, là câu chuyện về tình yêu thương trong thời loạn lạc, chiến tranh. Gia đình viên tổng trấn là một gia đình giàu có. Khi quân địch tràn vào thành, phu nhân tổng trấn mải gói ghém tiền bạc và đồ đạc quý rồi bỏ chạy, để lại đứa con trai nhỏ cho cô hầu gái Grusa che giấu và nuôi nấng. Đứa trẻ đã lớn lên trong gian khó và hiểm nguy cùng sự yêu thương của người mẹ nuôi. Vì đứa trẻ, Grusa đã phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí đến người yêu của cô cũng hiểu nhầm và chia tay với cô. Năm tháng trôi qua, cuộc sống ngỡ rằng sẽ yên ổn, nhưng đến một ngày, phu nhân tổng trấn năm nào trở lại đòi con bởi đứa con trai được kế thừa một gia sản lớn của gia đình. Tuy nhiên, Grusa không thể chia tay với đứa bé được và vụ việc đã phải đưa ra tòa xét xử. Với cách xử kiện đặc biệt: cho hai bà mẹ kéo con ra khỏi vòng phấn, vị quan tòa đã xử cho Grusa thắng kiện.

2.1. Phương pháp gián cách thể hiện trong xây dựng kịch bản

Có thể nói rằng, đây là vở kịch tiêu biểu cho nghệ thuật gián cách của Brecht. Ta hãy cùng tìm hiểu nghệ thuật gián cách trong một số góc độ sau:

Về cốt truyện: Cốt truyện của Brecht vẫn đảm bảo tính hoàn chỉnh và thống nhất nhưng không vì thế mà lôi cuốn người đọc nhập thân vào nó (gián cách). Để thực hiện phương pháp gián cách, Brecht đã sử dụng những câu chuyện có sẵn trong dân gian nhưng đã làm mới nó bằng chi tiết kì lạ.

Chẳng hạn, để giải quyết tranh chấp con giữa hai người phụ nữ, Brecht mượn mô típ cái vòng phấn trong truyền thuyết Trung Hoa. Nhưng kết quả là đứa con không thuộc về người đẻ ra nó mà lại được quan tòa Azdắc trao cho người mẹ nuôi. Bởi chính người mẹ nuôi mới là người vất vả nuôi dưỡng và yêu thương đứa bé hết lòng. Xét về mặt huyết thống thì không ổn, song trên bình diện lí tưởng của tập thể thì phán quyết đó lại hợp với lòng dân. Như vậy, với “Cái vòng phấn”, tác giả đã đưa ra cách xử lí khác, lạ hơn để thức tỉnh con người về trách nhiệm trước thời đại.

Về cách giải quyết mâu thuẫn kịch: Cuộc tranh luận giữa hai nông trường tuy đã ngã ngũ, song cả hai bên đều chưa cảm thấy thỏa đáng. Theo lẽ thường, kịch phải được tiếp tục để đi đến hướng giải quyết. Nhưng Brecht cho dừng lại để cả chủ lẫn khách cùng xem một vở kịch hầu như không có gì gắn với điều đang tranh luận.

Cuối vở kịch, tác giả mời gọi khán giả tìm giải pháp cho vấn đề đặt ra: Theo ý quí vị thì làm thế nào để thay đổi bản tính con người hay thay đổi trần gian? Giải pháp ở đâu? Thật sự chúng tôi không tìm ra. Để chấm dứt sự hoang mang này, xin quí vị có cách nào giúp đỡ một người tốt bụng thoát khỏi sự khốn khổ để có thể sống theo tiếng gọi của lòng lành. Đây quả là một cách thể hiện “lạ hóa” chưa từng có trong kịch truyền thống.

Về lôgic: Vở kịch không phát triển theo mô hình giao đãi - thắt nút - phát triển - cao trào - cởi nút. Các hồi không liên kết với nhau theo quan hệ nhân quả (như trong kịch truyền thống) mà chúng chỉ được đặt cạnh nhau theo nguyên tắc “cái nọ nảy sinh sau cái kia” trên trục thời gian. Bên cạnh đó, trong khi phân thành các cảnh kịch, Brecht còn đặt tên cho mỗi cảnh thông qua việc tóm tắt nội dung có tiêu đề và kết thúc của truyện. Làm như vậy, Brecht đã giảm tới mức tối đa sự hồi hộp của khán giả trước khi xem và chưa đọc đã biết nội dung cảnh kịch. Do đó, khán giả chỉ còn việc nhận xét xem sự việc đó diễn ra như thế nào mà thôi. Đây cũng là một cách lạ hóa.

