Nội san

Một con đường của sáng tạo âm nhạc

21 Tháng Mười Một 2015

MỘT CON ĐƯỜNG CỦA SÁNG TẠO ÂM NHẠC

 

TSKH. Phạm Lê Hòa

 

 

         Trong dòng người từ Paris đến Việt Nam thời gian gần đây chúng ta thường gặp một người vóc dáng còn rất trẻ dù tuổi anh đã ngoài 60, một Việt kiều đã hơn 50 năm xa Tổ quốc, hiện đang sống tại Paris. Nhìn bề ngoài, ít người có thể nghĩ đó là một trong những nhạc sĩ tài năng nhất của nền âm nhạc hiện đại thế giới nửa sau của thế kỷ XX. Tên anh là Nguyễn Thiên Đạo.

        Những năm gần đây, Nguyễn Thiên Đạo thường trở về Việt Nam trong những hoạt động gắn bó với Tổ quốc của mình. Khi là chuẩn bị cho các chương trình hòa nhạc, khi trực tiếp chỉ huy tác phẩm của mình trong các chương trình hòa nhạc, khi là dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .v.v.... Số nhà 32 Bà Triệu - Khách sạn của ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài dường như cũng đã quá quen với sự giản dị, khiêm nhường và chân tình của người nhạc sỹ nổi tiếng trong giới sáng tác âm nhạc hiện đại thế giới thế kỷ XX.

       Nguyễn Thiên Đạo (tên giữa của anh là Thiên mà không phải Thiện như nhiều người và báo chí thường gọi) sinh vào những ngày trăng sáng tháng Một năm Canh Thìn ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Vì những lý do gia đình, sau đó vài tháng mẹ anh đã phải ôm anh trở về sống ở quê: làng Cát Động, Thanh Oai, Hà Tây. Cuộc sống nơi thôn quê bên bờ sông Đáy, những tiếng chuông chùa, những âm thanh của phường bát âm trong những lễ hội, tiếng gió thổi, tiếng nước sông chảy... đã để lại trong anh những ấn tượng vô cùng sâu sắc về một làng quê Việt Nam trong suốt những năm tháng sau này của cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật. Đến khi lên 7 tuổi, anh lại được bà nội đưa ra Hà Nội ở với cha để đi học. Song những âm thanh từ nơi làng quê thời thơ ấu vẫn luôn vang trong tâm trí anh, đeo đuổi trong anh cho đến bây giờ. Anh tâm sự: “Từ những lúc thơ ấu tôi luôn bị đeo đuổi ở trong đầu một chuỗi nhạc, mà không phải là một giai điệu rõ ràng. Nó như một cụm nốt nhạc cứ đeo đuổi tôi cho đến bây giờ. Cho đến tận sau này, những bản nhạc đẹp nhất là những bản nhạc nằm ở trong đầu không tài nào viết ra được... Tiếng nhạc không phải nốt nhạc đâu. Với tôi tiếng nhạc là khác, nốt nhạc là khác. Nốt nhạc chính là cung trưởng, thứ. Tiếng nhạc đây là tiếng gió thổi, tiếng nước sông chảy, tiếng xào xạc ở đồng ruộng, tiếng chuông chùa. Tất cả quyện lại với nhau từ lúc tôi còn thơ ấu. Có lẽ vì vậy, cho đến bây giờ, con tim và khối óc tôi không bao giờ xa dân tộc, lúc nào cũng gắn liền với Tổ quốc, quê hương.” Dù xa quê đã lâu, song bao giờ Nguyễn Thiên Đạo cũng nhớ và tự hào về vẻ đẹp làng Cát Động quê anh, nơi có một nhân sỹ lớn là Hà Tự Quyên - người đã từng làm quan dưới triều Nguyễn. Bây giờ ở làng vẫn còn đền thờ Cụ.

Ra Hà Nội, anh sống cùng bố và mẹ kế ở phố Tràng Tiền. Trong khoảng thời gian rảnh rỗi, anh thường cùng bạn bè và các em ra chơi ở vườn hoa sát Nhà hát lớn thành phố Hà Nội - nơi mà không ai kể cả anh và những người thân có thể nghĩ rằng: nhiều năm sau đó (năm 1977) anh đã trực tiếp chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng biểu diễn tác phẩm của mình với tư cách một soạn nhạc nổi tiếng thế giới người Việt Nam. Những năm sống và học ở Hà Nội, anh đọc “trộm” (như cách nói vui của anh với chúng tôi) rất nhiều sách trên giá sách của cha anh và cũng từ đó anh đã rất say mê nhạc Việt Nam.

         Bà mẹ kế của Nguyễn Thiên Đạo là một người rất yêu thích âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc. Không gian sống gia đình anh luôn đầy ắp những âm hưởng của âm nhạc dân gian. Chính vì vậy, từ nhỏ anh đã được nghe rất nhiều các thể loại âm nhạc dân tộc khác nhau như: tuồng, chèo, cải lương, ca trù, ngâm thơ, chầu văn,v.v... Và/rồi tình yêu đối với âm nhạc dân tộc dường như ngày một thấm sâu hơn nữa trong anh. Cách đây không lâu, trong những lần gặp gỡ và trò chuyện cùng chúng tôi, anh vẫn thường ngâm ngợi một cách say sưa những áng thơ tràn đầy tâm hồn và khí phách dân tộc. Quả thật, các giá trị văn hóa bao giờ cũng mang trong nó những qui luật riêng về sự tồn tại của mình. Trong khi ở ngay trong nước, chúng ta đang tìm mọi cách để bảo tồn các giá trị vốn là bản sắc văn hóa truyền thống trước những nguy cơ xâm thực của thời kinh tế thị trường, thì từ Paris sôi động có một người Việt kiều dù đã gần nửa thế kỷ xa quê hương vẫn luôn nhớ tới một cách say mê những làn điệu dân gian của thời thơ ấu.

         Đã nhiều năm sống tại Paris, song bao giờ Nguyễn Thiên Đạo cũng tự nhận mình là người Việt Nam. Anh cũng coi nước Pháp, nơi anh đã học tập và sáng tạo âm nhạc là quê hương thứ hai của anh. ở Thủ đô Paris của nước Cộng hòa Pháp - một trong những trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn nhất thế giới, bên cạnh việc nghiên cứu những tác phẩm văn hoá của Pháp và thế giới, văn hóa Việt Nam truyền thống và văn hóa á Đông luôn chiếm vị trí vô cùng quan trọng và thường trực trong niềm say mê của anh. Và đó cũng chính là dòng chảy “văn hoá phi vật thể” mạnh nhất trong huyết quản của nguời nghệ sĩ này. Anh chẳng bao giờ quên được hình ảnh của một thời ấu thơ ở miền quê Việt Nam với những âm hưởng thân quen tự bao đời. Anh cũng không bao giờ quên được cảnh chia tay với người mẹ khi bà nội dắt anh từ quê ra Hà Nội ở với bố. Lúc đó anh mới 7-8 tuổi.

        Vào đầu những năm 50 bố anh gửi anh sang Pháp học. Đối với anh, được sang Pháp học là một sự giải phóng. Từ khi tới Paris vào đầu những năm 1950 cho tới nay, sự trầm tư mặc tưởng bất tận và cô đơn trước cảnh tượng thiên nhiên vẫn luôn là người bạn gần gũi và niềm an ủi đáng tin cậy nhất của anh. Nỗi niềm này tôi không chỉ gặp ở anh, nó cũng thường hiện hữu ở nhiều nghệ sĩ khác mà tôi được biết, được gặp trong những năm tháng sống xa quê hương. Bằng tình yêu nghệ thuật âm nhạc thiết tha, bằng ý chí mãnh liệt từ sâu thẳm đáy tâm hồn của một người nghệ sỹ, anh đành làm trái với ước vọng của người cha muốn anh trở thành một bác sỹ. Trở thành người nghệ sỹ có nghĩa là anh sẽ bị người cha khước từ khoản trợ cấp vốn là nguồn sống duy nhất của anh hàng tháng nơi đất khách quê người. Trở thành người nghệ sỹ cũng có nghĩa là anh sẽ phải chấp nhận mọi khó khăn để tìm cách tồn tại và hơn thế nữa, để đeo đuổi con đường mà mình đã lựa chọn: sáng tạo âm nhạc. Khi viết đến những dòng này tôi luôn thầm cảm ơn trời đất đã cho anh thành đạt như ngày nay bởi nghệ thuật là một trong những hình thái lao động sáng tạo đặc biệt. Để trở thành một nghệ sỹ tài năng thì nghị lực và ý chí của con người là cần thiết nhưng chưa phải là tất cả, mà phải có tài năng, tài năng thật sự với đầy đủ ý nghĩa của nó. Và may mắn sao ở con người Nguyễn Thiên Đạo đã hội tụ cả hai điều đó.

         Năm 1963 anh được theo học tại Nhạc viện Paris, được tiếp xúc một cách chính qui với những tri thức kinh điển vốn là tinh hoa nghệ thuật âm nhạc của thế giới lúc bấy giờ. Niềm say mê sáng tạo nghệ thuật gần như là bản năng của người nghệ sỹ, khát vọng nắm vững kỹ thuật sáng tác âm nhạc hiện đại trong anh và những bài giảng ở tầm cao của trí tuệ vốn là niềm tự hào của Nhạc viện Paris  đã gặp nhau ... Nhưng con đường sáng tạo nghệ thuật thật sự có ý nghĩa quyết định trong cuộc đời Nguyễn Thiên Đạo chỉ bắt đầu từ năm 1967 - khi mà anh gặp và trở thành một trong những học trò xuất sắc nhất của nhà soạn nhạc thiên tài người Pháp Olivier Messiaen (1908-1992). Trong lịch sử âm nhạc hiện đại thế giới nửa thứ hai của thế kỷ XX, Olivier Messiaen được nói đến như một trong các nhạc sĩ nổi tiếng nhất có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại thế giới. Các tác phẩm âm nhạc mang tính đa dạng cao về phương diện thể loại và tiềm ẩn trong đó sự sâu sắc về khả năng tìm tòi những phương tiện mới trong ngôn ngữ nghệ thuật của ông thường xuyên vang lên trong các phòng hoà nhạc lớn của châu Âu, châu Mỹ và châu á. Và không ít từ thế giới âm thanh đó đã trở thành những tác phẩm kinh điển, có tính chất giáo khoa trong kho tàng âm nhạc hiện đại thế giới thế kỷ XX.

         Ngoài ra, O. Mesiaen không chỉ nổi tiếng trên cương vị một nhà lý luận - phê bình âm nhạc với hàng loạt các bài báo và công trình nghiên cứu ở mọi góc cạnh khác nhau của kỹ thuật sáng tác âm nhạc. Ông cũng không chỉ nổi tiếng như một nhà biểu diễn điêu luyện các phóng tác trên đàn organ ở tầm cỡ thế giới. Mà còn nổi tiếng với tư cách là một nhà sư phạm âm nhạc tài ba đã đào tạo trong lớp học của mình hàng loạt các nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc hiện đại thế giới như: Ianhis Kxênakis (Hy lạp), Pier Bulez (Pháp), Karkhen Xtôckhauzen (Đức), Giêm Tramble, Pôn MefanoNguyễn Thiên Đạo (Việt Nam).

Sau này, khi nhớ lại lần đầu tiên đẩy cửa lớp giáo sư Ô. Mesiaen để xin học vào năm 1967, Nguyễn Thiên Đạo coi đây như  một định mệnh lịch sử (lại vẫn từ của anh dùng khi nói chuyện với chúng tôi). Ô. Mesiaen không chỉ là một thày dạy sáng tác âm nhạc, mà còn hơn thế, ông khâm phục và luôn giúp đỡ chàng trai Việt Nam Nguyễn Thiên Đạo trên con đường lao động sáng tạo nghệ thuật của mình. Ông giới thiệu Nguyễn Thiên Đạo với các bạn bè của ông. Nhờ ông, một Nhà xuất bản đã ký hợp đồng mua toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thiên Đạo, và điều đó cũng có nghĩa là người nghệ sỹ trẻ đã có thể yên tâm trên con đường tìm tòi sáng tạo nghệ thuật của mình. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, Nguyễn Thiên Đạo luôn bày tỏ lòng biết ơn người thày của mình. Anh nhớ lại: trước đó anh bị đau bụng kinh niên, đã đi khám rất nhiều bác sĩ mà không xác định được bệnh. Nhưng từ sau khi gặp được Mesiaen vĩ đại và được ông nhận làm học trò thì hết đau bụng luôn từ đó cho đến bây giờ! 

        Cho đến tận nhiều năm sau này Nguyễn Thiên Đạo vẫn thường nhớ lại khi Ô. Mesiaen giới thiệu anh với giám đốc Đại hội âm nhạc thế giới Rojan- một trong những Đại  hội âm nhạc quan trọng nhất của thế giới về âm nhạc hiện đại. Đây là một điều rất ít khi xảy ra với một nhạc sỹ mới ra trường như anh lúc bấy giờ. Song nhờ sự giới thiệu của Ô. Mesiaen, Đại hội này đồng ý đặt anh viết một tác phẩm khí nhạc để biểu diễn trong Đại hội này. Và thế là tác phẩm mang tiêu đề Tuyến lửa đã ra đời vào những năm 1968-1969. Tác phẩm ra mắt công chúng đầu tiên gợi nhớ tới Thành đồng Tổ quốc, nhớ tới Tuyến lửa miền Nam những năm tháng ác liệt của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

         Có một sự kiện mà sau này Nguyễn Thiên Đạo còn nhớ mãi: lúc biểu diễn lần đầu tác phẩm này ở Đại hội vào ngày 31/3/1969, khi anh đến lại thấy cờ vàng ba sọc của chính quyền nguỵ Sài Gòn treo ở đó. Các nhà tổ chức Đại hội không biết chi tiết này vì chưa có ĐSQ Việt Nam tại đó. Anh đã đề nghị phải hạ lá cờ vàng ba sọc thì mới đồng ý cho biểu diễn tác phẩm. Và họ đã hạ lá cờ đó xuống. Khi biểu diễn xong, tác phẩm được hoan nghênh rất lâu và được bis (đề nghị biểu diễn lại), được tivi Pháp quay và chiếu lại vào 24/7/1969 trên Đài 2 của Truyền hình Pháp. Từ đó, tên anh thường được nêu lên trong giới những nhà soạn nhạc hiện đại thế giới. Người ta nhận định rằng Đại hội thế giới âm nhạc đã phát hiện ra một tài năng lớn của sáng tác âm nhạc hiện đại là Nguyễn Thiên Đạo. Những thành công bước đầu đã khích lệ anh rất nhiều trên con đường lao động sáng tạo nghệ thuật sau này.

          Người học trò của nhà soạn nhạc hiện đại danh tiếng thế giới Ô. Mesian đã có lý khi biểu hiện tình cảm hướng tới Tổ quốc Việt Nam những năm tháng vô cùng ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Với sự giúp đỡ của kỹ thuật sáng tác âm nhạc tiền phong chủ nghĩa, Nguyễn Thiên Đạo đã thành công trong việc biểu hiện sự căng thẳng của sự kiện diễn ra ở Việt Nam những năm tháng chiến tranh. Tuyến lửa của Nguyễn Thiên Đạo - đó là tư liệu nghệ thuật về cuộc chiến vô cùng ác liệt của sức mạnh dân tộc trước kẻ thù xâm lược. Tác phẩm được viết vào năm 1968 cho 7 nhạc cụ: fluýt, bộ gõ, piano và tứ tấu đàn dây với độ dài 17 phút. Có thể nói, một Việt Nam trong bão lửa của cuộc đấu tranh khốc liệt chống kẻ thù xâm lược luôn hiện hữu trong anh và là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật của người con xa xứ Nguyễn Thiên Đạo.

           Tuyến lửa của Nguyễn Thiên Đạo là tác phẩm hòa tấu dàn nhạc kết hợp giữa những đặc điểm của “hoà nhạc lớn” (concerto grosso) và nguyên tắc xonát-tổ khúc (Sonate-Suite). Điều đầu tiên cần chú ý ở đây là sơ đồ bố trí vị trí của các nhạc cụ trong dàn nhạc ở ngay trang đầu của tổng phổ do chính tác giả qui định. Qua vị trí xếp đặt các nhạc cụ dây, các nhạc cụ gõ và các nhạc cụ độc tấu (pianofluýt) trên sân khấu chúng ta có thể thấy được rõ hơn ý đồ trong việc biểu hiện tư duy hình tượng nghệ thuật. Mối liên hệ với thể loại xonát-tổ khúc được xác định bởi cấu trúc chung gồm 5 phần (mà thực tế là 6 bởi phần IV được cấu tạo gồm 2 phần nhỏ) của tác phẩm.

          Điều cần chú ý trong tác phẩm này là sự tương phản về phương diện nhịp độ được phân biệt bởi quan hệ nội sinh giữa từng hai cặp một của các phần (I - II, III - IV-1, IV-2 - V). Mỗi phần của Tuyến lửa đều có tiêu đề riêng: I. Fusees (Tên lửa); II. Anti-lumiere (Đối sáng); III. Alpha stol; IV-1. Printemp en automm I (Mùa xuân trong mùa thu I); IV-2. Printemp en automm II (Mùa xuân trong mùa thu II); V. Phù đổng thiên vương.

          Các tên gọi này không chỉ chứa đựng trong nó nghĩa bóng, mà cả biểu tượng của hình ảnh bi hùng của tư duy hình tượng được cô đúc trong tên gọi toàn tác phẩm: “Tuyến lửa”. Đó là một từ những hình ảnh sống động về cuộc đấu tranh quyết liệt vì độc lập, tự do của Tổ quốc kéo dài trong nhiều chục năm. Nổi bật ở trong toàn tác phẩm là sự tương phản về phương diện tiết tấu và phắc-tuya âm nhạc của từng phần riêng biệt. Ngay sau phần I có tiêu đề Fusees ở nhịp độ Modéré[1] với phắc tuya âm nhạc của những âm thanh có trường độ ngắn (móc tam, móc tứ), là phần II anti-lumiere có nhịp độ Lent et douloureux  với phắc tuya âm nhạc gợi nhớ tới những âm điệu đặc trưng của vũ điệu Xarabanda. Trong sự thống nhất của phương pháp biểu hiện này là những tiêu đề cùng sự tiến hành kỹ thuật sáng tác âm nhạc hiện đại thông qua những ẩn dụ hết sức phức tạp vốn không thường hiện hữu trong đời sống thường ngày.

          Chẳng hạn, Phần I - Fusees được bắt đầu bằng chồng âm (hoặc cũng có thể coi là 1 hợp âm có cấu tạo đặc biệt) có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển âm nhạc của toàn phần qua âm thanh của 4 đàn dây (Vn1, Vn2, Vl và Vc). Cần chú ý ở đây là sự vang lên của những quãng cao độ 6 cung rưỡi (dưới cách ghi của tác giả là quãng tám tăng hoặc quãng 9 thứ) ở ô nhịp thứ 4 trên bè Vn1 có thể coi là sự tiếp tục của quãng 23 thứ (d1 - es4) cũng ở bè Vn1 ở ô nhịp đầu tiên.

