Nội san

Về miền di sản

28 Tháng Mười 2015

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức

 

 “Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn” là một trong những phương châm đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo các cấp, đặc biệt với các trường đại học. Nghiên cứu thực tế là một nội dung không thể thiếu trong chương trình đào tạo cao học Quản lý Văn hóa, Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW). Thông qua hoạt động thực tế, học viên được bổ sung kiến thức thực tiễn và củng cố những vấn đề lý luận đã được học tại Nhà trường.

Từ ngày 30.3 đến 03.4.2015, Khoa Sau đại học - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức cho 181 học viên các lớp cao học khóa 2 Quản lý văn hóa (2 lớp) và khóa 4 Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc (2 lớp) đi học tập và nghiên cứu thực tiễn đời sống văn hóa ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Trong chuyến đi này, các học viên được tìm hiểu và khám phá các di tích lịch sử văn hóa và địa danh nổi tiếng của miền Trung như: Quần thể di tích Cố đô Huế (Đại Nội, Chùa Thiên Mụ), Bán đảo Sơn Trà, Chùa Linh Ứng, Khu du lịch Non Nước - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Phố cổ Hội An...

Đến Quảng Bình, đoàn đến dâng hoa viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mộ Đại tướng đặt ở Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, cách điểm ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh trên Đèo Ngang khoảng 7km. Dựa vào thuyết phong thủy thì nơi an táng Đại tướng là huyệt Đại Cát. Phía Bắc mộ tựa vào dãy núi cao trên 700m. Phía Tây là núi Sú Kéo cao 136m như một tay ngai, tiếp là dãy núi Mũi Rồng (tả thanh long). Phía Đông có núi tròn như con hổ lớn (hữu bạch hổ). Từ mộ nhìn xuống là vùng biển rộng, qua khoảng biển 400m là Đảo Yến như bức hình phong chắn gió (vị trí chu tước).

Cố đô Huế là điểm đến hấp dẫn nhất trong hành trình du lịch di sản miền Trung. Đến với Huế là đến với sông Hương, núi Ngự, đến với xứ mộng và thơ.

Cách thành cổ Huế khoảng 4 km, Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên quả đồi cao trông ra sông Hương, cảnh quan yên tĩnh, thơ mộng. Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất xứ Đàng trong suốt 4 thế kỉ qua. Nơi dựng Chùa khởi đầu là di tích thờ cúng của người Chăm. Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa là nơi thờ Phật của người Việt, gọi là quốc tự Thiên Mụ. Năm 1862, Vua Tự Đức cho đổi tên chùa Thiên Mụ thành chùa Linh Mụ và đến năm 1879, nhà vua lại cho phục hồi tên cũ. Để nắm bắt những thông tin tiêu biểu, chọn lọc về quá trình hình thành và phát triển của chùa Thiên Mụ, đoàn học viên không chỉ quan sát, lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu mà còn được giảng viên hướng dẫn tiếp cận tài liệu về chùa Thiên Mụ.

Đại Nội Huế là tâm điểm với nhiều điểm đến hấp dẫn giúp du khách khám phá những điều lý thú về lịch sử vương triều Nguyễn. Đại Nội Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Kinh thành Huế được xây dựng trên mặt bằng diện tích hơn 500ha nằm ở bờ Bắc sông Hương. Đại Nội Huế bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp với các chức năng khác nhau. Cửa chính phía Nam là Ngọ Môn, với lối kiến trúc bề thế, độc đáo thường lấy làm biểu tượng của Cố đô Huế. Qua cửa Ngọ Môn là điện Thái Hòa nơi vua cùng triều thần luận bàn các công việc đại sự của quốc gia. Tử Cấm Thành (Thành cấm màu tía) ở sau lưng điện Thái Hòa là nơi vua và các hoàng phi ở, làm việc, vui chơi, xem hát, đọc sách, tổ chức lễ tiệc…

Rời Huế cổ kính, mộng mơ đến thành phố Đà Nẵng sôi động và hiện đại. Đà Nẵng nổi tiếng là một cảng biển lâu đời nhưng hiện đại. Các công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên đến tuyệt vời. Đà Nẵng còn được ba di sản văn hóa thế giới bao bọc: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Thánh địa Mĩ Sơn. Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng, làng chạm khắc đá Non Nước dưới chân núi Ngũ Hành Sơn là những điểm đến của các học viên. Ở đó, học viên được tìm hiểu văn hóa Chăm rực rỡ, đặc sắc, đậm nét Ấn Độ giáo qua việc chiêm ngưỡng, thưởng thức tài hoa nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân Chăm. Ở đó, họ như lạc vào thế giới của huyền ảo, lung linh sắc màu của đá và nghệ thuật tạo tác đá tinh xảo của nghệ nhân làng đá Non Nước nổi tiếng.

