Nội san

Yếu tố cổ tích về nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài

29 Tháng Mười 2015

ThS. Nguyễn Thanh Huyền

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

 

Truyện cổ tích và sáng tác văn chương của nhà văn hiện đại thuộc hai mảng văn học khác nhau. Tìm hiểu dấu ấn dân gian trong những sản phẩm nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài cho thấy sự dung hợp cũng như ảnh hưởng của hai mảng văn học này. Sự ảnh hưởng đó không phải là việc sao chép cứng nhắc mà chính là sự tâm đắc của nhà văn muốn làm mới lại những câu chuyện cổ tich tưởng chừng như đã quen thuộc. Tìm hiểu yếu tố cổ tích về nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài, chúng tôi muốn chỉ ra mối quan hệ, đặc trưng thi pháp của nghệ thuật cổ xưa, những nét riêng của văn học hiện đại khi viết lại văn học quá khứ.

  1. Yếu tố cổ tích ở loại nhân vật phiếm chỉ

Trong thi pháp thể loại văn học dân gian, TS. Nguyễn Xuân Đức cho rằng: “Trong cổ tích ngay cả cái tên nhân vật cũng mang tính chất phiếm chỉ”. Phiếm chỉ là “chỉ chung, không rõ ràng, cụ thể người nào, sự vật nào”. Tính chất phiếm chỉ của nhân vật thường diễn ra trên cả ba phương diện. Trước hết là sự phiếm chỉ về mặt tên tuổi. Những tên gọi mang màu sắc chung chung biểu trưng cho thân phận của những con người dưới đáy xã hội. Chử Đồng Tử theo tiếng Hán có nghĩa là đứa trẻ sinh ra trên bến nước, cho nên Chử Đồng Tử được xem là tên chỉ chung những người nghèo khổ sống bằng nghề sông nước. Thứ hai, tính phiếm chỉ còn thể hiện ở sự không xác định về mặt nguồn gốc của nhân vật. Như nhân vật An Tiêm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ biết rằng khi bảy tuổi, vua mua được của thuyền buôn đem về làm đầy tớ. Ngoài ra, tính chất phiếm chỉ của nhân vật còn được thể hiện ở các nhân vật đều là con người đại diện cho các hạng người, loại người, các giai cấp trong xã hội. Điểm gặp gỡ trước hết giữa Tô Hoài và tác giả dân gian là xây dựng nhân vật phiếm chỉ thành một hệ thống nhân vật đông đảo và đa dạng. Hầu như những nhân vật phiếm chỉ có trong cổ tích đều được Tô Hoài đưa vào tác phẩm và có vai trò, chức năng quen thuộc. Ông đã học tập các tác giả dân gian khi cho các nhân vật của mình sống trong những hoàn cảnh khó khăn, cũng chính trong hoàn cảnh ấy những phẩm chất tốt đẹp của họ mới có cơ hội thử thách, bộc lộ và tỏa sáng.

Viết về nhân vật mồ côi, ông miêu tả họ có cuộc sống tạm bợ trong rừng núi, không nhà cửa, không cha mẹ, không người thân. Trong cổ tích, Thạch Sanh và Chử Đồng Tử tiêu biểu cho người mồ côi với thân phận thấp hèn, bị vùi dập hắt hủi, Chàng mồ côi (trong “Con hươu sao”)Mồ côi (trong “Công chúa nói ba lần”) của Tô Hoài là những người có thân phận thấp hèn nhưng không cam chịu, trái lại có quyết tâm vươn lên để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Con riêng là một trong những nhân vật thu hút các tác giả dân gian. Tô Hoài có hai truyện viết về loại nhân vật này là “Tấm Cám” và “Người hóa dế”. Tấm được coi là nhân vật điển hình trong cổ tích: Tấm hiện lên trong trang văn của Tô Hoài là một cô gái hay lam hay làm, mẹ con Cám cố ra sức hãm hại Tấm bao nhiêu thì cô lại chống trả bấy nhiêu, để được sống, được mưu cầu hạnh phúc, dù phải trải qua hết nạn này đến nạn khác. Trong gia đình với chế độ tư hữu, đứa con riêng là kẻ đau khổ nhất, Tô Hoài đặt ra vấn đề số mệnh “đứa con riêng” và giải quyết nó theo quan điểm của nhân dân.

Nhân vật em út, nổi bật ở ba truyện: “Đám cưới kì lạ”, “Chó đá biết cười”, “Làm ác phải tội”. Đây đều lại viết truyện cổ tích nên nội dung về nhân vật cơ bản giống cổ tích. Nhân vật người em đều chịu thiệt thòi trước thói tham lam của người anh nhưng cuối truyện đều được đền bù xứng đáng.