          Một điều cần lưu ý ở các nhà soạn nhạc hiện đại trên thế giới là sự cố gắng tìm tòi dường như để đi đến “tận cùng của sự sáng tạo”, sáng tạo phải thật sự là sáng tạo theo đúng bản chất của nó. Âm nhạc hiện đại (còn gọi là âm nhạc đương đại hay như hiện nay nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc trên thế giới có khuynh hướng gọi là âm nhạc mới) không phải từ trên trời rơi xuống. Nó được tạo bởi chính những con người đã tiếp thu cả một nền học vấn của bao thế hệ đi trước. Vì vậy, âm nhạc mới chính là sự tìm tòi và phát triển theo những đường hướng khác nhau, ở những góc độ khác nhau, dưới những quan điểm khác nhau của tài năng sáng tạo nghệ thuật. Và đây cũng là điều hiện hữu trong sáng tác của người nhạc sỹ có vóc người nhỏ nhắn cùng phong cách sống giản dị, song lại vĩ đại bởi tư duy sáng tạo nghệ thuật Nguyễn Thiên Đạo.

           Còn trong phần III, hình tượng chủ đạo đó là màu sắc tạo bởi tiếng fluýt và cồng. Âm nhạc như đưa người nghe đến một thế giới xa xăm nào đó - nơi con người chỉ có thể đến được trong tưởng tượng, trong sự “xuất thần” của tư duy. Thật ra những ngôn ngữ âm nhạc tương tự như phần này chúng ta cũng đã từng gặp trong sáng tạo âm nhạc hiện đại thế giới khi biểu hiện những nỗi buồn, niềm suy tư. Nhất là trong sáng tác của các nhạc sỹ hiện đại Pháp như: A. Ônegher, F. Pulenk, Ô. Messian. Và điều ấy cũng tự nhiên thôi, vì chính Nguyễn Thiên Đạo được sống và đào tạo tại Paris, được hít thở và tắm mình trong thế giới của văn hóa và âm nhạc hiện đại Pháp. Toàn bộ những hình tượng âm nhạc được tạo bởi tiếng kèn Fluýt đã tạo dựng một hình ảnh lớn của thế giới tâm hồn, vượt lên trên khổ đau bằng lòng nhiệt thành. Và trong chính bản chất, nội dung của phần III là bước tiến hành một cách tự nhiên tới hình tượng của “sự bừng sáng trong nỗi buồn” (IV-1 và IV-2) và của “Thần thánh” (ở phần V).

           Rõ ràng ở đây là mối quan hệ giữa âm điệu và quãng trong các phần của tác phẩm. Cụ thể hơn là quan hệ quãng 4 - quãng 5 trong sự thống nhất với các kết hợp “không hoà âm” được tạo bởi các quãng tám tăng, quãng tám giảm .v.v... Thí dụ: ngay phần đầu của phần I (hợp âm gồm các âm e-h-fis-g-gis-d) có sự tiếp tục của hợp âm ở phần II (đầu tiên là fis-d-gis-g, và sau đó trong phần nhắc lại là d-gis-c-d-cis-fis). Trong sự phù hợp như vậy, bước đi của fluýt ở đầu phần III được tạo bởi “móc xích” quãng bốn: f-h-e-a.

          Trong hai phần IV-1 và IV-2, chúng ta gặp sự thống nhất trong kỹ thuật sáng tác âm nhạc hiện đại klaster (thể hiện tất cả các âm liền nhau trên phím đàn piano). Bên cạnh đó, chúng ta thấy việc sử dụng kỹ thuật serie tự do trong phần I (đặc biệt là phần III) và kỹ thuật solorixtic cũng như phần nào kỹ thuật aleatoric ở các phần II và V.

           Đi sâu vào nghiên cứu tác phẩm này chúng ta còn gặp nhiều điều lý thú trong việc biểu hiện tư duy sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng trong một dịp khác chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu ngôn ngữ âm nhạc của Nguyễn Thiên Đạo. Song, có thể khẳng định, Tuyến lửa là một trong những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Thiên Đạo có ý nghĩa khẳng định tài năng của nhà soạn nhạc gốc Việt bởi sự phong phú không chỉ về phương diện ngôn ngữ âm nhạc, không chỉ về sự tiếp thu và thể hiện một cách sáng tạo nhiều kỹ thuật sáng tác âm nhạc hiện đại, mà hơn thế, bởi sự thể hiện có hiệu quả chiều sâu tâm tư, tình cảm của một người con trước cuộc chiến ác liệt vì sự sống còn của Tổ quốc.

          Trong những ngày sống và học tập ở nước ngoài, theo tôi, người nhạc sĩ sáng tác khí nhạc Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất trong giới sáng tác âm nhạc hiện đại là Đao (Nguyễn Thiên) - như cách gọi của bạn, như các ghi của Từ điển Petit Larousse của nước Pháp. Người ta đã nói nhiều về âm nhạc của anh, về những ý tưởng về vũ trụ, về việc sử dụng thi ca Việt Nam và Trung Hoa vốn vẫn luôn ám ảnh anh, về sự hoà quyện giữa hai nền văn hoá Đông và Tây trong tâm hồn người nghệ sĩ .v.v...

          Là một nhạc sĩ sống đã lâu ở nước ngoài, lần nào về nước anh cũng hồ hởi lao ngay vào việc tìm hiểu lĩnh vực sáng tác khí nhạc hiện đại Việt Nam. Anh đến Nhạc viện Hà Nội, Hội nhạc sĩ Việt Nam, đi dự các buổi hoà nhạc và tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng của Việt Nam. Anh chăm chú lắng nghe, trao đổi chân tình, để rồi cảm nhận và trầm tư trong những suy tưởng về khí nhạc hiện đại Việt Nam trong sự so sánh với các nền khí nhạc hiện đại khác trên thế giới. Có lần khi gặp tôi, với bản tính thận trọng vốn có, Nguyễn Thiên Đạo cũng hỏi ý kiến về sáng tác khí nhạc hiện đại Việt nam thời gian qua và hiện nay. Tôi đã trả lời anh: khí nhạc Việt nam tuy còn quá non trẻ trong sự so sánh với các nền khí nhạc hiện đại trên thế giới nói chung, và ở châu Âu nói riêng, nhưng đã thể hiện rất rõ một quan điểm đúng đắn về sự tồn tại và phát triển của mình: lấy di sản âm nhạc cổ truyền, lấy di sản văn hoá cổ truyền dân tộc làm cơ sở. Đặc tính giữ vai trò quyết định trong sáng tác âm nhạc là tính dân tộc, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Nền văn hóa của một dân tộc trên thế giới chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó thể hiện được những nét độc đáo riêng, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc đó. Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật âm nhạc hiện đại thế giới đã, đang và sẽ có rất nhiều con đường cho mỗi người nghệ sĩ, cho mỗi trường phái, cho mỗi khuynh hướng, cho mỗi trào lưu sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ tài năng là người tìm được con đường riêng của mình, tìm được mảnh đất sáng tạo riêng của mình. Nghệ thuật là sự tìm tòi không mệt mỏi những tư duy mới, những phương thức biểu hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật. Lịch sử âm nhạc thế giới đã chứng minh rất rõ điều đó. Đặc điểm nổi bật của Trường phái âm nhạc cổ điển Viên với 3 đại diện xuất sắc J. Haydơn, V.A. Môza và L.V. Betôven là: ở mỗi nhà soạn nhạc trên đều có những cá tính riêng trong việc lựa chọn thể loại và ngôn ngữ âm nhạc của mình. Chẳng hạn, ở âm nhạc của J. Hayđơn là những chất liệu từ các thể loại âm nhạc sinh hoạt trong màu sắc vui tươi, trong sáng; ở V.A. Mozart là chất trữ tình - kịch tính; còn ở L.V. Betôven là nhiệt tình tranh đấu, là sự vươn lên đấu tranh với số phận bạo tàn và cuối cùng là ... chiến thắng. Ba nhà soạn nhạc thiên tài này sáng tác trong hầu hết các thể loại âm nhạc khác nhau. Nhưng ở mỗi người lại có những thể loại riêng - mảnh đất mà ở đó bằng tài năng sáng tạo tuyệt vời của mình, họ đã có những đóng góp làm phong phú kho tàng lịch sử âm nhạc thế giới nói riêng, và cho lịch sử phát triển văn hóa xã hội loài người nói chung. Tuy nhiên, sáng tạo của 3 nhà soạn nhạc vĩ đại này lại được thống nhất trong cùng một số đặc tính sau: tính hiện thực, tính lạc quan, sự khẳng định ý nghĩa cuộc sống, khuynh hướng nhân đạo, tính nhân bản và dân chủ. Chính sự thống nhất này tạo cho các sáng tác của họ có cùng một khuynh hướng nghệ thuật và tạo lập nên Trường phái âm nhạc cổ điển Viên.

           Nguyễn Thiên Đạo cũng bày tỏ những quan điểm riêng của mình về phạm trù sáng tạo nghệ thuật nói chung, sáng tác âm nhạc nói riêng và về phương tiện biểu đạt của ngôn ngữ âm nhạc hiện đại thế giới. Và chúng tôi cũng thống nhất: để khí nhạc Việt Nam có thể phát triển mạnh trong thời gian tới, bên cạnh việc kiên trì đi theo con đường giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nền khí nhạc hiện đại Việt nam cũng cần phải tiếp cận và tiếp thu một cách chọn lọc tri thức sáng tạo nghệ thuật vốn là tài sản chung thế giới, là tinh hoa nghệ thuật của toàn xã hội loài người. Trong thời đại hiện nay, sự giao lưu văn hóa với các nước, các khu vực khác trên thế giới không chỉ là điều cần thiết mà còn là một vấn đề mang ý nghĩa thời đại. Nó có thể góp phần làm giàu thêm, làm đa dạng thêm vốn văn hóa của một dân tộc.

           Nghe và hiểu sáng tác âm nhạc của các nhạc sỹ hiện đại vốn không phải là vấn đề đơn giản. Đối với nghệ thuật sáng tạo âm nhạc hiện đại thế giới, phạm trù ngôn ngữ biểu hiện âm nhạc cũng mang trong nó những tầm tư duy mới: không chỉ tất cả mọi âm thanh đều có thể sử dụng trong quá trình sáng tạo, mà có thể còn hơn thế, vấn đề quyết định là tài năng sáng tạo của nhà soạn nhạc. Trong các festival âm nhạc hiện đại thế giới giai đoạn gần đây (mà không nhiều trong số đó người ta thay thuật ngữ âm nhạc hiện đại bằng thuật ngữ âm nhạc mới để chỉ âm nhạc của chính ngày hôm nay trong sự phân biệt với âm nhạc hiện đại là âm nhạc đã có ở đầu thế kỷ XX cho đến những năm 1950), nghệ thuật sáng tạo âm nhạc thật sự là một sự tìm tòi không mệt mỏi không chỉ những khả năng biểu hiện mới của ngôn ngữ âm nhạc, mà hơn thế nữa, là sự tìm tòi những phương thức thể hiện mới những tư duy âm nhạc mang trong nó những dấu ấn riêng của thời đại và cá tính sáng tạo nghệ thuật. Chính vì vậy, số khán-thính giả của mỗi loại hình âm nhạc hiện đại thường không nhiều. Thật khó, nếu như không muốn nói là không thể hiểu được một tác phẩm âm nhạc hiện đại nếu chỉ tự nghiên cứu tổng phổ. Sáng tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Thiên Đạo cũng vậy. Sau một số rất ít các tác phẩm đầu tiên do người khác chỉ huy, các tác phẩm sau này đều phải do chính anh trực tiếp chỉ huy dàn nhạc. Chỉ có như vậy, mọi ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của nhà soạn nhạc mới có thể được thể hiện chính xác nhất, rõ ràng nhất. Trong các cuộc nói chuyện, Nguyễn Thiên Đạo đã xác nhận khi tôi nói với anh: “Nghe và hiểu âm nhạc của anh là một điều không đơn giản. Theo các thông tin mà tôi được biết, ngay tại Paris số khán giả các buổi hòa nhạc của anh cũng không phải là nhiều. Chừng 200 cho đến 300 người gì đó. Và những khán giả này lại thường theo anh đến các buổi hòa nhạc của anh tổ chức ở các thành phố khác”. Nghệ thuật sáng tạo âm nhạc hiện đại là như vậy, vinh quang thay những nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật đã mang lại cho dù không phải số đông đồng loại của mình sự đồng cảm, sự cảm nhận những giá trị thật sự của nghệ thuật. Vfa tôi cũng nhớ lại, trong những nỗi niềm riêng của mình, Nguyễn Thiên Đạo cũng đã từng tâm sự với tôi: “Nếu âm nhạc của tôi chỉ là ngọn gió nhẹ trong hang trống không thì đó là niềm ước nguyện của thiên chức . . .“.

Nghe âm nhạc của Nguyễn Thiên Đạo, người nghe phải đắm chìm thật sự trong thế giới âm thanh với một trạng thái nhất định của tâm hồn, trạng thái mà không phải lúc nào con người cũng đạt được, nó gần với sự xuất thần trong lao động sáng tạo nghệ thuật vậy. Chỉ khi đó con người ta mới rung động, mới cảm nhận được những gì nhà soạn nhạc suy tư và gửi gắm trong tác phẩm của mình. Thoạt nghe, phương pháp tiếp cận với âm nhạc của anh có vẻ trừu tượng. Song quả thật, trong cuộc sống bao giờ cũng tồn tại nhiều hướng, nhiều phương pháp để tiếp cận một vấn đề. Và phương pháp tiếp cận mà tôi giới thiệu với các bạn ở trên cũng chỉ là một phương pháp không phải là mới lạ nếu chúng ta tìm hiểu sâu trong chính nền văn hóa dân gian của nhiều dân tộc trên hành tinh trái đất. Tất nhiên, trong đó có cả dân tộc Việt Nam chúng ta.

