Nội san

Cách tiếp cận và yêu cầu khi biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy

29 Tháng Mười 2015

                                                                                           ThS. Lương Thị Thanh Hải

                Khoa Tâm lý, Giáo dục và Giáo dục thể chất

 

 Đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đòi hỏi phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 đã chú trọng thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực người học … nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của đổi mới giáo dục và công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đứng trước tình hình đó, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đang rất tích cực đổi mới công tác dạy học, trong đó đặc biệt đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao hiệu quả của từng môn học cho phù hợp với tình hình cụ thể của nhà trường, phù hợp với nhu cầu của người học cũng như  yêu cầu của xã hội. Vì vậy, nhà trường rất coi trọng và khuyến khích các Khoa, Bộ môn chú trọng biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo .

Giáo trình, tài liệu giảng dạy là một trong những thành tố có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân sư phạm nghệ thuật nói chung, cử nhân quản lý văn hóa nói riêng. Tâm lý học quản lý văn hóa là môn học được đưa vào khung chương trình đào tạo cho sinh viên hệ Đại học quản lý văn hóa – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Đây là một môn học được tích hợp từ hai môn: Tâm lý học đại cương và Tâm lý học quản lý. Trong thực tế giảng dạy hiện nay, chương trình môn học được triển khai nhưng chỉ có nội dung kiến thức phần Tâm lý học đại cương là đã có giáo trình, còn phần Tâm lý học quản lý văn hóa vẫn chưa có giáo trình giảng dạy thống nhất. Chính vì vậy, việc học tập của sinh viên đối với bộ môn này cũng gặp nhiều khó khăn...Để môn học đạt hiệu quả với đầy đủ ý nghĩa của nó, việc biên soạn tài liệu giảng dạy môn Tâm lý học quản lý văn hóa cho sinh viên hệ Đại học quản lý văn hóa, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là cần thiết.

1. Quan điểm tiếp cận

Có ba cách tiếp cận khác nhau trong việc xây dựng giáo trình, tài liệu giảng dạy:

Một là, tiếp cận  nội dung (content approach)

 

Tiếp cận  nội dung (content approach) là cách tiếp cận chú trọng chủ yếu đến nội dung kiến thức cần truyền thụ và mối quan tâm của người biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy là nội dung kiến thức. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vũ bão của Khoa học và Công nghệ, kiến thức gia tăng như hàm mũ nên cách tiếp cận nội dung sẽ bế tắc, và nội dung truyền thụ cũng nhanh chóng bị lạc hậu. Hiện nay phần lớn các trường đại học không còn sử dụng cách tiếp cận này trong việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy.

Hai là, tiếp cận theo mục tiêu (the objective approach)

Tiếp cận theo mục tiêu (the objective approach) là cách tiếp cận nhấn mạnh mục tiêu môn học, coi mục tiêu môn học là tiêu chí để để lựa chọn nội dung, phương pháp, cách thức thi và đánh giá kết quả học tâp. Mục tiêu môn học ở đây được thực hiện dưới dạng mục tiêu đầu ra: những thay đổi đầu ra của người học. Theo cách tiếp cận này, người ta quan tâm đến những thay đổi ở người học sau khi kết thúc môn học về hành vi trong các lĩnh vực nhận thức, kỹ năng, thái độ. Dựa vào mục tiêu môn học có thể đề ra nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy cần thực hiện để đạt được mục tiêu cũng như phương pháp đánh giá thích hợp các mục tiêu môn học.

            Ưu điểm của cách tiếp cận mục tiêu trong biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy: Mục tiêu môn học cụ thể và chi tiết tạo thuận lợi cho việc đánh giá hiệu quả và chất lượng giáo trình,  tài liệu giảng dạy: Người dạy và người học biết rõ cần phải dạy và học như thế nào để đạt được mục tiêu; Cho phép xác định các hình thức đánh giá kết quả học tập của người học.