Bách bộ dạo thăm phố cổ Hội An, một thương cảng phồn thịnh nhất Đông Nam Á vào thế kỉ 17-18, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Du khách bị thôi miên trước vẻ đẹp cổ kính, đa sắc, độc đáo của kiến trúc với các hội quán của người Hoa, những ngôi mộ của người Nhật, người Hoa và chiếc cầu mang tên cầu Nhật Bản,… Du khách bị hút hồn bởi con người Hội An hiền hòa, thư thái, lịch lãm, đôn hậu và mến khách. Du khách được trải nghiệm, khám phá các món ăn đặc sắc như Cao lầu, tào phớ, cơm gà,… Có thể thấy, những loại hình kiến trúc phong phú đa dạng đó, cùng với lối sống tập quán, phong tục, lễ hội... của cộng đồng dân cư Hội An còn như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hòa giữa các yếu tố nội sinh và riêng Hội An vừa mang tính ngoại sinh. Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ được nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể với các lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng các làng nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực… khiến cho Hội An trở nên hoài cổ và sâu lắng hơn, ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.

Trong chuyến đi thực tế, đoàn học viên có cơ hội đến thăm di tích Thành cổ Quảng Trị, nơi ghi dấu chiến công hiển hách 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) chiến đấu ác liệt bảo vệ thành cổ của quân dân ta vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đó là cuộc đối đầu mang tính lịch sử giữa quân đội ta với quân đội Mỹ và Ngụy quân Sài Gòn. Trận chiến giành đi giật lại dài ngày nhất, gay go, ác liệt nhất. Mỗi tấc đất ở thành cổ, ở bến sông Thạch Hãn đều thấm nhiều máu của chiến sĩ và đồng bào ta. Báo chí phương Tây bình luận số bom đạn Mỹ ném xuống khu vực thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm khoảng 328 nghìn tấn tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945. Hiện nay, Thành cổ Quảng Trị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích đặc biệt này đang được tôn tạo, hoàn thiện, là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong, ngoài nước. Chính giữa thành cổ là một đài tưởng niệm lớn, thể hiện mô hình một nấm mồ chung để mọi người thắp hương, trước lư hương là cây đèn màu đỏ, cao 8,1m, tượng trưng cho 81 ngày đêm, gọi là đèn thiên mệnh, đỉnh đèn là hình ngọn lửa với ý nghĩa sâu xa là tỏa ánh hào quang của trận chiến chống quân xâm lược đồng thời dẫn hồn của các liệt sĩ siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Ở góc Đông Nam thành cổ tái hiện lại cảnh chiến trường năm 1972. Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị nằm ở góc Tây Nam, là căn nhà 2 tầng trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật quý hiếm của những chiến sĩ trẻ tham gia trận chiến lịch sử mùa hè 1972 và người dân Quảng Trị phục vụ trận chiến.

Đoàn thực tế chuyên môn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, đặc biệt các học viên khóa 4 Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc thích thú khi tìm hiểu sự phong phú, đa dạng về những làn điệu ca Huế trên sông Hương như: điệu hò (chèo cạn, giã gạo, ru em, bài chòi,…), điệu hát (lí con sáo, nam ai, nam bình,…). Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân cố đô, được lưu giữ và phát triển qua hàng trăm năm nay. Mọi người bị thôi miên bởi những lời ca dịu ngọt, da diết yêu thương hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc gồm thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo… cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang. Biểu diễn ca Huế không phải là các ca sĩ chuyên nghiệp, họ là nghệ nhân trong các câu lạc bộ ca Huế đã đứng tuổi, họ diễn hát những làn điệu dân ca cha ông họ lưu truyền lại. Có ngồi thuyền nghe ca Huế trên sông, vào buổi đêm trong không gian tĩnh lặng, mênh mang sông nước ta mới cảm nhận được con người, cảnh sắc, đặc điểm vùng đất của xứ Huế.

Đặc biệt, trong chuyến đi này, học viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, học tập với Học viện Âm nhạc Huế và Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Đoàn có buổi giao lưu với học viên, sinh viên của hai trường. Trước chuyến đi, các học viên cao học khóa 4 Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc cùng với học viên cao học khóa 2 Quản lý Văn hóa đã dày công tập luyện để có chương trình biểu diễn ấn tượng, hấp dẫn, ghi đậm sắc thái nghệ thuật đồng bắc Bắc Bộ, thể hiện tính hiện đại trong lối diễn, đặc biệt là tiết mục hát múa minh họa. Nếu Học viện Âm nhạc Huế thuyết phục các học viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW ở những tiết mục nghệ thuật cung đình Huế, ca Huế với chất giọng rất riêng của xứ Huế thì các sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đem tới các tiết mục trẻ trung, những điệu nhảy hiphop tràn đầy sinh lực, thể hiện niềm đam mê của giới trẻ Đà Nẵng thời hội nhập.

Từ chuyến đi này, các học viên không chỉ được trải nghiệm thực tiễn, mở rộng nhận thức mà còn có nhiều hứng thú và say mê hơn trong việc nghiên cứu, học tập chuyên ngành. Trong quá trình đi thực tế, học viên cao học Quản lý văn hóa sẽ vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để tìm hiểu, phân tích thực trạng các hoạt động quản lý văn hóa ở các điểm thực tế mà đoàn đến. Trên cơ sở đó, đối chiếu lý luận với thực tiễn để hoàn thiện và nâng cao một bước về nhận thức lý luận và thực hành nghiệp vụ quản lý văn hóa đã được đào tạo. Với học viên cao học Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc cũng có thêm những trải nghiệm quý giá về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng.