Nội san

Sử dụng bài hát trong hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ mẫu giáo lớn

23 Tháng Mười Một 2015

                                                                                   Nguyễn Thị Hải Yến

 

Giáo dục âm nhạc ở trường mầm non là sân chơi bổ ích, lý thú có sức lôi cuốn, hấp dẫn trẻ. Hoạt động giáo dục âm nhạc ở trường mầm non không những mang đến cho trẻ những ấn tượng, xúc cảm mà còn giúp trẻ mở rộng những hiểu biết, kiến thức về âm nhạc, về cuộc sống và tạo cho trẻ sự tự tin, chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Vậy làm thế nào để dạy học âm nhạc tạo được những tác động tích cực, mang lại lợi ích sâu sắc và lâu dài đối với trẻ. Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu và biết sử dụng đúng bài hát trong hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ mẫu giáo lớn.

 Yêu cầu khi sử dụng bài hát

Các bài hát trong chương trình giảng dạy cho trẻ mẫu giáo lớn rất phong phú về tính chất và thể loại bao gồm: Các bài hát hành khúc, bài hát trữ tình, bài hát vui hoạt. Mỗi thể loại đều có tính chất riêng, có những bài hát mang tính chất êm dịu, nhẹ nhàng, với giai điệu mênh mang, dàn trải. Có những bài hát sôi nổi, hóm hỉnh, hài hước... Vì vậy khi sử dụng những bài hát trong chương trình giáo dục âm nhạc ở trường mầm non đòi hỏi giáo viên phải phân biệt được các thể loại bài hát này, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung của từng bài hát. Có như vậy giáo viên mới thể hiện đúng tính chất, nội dung, tư tưởng, tình cảm của từng tác phẩm.

Đối với bài hát hành khúc đòi hỏi âm thanh vang, sáng, khỏe khoắn. Các âm đầu đặc biệt được nhấn mạnh hơn. Cách nhả chữ cần dứt khoát, rõ ràng.

Đối với bài hát trữ tình đòi hỏi âm thanh phải mượt mà, ngân vang, tròn, sáng, thanh thoát. Từ âm này sang âm kia phải liên kết với nhau không bị ngắt quãng, phát âm rõ lời.

Với các bài hát có phong cách vui nhộn, linh hoạt, có tính chất nhảy múa cần phải thể hiện bằng âm thanh sáng, gọn. Để đảm bảo hát đúng nhịp độ thì phải hát nhẹ nhàng, nhấn đều vào các phách mạnh ở đầu nhịp. Các âm ở những phách yếu cần phải hát nhẹ hơn.

Như vậy, để có thể đạt kết quả cao trong việc sử dụng các bài hát trong chương trình giáo dục mầm non đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ tác phẩm về tính chất, nhịp điệu, sắc thái của bài, tìm hiểu về đường nét giai điệu, nội dung lời ca, hoàn cảnh ra đời tác phẩm. Với những bài dân ca ngoài những yếu tố đã nếu trên, giáo viên cần tìm hiểu thêm về văn hóa từng vùng miền, từng dân tộc, hoàn cảnh địa lý và điều kiện về cuộc sống lao động của nơi sinh ra những làn điệu dân ca. Sự hiểu biết này rất quan trọng, nó tạo nên sự rung động tinh tế, sâu sắc trong tâm hồn người biểu diễn, từ đó trẻ sẽ cảm nhận được sự rung động này. Điều này quyết định sự thành công trong việc truyền tải nội dung của bài hát đến với trẻ.

Sử dụng bài hát trong hoạt động dạy hát cho trẻ mẫu giáo lớn

Đối với mỗi bài hát đều có tính chất riêng và truyền tải một nội dung nhất định. Khi dạy trẻ hát, đặc biệt là những bài hát mới, việc giáo viên truyền tải đúng nội dung, tính chất của bài hát cho trẻ là rất quan trọng. Giáo viên cần phải tạo cho trẻ những ấn tượng sâu sắc về bài hát mà trẻ sắp được học. Muốn làm được tốt việc này, giáo viên cần phải chuẩn bị thật kỹ trước khi vào giờ học từ việc nghiên cứu giai điệu, nội dung lời ca của bài hát, việc tập thể hiện bài hát cũng như việc sử dụng đàn...

Việc dạy bài hát cho trẻ được tiến hành theo 3 bước:

Bước 1: Trò chuyện, gây hứng thú với trẻ

Muốn một giờ học thành công thì việc tạo cho trẻ hứng thú, tò mò, muốn tìm hiểu khám phá là rất cần thiết. Giáo viên nên chọn cách trò chuyện sao cho trẻ thấy hào hứng, tò mò, gây sự ngạc nhiên. Mỗi một bài hát chứa đựng một nội dung riêng. Do đó giáo viên nên chọn lựa cách trò chuyện cho phù hợp với nội dung của từng bài hát.

Ví dụ với nội dung dạy hát bài Mây và gió, giáo viên có thể chọn cách trò chuyện gây hứng thư như sau:

Cho trẻ xem hình ảnh về những đám mây trôi bồng bềnh, những cánh diều chao lượn trong gió… sau đó giáo viên hỏi trẻ: Các con thấy gì?

Tiếp theo, cô trò chuyện với trẻ về các hiện tượng tự nhiên và cho trẻ xem thêm một số hình ảnh về mưa, cỏ hoa đọng trên sương, ông mặt trời…

Các con biết không, xung quanh chúng ta có biết bao điều kì diệu. Thế giới tự nhiên với bao điều huyền bí, như phép màu của trời đất tạo nên những hiện tượng nắng, mưa, mây, gió, trăng, sao… Tất cả đã phác họa nên bức tranh thiên nhiên sống động, chan hòa...

Tiếp theo, giáo viên cho trẻ nghe, phân biệt âm thanh của tiếng nước chảy, tiếng mưa, gió…

Sau khi cho trẻ nghe những âm thanh này xong, giáo viên dẫn dắt: Có một bài hát nói về cuộc dạo chơi, ngao du của hai người bạn mây gió. Chúng ta sẽ được khám phá cuộc vui chơi thú vị này qua bài hát Mây và gió do chú Minh Quân sáng tác.

Bước 2: Dạy trẻ hát

Trong bước này, giáo viên cần hát mẫu cho trẻ nghe. Việc trẻ được nghe trực tiếp giọng hát của cô sẽ đem lại ấn tượng sâu sắc về âm nhạc. Chính vì vậy cô cần thể hiện bài hát chính xác, diễn cảm, đúng tính chất, nhịp điệu của bài. Khi hát cần kết hợp với các động tác, cử chỉ, nét mặt cho phù hợp với nội dung và tính chất bài hát. Ngoài ra giáo viên có thể kết hợp đệm đàn hoặc gõ dụng cụ âm nhạc đệm theo bài hát. Điều này sẽ giúp trẻ hình dung hình tượng âm nhạc một cách đầy đủ, hấp dẫn.

Với mỗi bài hát có một cách dạy riêng, tùy vào mức độ khó hay dễ, dài hay ngắn, phức tạp của bài hát để giáo viên chọn cách dạy phù hợp với đối tượng trẻ. Với bài hát ngắn, dễ, giáo viên có thể hát to, chậm để trẻ hát cùng cô từ đầu đến cuối bài. Với bài hát dài, khó hát, giáo viên có thể chia thành từng câu hay từng đoạn ngắn (câu hay đoạn cẩn phải trọn vẹn về nội dung cũng như cấu trúc âm nhạc), sau đó dạy trẻ hát nối tiếp từng câu hoặc từng đoạn với nhau. Không nhất thiết phải dạy thuộc câu này rồi mới chuyển câu tiếp theo. Việc dạy như vậy sẽ giúp trẻ dễ hát và cảm nhận trọn vẹn tác phẩm dễ dàng hơn.

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc của trẻ mầm non (Nguồn: st)

 

Trong quá trình học hát nếu trẻ hát sai giai điệu hay lời ca, cô có thể hát mẫu hoặc đọc lời trọn vẹn câu hát đó, hướng cho trẻ nghe lại giai điệu trên đàn hoặc cô hát chính xác câu hát đó, bắt giọng cho trẻ hát lại cùng cô.

Bước 3: Luyện tập, củng cố

Việc luyện tập, củng cố cần được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi trẻ có thể tự hát được, giáo viên có thể tổ chức luyện tập dưới hình thức tổ, nhóm, cá nhân xen kẽ nhau. Trong quá trình luyện tập giáo viên nên cho trẻ kết hợp với các động tác như vỗ tay, nhún nhảy, lắc lư, đung đưa theo bài hát, điều này sẽ giúp trẻ hứng thú học hát.

Trong quá trình luyện tập, ngoài việc giúp trẻ hát thuộc, đúng bài hát, giáo viên cần giúp trẻ thể hiện sắc thái, tình cảm bài hát, phát âm chính xác, hát đồng đều, nhịp nhàng, hát ngân giọng, ngắt giọng tùy theo từng bài cụ thể.

Giáo viên không nhất thiết yêu cầu trẻ phải thuộc bài hát ngay sau lần học hát đầu tiên. Trẻ có thể ghi nhớ bài hát nếu được củng cố ở mọi lúc mọi nơi.

Sử dụng bài trong hoạt động dạy nghe nhạc, nghe hát cho trẻ mẫu giáo lớn

Hoạt động nghe nhạc trong chương trình giáo dục âm nhạc nói chung và cho trẻ mẫu giáo lớn nói riêng được thực hiện ở nội dung kết hợp. Hoạt động nghe nhạc, nghe hát có các hình thức sau:

 Nghe tực tiếp từ giọng hát của cô, đây là phương tiện hiệu quả nhất đem lại ấn tượng về âm nhạc sâu sắc hơn cả. Trẻ không những chỉ nghe mà còn được xem cô thể hiện một cách sinh động. Do đó, giáo viên phải nghiên cứu, tìm hiểu và luyện tập thật kỹ để khi biểu diễn phải hát chính xác, diễn cảm, tự nhiên và thể hiện đúng tính chất và thể loại của tác phẩm.

 Nghe bằng phương tiện: Giáo viên có thể cho trẻ nghe bài hát qua đài, video, máy vi tính... Khi cho trẻ nghe qua phương tiện, trẻ có thể xem tranh, xem vi deo, xem cô múa minh họa nội dung minh họa cho bài hát... Việc này sẽ giúp trẻ tích lũy được các ấn tượng âm nhạc một cách phong phú, phát huy trí tưởng tượng, tạo điều kiện giúp trẻ ghi nhớ bài hát.

Trong quá trình cô hát cho trẻ nghe giáo viên có thể dùng hình ảnh, lời nói ngắn gọn, rõ ràng để giới thiệu về nội dung cũng như tính chất của bài hát. Qua những lời nói của giáo viên sẽ giúp trẻ gợi mở cảm xúc, hình tượng được thể hiện trong âm nhạc. Ngữ điệu của lời nói phải tùy thuộc vào tính chất tác phẩm âm nhạc như: Với bài hát ru, giọng nói phải ngọt ngào êm dịu; với bài hát vui hoạt, vũ khúc, giọng nói phải vui, linh hoạt; với bài hành khúc, giọng nói phải cất cao, mạnh mẽ, hùng tráng.

Như vậy muốn hoạt động nghe nhạc đạt được hiệu quả thì việc lựa chọn, sử dụng bài hát và nghiên cứu tìm hiểu kỹ bài hát là rất quan trọng, đặc biệt là những bài hát mới. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng của giáo viên về cách hát đối với từng bài hát của từng thể loại, cách dùng lời và ngữ điệu phù hợp với nội dung và tính chất bài hát sẽ giúp trẻ tò mò, hào hứng và tập trung trong việc cảm nhận tác phẩm âm nhạc.

Sử dụng bài hát trong hoạt động dạy vận động theo nhạc cho trẻ mẫu giáo lớn

Do đặc điểm hồn nhiên, ham hoạt động nên mối liên hệ giữa âm nhạc và vận động đối với trẻ mẫu giáo nói chung và mẫu giáo lớn nói riêng được hình thành dễ dàng. Vận động theo nhạc là hoạt động phối hợp giữa âm nhạc và các động tác nhảy múa hoặc sử dụng đồ chơi âm nhạc gõ đệm theo nhạc. Quá trình diễn biến các hoạt động âm nhạc luôn luôn được kết hợp cùng với vận động theo nhạc và không thể thiếu để tạo nên những giờ học phong phú, sinh động. Hơn nữa, vận động theo nhạc còn hỗ trợ củng cố cảm giác về nhịp điệu, tiết tấu âm nhạc mà trẻ đã được tiếp thu ở nội dung nghe nhạc và ca hát.

Tùy vào tính chất, nhịp điệu từng bài hát mà giáo viên có thể lựa chọn những hình thức vận động cho phù hợp. Dựa vào tiết tấu trong bài hát, giáo viên có thể cho trẻ vận động bằng hình thức gõ đệm theo tiết tấu nhanh, tiết tấu chậm, tiết tấu phối hợp sao cho phù hợp với tiết tấu từng bài hát. Ví dụ, với bài hát Mây và gió giáo viên có thể cho trẻ vận động theo hình thức gõ đệm theo tiết tấu nhanh hoặc tiết tấu phối hợp.

Đối với dạng vận động theo nhạc bằng các động tác múa, giáo viên cần phải dựa vào tính chất, nhịp điệu, lời ca bài hát. Giáo viên nên chọn những hình ảnh đẹp có trong lời ca để xây dựng động tác, sao cho động tác phải chính xác, đẹp, làm tăng khả năng truyền cảm của bài và gây ấn tượng cho trẻ. Các động tác xây dựng phải phù hợp với hình tượng âm nhạc trong bài hát, mang tính nghệ thuật và phải đảm bảo vừa sức với trẻ.

Như vậy, giáo viên cần nghiên cứu kỹ bài hát để lựa chọn hình thức vận động phù hợp và xây dựng các động tác múa đúng với nội dung lời ca và hình tượng âm nhạc của bài hát và phù hợp với trẻ, nếu giáo viên làm được điều này thì hoạt động vận động theo nhạc sẽ đạt được kết quả cao.

Với những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng bài hát trong hoạt động giáo dục

âm nhạc đã đưa ra ở trên, chúng tôi mong muốn sẽ giúp trẻ tham gia vào các hoạt động âm nhạc một cách thoải mái, năng động, sáng tạo, tự tin, tinh tế và nhuần nhuyễn hơn trong giao tiếp, trong cuộc sống, trong môi trường học tập và lao động sau này.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Lê Thị Đức, Lý Thu Hiền, Phạm Thị Hòa (2011), Các hoạt động âm nhạc của trẻ mầm non, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2.    Phạm Thị Hòa (2008), Giáo dục Âm nhạc tập II, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

3.      Lê Thu Hương (2014), Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ ca, câu đố theo chủ đề cho trẻ (5-6 tuổi), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4.     Ngô Thị Nam (2008), Phương pháp dạy học âm nhạc cho trẻ trước tuổi học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.    Hoàng Văn Yến (2004), Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục âm nhạc mẫu giáo, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.