Nhược điểm: Sản phẩm đào tạo phải đồng nhất ở đầu ra trong khi đầu vào là những con người lại rất khác nhau về năng lực, hoàn cảnh, nguồn gốc, văn hóa. Vì vậy, các khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân người học không được quan tâm phát huy đúng mức, nhu cầu và sở thích riêng của người học khó được đáp ứng.

So với cách tiếp cận nội dung, cách tiếp cận mục tiêu ngoài việc chỉ rõ nội dung kiến thức còn chỉ ra phương pháp dạy – học để chuyển tải nội dung.

Ba là, tiếp cận phát triển (development approach)

Tiếp cận phát triển (development approach) là cách tiếp cận chú trọng đến việc phát triển những năng lực tiềm ẩn của cá nhân, phát triển sự hiểu biết của người học hơn là quan tâm đến việc người học nắm được một khối lượng kiến thức như thế nào. Tiếp cận phát triển trong biên soạn tài liệu, giáo trình chú trọng tới sự thay đổi hành vi của người học, chú trọng tới tính tự chủ, đến giá trị mà tài liệu, giáo trình mang đến cho người học.

            Với cách tiếp cận này, mục tiêu dạy học – nội dung dạy học – phương pháp dạy học đều có sự thay đổi. Cốt lõi của việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy theo tiếp cận phát triển là việc xử lý tam thức mục tiêu dạy học – nội dung dạy học  – phương pháp dạy học.

             Mục tiêu dạy học: theo cách tiếp cận dạy học thì mục tiêu dạy học nằm trong chính quá trình dạy học và được thể hiện ở mọi giai đoạn của quá trình dạy học, nó chỉ đạo toàn bộ quá trình dạy học và làm chuẩn để đánh giá kết quả dạy học.

             Nội dung dạy học: Nội dung dạy học phải mang tính giáo dục, bao gồm những tri thức, kỹ năng, thái độ và thông qua quá trình lĩnh hội mà sinh viên nâng cao được hiểu biết và phát triển mọi năng lực tiềm ẩn của mình.

            Phương pháp dạy học: theo tiếp cận phát triển, vai trò của người dạy – người học có sự thay đổi rõ rệt. Người dạy không còn giữ vai trò truyền đạt tri thức nữa mà trở thành người cố vấn, cung cấp thông tin khoa học, hướng dẫn người học tìm kiếm, thu thập thông tin, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tri thức và có cơ hội điều chỉnh, rèn luyện tri thức, kỹ năng và thái độ. Người học từ vị trí người tiếp thu bị động chuyển sang vị trí của người “phát minh”, chủ động, tích cực tham gia vào quá trình dạy – học, tự mình tìm ra vấn đề, tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết các nhiệm vụ học tập.

            Cách tiếp cận phát triển chú trọng đến lợi ích, nhu cầu của từng cá nhân người học, chú trọng đến những giá trị mà chương trình, giáo trình và tài liệu đem lại cho người học. Các bài giảng được tổ chức dưới các dạng hoạt động khác nhau nhằm giúp cho người học lĩnh hội dần các kinh nghiệm học tập thông qua việc giải quyết các tình huống, tạo cho người học cơ hội được thử thách trước những thách thức khác nhau.

            Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng khi biên soạn tài liệu giảng dạy môn Tâm lý học Quản lý văn hóa cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cần căn cứ vào cách tiếp cận mục tiêu và cách tiếp cận phát triển.

2. Các yêu cầu khi biên soạn tài liệu giảng dạy môn Tâm lý học Quản lý văn hóa

2.1.  Yêu cầu về nội dung

 Tài liệu giảng dạy phải là sự cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng và thái độ quy định trong chương trình đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục đại học và kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Cụ thể, với mục tiêu môn học như vậy, yêu cầu sinh viên sau khi học xong bài học, môn học... phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo, biết phát triển, mở rộng, bổ sung và hoàn thiện tri thức.

 Nội dung tài liệu giảng dạy phải phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo, phải đảm bảo được tính khoa học, tính hiện đại, phải có tính tư tưởng, tính thực tiễn và vừa sức với sinh viên.