Nhân vật người đi ở, tiêu biểu là truyện “Cây tre trăm đốt”, Tô Hoài cũng xây dựng nhân vật giống như truyện cổ tích. Hình ảnh anh thợ cày đáng thương, bị bóc lột hết sức lao động nhưng siêng năng, không phàn nàn về thân phận của mình. Thông qua nhân vật này Tô Hoài đã vạch rõ sự đối lập giữa cảnh giàu có của địa chủ và cảnh bần cùng của người lao động. Đồng thời cũng thể hiện hai loại bản chất trái ngược, địa chủ gian ác, ngu dốt, keo kiệt và người nông dân chất phác, thông minh hiền lành, dũng cảm.

Ở loại nhân vật có ngoại hình xấu xí có các nhân vật: Cô gái bướu cổ (trong Cái bướu cổ), Cô Cóc (Lấy vợ cóc), Chàng Dê (Đám cưới kì lạ). Kiểu nhân vật này trong tác phẩm của Tô Hoài vừa tiêu biểu cho loại người bất hạnh vì ngoại hình xấu xí, vừa tiêu biểu cho loại người có tư chất thông minh.

Nhân vật trong truyện cổ tích là những nhân vật không được miêu tả tâm lý do yêu cầu hình thức tồn tại truyền miệng. Theo nguyên tắc truyện cổ tích dân gian, những diễn biến tâm trạng bao giờ cũng chỉ lướt qua và chúng không phải là quá trình tâm lý. Nhân vật trong truyện hiện đại lại có một quá trình diễn biến tâm lý rất lớn, nhân vật có đời sống nội tâm sống động. Do nhân vật miêu tả với một quá trình như vậy nên nhân vật thường sống với hồi ức, quá khứ. Nói cách khác, nếu truyện cổ tích được kể theo mạch thẳng thì truyện Tô Hoài đã có dấu hiệu của nghệ thuật hồi cố như truyện hiện đại. Điều này khá xa lạ với thi pháp truyện dân gian khi mà nhân vật truyện cổ tích chỉ sống với thời hiện tại. Tô Hoài thường chú ý miêu tả rất chi tiết những nhân vật trong cuộc sống. Điều này không chỉ nói lên tài năng quan sát của ông, tính cẩn thận, tâm hồn  nhạy bén của nhà văn mà còn giúp nhà văn chuyển tải nhiều thông điệp tới người đọc.

Nhân vật cổ tích là nhân vật chức năng không bộc lộ tính cách, chưa có nội tâm thậm chí chưa được chú ý đến ngoại hình. Còn Tô Hoài là nhà văn có biệt tài thể hiện thần thái nhân vật. Nhân vật có đời sống nội tâm hơn, biết suy nghĩ và hành động.

Trên tinh thần trân trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống khi xây dựng nhân vật phiếm chỉ của tác giả dân gian, Tô Hoài đã khôn khéo tạo cho đứa con tinh thần của mình những điểm khác biệt đó là: nhân vật ở đây được miêu tả cụ thể về ngoại hình, nội tâm. Nhân vật khác xa vẻ đẹp khuôn sáo, công thức của cổ tích mà sinh động, gần gũi với cuộc đời. Nhân vật không chỉ có vẻ đẹp bề ngoài mà còn có vẻ đẹp nội tâm phong phú, có cá tính, có bản sắc. Tô Hoài kế thừa văn học dân gian có chọn lọc và sáng tạo.

  1. Yếu tố cổ tích ở loại nhân vật phù trợ

Trong truyện cổ tích, nhất là truyện cổ tích thần kì, các lực lượng thần kì luôn luôn xuất hiện đúng lúc để giúp đỡ nhân vật chính diện. Tuy nhiên, Tô Hoài lại xây dựng một hệ thống nhân vật phụ chỉ được sử dụng như là phương tiện phù trợ cho nhân vật chính. Điều thú vị ở đây là tác giả không để cho thần linh làm hộ mà chỉ gợi ý, mách bảo cho nhân vật. Nghĩa là ở đây yếu tố kì diệu không che khuất, chiếm hết vai trò của nhân vật mà vẫn luôn dành chỗ cho tài năng, sáng tạo mỗi người.

