Nội san

Năng khiếu âm nhạc và năng khiếu ca hát, sự cần thiết của âm nhạc với tuổi thơ

27 Tháng Mười Một 2015

Dương Việt Hoàng

 

Trong các nhà trường hiện nay, ngoài việc học tập và giảng dạy thì các hoạt động ngoại khóa của nhà trường đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh một cách toàn diện. Một trong những vấn đề được các nhà trường quan tâm đó là hình thành các câu lạc bộ âm nhạc, thể thao để đáp ứng nhu cầu hoạt động của những học sinh có năng khiếu. Vậy năng khiếu âm nhạc và năng khiếu ca hát là gì? làm thế nào để đánh giá học sinh có năng khiếu trong âm nhạc và ca hát?

1. Năng khiếu âm nhạc

Theo Từ điển Tâm lý học (Vũ Dũng chủ biên): “Năng khiếu là tập hợp những tư chất bẩm sinh, nét đặc trưng và tính chất đặc thù làm tiền đề bẩm sinh cho năng lực”.

Theo quan điểm đó, tư chất là những tiềm năng phát triển được di truyền và bẩm sinh của một con người. Năng khiếu là hệ thống tiền đề bên trong dựa trên những tư chất bẩm sinh - di truyền được phát triển trong đời sống cá thể tạo ra cho cá thể đó năng lực giải quyết với chất lượng và hiệu quả cao những yêu cầu đặt ra. Năng khiếu là dấu hiệu đánh giá trẻ có tài năng. Năng khiếu không thể tạo ra mà chỉ được phát hiện, tìm thấy ở trẻ em.

Theo cuốn Khơi dậy tiềm năng sáng tạo: “Năng khiếu là năng lực còn tiềm tàng về một hoạt động nào đó nhưng chưa bộc lộ ở thành tích cao vì chưa qua tập dượt, rèn luyện nên còn thiếu hiểu biết và chưa thành thạo trong lĩnh vực hoạt động đó”.

Như vậy nếu ở lứa tuổi học sinh có năng lực tiềm tàng về hoạt động nào đó mà chưa được bộc lộ, thì việc phát hiện ra khả năng của các học sinh là quan trọng để được rèn luyện, được bộc lộ năng khiếu nhằm hướng tới thành tích cao. Tương ứng với đó, nếu năng khiếu không được bồi dưỡng kịp thời và bản thân thiếu say mê, kiên trì, sáng tạo thì năng khiếu sẽ bị thui chột.

Trong cuốn Tâm lý học nhân cách Nguyễn Ngọc Bích có định nghĩa về vấn đề năng khiếu như sau:

Năng khiếu là những tiền đề bẩm sinh, những khuynh hướng đầu tiên tạo điều kiện cho năng lực và tài năng phát sinh. Nó bao gồm những đặc điểm tâm sinh lý giải phẫu của hệ thống thần kinh và khuynh hướng tâm lý đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một năng lực nào đó.

Năng khiếu tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực và tài năng. Nhưng không phải trẻ nào có năng khiếu cũng là thiên tài. Một học sinh có năng khiếu đối với hoạt động nào đó không nhất thiết sẽ trở thành tài năng trong lĩnh vực ấy và ngược lại.

Trong hoạt động sư phạm, người ta đã tổng kết được những phương pháp chọn lọc ban đầu về năng khiếu cao (tài năng thiên phú, tự nhiên nói chung) của học sinh, như :

Một là, quan sát hoạt động của học sinh trong Nhà trường.

Hai là, dựa vào điểm số học tập. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng học sinh có năng khiếu cao luôn cũng là học sinh khá, giỏi, thường nhận điểm tốt ở trường. Nhưng cũng lại có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng chỉ dựa vào điểm số học tập để đánh giá năng khiếu là cách làm thiếu chính xác, thiếu hiệu quả.

Ba là, dựa vào ý kiến tiến cử của giáo viên dạy bộ môn. Giáo viên thường có cơ hội quan sát học sinh trên lớp học trong khi chúng giải quyết những nhiệm vụ khác nhau, và nhờ đó ở họ hình thành nên ý kiến đánh giá về năng lực của chúng. Tuy vậy, cũng có những trường hợp học sinh đạt chỉ số thông minh IQ lớn hơn 170 nhưng lại không được giáo viên đề cử vào danh sách học sinh năng khiếu cao.

Bốn là, nhận dạng năng khiếu qua những kỳ thi tuyển chọn vào Đội văn nghệ Nhà trường. Đây là một phương pháp cần thiết, có hiệu quả, nhưng cần được tổ chức nghiêm chỉnh, chặt chẽ.

Năm là, nhận dạng năng khiếu dựa vào nguồn thông tin từ cha mẹ. Cũng là một phương pháp cần nhiều thận trọng khi sử dụng, vì cha mẹ thường có khuynh hướng đánh giá năng lực, năng khiếu của con cái cao hơn thực tế.