 Kiến thức trong tài liệu giảng dạy được trình bày khoa học, đảm bảo cân đối giữa lý luận và thực hành, phù hợp với thực tiễn và cập nhật những tri thức mới nhất của khoa học và công nghệ;  phải kích thích sự suy nghĩ, mở rộng tầm hiểu biết cho người học. Do đó, người biên soạn cần nêu lên những vấn đề, những hiện tượng trong đời sống đòi hỏi phải sử dụng tri thức khai thác trong tài liệu giảng dạy và tri thức đã biết để giải quyết.

 Tài liệu giảng dạy cần được biên soạn theo tiếp cận modul (modular approach). Cách tiếp cận này cho phép người học có thể tự lựa chọn các modul để học và tổ chức dạy học sao cho người học có thể thỏa mãn những nhu cầu học tập riêng.

 Các bài giảng cần được thiết kế dưới dạng các hoạt động khác nhau, nhằm giúp người học lĩnh hội dần các kinh nghiệm học tập thông qua cách giải quyết các tình huống, tạo cho sinh viên có nhiều cơ hội được trải nghiệm sáng tạo.

2.2.  Yêu cầu về hình thức

 Cấu trúc phải có tính logic – đó là tích hợp của logic khoa học tương ứng và logic nhận thức chung của sinh viên, đảm bảo cho họ lĩnh hội được trên cơ sở óc tư duy phê phán.

 Những nội dung được trích dẫn trong tài liệu tham khảo để biên soạn  tài liệu giảng dạy phải có nguồn gốc và chú thích rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quyền tác giả theo quy định hiện hành.

 Cuối mỗi chương tài liệu giảng dạy phải có danh mục tài liệu tham khảo, câu hỏi hướng dẫn ôn tập, định hướng thảo luận và bài tập thực hành. Sự chỉ dẫn học tập đối với từng chương, phải kích thích được tính tích cực, độc lập của sinh viên bằng hệ thống câu hỏi gợi mở, nêu vấn đề.

 Tài liệu giảng dạy cần được diễn đạt mạch lạc với ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, thống nhất, đúng ngữ pháp, đúng chính tả theo quy tắc hiện hành; Hình thức và cấu trúc của tài liệu giảng dạy phải đảm bảo tính đồng bộ và tuân thủ các quy định cụ thể của Nhà trường.

            Tóm lại, để có thể biên soạn được tài liệu giảng dạy vừa đáp ứng được mục tiêu môn học vừa kích thích được tính tích cực, chủ động của người học chúng ta cần dựa trên cách tiếp cận nhất quán và các yêu cầu khoa học. Dù chọn cách tiếp cận nào, tài liệu giảng dạy cũng phải hướng tới mục tiêu vì sự phát triển của người học.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hoàng Trâm (2006), Biên soạn giáo trình Nghiệp vụ quản lý trường phổ thông theo hướng nâng cao tính tích cực chủ động của người học, Tạp chí Giáo dục, số 143, kì 1/tháng 8, tr 14 - 16

2. Lưu Xuân Mới (2000), Lý luận dạy học Đại học, NXB Giáo dục

3. Nguyễn Lân Trung (2003), Biên soạn giáo trình ngoại ngữ cho người lớn tuổi, Tạp chí Giáo dục, số 54, tháng 3, tr 30, 31, 29

4. Nguyễn Quang Uẩn (2002), Quan điểm sư phạm tích hợp trong việc biên soạn giáo trình Đại học Sư phạm, Tạp chí Giáo dục, số 32, tháng 6, tr 29, 30

5. Thông tư 04/2011/ TT – BĐGĐT V/v Ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học, ngày 28 tháng 1 năm 2011

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục (2006), Tập bài giảng Giáo dục học đại học, dành cho các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý đào tạo và giảng viên các trường đại học, cao đẳng (Lưu hành nội bộ), Hà Nội.

7. Luật Giáo dục, số 38/2005/QH11, Điều 41, tr 13.

8. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số   711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6  năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ), tr 11, 12