Nội san

Xu hướng tự do hóa hình thức thơ thời kỳ 1954 - 1965

28 Tháng Mười 2015

ThS. Ngô Thị Hòa Bình

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Trong quá trình phát triển của lịch sử thơ ca, những thể thơ tiêu biểu và có cấu trúc hài hoà, vững chắc thường là những thể thơ tạo được nhiều điều kiện nhất để biểu hiện nội dung xã hội trong thời kỳ nhất định. Khi hoàn cảnh xã hội đổi thay, tâm lý thời đại khác đi với những yêu cầu mới lịch sử thơ cũng có những thay đổi kịp thời để phù hợp với hiện thực xã hội. Từ sau 1954, thơ Việt Nam phát triển phong phú cả về nội dung cảm hứng và nghệ thuật biểu hiện. Miền Bắc hoà bình, điều kiện in ấn và xuất bản dễ dàng hơn, trình độ người đọc cao hơn, công chúng văn học được mở rộng không ngừng. Chính vì vậy đòi hỏi văn học nói chung và thơ nói riêng phải mới, phải phong phú nhiều mặt và có những cách tân sáng tạo để thơ hay hơn, để hoà nhập vào mặt bằng thơ thế giới, thực sự trở thành tài sản tinh thần của nhân dân.

            Về hình thức, bên cạnh việc sử dụng những thể thơ cách luật dân tộc, thơ tự do phát triển lên một bước mới. Các thể thơ dân tộc như thể bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, lục bát vẫn được ưa dùng nhưng đã tạo ra nhiều cách biến thể trong cách gieo vần, ngắt câu, xuống dòng. Thơ tự do không bị gò bó bởi những quy tắc hiệp vần, hạn định số câu, số chữ mà tạo ra những dáng dấp mới phù hợp với yêu cầu, thể hiện sát đúng với nội dung và thực hiện cuộc sống. Tuy nhiên, đã tồn tại như một thể loại, thơ tự do cũng phải tuân thủ theo những quy ước của thể loại mình, đó là quy phạm ngôn ngữ phải tuân theo mạch cảm xúc, gạt bỏ những gì cản trở mạch cảm xúc.

            Thơ tự do xuất hiện trong thơ mới, có những bài hoàn toàn tự do như thơ của Vũ Hoàng Chương, một đỉnh cao nhạc điệu:

                                                   Ta say quá rồi

                                                   Sắc ngả màu trôi

                                                   Gian phòng không vững nữa

                                                  Có ai ghì hư ảnh sát kê môi

                                                  Chân rã rời

                                                                                    (Say - Vũ Hoàng Chương)

Cũng có thể thêm một số bài thơ khác như “Nhớ rừng” (Thế Lữ), “Trăng tự tử”, “Chơi trên trăng” (Hàn Mặc Tử), “Xa cách” (Xuân Diệu)… Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hình thức thơ tự do phát triển mạnh và chiếm tỷ lệ cao hơn, tạo ra nhiều bài thơ hay được quần chúng yêu thích như: “Nhớ máu”, “Tình sông núi” (Trần Mai Ninh), “Đèo Cả”, “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan); “Phá đường”, “Ta đi tới” (Tố Hữu); “Không nói”, “Đêm Sao”, “Đường Núi” (Nguyễn Đình Thi), “Nhớ” (Hồng Nguyên)… Thế nhưng xu hướng tự do hoá hình thức thơ trong thời kỳ 1945 đến 1954 theo mô hình: Phá thể - Hợp thể - Biến thể và tạm ổn định ở dạng biến thể. Các nhà thơ đã tìm cách hợp thể và biến thể các thể thơ truyền thống, tạo ra những bài thơ phù hợp với cảm xúc, với tâm lý thị hiếu và trình độ thẩm mỹ của người đọc lúc bấy giờ. Do yêu cầu phát triển của thơ, ý thức sáng tạo của người nghệ sỹ, thị hiếu người đọc, thơ tự do tiếp tục lại phá thể và tiến đến thơ văn xuôi, thơ không vần. Có thể ghi lại bước đi của thơ tự do thời kỳ này. Ở đây, chúng tôi chỉ nhằm vào những bài thơ hay, độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao: “Chuyện hai người yêu xa cách” (1955), “Lại về tỉnh nhỏ” (1956) của Yến Lan; “728” (1956), “Bói Kiều” (1957) của Trinh Đường; “Hoa lúa” (1956) của Hữu Loan; “Hoa Chanh” (1957) của Nguyễn Bao; “Em là tất cả quê hương” (1958) của Trần Nguyên; “Người mẹ” (1959), “Trước Kremlin” (1958), “Với Lê Nin” (1958), “Tiếng chổi tre” (1960) của Tố Hữu; “Nhớ mưa quê hương” (1960) của Ca Lê Hiến; “Quê hương” (1960) của Giang Nam; “Lá nguỵ trang” (1961) của Chính Hữu; “Sóng vỗ Cửa Tùng” (1961) của Lưu Trọng Lư…..