Trong lĩnh vực âm nhạc (ca hát, biểu diễn ca hát...), cần tìm những dấu hiệu năng khiếu, tiềm năng âm nhạc như thế nào? Mỗi năng lực này đòi hỏi những kỹ xảo (sự thành thạo) khác nhau. Nhưng dẫu sao cũng có thể lọc ra một số dấu hiệu tài năng, thí dụ tai nghe nhạc, trí nhớ âm nhạc, nhận thức về tiết tấu, bản chất giọng hát, ưu thế của bàn tay, ngón tay…  tùy theo chuyên ngành. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dấu hiệu tốt nhất của tài năng âm nhạc vẫn là những thành tựu hoạt động âm nhạc tốt hoặc vượt trội, đồng thời có trí tưởng tượng bay bổng, nhạy cảm, tức là có nhạc cảm vượt trội.

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Liên Xô B. M Teplov về năng khiếu âm nhạc gồm các thành phần sau:

- Nhạy cảm điệu thức: nhận ra giai điệu, nhạy cảm nhạc lý, nhận biết nốt nhạc nhanh, phát hiện sai, đúng của nhạc lý rất nhanh.

- Khả năng tái hiện thính giác: tái hiện giai điệu bằng tai.

- Nhạy cảm nhịp nhạc: khả năng cảm thụ nhạc theo kiểu vận động, nhận biết tính biểu cảm cao độ của nhịp nhạc và tái hiện nó.

Như vậy có thể nói rằng năng khiếu âm nhạc là sự cảm nhận và tiếp thu âm nhạc một cách nhậy bén, có khả năng tái hiện và sáng tạo âm nhạc trong học tập cũng như biểu diễn.

Trong đời sống âm nhạc, những em bé vừa sinh ra có những biểu hiện rất tốt về cảm thụ âm nhạc, ta có thể gọi đó là năng khiếu. Nhưng nếu sống trong môi trường không tiếp xúc với âm nhạc thì năng khiếu đó cũng mai một. Yếu tố năng khiếu sẽ dừng lại ở chỗ là điều kiện thuận lợi. Điều quyết định vẫn là sự đam mê và luyện tập. Vì vậy năng khiếu âm nhạc trong trường phổ thông hay với môi trường chuyên nghiệp thì cũng chỉ là tiền đề để cho những bước phát triển về sau. Việc tuyển chọn những học sinh có năng khiếu âm nhạc vào đội văn nghệ sẽ là cơ hội để các em có thể tiếp tục duy trì và phát huy những thế mạnh của bản thân.

2. Năng khiếu ca hát

Một người có năng khiếu, không khuyết tật về giọng, để điều khiển được giọng hát của mình, với phương pháp luyện tập tốt, thì mất 900 giờ, nếu mỗi ngày 1 giờ luyện tập thì mất 3 năm. Với các giọng hát đỉnh cao thì không thể lấy mốc 3 năm mà có khi mất vài chục năm học tập.

Để đạt được trình độ ca hát bậc Đại học tại học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì sinh viên mất tổng cộng 8 năm (4 năm Trung cấp, 4 năm Đại học). Tốt nghiệp bậc Đại học Thanh nhạc học viên trình bày 8 hoặc 10 ca khúc tùy vào độ khó bao gồm các bài aria, ca khúc việt nam, dân ca,… Ngành nào cũng vậy, đã đi sâu thì phải đầu tư trí tuệ và thời gian rất lớn.

Theo NSƯT Tạ Minh Tâm - Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Thành phố Hồ Chính Minh “Năng khiếu ca hát là người có giọng tốt, khoẻ khoắn, trong trẻo, vang, sáng, không có tật về phát âm, có cảm thụ âm nhạc nhạy bén (có thể nhắc lại - nghe và lặp lại một giai điệu, đặc biệt là giai điệu khó một cách dễ dàng), người ta gọi là có trí nhớ âm nhạc tốt”.

Giọng khoẻ khoắn là do buồng hơi, lực hơi, hoạt động cơ bắp tốt của bộ máy phát âm, thanh đới, cổ họng. Giọng sang sảng, vang, trong trẻo, chuẩn về cao độ, phát âm, không khuyết tật.

Giọng không được chênh, không bị "phô", không bị lạc giọng, có thể sai nhạc (do chưa được học nhạc) nhưng không được lạc giọng. Lạc giọng là do cảm thụ âm thanh không tốt, sự phối hợp giữa thần kinh thính giác và bộ máy phát âm không tốt.

Đó là yếu tố đánh giá người đó có khả năng học âm nhạc dễ dàng hay không. Những đánh giá đó dành cho các học viên theo học Thanh nhạc chuyên nghiệp nhưng ta có thể dựa vào đó để chọn lọc các học sinh có năng khiếu ca hát trong Nhà trường vào đội văn nghệ để luyện tập, hướng đến đào tạo một cách bài bản, có chất lượng.