Viết về nhân vật phù trợ, Tô Hoài cũng như các tác giả dân gian đều dành ngòi bút để khắc họa vẻ đẹp phẩm chất, tài năng nhân vật. Nếu nhân vật của cổ tích đơn thuần là những nhân vật hành động nhằm thúc đẩy cốt truyện theo đúng ý đồ của tác giả dân gian thì nhân vật phù trợ của Tô Hoài là những con người trăn trở trước khi hành động, nhân vật có lôgic phát triển nhiều khi độc lập với cốt truyện. Trong “Đảo hoang” có nhân vật Mon, Maili, Gái, tập thể người dân Bãi lở. Trong “Chuyện nỏ thần” có nhân vật Lý Ông Trọng, Đô Lỗ, Đô Nồi, Đống, Vực, hàng ngàn lực sĩ bắn nỏ, hàng ngàn chàng trai, hàng ngàn cô gái xây đắp thành, nhân vật Trưng Trắc, Trưng Nhị. Trong “Nhà chử”: nhân vật ông Chử, bố Chử, mẹ Chử, nàng Dong, chàng Tùng, nàng Mị. Tô Hoài đã phá vỡ lối miêu tả nhân vật đơn lẻ trong truyện cổ tích mà tổ chức tác phẩm bằng một hệ thống các nhân vật. Nhà văn đã khéo léo tổ chức mối liên hệ giữa các nhân vật lịch sử mới như Trưng Trắc, Trưng Nhị, nhân vật Lý Ông Trọng. Các vị tướng đều xuất thân từ đồng ruộng, đều là con em của quần chúng lao động, Tô Hoài không chỉ kể cho ta những chiến công lừng lẫy của các vị anh hùng lịch sử mà còn muốn con cháu đời sau phải biết yêu quý, nâng niu, giữ gìn những giá trị cuộc sống của ngày hôm nay. Cái chết của các vị anh hùng thường được Tô Hoài miêu tả một cách bi tráng, đó là những cái chết mang màu sắc “thần”.

Gắn với phát triển tính cách của nhân vật là sự vận động theo hướng mở của hành động nhân vật. Đây là một yếu tố khá nổi bật trong những nhân vật của Tô Hoài. Nhân vật truyện cổ dân gian vận động và phát triển theo các tuyến hành động. Các nhân vật phát triển theo một chuỗi các hành động kế tiếp nhau. Không có nhân vật nào vừa hành động vừa suy nghĩ, các nhân vật trong truyện cổ khi gặp khó khăn, bế tắc trong hành động thường được thần phật trợ giúp. Đối với nhiều nhân vật Tô Hoài hành động thường đi liền với suy nghĩ. Trong “Đảo hoang”, nhân vật Mon “cứ mở mắt trân trân nhìn qua cái lỗ ống tre khoang bằng bàn tay. Mỗi lần thuyền bị vùi trong sóng, sóng ngầm lắc thuyền kêu răng rắc, nước ào qua mui, lại phun ộc vào như mở cống. Mon không sợ, Mon cứ nhìn. Mon không sợ! Như bố ngày trước. Không sợ!

Các nhân vật của Tô Hoài nghiêng về hướng nghĩ và làm, nhiều khi nhân vật nghĩ cũng có nghĩa là nhân vật đã hành động, đã thực hiện được một hành vi nào đó. Vì thế các nhân vật của Tô Hoài rất hay đối thoại hoặc độc thoại. Những câu nói của các nhân vật cũng không phải chỉ là để đưa ra hành động mà những lời nói đó thường bao hàm một sự nhận thức, một chiêm nghiệm nào đó.

Nếu ở các truyện dân gian, nhân vật được phát triển theo các hướng hành động và khi nhân vật hoàn thành chức năng của mình, không hành động nữa cũng là lúc kết thúc câu chuyện thì ở truyện Tô Hoài với sự vận động theo hướng mở của hành động nhân vật, nhiều truyện kể được xây dựng với một kết thúc mở. Như câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Dong và chàng Chử hay chuyến phiêu lưu thật ý nghĩa biến đảo hoang thành vùng đất phì nhiêu hứu hẹn một tương lai tươi sáng trong tác phẩm “Đảo hoang”…

Việc xây dựng các nhân vật phù trợ, nhà văn đã cho người đọc thấy được sức mạnh của con người, sức mạnh của tập thể, sức mạnh của sự đoàn kết. Họ chính là lực lượng trợ giúp nhân vật chính thực hiện ước muốn, hoài bão của mình. Chính điều này đã cho chúng ra thấy được nhân vật chính diện không hề đơn độc trong quá trình tiêu diệt cái ác.