Với việc đưa ra phương thức thể hiện mới và cách giải quyết mâu thuẫn trong vở kịch Vòng phấn Côcadơ, Brecht muốn nói với độc giả rằng: Xây dựng một xã hội mới tất yếu còn phải trải qua bao chặng đường khó khăn. Brecht đã tiên đoán và đưa ra một ý niệm mới về quyền và khả năng làm chủ của nhân dân lao động trong tương lai:

Mọi vật phải thuộc về

Người làm cho nó ngày một thêm hoàn hảo

Trẻ em thuộc những tấm lòng nhân hậu

Để chúng trưởng thành trong mối yêu thương

Chiếc xe kia muốn khỏi đổ giữa đường

Thì phải thuộc về tay người lái giỏi

Đồng ruộng phải thuộc về tay người chăm bón tưới

Để từ đất kia quả ngọt nẩy đầy cây.

2.2. Phương pháp gián cách thể hiện trong dàn dựng sân khấu, diễn xuất

Cách bài trí sân khấu, theo Brecht cũng phải dàn dựng gây sự chú ý. Sân khấu cũng phải được “gián cách” với cuộc đời. Phông màn phải treo thấp để khán giả nhìn thấy những gì đang diễn ra phía sau. Sân khấu chỉ bài trí một nửa, còn nửa kia vẫn để trơ những ván gỗ mộc. Dụng cụ bài trí được tối giản hết mức, tận dụng hết những đạo cụ trên sân khấu. Một tấm gỗ khi là giường, khi là chiếc vành móng ngựa, có lúc là cây cầu… Sân khấu lúc nào cũng sáng vì theo ông chân lí phải được phơi bày ra ánh sáng. Diễn viên không được tự coi mình là hiện thân của nhân vật mà chỉ là người kể lại những hành vi của một người khác. Để minh họa những hành vi đó và làm cho khán giả hiểu, diễn viên làm điệu bộ của nhân vật, tái hiện những biểu hiện của gương mặt nhân vật, nhưng vẫn chỉ để kể lại. Nhân vật được trình diễn trên sân khấu và diễn viên sắm vai đó có sự khác biệt rõ rệt. Chính vì vậy, nhiệm vụ của diễn viên kiểu Brecht thật lớn lao và phức tạp hơn so với kịch truyền thống.

Ngoài ra, còn xuất hiện các bài hát do các ca sĩ, các Ban hợp ca trình diễn xen vào giữa các màn kịch hoặc trong một màn kịch để gián cách các đối thoại nhằm tạo điều kiện cho khán giả tham dự vào việc trình diễn. Những bài hát này thường giữ vị trí độc lập làm cho không khí có tính chất đại chúng, khơi gợi sự phê phán các nhân vật, phá vỡ những ảo tưởng (lạ hóa).

Có thể nói, phương pháp gián cách đã tác động đến tất cả các yếu tố của vở kịch. Với phương châm “Sân khấu tự sự không trình bày sự việc mà là bình luận sự việc”, Brecht đã tạo nên một hiệu quả gián cách có sức tác động lớn tới độc giả. Họ xem sân khấu kịch như là một cái gì đó rất khác lạ và nó có khả năng thể hiện cuộc sống đa chiều hơn.

Vòng phấn Côcadơ là một trong những vở kịch tiêu biểu của Brecht. Brecht đã phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp gián cách và phương thức tự sự bằng những cách tân về thể tài và sự đột phá vào quy tắc tam duy nhất. Diện mạo mới mẻ, độc đáo đó của tác phẩm đã đem lại hiệu quả nghệ thuật cao và ý nghĩa tư tưởng sâu sắc cho tác phẩm. Với tất cả những cống hiến của ông đối với sân khấu kịch hiện đại, Brecht xứng đáng là nhà hoạt động sân khấu lỗi lạc nhất của thời đại chúng ta.