Ca hát là môn nghệ thuật phối hợp giữa ngôn ngữ và âm nhạc, gọi là thanh nhạc, khác với khí nhạc là âm nhạc viết riêng cho nhạc cụ diễn tấu. Tiếng hát có rất sớm cùng với tiếng nói của con người, xuất phát từ tôn giáo, lao động, giải trí. Nguồn gốc của tiếng hát là do nhu cầu diễn đạt, con người lúc đầu dùng ngôn ngữ để thông đạt cho nhau những ý nghĩ, tình cảm. Qua thời gian con người tìm cách diễn đạt tình ý một cách khéo léo, tài tình hơn, có nghệ thuật qua các bài văn, bài thơ. Yếu tố âm nhạc, tiềm ẩn trong câu nói, câu thơ ngày càng rõ rệt trong các cách nói diễn cảm, bài đọc trang trọng (diễn văn), ngâm thơ. Xuất hiện rõ nét trong các câu hò, trong các bài hát nhằm tăng sức diễn cảm cho lời nói. Thanh nhạc ra đời dựa trên ngôn ngữ của từng dân tộc, càng ngày càng phát triển cùng với các môn nghệ thuật khác như văn thơ, hội hoạ, sân khấu.

Giọng hát của con người được coi như một nhạc khí sống vì ngoài những âm thanh cao thấp, dài ngắn, mạnh nhẹ, giọng người còn có khả năng phát ra lời, ra tiếng. Nhờ ngôn ngữ mà tiếng hát có sức biểu hiện lớn lao, khả năng diễn đạt tình ý một cách hữu hiệu, có tính giáo dục. Ngôn ngữ làm cho âm nhạc được cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ đi sâu vào mọi tầng lớp xã hội. Vì vậy ca hát trở thành bộ môn nghệ thuật có tính đại chúng.

3. Sự cần thiết của âm nhạc đối với tuổi thơ

Phản ánh cuộc sống hiện thực khách quan thông qua góc độ tình cảm, bằng phương thức trữ tình, là đặc trưng của âm nhạc. Âm nhạc là ngôn ngữ của trái tim, là tiếng nói của tâm hồn, nó có thể tạo ra những rung động sâu xa thầm kín nhất, những tình cảm và những khát vọng hướng thiện của thế giới nội tâm con người.

            Đối với con người Việt Nam nói chung và tuổi thơ Việt Nam nói riêng, các phẩm chất căn bản như tình yêu thương, lòng căm giận, tính thủy chung, tinh thần nhân ái bao dung, nghĩa khí, tôn trọng chính nghĩa và ghét thói gian tà… là những phẩm chất của đạo làm người. Có thể nói trong sự nghiệp giáo dục, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, những nội dung giáo dục con người đã được đưa một cách nhẹ nhàng, tinh tế vào âm nhạc, tạo được hiệu quả lớn trong sự phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ. Qua hơn nửa thế kỷ, âm nhạc đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành những phẩm chất cao đẹp cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Trong khi tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm thì âm nhạc bằng ngôn ngữ của nó như giai điệu, hoà thanh, tiết tấu…, cũng thể hiện cái đẹp và tác động đến con người bằng khoái cảm thẩm mỹ do nó đem lại. Với một tâm hồn trẻ thơ, sự tác động vào khoái cảm thẩm mỹ của âm nhạc là yếu tố được trẻ tiếp nhận đầu tiên. Tình cảm thẩm mỹ do âm nhạc đem lại là một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy năng lực sáng tạo của con người và nó đã được hình thành căn bản ngay từ giai đoạn thơ ấu của đời người.

Âm nhạc, bao gồm cả tiếng hát ru, những làn điệu dân ca du dương trìu mến, cả những giai điệu mượt mà êm ái của những khúc romance, những bản serenade, những bản khí nhạc cổ điển… góp phần làm cho con người, kể cả trẻ nhỏ được thư giãn, phảt triển thể lực mạnh khoẻ, phục hồi sức lực, là tiền đề cho việc phát triển trí lực một cách lành mạnh, hoàn thiện sau này. 

Ngày nay trẻ em ở nước ta đã và đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển triển trí thông minh, óc sáng tạo. Vai trò và tác động của âm nhạc tới quá trình hình thành những phẩm chất của nhân cách con người đã được định và đề cao. Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã làm cho thế giới tinh thần được nâng cao, nhưng đồng thời cũng dễ tạo ra sự thiếu hụt những giá trị truyền thống, tính mềm mại, uyển chuyển trong tư duy và tình cảm. Cần bù đắp sự thiếu hụt ấy bằng các tác phẩm nghệ thuật, bằng một nền âm nhạc lành mạnh dành cho các em, đem lại cho các em những nguồn sống phong phú, cao đẹp, nâng cánh các em bay cao, bay xa thực hiện những ước mơ chân chính của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.    Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.    Vũ Dũng (2012), Từ điểm Tâm lý học, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

4.    Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Tâm lý lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5.     A. Xô - Khor (1956) (Vũ Tự Lân dịch), Vai trò giáo dục của âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

      6.  Nguyễn Cảnh Toàn ( 2004), Khơi dậy tiềm năng sáng tạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội

     7.  A. V. Petrovski (1982), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.