Nội san

Soạn đệm cho bài hát mầm non

23 Tháng Mười Một 2015

 Trần Thị Mẫn

           

            Soạn hợp âm hay còn gọi là đặt công năng cho bài hát là kết hợp giai điệu của bài hát với những hợp âm nối tiếp nhau một cách hợp lý, sao cho đúng, phù hợp và hay. Để đặt được hợp âm hay cho ca khúc không phải dễ, điều này phụ thuộc vào năng khiếu cũng như cảm nhận về hòa âm của mỗi người. Đối với sinh viên mầm non, khả năng âm nhạc còn nhiều hạn chế, tuy nhiên để đặt được hợp âm đúng không phải là quá khó.

Soạn hợp âm

Hòa âm của phần đệm luôn gắn liền với giai điệu của bài hát và có những vòng hòa thanh, những quy luật nhất định, vì thế sinh viên cần luyện tập soạn hợp âm nhiều để giảng viên chỉnh sửa, từ đó các em sẽ có thêm kinh nghiệm về cách soạn hợp âm cho bài hát.

            Một số gợi ý khi soạn hợp âm cho bài hát:

            Thứ nhất, đặt hợp âm ở đầu mỗi ô nhịp, căn cứ vào âm trụ (âm chủ yếu ở phách mạnh của mỗi ô nhịp) là âm 1 hoặc âm 3, âm 5 của hợp âm nào đó.

             Thứ hai, nên viết hợp âm dựa và các vòng hòa thanh đã được học: Vòng hòa thanh xây dựng trên bậc I - IV - V, vòng hòa thanh xây dựng trên bậc I - VI - II - V, Vòng hòa thanh theo quãng 4 đúng. 

            Tuy nhiên, có những chỗ đảo lộn trật tự bậc của các vòng hòa thanh, hoặc có thể dùng hợp âm song song thay thế cho hợp âm chính (C//Am, F//Dm, G//Em...).

            Ngoài ra cần lưu ý một số điểm khác như: Âm ở phách mạnh đầu tiên và âm kết thúc của bài hát thường đặt hợp âm chủ để đảm bảo tính ổn định của giọng điệu; phần kết câu, kết đoạn thường đặt các hợp âm không ổn định như S hoặc D; Cũng có trường hợp hợp âm đặt ở phách nhẹ, nhưng khi đó chỉ mang tính chất là hợp âm lướt; các hợp âm thường có khuynh hướng chuyển

đến hợp âm cách chúng một quãng 4 đúng: C"F, D " G, E"A, G"C, A"D, B"E....

            Bên cạnh các bài đệm được viết ở điệu tính chính, còn có những bài đệm phức tạp, sử dụng ly điệu, chuyển điệu. Để soạn được hợp âm cho những bài này là côn việc hoàn toàn không đơn giản. Nó đòi hỏi người học phải có sự am hiểu về hòa thanh, có vốn kinh nghiệm về âm nhạc thông qua việc tích cực nghe và phân tích hòa thanh của bài hát. Sự nối tiếp các hợp âm trong bài hát là rất phong phú và đa dạng. Người đệm đàn giỏi là người biết sử dụng các hợp âm một cách tinh tế, sáng tạo và có hiệu quả.

            Chọn tiết điệu (style)

            Việc chọn tiết điệu (style) cho bài hát được tiến hành sau khi xác định được giọng/ điệu thức, tốc độ và thể loại của bài hát. Cây đàn phím điện tử được cài đặt sẵn rất nhiều tiết điệu khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho người chơi đàn trong việc lựa chọn tiết điệu phù hợp với bài hát.