  1. Sự đổi mới về thể thơ

Sự phát triển hình thức thơ bộc lộ ở sự cách tân mạnh mẽ về thể thơ. Từ những thể thơ dân tộc năm chữ, bẩy chữ, tám chữ, lục bát quen thuộc… đều được vận dụng nâng cao, sáng tạo. Thể thơ tám chữ lúc này vẫn được sử dụng nhiều. Đây là một thể thơ có khả năng biểu hiện được nhiều sắc thái cảm xúc, kết hợp được những rung động và suy nghĩ, nhịp điệu uyển chuyển, lúc sôi nổi, lúc trầm lắng trang nghiêm. Ngay đầu Cách mạng tháng Tám, thơ tám chữ được sử dụng nhiều: “Huế tháng Tám”, “Vui bất tuyệt” của nhà thơ Tố Hữu là một bằng chứng. Xuân Diệu trong hai bài thơ dài “Ngọn Quốc kỳ”, “Hội nghị non sông” cũng bằng thể thể thơ tám chữ thể hiện cảm hứng lãng mạn đầu tiên về tổ quốc, về nhân dân quyết tâm giữ bằng được nền độc lập, tự do vừa giành được. Các nhà thơ Thôi Hữu, Nguyên Hồng, Chính Hữu cũng có nhiều bài thơ dùng thể thơ này. Sau 1954 thể thơ tám chữ vẫn tiếp tục phát triển, nhà thơ Tế Hanh có rất nhiều bài thơ viết ở thể thơ này như: “Giấc mộng diệu huyền”, “Bài thơ tình ở Hàng Châu”, “Điệu quê hương”, “Bài thơ tháng bảy”... Bằng cả tấm lòng và những hình ảnh được dệt nên với những kỷ niệm của tuổi thơ, tình bạn bè, tình quê hương, nhà thơ Tế Hanh đã thể hiện tình cảm của mình bằng thể thơ tám chữ khiNhớ con sông quê hương”:

                                           Quê hương tôi có con sông xanh biếc

                                           Nước gương trong soi tóc những hàng tre

                                           Tâm hồn tôi lại một buổi trưa hè

                                           Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

                                           Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

                                           Giữ bao nhiêu kỷ niệm dòng sông trôi?

                                           Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

Hầu hết các nhà thơ trẻ sử dụng thơ tám chữ ở dạng nguyên thể hoặc có thay đổi, bồi đắp chút ít nhưng vẫn mang âm hưởng của thơ tám chữ trang trọng, sôi nổi, thiết tha.

            Cái mới mẻ của thơ bảy chữ là cách ngắt nhịp bắt vần linh hoạt, khi dịu dàng:

                                         Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan

                                         Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

                                         Anh đi nghe tiếng người xưa vọng

                                         Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn

                                                                                         (Em ơi…Ba Lan - Tố Hữu)

                                         Anh xa nước nên yêu thêm nước

                                         Anh xa em càng nhớ thêm em

                                        Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm

                                        Trời Hàng Châu bốn bề êm ái

                                                                                      (Bài thơ Tình ở Hàng Châu - Tế Hanh)

Khi dồn dập:

                                        Xiềng xích chúng bay không khoá được

                                       Trời đầy chim và đất đầy hoa

                                       Súng đạn chúng bay không bắn được

                                        Lòng dân ta yêu nước thương nhà

                                                                                      (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

Nhà thơ Tố Hữu có nhiều bài thơ hay theo thể thơ này: “Quê mẹ”, “Mẹ Tơm”, “Em ơi…Ba Lan”, “Lá thư Bến Tre”, “Miền Nam”... Câu thơ bảy chữ của Tố Hữu nhiều lúc có bề thế của câu thơ tám chữ thường dùng để truyền đạt không khí dồn dập, sôi nổi. Đọc mấy câu thơ trong bài “Ta đi tới” với cái đĩnh đạc của nó trong ý tưởng và nhạc điệu, ta có cảm tưởng như đó không phải là thơ bảy chữ:

                                      Trên đường cái ung dung ta bước

                                      Đường ta rộng thênh thang tám thước

                                       Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên

Nhà thơ Huy Cận thành thục với câu thơ bảy chữ: “Gà gáy sáng”, “Xe cát sông Hồng”, “Tiếng hát trên cảng”, “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, “Trò chuyện với Kim Tự tháp”, “Đoàn thuyền đánh cá”… Bằng thể thơ bảy chữ, nhà thơ Huy Cận đã đưa người đọc đến với khí thế của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đất nước đang “lừng đôi cánh”, đang “chồm” tới tương lai:

                                           Ta xúc dồn lên chị với anh

                                           Công trường giáo dựng ngất trời xanh

                                          Trộn bến vôi cát tay ai đợi

                                           Nhịp xẻng trong chiều vọng nắng hanh

                                                                                      (Xe cát sông Hồng - Huy Cận)

Thơ bốn chữ rất dễ biến thành vè như Xuân Diệu sáng tạo ở “Buổi trưa trên đồi”. Bốn câu thơ mở đầu bốn khổ có dấu chấm ngắt đôi mỗi câu thơ, có tác dụng diễn tả cái im ắng của buổi ban trưa:

                                                 Buổi trưa. Trên đồi…

                                                 Trưa im. Trên đồi…

                                                Trưa yên. Trên đồi…

                                                Trưa lặng. Trên đồi…

Thơ năm chữ có thể trải dài theo mạch cảm xúc, nghiêng về kể chuyện, giãi bày tâm trạng, hoặc cũng có thể cô đọng trong  một số khổ thơ nhất định như: “Nam Bắc, Bắc Nam”, “Mẹ con”, “Chiêm bao”, “Tiếng ca không giới tuyến”… (Tế Hanh), “Biển”, “Qủa sấu non trên cao”… (Xuân Diệu), “Trên miền Bắc mùa xuân” (Tố Hữu). Thơ năm chữ được Xuân Quỳnh ngắt nhịp phóng túng:“Làm sao được tan ra - Thành trăm con song nhỏ - Giữa biển lớn tình yêu - Để ngàn năm còn vỗ” (Sóng - Xuân Quỳnh)

Câu thơ lục bát vẫn nhịp nhàng uyển chuyển, có khi mang dáng dấp của ca dao:

                                              Việt Nam đất nước ta ơi

                                  Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

                                             Cánh cò bay lả rập rờn

                                  Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

                                                   (Bài thơ Hắc Hải - Nguyễn Đình Thi)

Những câu lục bát vẫn tung phá, giữa câu thơ lục bát chen mỗi câu bốn chữ:

                                               Đỉnh non cao vút em ơi

                                 Cao vút em ơi. Lá trên đỉnh chót tình người yêu nhau

                                                               (Trên đỉnh non cao - Xuân Diệu)

Hoặc ngắt ra theo bậc thang:

                                                  Cô hát bài

                                                  Ka - chiu - sa.

                                                 Tôi ngâm bài thơ, Con đường Tây Bá

                                                         (Đêm Tây Bá Lợi Á - Hoàng Trung Thông)

Bám chắc vào hình thức thơ truyền thống, các nhà thơ đã có những tìm tòi và sự tìm tòi này là do yêu cầu nội dung, câu thơ, khổ thơ, phải co giãn thu hẹp hoặc nới rộng cho thích hợp với đối tượng miêu tả. Làm phong phú các thể thơ truyền thống, mặt khác thể hiện rõ xu hướng tìm tòi mạnh mẽ để phá bỏ những ràng buộc, đi tìm những hình thức mới cho thời đại. Do đó thời kỳ này thơ tự do ngày càng phát triển và trở thành một xu hướng quan trọng trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Nó tạo nên những sắc thái biểu hiện mới thơ. Qua việc khảo sát hai tập thơ tiêu biểu cho hai thời kỳ thơ Việt Nam chúng ta sẽ thấy: từ kháng chiến chống thự dân Pháp đến 1954 - 1964 tỷ lệ thơ tự do ngày càng tăng.

Thơ ca kháng chiến 1946 - 1954 (NXB Giáo dục, 1970), thơ tự do chiếm 44%

Thơ đấu tranh thống nhất 1954 - 1964 (NXB Giáo dục, 1964), thơ tự do chiếm 55%.

