Nội san

Đôi nét về sự tương quan giữa phật giáo và nghệ thuật hợp xướng

27 Tháng Mười Một 2015

 Nguyễn Minh Đức

 

Hợp xướng là một trong những loại hình biểu diễn xuất xứ từ phương Tây và là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống âm nhạc của con người. Qua nhiều thế kỷ, hợp xướng đã trở thành tiếng nói nghệ thuật của quảng đại quần chúng ngay từ khi ra đời. Phật giáo là một tôn giáo được hình thành từ rất sớm và được truyền bá rộng rãi ở phương Đông. Hợp xướng và Phật giáo là hai mảng hoàn toàn khác nhau, nhưng khi được các nhạc sĩ khai thác vào sáng tác và đưa những tác phẩm âm nhạc đó vào đời sống nghệ thuật của con người, nó đã tạo nên một màu sắc mới của sự kết hợp hai luồng văn hóa Đông - Tây.

1.Tương quan của đặc điểm ngôn ngữ trong âm nhạc Phật giáo và nghệ thuật hợp xướng

Như chúng ta đã biết, nghệ thuật hợp xướng là nghệ thuật biểu diễn mang tính tập thể. Từ xưa đến nay, phương Tây vẫn áp dụng rất hiệu quả phương thức dùng âm nhạc là tiếng nói chung của cả cộng đồng, trong đó hợp xướng chính là phương thức tối ưu nhất trong việc đưa âm nhạc, văn hóa, hoặc tôn giáo đến gần với quần chúng nhân dân. Với âm nhạc Phật giáo, nhìn dưới góc độ nghệ thuật chúng ta có thể thấy một kho tàng đồ sộ bậc nhất về giọng (điệu thức), khí nhạc và lời ca trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Viêt Nam. Về giọng, những bài bản của giọng Tụng; Tán; Kệ; Thỉnh… đều được các tác giả ít nhiều đưa vào tác phẩm.

Về lời ca, trong các tác phẩm âm nhạc Phật giáo được chia làm ba dạng chính gồm:

Dạng thứ nhất được rút ra từ kinh sách có thể là tiếng Phạn hoặc tiếng Hán Việt, đại đa số kinh sách đều dùng thể văn xuôi, ngoại trừ trường hợp các bài Kệ dùng thơ 7 từ, ngoài triết lý tôn giáo thần bí, một bộ phận không nhỏ trong hệ thống kinh Kệ đều ở dạng gốc là chữ Phạn được dịch sang chữ Hán.

Dạng thứ hai là dựa trên cảm xúc, đức tin của người nhạc sĩ với Phật giáo, họ đã truyền tải tâm tư tình cảm của người phật tử với Đức Phật qua lời ca mang tính ca ngợi đáng tối cao.

Dạng thứ ba là dạng kết hợp giữa dạng thứ nhất và dạng  thứ hai.

Trong ba dạng trên thì dạng thứ nhất được cho là khó hiểu nhất, dạng thứ hai được phổ biến hơn cả, điều đặc biệt là cả người thực hành nghệ thuật lẫn người thưởng thức dù không thể hiểu hết ngữ nghĩa của “lời ca” theo tiếng Phạn nhưng quá trình sáng tạo - phân phối - lưu truyền và hưởng thụ nghệ thuật vẫn được vận hành với một niềm đam mê cao cả.

Về phần âm nhạc, ta có thể thấy sự tương quan thể hiện ở nhiều khía cạnh của mỗi loại giọng. Ví dụ trong giọng Tán, chúng ta sẽ thấy được dáng dấp của cả một hình thức hát hợp xướng trong đó, bởi cấu trúc hát đồng ca của Tán Canh cùng sự xuất hiện của pháp chủ, tả già, hữu già  rất giống với cấu trúc của một dàn hợp xướng có chỉ huy.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong bài viết Lễ nhạc Phật giáo có nói:

Canh và Kệ là những giọng có nghệ thuật diễn xướng dạng hòa tấu, phức hợp, thường do ít nhất 4 người chia thành hai bên tả hữu (Tả già và Hữu già) hát đồng ca. Nguyên tắc đọc Kệ, Canh phân chia như sau: người sắm vai Pháp chủ (gọi là Thủ) sẽ dẫn câu đầu, xướng trước. Sau đó hai bên tả hữu sẽ bắt vào, mỗi bên hát đồng giọng lần lượt các câu kế tiếp. Nguyên tắc là Tả già tán trước, Hữu già tán sau. Trình độ nghệ thuật cao là giọng hát đồng ca phải đều tăm tắp, cùng lên xuống, cùng luyến láy ngân nga nhiều người như một, người dẫn kẻ luồn đỡ giọng cho nhau… [2, tr. 670].