            Để lựa chọn được tiết tấu phù hợp với bài hát, giảng viên nên đưa ra những gợi ý (dựa vào loại nhịp, tốc độ...), định hướng để sinh viên có sự lựa chọn của riêng mình. Như vậy sẽ phát huy được khả năng sáng tạo và sự cảm thụ âm nhạc cho các em. Vì một bài hát có thể chơi với các tiết tấu khác nhau, tùy thuộc vào sự cảm nhận, sở thích và phong cách đệm của mỗi người. Những bài hát thông thường được các tác giả sáng tác ở những loại nhịp cơ bản như: 2/4, 3/4, 4/4, 6/8. Mỗi loại nhịp đều có thể ứng dụng nhiều loại tiết điệu khác nhau. Ví dụ: với nhịp 2/4 có thể chọn Disco, Polka, March; nhịp 3/4 có thể chọn valse....

            Ngoài ra còn phải căn cứ vào những yếu tố khác như: tốc độ của bài hát nhanh hay chậm, âm hình tiết tấu của bài hát.  Nếu bài hát được viết với tiết tấu chủ yếu là nốt trắng, nốt đen thì bài hát thường có tốc độ chậm, nên chọn tiết điệu có tốc độ chậm. Nếu bài hát được viết với tiết tấu chủ yếu là nốt móc đơn, nốt móc kép thi bài hát thường có tốc độ nhanh, nên chọn tiết điệu có tốc độ nhanh. Bên cạnh đó, cần căn cứ theo phần nhịp điệu thường ghi ở đầu mỗi bài hát như: nhanh - vui hay tình cảm - vừa phải....Có thể thấy sự phong phú và linh hoạt trong cách lựa chọn tiết điệu ở một số vị dụ cụ thể dưới đây:

            Ở bài hát Con chuồn chuồn của nhạc sĩ Hoàng Văn Yến viết ở nhịp 2/4, tính chất vui - linh hoạt, người học nên chọn tiết tấu Disco hay Country. Có thể lựa chọn tiết điệu như vậy cho những bài viết ở nhịp 2/4 khác như: Đu quay của Mộng Lân, Vui đến trường của Hồ Bắc.... Với nhịp 2/4 nhưng bài Em mơ gặp Bác Hồ của Xuân Giao với nhịp độ vừa phải, tính chất tình cảm - trìu mến, lại không thể chọn tiết tấu như trên. Trường hợp này người học nên chọn tiết tấu Pop ballad hoặc 16Beat ballad.  Một số bài khác có thể lựa chọn tiết tiết tương tự như: Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn, Nhớ Ơn Bác của Phan Huỳnh Điểu....

            Ngoài ra, với những bài dân ca của các vùng miền viết ở nhịp 2/4 với tính chất vui tươi - trong sáng, người học nên chọn tiết điệu Bossonova cho phù hợp với âm hình tiết tấu của bài. Ví dụ như bài Lý cây bông dân ca Nam Bộ, Cò lả dân ca đồng bằng Bắc Bộ, bài Múa đàn dân ca Thái - Lời của Việt Anh. 

            Bên cạnh đó có thể chọn tiết điệu Polka, March cho những bài hát viết ở nhịp 2/4 nhưng thuộc thể loại hành khúc. Ví dụ như bài Đi một hai của Đoàn Phi, Chú bộ đội của Hoàng Hà....

             Đối với loại nhịp 4/4 cũng vậy, giảng viên nên hướng dẫn cho sinh viên chọn tiết điệu phù hợp với tính chất và các yếu tố khác của bài hát. Cụ thể như bài Ngọn nến lung linh của Ngọc Lễ, với giai điệu trữ tình, du dương, người học nên chọn tiết điệu Piano Ballade, 16beat Ballade. Cũng viết ở nhịp 4/4 nhưng bài Trái đất này là của chúng mình của Trương Quang Lục - Lời: Định Hải với giai điệu vui tươi, người học nên chọn tiết điệu Disco, Country.

            Khi hướng dẫn sinh viên chọn tiết điệu, giảng viên nên phân tích một số đặc điểm về giai điệu, tiết tấu, để sinh viên hiểu và cảm nhận được tính chất của bài. Từ đó người học sẽ lựa chọn được tiết điệu phù hợp với bài hát.