  1. Yếu tố cổ tích ở những nhân vật là loài vật

Viết về thế giới loài vật vốn là sở trường của Tô Hoài, là mảng thành công thứ hai của ông sau đề tài miền núi. Hà Minh Đức cho rằng: “Thế giới loài vật được ông miêu tả từ chú Dế Mèn, con Gi Đá, chú Bọ Ngựa, cậu Gà, con Mèo… đều sinh động lạ lùng. Ngòi bút của ông lột tả hết được những nét đặc sắc của đối tượng qua những chi tiết chân thực, nét vẽ cụ thể đều bộc lộ tự nhiên và cả nội tâm của chúng thật gần gũi với con người biết bao”. Về mặt cấu trúc nội dung, trong tập truyện “101 truyện ngày xưa”, các con vật là những nhân vật đã xuất hiện trong văn học dân gian. Đó là các con như Chuột, Mèo, Gà Mái, Hổ, Trăn, Chim sẻ, Quạ, Công, Thỏ. Trong đó, ông sử dụng loài vật theo những mục đích khác nhau như: giải thích nguồn gốc, đặc trưng của các con vật, thông qua nhân vật loài vật tác giả đề cao tài năng, trí tuệ của con người, truyện nhằm giải thích nguồn gốc, đặc trưng của loài vật nhưng thông qua cuộc sống xã hội của con người… Sự giống nhau không chỉ về mặt cấu trúc nội dung mà còn ở cách xây dựng hình tượng. Tô Hoài xây dựng các loài vật theo kiểu nhân vật của cổ tích. Sử dụng thi pháp cổ tích, Tô Hoài xây dựng lại kiểu loài vật thần kì. Đó là những con vật “thần” có khả năng kỳ diệu, thường ban cho nhân vật chính diện những vật thần như một sự trả ơn hoặc phần thưởng cho con người nhân đức. Đó là “ngọc rắn” có khả năng đi được trong nước trong truyện “Con chó con mèo có nghĩa” hay “ngọc quạ” biết cầu được ước thấy trong truyện “Viên ngọc xanh”.

Khi viết về loài vật, Tô Hoài xem mỗi con vật như một cá thể, mang trong mình hình dáng và tính nết con người. Cái tài của Tô Hoài trong nghệ thuật miêu tả loaì vật là ông đã miêu tả tỉ mỉ đặc tính của các con vật. Tuy nhiên, ông đã vượt lên trên khuôn khổ của thi pháp cổ tích là thường đóng khung nhân vật trong những quy tắc ước lệ, ít miêu tả nhân vật. Viết về loài vật Tô Hoài tỏ ra am hiểu, thuộc tính nết từng loài, hiểu những động tác khi chúng kiếm ăn, trò chuyện, trong từng trạng thái ông phân biệt chính xác tiếng kêu màu sắc, hình dáng từng loài. Xây dựng thành công cái dáng vẻ, thần thái của từng con vật, Tô Hoài đã thổi hồn cho cổ tích viết về loài vật, làm cho các loài vật sống động và mang đặc điểm như người.

Truyện cổ tích dân gian, mọi biến cố, xung đột tác động tới phẩm chất, số phận nhân vật gần như là phi lý, nếu xét trên góc nhìn hiện đại. Còn trong truyện Tô Hoài, người viết có xu hướng xóa mờ đi lớp mây huyền ảo để đưa những câu chuyện về với đời thường, sự hợp lý theo tiêu chuẩn của cuộc sống thực tế. Trong “Dế Mèn phiêu lưu ký”, trên đường đi phiêu lưu, hai anh em Dế Mèn và Dế Trũi qua vùng hoa cỏ may vào mùa lễ hội, cả hai có cơ hội tham gia tranh hùng cùng võ sĩ Bọ ngựa. Chính cuộc tranh tài đó đã phô bày cái hay, cái dở của từng nhân vật. Mục đích của cả hai là đi phiêu lưu, vì vậy, để “giải thoát” cho nhân vật của mình, Tô Hoài phải tạo ra tình huống: Dế Trũi bị bọn Châu chấu Voi bắt đi đâu mất. Nhờ lý do này mà Dế Mèn mới rời được vùng đất hoa cỏ may lên đương đi tìm bạn. Hành trình phiêu lưu của nhân vật được tiếp tục, câu chuyện về tình bạn được triển khai, mô tả... Có thể nói, các sự kiện, tình huống đã được Tô Hoài sắp đặt một cách nhuần nhị, tự nhiên và hết sức hợp lý. Trong miêu tả nhân vật, Tô Hoài chú ý đến yêu cầu cá tính hóa nhân vật. Nhờ thế, mỗi nhân vật có được một vẻ riêng. Chẳng hạn, thầy đồ Cóc trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” được xây dựng là một kẻ khoác lác. Nhân vật chuột nhắt lại là hình ảnh ẩn dụ về con người tri thức, có lúc bi lụy đến tuyệt vọng nhưng cuối cùng đã giác ngộ lý tưởng, hăng hái làm nhiều việc có ích cho đời.