Tuy nhiên, về cách hát của Tán Canh lại mang đậm màu sắc của chất liệu của lối hát truyền thống vùng miền như (Chèo; Tuồng; Cải Lương…), điều này lại chưa được nhiều nhạc sĩ khai thác đưa vào các tác phẩm hợp xướng.

Khác với giọng Tán, các giọng còn lại như giọng Tụng, Niệm lại được các tác giả sử dụng khá nhiều. Có thể kể đến những câu Niệm thường rất xúc tích ngắn gọn và nêu bật lên hồng danh của vị Phật như trong bài Hương Từ Bi; Mẹ Quán Âm của nhạc sĩ Cù Lệ Duyên, hay tính chất của bài Tụng Kinh cũng được sử dụng vào sáng tác hợp xướng như bài Parasamgate của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

            2.Tương quan về bản chất

Bản chất là thuộc tính căn bản, ổn định vốn có bên trong của sự vật hiện tượng. Bản chất của âm nhạc Phật giáo trong nghệ thuật âm nhạc nói chung và nghệ thuật hợp xướng nói riêng là bản chất “tĩnh”, bởi âm nhạc Phật giáo luôn coi trọng tính thiền, âm nhạc không hướng đến cái vô thường của cuộc sống, mà hướng đến ý nghĩa cao đẹp mà đức Phật dạy, những chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người. Ngược lại, hợp xướng là thế loại mang tính quần chúng rất cao, các tác phẩm hợp xướng của phương Tây thường khá đồ sộ, và hướng tới cái đẹp của nghệ thuật. Một bên với bản chất nghiêng về cái vô thường, sự tĩnh tâm, còn một bên nghiêng về cái đẹp, sự đồ sộ mang tính nghệ thuật cao. Qua đó, chúng ta thấy sự tương quan vẫn mang tính đối lập của âm nhạc Phật giáo, và nghệ thuật hợp xướng. Và để kết hợp được hai mảng này đòi hỏi phải có sự đổi mới trong tư duy của cả hai phía, những Đại đức, Chư tôn, Tăng ni, Phật tử, cho đến những người hoạt động về hợp xướng. Với hợp xướng thì tìm ra những yếu tố mới, hướng đi mới, khai thác triệt để những yếu tố cơ bản trong lễ nhạc Phật giáo, tiền đề tạo ra một loại hình mới. Với Phật giáo, thì hợp xướng sẽ giúp quảng bá hình ảnh cho quảng đại quần chúng, giúp người dân hiểu hơn về Phật pháp, những yếu tố lễ nhạc được kết hợp và mang tính nghệ thuật hơn. 

            3. Vai trò của hợp xướng với Phật giáo trong xã hội ngày nay

Âm nhạc Phật giáo ngày nay đã trở thành một món ăn tinh thần quan trọng trong các nghi lễ Phật giáo, đối với các tăng ni, phật tử. Ở các nước châu Á có nền Phật giáo phát triển như Trung Quốc, NePal, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… các nhạc sĩ của nước họ đều có những cách thức giúp cho âm nhạc Phật giáo đi vào đời sống tinh thần một cách hiệu quả. Có thể kể đến thể loại âm nhạc Phật giáo được hình thành tại Đài Loan năm 1979 đã khẳng định vị thế sánh ngang với các thể loại âm nhạc khác ở đất nước này. Năm 1979, vị đại sư Tinh Vân người khai sáng Phật Quang Sơn - Đài Loan đã nghiên cứu kết hợp những yếu tố của âm nhạc phương Tây và lễ nhạc Phật giáo, và sáng tạo ra thể loại âm nhạc Phật giáo mới mẻ sinh động, phù hợp cới trào lưu và thị hiếu âm nhạc hiện đại lúc bấy giờ.

Phật Quang Sơn đã tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn âm nhạc trong nước và đã cử các đoàn âm nhạc biểu diễn tại Nhật Bản; Hồng Kông và châu Âu, luôn thu hút đông đảo khán giả tham dự. Giới trẻ tại Đài Loan rất thích các đĩa nhạc Phật giáo mang phong cách hiện đại. Có nhiều Album đã phát hành được hàng trăm nghìn bản [4].