           Với vóc dáng nhỏ nhắn, Nguyễn Thiên Đạo là một nhà soạn nhạc có sức viết khoẻ và đều đặn. Sáng tạo nghệ thuật như một đòi hỏi luôn hiện hữu mạnh mẽ và mãnh liệt trong con người anh. Các sáng tác của anh bao giờ cũng ở những mảng đề tài gần gũi với đất nước và con người Việt Nam. Hầu hết tác phẩm của anh được sáng tác với tiêu đề bằng tiếng Việt. Nhưng có lẽ giới phê bình âm nhạc Việt Nam sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn về ngôn ngữ âm nhạc, về phương tiện biểu đạt hình tượng nghệ thuật trong các sáng tác phẩm của anh bởi sự khác thường của nó. Trong tiến trình của lịch sử âm nhạc thế giới, đến những năm tháng này, hiện tượng khác thường trên không phải là duy nhất. Người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật không chỉ thể hiện tình cảm của mình, mà thông qua tác phẩm là sự thể hiện những tư duy sáng tạo mang tính trí tuệ cao. Nghệ thuật luôn là sáng tạo, là không ngừng tìm tòi những phương tiện mới của ngôn ngữ biểu hiện. Âm nhạc cũng không nằm ngoài phạm trù đó. Mỗi người nghệ sỹ có những lãnh địa riêng mà ở đó họ thể hiện cao nhất tài năng sáng tạo độc đáo có ý nghĩa đóng góp một cái mới cho kho tàng nghệ thuật âm nhạc thế giới. Hy vọng trong các bài viết khác chúng tôi sẽ trao đổi cùng bạn đọc sâu hơn về vấn đề đầy sự phức tạp và không ít vấn đề còn phải tranh luận này. Còn bây giờ chúng ta hãy cùng xem qua danh mục sáng tác phẩm của anh - những tác phẩm đã mang lại cho anh niềm vinh quang trong lao động sáng tạo nghệ thuật âm nhạc thời gian vừa qua: Năm 1968: Thành đồng Tổ quốc (dựa trên thơ Tố Hữu) cho giọng hát và dàn nhạc, Tuyến lửa (Hoà tấu cho 7 nhạc cụ). Năm 1969: Bất khuất (Hoà tấu cho 5 nhạc cụ gõ), Tây nguyên (cho Fluyt và piano), Thế 19 (cho 4 giọng nữ và dàn nhạc). Năm 1970: Nhớ (cho giọng nữ cao, violoncell và 5 contrebass). Năm 1971: Khóc Tố Như (cho 12 giọng ca), Koskom cho dàn nhạc với thành phần chủ yếu là các nhạc cụ hơi. Năm 1972: Máy cho nhạc cụ gõ solo. Năm 1973: Bà mẹ Việt Nam cho Contrebasse và dàn nhạc, Gió Đông cho các giọng hát, Phù Đổng. Năm 1974: Máu và hoa cho dàn nhạc giao hưởng lớn. Năm 1975: Hai tác phẩm có tiêu đề Bao giờNam ai. Năm 1976: Mưa cho Clavecin. Năm 1977: Các tác phẩm có tiêu đề Mai sau, Nơi xa, Phù Đổng II. Năm 1978: Mỵ-châu Trọng-thuỷ. Năm 1979: Hoàng hôn. Những năm 80 là: Concerto Ten Do Gu, Chuông gầm sóng, Thần mộng, Tuôn hận, Vang vọng, Concerto cho piano và dàn nhạc, Tây sơn, Tìm lửa, Concerto Thiên Thai .v.v...Năm 1995: Hoà tấu 95. Năm 1996: Giao hòa sinfonia. Năm 1997: Khai nhạc.

          Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ rằng từ năm 1983 tên của anh đã được ghi vào cuốn từ điển Petit Larousse danh tiếng của nước Pháp. Và nhiều cuốn sách đã đề cập, đã phân tích các sáng tác phẩm của anh.

Song, có lẽ các bạn sẽ ngạc nhiên khi được biết rằng, cho đến hôm nay, có nhiều người, trong số đó có cả những nhạc sĩ chuyên nghiệp hiện đại vẫn không hiểu và không yêu thích âm nhạc Nguyễn Thiên Đạo. Nhưng bản thân điều đó cũng không có gì là mới lạ cả. Mỗi người nghệ sĩ có một con đường riêng, một phương tiện, một ngôn ngữ riêng để phản ánh thế giới quan của mình. Lịch sử phát triển của xã hội loài người luôn song hành cùng bao tư tưởng, trào lưu, trường phái, khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật. Thật huyền diệu làm sao thế giới tâm cảm của con người, chính nó đã góp phần làm phong phú thêm, làm đa dạng thêm cuộc sống vốn không đơn giản, cũng như làm giàu thêm kho tàng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Và, tôi cũng muốn được kết thúc bài viết này trong những tâm tưởng như vậy về sáng tạo nghệ thuật.



[1] Như cách ghi ca Nguyn Thiên Đạo trên tng ph