Nhân vật trong truyện nhân gian thường có tính cách bất biến, điều đó có nghĩa là nhân vật thường được xây dựng với tính cách nhất quán từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhân vật nói chung hoặc đã tốt, hoặc đã xấu đã khôn hoặc đã dại thì hầu như không thay đổi. Nếu có thì chỉ là sự thay đổi mang tính đột biến, mang đậm ý muốn chủ quan của người kể chứ không phải kết quả của một quá trình phát triển nội tại. Nhân vật đó mang tính chất quan niệm nhiều hơn là một thực thể sống động. Ở Tô Hoài, chúng tôi cho rằng nhiều nhân vật có dấu hiệu của sự vận động và phát triển tính cách. Nhân vật Dế Mèn dành thời gian suy ngẫm, tự vấn lương tâm và có ý thức sửa chữa lỗi lầm: “Đường đời nhiều bài học, mỗi bài học một kiểu, chịu nghĩ thì học được, học giỏi, bằng không thì… Nhưng cũng vì thế mà tôi tỉnh ngộ…”. Nhân vật được Tô Hoài miêu tả theo quá trình vận động phát triển rõ ràng, những mâu thuẫn, những đấu tranh nội tại, có lẽ không khác gì những trang viết của một nhà văn hiện đại thông thạo miêu tả tâm lí. Khi những đặc điểm cá nhân có tính bền vững và thể hiện một cách nhất quán trong hoạt động và giao tiếp, quy định các phương thức hành vi điển hình đối với cá nhân thì có thể xem như nó là một nhân vật hiện đại.

Viết về loài vật, Tô Hoài đã kế thừa thi pháp xây dựng nhân vật của truyện cổ tích một cách sáng tạo và cách tân. Sự đan xen giữa cũ và mới trong sản phẩm của nhà văn về nhân vật loài vật đem đến một món ăn tinh thần nhiều màu vẻ rất hấp dẫn.

Thường những câu chuyện mang đặc điểm dân gian có một cách kết thúc có hậu nhằm giải quyết yếu tố tâm lý và giá trị giáo dục. Mọi cái ác đều bị trừng phạt, những người lương thiện đều được hạnh phúc và sống muôn đời. Trong trường hợp này, có thể xem Tô Hoài đã sáng tác một kiểu “Cổ tích hiện đại” ở phần kết không có hậu. So với truyền thuyết An Dương Vương, kết thúc của “Chuyện nỏ thần” có phần bi thảm hơn, nhưng lại gần gũi với sự thực cay nghiệt của lịch sử. Trong truyền thuyết, người anh hùng không bao giờ chết.

Nói về nhân vật trong tác phẩm văn học, Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung kết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Đúng vậy, nhân vật không chỉ là hình thức đề nhà văn khái quát hiện thực cuộc sống một các hình tượng mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thông qua nhân vật nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ về con người. Gần nửa thế kỉ sáng tác nghệ thuật, Tô Hoài đã có những đóng góp quan trọng vào nền văn học nước nhà. Ở những tác phẩm cổ tích viết lại, đặc biệt đối với việc xây dựng nhân vật, có thể thấy rằng Tô Hoài đã có công khơi sâu, mở rộng việc khai thác các giá trị truyền thống. 

 

Tài liệu tham khảo

1. Tô Hoài (1997), Nghệ thuật và phương pháp viết văn, Nxb Văn học, Hà Nội.

2. Tô Hoài (1999), Dế mèn phưu lưu ký, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

3. Tô Hoài (2000), Đảo hoang, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

4. Tô Hoài (2000), Nhà chử, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

5. Tô Hoài (2000), Truyện Nỏ thần, Nxb Lâm Đồng, Hà Nội.

6. Tô Hoài (2003), 101 truyện ngày xưa, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội.

7. Nguyễn Ngọc Hồi (2008), Luận án Tiến sĩ: Chất cổ tích của nhân vật 101 truyện ngày xưa, Đại học Vinh

8. Lê Nhật Ký (2011), Luận án Tiến sĩ: Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

9. Lã Thị Bắc Lý (2000), Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

10. Lã Thị Bắc Lý (2003), Giáo trình văn học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm.

11. Lê Chí Quế (chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (1993), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.