Các nhà thơ trẻ vẫn là những tác giả xông xáo trong thơ tự do nhiều hơn và phần nào đã đáp ứng được nhu cầu phản ánh cuộc sống phong phú, bề bộn, sôi động. Đó là sự thể hiện rõ nhất quy luật nội dung thống nhất và gắn bó mật thiết với hình thức. Nội dung yêu cầu phải có hình thức thích hợp. Thơ tự do có ưu thế có khả năng phản ánh cuộc sống rộng rãi hơn bất cứ một thể thơ nào khác và nhờ vậy nó gần gũi với cuộc sống hơn.

Tất nhiên để còn là thơ, thơ tự do phải có tính nhạc. Nhịp điệu là yếu tố hàng đầu của thơ. Có thể có vần, ít vần hoặc không vần. Nói như Nguyễn Đình Thi “Vẫn là lợi khí, nhưng không phải hết vần là hết thơ”. Nhưng cần chú ý sự hài hoà cân xứng trong toàn bài và có liên tưởng phong phú, tình cảm mạnh tạo nên những rung động ở người đọc.

Thực ra thơ tự do lúc này vẫn là sự tiếp tục và phát triển trên hình thức thơ tự do những năm trước. Có điều bây giờ nó được nâng cao hơn tư duy nghệ thuật và vóc dáng câu thơ, bài thơ mới mẻ và hiện đại hơn. Vẫn là những gì đã có, vốn có trong lòng cuộc sống dân tộc, kết hợp thêm với tinh hoa của thơ hiện đại thế giới, nên những bài thơ tự do và nói chung cả thơ thời kỳ 1954 - 1964 của chúng ta là những sáng tạo đậm chất dân tộc hiện đại.

2. Cấu trúc mới câu thơ

Cùng với sự tìm tòi sáng tạo về thể thơ, về nhịp điệu, các nhà thơ có những tìm tòi thể nghiệm mới trong cấu trúc thơ.

Qua khảo sát thơ thời kỳ này ta thấy, một số bài thơ tự do xuất hiện hình thức câu thơ bậc thang, coi trọng những nhịp ngắt trong câu tạo nên khả năng diễn đạt của từng từ, của từng nhóm từ. Ở cả hai phương diện nội dung và hình thức, ý thơ được nhấn mạnh hơn làm câu thơ thêm sức gợi cảm và nhạc điệu. Có thể kể đến nhà thơ Tế Hanh, Hữu Loan, … hay sử dụng hình thức thơ này trong thơ mình:

                                                  Chim ơi chim!

                                                  Đời ta cũng như em

                                                  ta sống giữa trời cao và biển rộng

                                                  ta muốn sống một cuộc đời đáng sống

                                                  mai về bờ Tổ quốc thân yêu

                                                  em nhớ nói:

                                                 Các anh còn chiến đấu

                                                 Các anh sẽ về miền Nam yêu dấu

                                                             (Người thuỷ thủ và con chim én - Tế Hanh)

Do nhu cầu diễn đạt những trạng huống, những cảm xúc cụ thể, phức tạp của chủ đề, thơ phải vay mượn đến văn xuôi. Nhưng khác với câu văn xuôi, thơ văn xuôi giữ được chất thơ (tính hình tượng, cách điệu hoá tiết tấu, rung động, liên tưởng, nhạc điệu…) nằm trong quá trình chọn lọc sáng tạo. Câu thơ kéo dài theo chiều ngang thành những câu thơ văn xuôi. Thơ văn xuôi xuất hiện trước Cách mạng tháng 8/1945, Nguyễn Xuân Sang, Phạm Văn Hạnh đã có thành công trong thể loại thơ này. Với tập thơ “Gió thơm” viết những năm 1940 - 1941 nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã có những rung động đẹp về đất nước.

Vụ gặt trong nắng xanh. Hồn của đất: lúa thơm. Sự sống thầm và hoà mỹ. Nghĩ rằng 1 hạt cốm nếp mang đọng bao nhiêu hương đất , bao nhiêu tháng ái ân.