            Ở Việt Nam, âm nhạc Phật giáo gần như vẫn còn rất mơ hồ với mọi tầng lớp và đặc biệt là giới trẻ. Âm nhạc Phật giáo mới chỉ hạn chế tại các cơ sở phật giáo để truyền đạo cho các Phật tử là chủ yếu, chứ chưa được quan tâm thực sự và có vị trí trong nền âm nhạc nước nhà. Mặc dù, chúng ta có thể thấy âm nhạc vẫn thường nhật xuất hiện trong những cơ sở Phật giáo nhưng không đủ độ “chất”, không mang tính nghệ  thuật, bởi những ca khúc thường là sự thay lời trên nền nhạc của một ca khúc nào đó, sử dụng lời thơ dùng để ca ngợi Đức Phật và Phật pháp. Có nhiều lý do để giải thích cho sự mơ hồ, hoặc sai lệch trong cách đưa âm nhạc Phật giáo Việt Nam đến gần với người dân. Nhưng có lẽ lý do cơ bản nhất là việc sáng tạo âm nhạc và khai thác các đề tài Phật giáo chưa được thực sự quan tâm, và một phần là do người dân chưa nhận thức được hết ý nghĩa và tầm quan trọng của ngôn ngữ âm nhạc trong việc truyền tải những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc nói chung và tư tưởng Phật giáo nói riêng vào đời sống đức tin của con người.

            Hợp xướng về đề tài Phật giáo, là thể loại nhạc hát Phật giáo mang tính chất bác học đầu tiên được các nhạc sĩ Việt Nam quan tâm. Một số nhạc sĩ đã nhìn thấy một xu hướng mới này, lấy cảm hứng từ hợp xướng nhà thờ của Thiên Chúa giáo đã có mặt trên thế giới hàng thế kỷ, các nhạc sĩ đã kết hợp những yếu tố huyền bí, chưa được khai thác nhiều trong Phật giáo đó là âm nhạc, kết hợp với một loại hình của phương Tây, thể hiện mọi tư duy góc cạnh qua sự kết hợp của nhiều mầu sắc âm thanh như hợp xướng. Sáng tạo ra một thể loại mới trong lịch sử âm nhạc Phật giáo Việt Nam, đó là hợp xướng về đề tài Phật giáo.

            Những tác phẩm hợp xướng về đề tài Phật giáo ban đầu là những tác phẩm khá đồ sộ được các nhạc sĩ truyền tải qua các buổi hòa nhạc lớn, để tuyên truyền về giáo lý Phật giáo đến với người dân thông qua phương tiện truyền tải là âm nhạc, như những tác phẩm Requiem - Đỗ Dũng; Phật Tích - Ngô Quốc Tính; Khai Giác - Nguyễn Thiên Đạo. Những tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc đến người nghe, những Tăng Ni, Phật tử cũng như người dân yêu mến đạo Phật.

            Sau những nhạc sĩ đi đầu trong trào lưu sáng tác hợp xướng về đề tài Phật giáo, đã có nhiều nhạc sĩ quan tâm hơn đến mảng đề tài này. Tuy nhiên, với ý muốn đưa hợp xướng về đề tài Phật giáo đến gần với công chúng, đến gần với cửa chùa các nhạc sĩ đã thu hẹp độ lớn của những tác phẩm hợp xướng, trở thành những tác phẩm hợp xướng về đề tài Phật giáo với cấu trúc vừa và nhỏ để phù hợp với những chương trình nghi lễ của Phật giáo. Có thể kể đến các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Cường như Parasamgate; Đức Phật Đản sinh, thế giới thanh bình; trong Đại lễ Phật Đản 2014 tại Chùa Bái Đính - Ninh Bình. Hay những tác phẩm hợp xướng của nhạc sĩ Phật tử Cù Lệ Duyên, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng trong loạt chương trình Hương Sen Màu Nhiệm. Điều đó có thể thấy, hợp xướng về đề tài Phật giáo đang dần dần đi vào công chúng, như một phương nghệ thuật tiện truyền tải hữu hiệu nhất đến với người dân Việt Nam.

            Về nhu cầu sử dụng tác phẩm Hợp xướng về đề tài Phật giáo tại các cơ sở Phật giáo. Các cơ sở Phật giáo Đình, Chùa, Miếu, là nơi hội họp tâm linh của những Tăng Ni, Phật tử ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Những chương trình âm nhạc chào mừng những đại lễ của Phật giáo tại các cơ sở Phật giáo vẫn thường diễn ra theo định kỳ. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng, những vốn bài, những ca khúc, hợp xướng dùng để biểu diễn ca ngợi công đức của Đức Phật, ca ngợi Phật giáo trong các buổi lễ tại các cơ sở Phật giáo thời gian qua đã có chút khởi sắc hơn so với cách đây 10 năm, những ca khúc đã mang tính nghệ thuật hơn, số lượng ca khúc theo kiểu lắp ghép lời với nhạc một bài hát nào đó đã ít đi. Điều này là nhờ vào lực lượng các nhạc sĩ sáng tác đã khai thác và cho ra đời nhiều ca khúc, hợp xướng Phật giáo. Bên cạnh đó, thị hiếu nghe nhạc của người dân, những Tăng Ni, Phật tử cũng cao lên, yêu cầu của những buổi Đại lễ cần chọn lọc những tác phẩm âm nhạc Phật giáo mang tính nghệ thuật cao, và hợp xướng là thể loại làm được điều đó. Từ tư duy nghệ thuật, chất lượng tác phẩm cho đến số lượng người biểu diễn, đều hướng đến sự đoàn kết tập thể của đại gia đình Phật giáo Việt Nam, khi nghe một tác phẩm hợp xướng về đề tài Phật giáo, người nghe sẽ không chỉ  cảm nhận được sự tĩnh tâm, thiền định, thông qua lời ca và giai điệu mềm mại, đôi khi ngời sáng, mà còn cảm nhận thấy sự đoàn kết một lòng của những Phật tử, những người con yêu mến đạo Phật, cảm nhận như đó là tiếng nói mang tính nghệ thuật cao của âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Những cơ sở Phật giáo, khi tổ chức các đại lễ đã sử dụng nhiều những ca khúc, những điệu múa Phật giáo mang tính nghệ thuật cao. Tuy nhiên, hợp xướng vẫn còn khá mới mẻ trong việc đưa vào các cơ sở Phật giáo nhỏ. Có thể, ở các chương trình âm nhạc tại Phật giáo lớn như Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, hay những chương trình âm nhạc Phật giáo độc lập đều sử dụng những tác phẩm hợp xướng. Vì thế, cần một đơn vị hoặc các nhân nào đó đứng lên dàn dựng, đưa những tác phẩm hợp xướng về đề tài Phật giáo đến gần với các cơ sở Phật giáo, Đình, Chùa, tạo cho các nghi lễ Phật giáo những màu sắc đa dạng hơn, mang tính học thuật sâu sắc.

            Hợp xướng là một loại hình nghệ thuật đa thanh, đa sắc điệu, là sự kết hợp nhuần nhuyễn hòa quyện của nhiều giọng, được xem như tiếng nói chung hướng ra quảng đại quần chúng. Với đặc điểm ngôn ngữ hướng ngoại như thế, khi kết hợp với âm nhạc Phật giáo, sẽ giúp cho âm nhạc Phật giáo trở nên gần hơn với với tăng ni, phật tử và những người có niềm tin vào đạo Phật. Trở thành tiếng nói chung mang tính nghệ thuật cao của cả cộng đồng Phật giáo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, với nghệ thuật hợp xướng, âm nhạc Phật giáo xuật hiện sẽ tạo ra những yếu tố phương Đông mới mẻ trong loại hình nghệ thuật xuất xứ từ phương Tây này.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.  Thích Minh Hiền (2014), Tuyển tập Hương Sơn Ca - Nhạc sĩ Phật tử Diệu Thiện - Cù Lệ Duyên, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.

2.  Bùi Trọng Hiền (2011), Bài viết Lễ nhạc Phật giáo, trong cuốn 1000 năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (Quyển 2 - Nhạc cổ truyền), Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.

3.  Nguyễn Đình Lâm (2013), Âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo ở Hà Nội, luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, Thư viện Quốc Gia và Học viện Khoa học - Xã hội Việt Nam, Hà Nội.

4.  Nguyễn Thuyết Phong, Thế giới âm thanh Việt Nam.

http://nguyendinhnghia.net/Theory/html/LeNhacPhatGiaoVN.html

5.  Đỗ Quyên (2008), Những tư tưởng Phật giáo tiêu biểu trong bản nhạc Requiem của tác giả Đỗ Dũng và Lê Anh Thư, luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Viện Nghiên cứu văn hoá (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Hà Nội.