            Trên đây là một số gợi ý về trong việc lựa chọn tiết điệu cho bài hát. Tuy nhiên để lựa chọn tiết điệu sao cho phù hợp, cho hay thì sinh viên cần tìm tòi, khám phá và đưa ra ý tưởng đệm phù hợp với tiết điệu đã lựa chọn để tăng thêm sự tinh tế cho bài hát cũng như thể hiện được sự sáng tạo của cá nhân trong bài đệm.

            Chọn âm sắc (voice)

            Cây đàn phím điện tử ngoài những tiết điệu rất phong phú còn được cài đặt hàng trăm âm sắc khác nhau. Vì vậy trước khi đệm một bài hát, giảng viên cần phân tích sơ qua về tính chất, thể loại của bài hát để sinh viên có thể lựa chọn được những âm sắc phù hợp với bài hát đó, vì không phải âm sắc nào cũng có thể được sử dụng trong đệm. Bài hát với tính chất và thể loại khác nhau phải lựa chọn những âm sắc khác nhau.

            Đối với những bài hát có tính chất trữ tình, nên chọn những âm sắc có tính chất nhẹ nhàng, du dương như: Piano, Saxophone, Guitar, Violon, Strings, Flute.... Ví dụ như bài Ba ngọn nến lung linh của Ngọc Lễ có giai điệu du dương, nhẹ nhàng, giảng viên có thể gợi ý cho sinh viên lựa chọn âm sắc như sau: Phần dạo đầu: Guitar; Phần phiên khúc: Piano; Phần điệp khúc: Strings; Phần kết: Sweet dream.

            Với những bài hát có tính chất vui tươi, trong sáng nên chọn âm sắc như: Synth lead, Synth pad, Sweet dream, Sunbell...

            Đối với những bài hát ở thể loại hành khúc, nên lựa chọn âm sắc mang tính chất khỏe, sáng, hào hùng như: Trumpet, Accordion, Brass....

            Với những bài hát dân ca: Đàn phím điện tử không có âm sắc đặc trưng vùng miền của Việt Nam, khi đệm những bài hát dân ca hay những bài hát mang đặc trưng âm nhạc của các vùng miền, người chơi đàn thường sử dụng những âm sắc gần giống với tiếng nhạc cụ đặc trưng của các vùng miền đó. Ví dụ: Với những bài hát vùng Tây Nguyên, tiếng đàn T'rưng sẽ được dùng bằng tiếng Xylophone, Vibraphone, Viber, Marimba.... Những bài hát vùng Tây Bắc, tiếng khèn sẽ được dùng bằng tiếng Clarinet.... Những bài hát dân ca của miền Bắc, Trung, Nam, tiếng sáo sẽ được dùng bằng tiếng Flute/Piccolo/Recorder, tiếng đàn nhị sẽ được dùng bằng tiếng Violon, tiếng đàn bầu sẽ được dùng bằng tiếng Pick bass....

            Như vậy có thể thấy, qua những ví dụ trên thì một bài hát có thể sử dụng những âm sắc khác nhau, tuy nhiên cũng không nên thay đổi âm sắc quá nhiều khi đệm đàn, sẽ làm nhòe giai điệu của bài hát. Lựa chọn được âm sắc phù hợp với bài hát và chuyển âm sắc đúng lúc, đúng chỗ sẽ làm tăng thêm sức biểu cảm của bài hát và thu hút được người nghe.

            Soạn nhạc dạo đầu

            Khi đệm hát, việc tiến hành nhạc dạo đầu, nhạc dạo giữa và nhạc kết là rất quan trọng. Những phần này càng phong phú và tinh tế thì phần đệm cho bài hát sẽ có hiệu quả rất nhiều và mang đến cho người nghe sự thích thú những ấn tượng khó quên. Bài hát/ca khúc nói chung thường được thể hiện hai lần với sơ đồ như sau: Nhạc dạo đầu - hát lần 1 - nhạc dạo giữa - hát lần 2 - kết bài. Người đệm đàn thực hiện phần dạo đầu để giúp người hát xác định được cao độ, tốc độ, nhịp điệu, sắc thái... của bài hát, đồng thời giúp người nghe chuẩn bị tiếp thu nội dung và cảm xúc của bài hát...

            Giảng viên hướng dẫn sinh viên khi xây dựng nhạc dạo đầu phải dựa vào giọng điệu và loại nhịp của bài hát. Nhạc dạo đầu có thể dài khoảng 4 đến 8 ô nhịp, hoặc có thể dài hơn nhưng không nên dài hơn một nửa bài hát. Có những phương án xây dựng nhạc dạo đầu như sau:

            - Phương án 1: Lấy một đoạn nào đó (Có thể là đoạn đầu, điệp khúc hay đoạn cuối) trong bài hát làm nhạc dạo đầu. Đây là cách dạo đơn giản, nhiều sinh viên mầm non có thể sử dụng khi đệm đàn. Vì với trẻ mầm non, nếu tiến hành một đoạn dạo quá phức tạp trẻ sẽ khó nhận ra giai điệu của bài hát, hoặc phải nghe nhiều lần trẻ mới nhận ra và hát theo.   

            - Phương án 2: Lấy một đoạn nào đó trong bài hát và tiến hành cho thêm hoặc lược đi một số nốt để làm cho nét nhạc thêm uyển chuyển, phong phú hơn, đồng thời thể hiện được sự sáng tạo nhất định của người đệm đàn. Ví dụ như bài Múa cho mẹ xem của Xuân Dao, người học có thể lấy đoạn cuối của bài làm nhạc dạo

            - Phương án 3: Người đệm đàn có thể sáng tạo ra những nét nhạc mới để làm nhạc dạo đầu, nhưng phải phù hợp với bài hát.

            Đối với những bài hát có tính chất hành khúc - nhịp đi, nên sử dụng những nét nhạc dạo đầu khỏe khoắn, dứt khoát; Với những bài hát trữ tình, nhẹ nhàng nên xây dựng nét nhạc mềm mại, du dương theo đúng tính chất của bài hát.    

            Qua những ví dụ trên cho thấy, có rất nhiều cách xây dựng nhạc dạo đầu khác nhau, tuy nhiên sinh viên cần có sự lựa chọn cách dạo phù hợp nhất với bài hát và người hát. Từ đó mới có thể truyền cảm hứng cho người hát, người nghe và tăng thêm hiệu quả cho bài hát.

            Soạn nhạc dạo giữa

            Đối với nhạc dạo giữa, có thể lấy lại chính phần dạo đầu để tiến hành dạo giữa cho bài hát. Bên cạnh đó người đệm có thể có những sáng tạo nhiều hơn để làm nổi lên phong cách đệm của mình vì lúc này người hát đã xác định được giọng điệu, tốc độ cũng như sắc thái... của bài hát.

            Soạn nhạc kết

            Nhạc kết thường làm nhiệm vụ tạo sự ổn định hoàn toàn cho bài hát. Người đệm đàn thực hiện tốt phần này mang đến cho người nghe những ấn tượng khó quên, tạo ra cảm xúc mạnh mẽ cho bài hát và người biểu diễn.

            Cũng như phần dạo đầu, dạo giữa, có nhiều cách để xây dựng nhạc kết cho bài hát: Nhắc lại câu cuối cùng của bài hát thêm một hoặc hai lần nữa. Nếu nhắc lại nhiều lần thì với sắc thái nhỏ dần; nhắc lại hợp âm chủ ở cuối bài khoảng 3, 4 lần với cường độ to dần (f, ff, fff; có thể nhắc lại một hoặc hai lần vòng kết của điệu tính chính. Các vòng kết có thể là: D - T, D7 -T, S - D - T...; có thể tiến hành một nét nhạc mới để kết bài, tuy nhiên vẫn phải dựa trên cơ sở điệu tính, nhịp, tốc độ, sắc thái tình cảm của bài hát.

            Tạo bè đối xứng

            Bè đối xứng (hay nói cách khác là tạo giai điệu cho phần đệm của tay phải) là một nghệ thuật phối âm không thể thiếu khi tiến hành đệm hát. Nó mang lại tính tương phản giữa âm cao và âm trầm, giữa âm sắc các nhạc cụ, giữa tiết tấu thưa và mau, giữa mạnh và nhẹ... Tạo ra hiệu quả đan xen, bè đối xứng sẽ tôn lên giai điệu của bài hát, tạo ra hiệu quả âm nhạc hòa quện với nhau, vừa tách riêng nhau để cùng diễn tả một nội dung âm nhạc.

            Bè đối xứng có những đặc trưng như: luôn tương phản về tiết tấu; tương phản về âm khu cao thấp; tương phản về âm sắc (giữa tiếng ngân dài như giọng hát, tiếng đàn Violon...với tiếng của các loại nhạc cụ có tiếng ngắn như Piano, Guitar...); tương phản về cường độ mạnh và nhẹ. Trên cơ sở những đặc trưng như vậy người đệm có thể tạo ra bè đối xướng bằng nhiều cách khác nhau như: Dùng 1, 2, 3 hay nhiều âm để dẫn vào âm 1, âm 2, âm 3 của hợp âm, hoặc có thể dẫn vào các âm 1, 2, 3 đan xen nhau.

            Trên thực tế có nhiều cách tạo bè đối xứng cho giai điệu của bài hát, tuy nhiên với khả năng của sinh viên mầm non và những bài hát được sử dụng trong chương trình giáo dục âm nhạc ở trường mầm non thường đơn giản nên giảng viên hướng dẫn cho sinh viên cách tạo bè đối xứng đơn giản như: Tay phải nên dựa theo giai điệu và hòa âm của bài để biến tấu theo giai điệu cho phù hợp; Tay phải có thể đi arco hoặc đi hợp âm rải; Khi giai điệu có chỗ ngân dài có thể chạy gam làm câu dẫn, hoặc nhắc lại giai điệu của câu trước, hay tiến hành một nét giai điệu mới để dẫn vào câu hát tiếp theo; giai điệu tay phải có thể sử dụng tiếng dàn dây (strings) hay những âm sắc khác nhau để đi bè đối xướng sao cho phù hợp với bài hát.

            Tạo bè đối xướng cho giai điệu của bài hát không phải là đơn giản, vì vậy sinh viên cẩn phải luyện tập và nghiên cứu và cọ sát với thực tiễn thật nhiều thì mới có thể mang lại hiệu quả trong quá trình soạn đệm cũng như thực hiện đệm cho bài hát.                                        

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Tú Hương (2004), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb ĐHSP, Hà Nội.

2. Phạm Tú Hương (2007), Lý thuyết âm nhạc cơ bản 2, Nxb ĐHSP, Hà Nội.

3. Ngô Thị Nam, Trần Nguyên Hoàn, Trần Minh Trí (2004), Âm nhạc và

                   phương pháp giáo dục Âm nhạc tập 1,2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Xuân Tứ (2004),  Phương  pháp dạy và học đàn phím điện tử 1, Nxb ĐHSP, Hà Nội.

5. Nguyễn Xuân Tứ (2005), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử 2,

                   ĐHSP, Hà Nội.

6. Sơn Hồng Vỹ (2004), Tự đặt hợp âm cho đàn Guitar và Organ, Nxb Giao

                   thông vận tải, Hà Nội.

7. Hoàng Yến (2007), Trẻ mầm non ca hát, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.