Muốn nhìn, muốn gửi, muốn nếm, muốn hương

                                                                        (Tháng lúa chín trong gió thơm)

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp thơ văn xuôi hầu như không xuất hiện. Lối thơ này không thành công và tỏ ra cầu kỳ, lạc lõng giữa lúc nền thơ kháng chiến đang cổ vũ cho lối diễn đạt chân thật giản dị, giàu tính đại chúng. Nhiều bài thơ ở giai đoạn này, câu thơ có xu hướng kéo giãn ra tạo nên dáng dấp của thơ văn xuôi. Thơ Việt Nam vốn hiếm gặp những câu thơ có từ 11, 12 âm tiết trở lên. Nhằm tăng thêm sức bao chứa ý thơ và làm phong phú hơn tiết tấu thơ, phá vỡ khuôn khổ nhịp điệu của thơ, đẩy lối thơ tự do đến tận cùng ranh giới, nhà thơ Chế Lan Viên đã thể nghiệm lối thơ này từ bài “Chào mừng” viết năm 1951 với ý nghĩa như thể nghiệm đầu tiên của thơ văn xuôi theo hướng chính luận phạm vi toàn bài - những câu thơ kết lối kéo dài nhằm tạo môt liên kết trùng điệp phá vỡ khuôn khổ bình thường tăng đến 15, 16 âm tiết có khi trên 20 âm tiết:

                       Tin vui báo đến, tin vui chuyển đi

                       Như gió vi vu máy vô tuyến giữa rừng

                       Như lửa cháy lan qua các liên khu, qua các xóm làng

           rậm rịt con người, sự sống

                      Như sấm nổ vang hờn căm uất ức trong những đô thành

           chiếm đóng bởi quân thù

                      Như bão táp phong ba bốc cả 25 triệu con người lên một loạt

                                                                            (Chào mừng - Chế Lan Viên)

Đến những năm 1954 - 1964 văn xuôi về một vùng thơ với những cành phong lan bể, tàu đến, tàu đi đã trở thành chùm hoa lạ, rực rỡ màu sắc trong thơ ca viết về cuộc sống mới. Câu thơ phóng túng mà vẫn nhịp nhàng như chính cuộc sống đang muốn phá bung những ràng buộc cũ, nảy nở trong những nhịp điệu mới, tạo nên những câu thơ đẹp. Cách tả biển của Chế Lan Viên:

                                     Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua

                                      còn để tâm hồn nằm đọng lại

                                     Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành

                                      bể và thôi không trở lại làm trời

                                     Nếu núi làm con trai, thì bể là phần yểu điệu nhất của

                                     quê hương đã biến thành con gái

                                     Mỗi đêm hè, da thịt song sinh đôi

                                                                          (Cành phong lan bể - Chế Lan Viên)

So với “Chào mừng”, ba bài thơ này đã mang một phẩm chất mới, đã thể hiện được vẻ đẹp và hiệu quả nghệ thuật một cách thuyết phục. Đầu những năm 60 Huy Cận viết “Lúa mới”, “Irac ơi!, Gửi người bạn thơ Irac”, Quang Huy viết “Trưa vàng suối biếc”:

                          Khi nắng trút lửa vàng trên lưng người cháy bỏng

                          Khi những con ve mệt nhọc

                                                 nằm tròn dưới đáy lá xanh

                                                                                   thôi không ra rả kêu hoài        

                         Chỉ còn rì rào trên mặt suối trong

                                                                    tiếng sóng vỗ hoài vào vách đá không thôi

                          Tay sóng vuốt ve bàn chân em

                                                        bên suối biếc trưa hè đãi quặng

                  (Trưa vàng suối biếc - Quang Huy)

Trong thơ văn xuôi, những suy nghĩ, cảm xúc mạnh mẽ ào ạt được tự do thể hiện. Bộc lộ tâm trạng, mô tả, ghi nhanh, ghi nhiều hình ảnh, sự việc... đòi hỏi hình thức câu thơ phải chuyển biến nới rộng kéo dài mới có thể chứa đựng nổi nội dung phản ánh. Vì vậy, chúng ta thấy những năm sau, đặc biệt là năm cả nước chống Mỹ, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu và nhiều nhà thơ trẻ đã sử dụng thơ văn xuôi.

3. Trong thơ tự do có sự tìm tòi về cách ngắt nhịp thơ

Đối với thơ, vần là quan trọng nhưng cái quan trọng hơn là nhịp. Trước đây, đã có nhiều bài thơ không giữ vần mà tạo nên nhịp ngắt, tạo âm thanh bằng trắc, tạo âm hưởng thơ. Trong cuộc tranh luận thơ Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc năm 1949, ông đã có lý bảo vệ thơ không vần. Bỏ vần gạt luật bên ngoài đi nhưng “có luật bên trong rất mạnh”, ấy là cái hồn, cái âm thanh nhạc điệu phong phú của thơ. Nhiều bài thơ của Nguyễn Đình Thi là như thế, Đường núi của Nguyễn Đình Thi bỏ hết vần:

                                        Chiều nhạt nhòa về nơi nào xa lắm

                                        Ngây ngất sương mây

                                        Lối mòn không dấu chân

                                        Gió thổi

                                        Đâu đây tiếng suối rì rào

Dù sao thơ không vần thời kỳ này vẫn còn quá mới, quần chúng quen tiếp nhận với thơ có vần điệu. Nội dung sâu kín đầy tâm trạng, cùng với hình thức thơ không vần khiến thơ anh khó hiểu và khó gần quần chúng. Hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1955, Nguyễn Đình Thi viết dưới một hình thức “điều hòa”;

                                     Hai người yêu xa cách đã gặp nhau

                                    Giữa đường phố đang say mừng chiến thắng

                                     Họ đi như giữa trời đầy sao

                                     Không nhìn thấy gì không nghe thấy gì họ chỉ

                                     thấy nhau

                                                           (Chuyện hai người yêu xa cách - Nguyễn Đình Thi)

Ngay từ đầu Cách mạng, Tố Hữu viết nhiều bài thơ tự do phóng túng, đặc biệt là thơ phá thể: Hồ Chí Minh, Đêm xanh,... Vài năm sau, Tố Hữu gây ấn tượng bằng thể thơ hợp thể: Phá đường, Sáng tháng năm... và biến thể: Giữa thành phố trụi, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới... Tố Hữu sử dụng thơ tự do để biểu hiện cuộc sống khẩn trương, quyết liệt, nhưng bao giờ ông cũng giữ vần thơ cho mình, ngay cả những vần thơ phá thể:

                                              A? Tiếng hát

                                             Ngọt như đường cát

                                             Của các em

                                             Êm êm

                                            Thanh thanh...

                                                              (Đêm xanh - Tố Hữu)

So với những bài thơ tự do thời kỳ 1945 - 1954, thơ tự do thời kỳ này “mềm mại” hơn. Những bài thơ phá thể thời kỳ trước chưa được quần chúng chấp nhận, hoặc thờ ơ, hoặc phản đối. Một phần do trình độ, thị hiếu thẩm mĩ lúc đó, một phần nữa có thể do nhịp điệu còn gò bó, cảm xúc thơ chưa thật chín nên chưa quen với sự tiếp nhận chung. Đến những năm 1956, 1957... sau này nhiều bài thơ hình thức phóng khoáng, sinh động và lại rất nhuần nhị:

                                                   Em là con gái đồng xanh

                                                   Tóc dài

                                                   Vương hoa lúa

                                                   Đôi mắt em mang

                                                  Chân trời quê cũ

                                                  Giếng ngọt

                                                  Cây đa

                                                                                      (Hoa lúa - Hữu Loan)

Phần lớn những bài thơ tự do đạt được hiệu quả cao, có sức truyền cảm mạnh là giữ được yếu tố nhịp điệu. Cách ngắt nhịp câu thơ sáng tạo làm tăng thêm khả năng diễn tả tạo điều kiện cho ý thơ bay bổng, phục vụ đắc lực cho nội dung. Không chú ý đúng mức đến nhịp điệu sẽ bị hạn chế tính nhạc và có khi phá vỡ âm thanh của câu thơ. Và từ đó làm lệch ý nghĩa nội dung. Maiacôpxki nói: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lực cơ bản của câu thơ không giải thích được nó đâu, chỉ có thể nói về nhịp điệu như thể nói về từ lực hay điện từ. Từ lực và điện từ là những dạng của năng lượng”. Như vậy trong thơ nhịp điệu giữ một vai trò quan trọng. Nó luôn có tác dụng nâng đỡ cảm xúc làm tăng thêm sức biểu đạt của câu thơ, bài thơ.

Xu hướng trên đây thực tế chưa thể bao quát được đầy đủ những tìm tòi và khám phá về mặt nội dung và hình thức của thơ thời kỳ 1954 - 1964. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung những hướng tìm tòi tích cực của thơ trong nỗ lực mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực, đưa thơ về với đời sống, vừa nói được những điều gần gặn nồng ấm hơi thở đời sống, vừa có khả năng khái quát những vấn đề lớn của dân tộc, thời đại, đồng thời đạt tới những sáng tạo nghệ thuật.